Phân Tích Mô Hình SWOT Của Coca-Cola - rketing

Mô hình SWOT của Coca-Cola: Coca-Cola là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong ngành nước giải khát và nổi tiếng trên toàn thế giới. Hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy thương hiệu ở mọi nơi trên thế giới từ nhà riêng, văn phòng, khách sạn, quán bar hoặc siêu thị, các cửa hàng bán lẻ. Theo thống kê về độ nhận diện thương hiệu thì tới 94% người tiêu dùng khi được hỏi đều biết về Coca-Cola với biểu tượng đỏ và trằng. Để có thể làm được điều này, Coca-Cola đã thực hiện các bước phân tích thị trường thế nào, đâu là điểm mạnh điểm yếu của Doanh nghiệp. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết phân tích SWOT của Coca-Cola dưới đây.

MỤC LỤC
  1. 1. Tổng quan về thương hiệu
  2. 3. Phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola 
    1. ・Thế mạnh (Strength) của Coca-cola 
      1. 1/ Coca-Cola là một thương hiệu nổi tiếng
      2. 2/ Thị phần toàn cầu cùng danh mục sản phẩm lớn
      3. 3/ Mạng lưới phân phối rộng khắp
      4. 4/ Chiến dịch tiếp thị đẳng cấp thế giới
    2. ・Điểm yếu (Weakness) của Coca-cola
      1. 1/ Quá phụ thuộc vào thị trường đồ uống giải khát
      2. 2/ Rủi ro về tỷ giá ngoại tệ
      3. 3/ Các vấn đề liên quan tới nguồn nước
      4. 4/ Nghi vấn bao bì hủy hoại môi trường
      5. 5/ Phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp
    3. ・Cơ hội (Opportunities) của Coca-cola
      1. 1/ Đa dạng hoá sản phẩm 
      2. 2/ Tập trung vào đồ uống tốt cho sức khoẻ, thay vì nước ngọt 
      3. 3/ Mở rộng quan hệ đối tác
      4. 4/ Khai thác thị trường ở các nước đang phát triển 
      1. 5/ Xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến
      2. 6/ Mua bán và sáp nhập 
    4. ・Thách thức (Threats) của Coca-cola 
      1. 1/ Mối đe dọa cạnh tranh rất cao 
      2. 2/ Quy định mới của chính phủ về nước giải khát 
      3. 3/ Nhu cầu về sản phẩm thân thiện với sức khỏe
  3. 4. Phân tích PEST của Coca-Cola 
    1. ・Môi trường kinh tế  
    2. ・Môi trường công nghệ
    3. ・Môi trường văn hóa – xã hội
    4. ・Môi trường nhân khẩu học 
    5. ・Môi trường toàn cầu
    6. ・Môi trường chính trị – pháp luật
  4. 4. Lời kết

1. Tổng quan về thương hiệu

Trước khi phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola, chúng ta hãy tìm hiểu qua về lịch sử hình thành và phát triển của Coca-Cola, lý do vì sao Coca-Cola lại là một thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới.

Coca-Cola là thương hiệu đồ uống giải khát không cồn được biết tới rộng rãi trên thế giới hiện nay. Được thành lập vào ngày 8 tháng 5 năm 1886 bởi John Stith Pemberton, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, thương hiệu đã đi vào lòng người tiêu dùng với hơn 2 tỷ sản phẩm được tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thế giới. Nhưng để được như ngày hôm nay, mấy ai biết rằng Coca-Cola cũng đã bắt đầu những bước đi đầu tiên của mình rất khiêm tốn, chỉ từ chín lon đồ uống mỗi ngày vào những năm đầu tiên, và thực sự chỉ là một thương hiệu không có tiếng tăm.

Tuy nhiên hiện nay, vị thế đã khác.

Coca-Cola là thương hiệu đồ uống không cồn lớn nhất trên thế giới với hơn 500 thương hiệu nước giải khát khác nhau, có mặt trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn trong số những loại đồ uống không cồn bán chạy nhất trên toàn cầu thuộc sở hữu của Coca Cola và rất nhiều thương hiệu đồ uống được ưa chuộng như: Coca-cola, Diet Coke, Sprite, Fanta… Ngoài đồ uống có cồn, Coca-cola cũng hướng tới những đồ uống tốt cho sức khoẻ, có nguồn gốc từ sữa và thực vật như Minute Maid, Powerage, Honest Tea… Mặc dù có trụ sở đặt tại Atlanta, Georgia (Mỹ) nhưng hơn 65% doanh thu của Coca cola đến từ bên ngoài nước này.

Thông tin về lịch sử hình thành của Coca-Cola tại website của hãng: https://www.coca-colacompany.com/company/history

Thông tin tổng quan về Coca-Cola:

Tên nguyên gốc The Coca-Cola Company
Năm thành lập Ngày 8 tháng 5 năm 1886
Logo
Quốc gia hoạt động kinh doanh Trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
CEO hiện tại James Quincey
Lợi nhuận kinh doanh 37,27 tỷ đô la Mỹ (năm 2019), tăng 8,65% so với năm 2018.
Đối thủ chính Pepsi, Nestle, Unilever, RedBull, Mondēlez International, Groupe Danone, Kraft Foods…

Báo cáo tài chính thường niên của Coca-Cola theo từng năm:https://investors.coca-colacompany.com/financial-information/financial-results

Bài viết liên quan:

・Chiến lược kinh doanh quốc tế của Coca-Cola

SWOT là viết tắt của bốn từ: Strength, Weakness, Opportunities và Threats trong tiếng Anh. Mô hình SWOT thường được dùng để tối ưu hoá những gì Doanh nghiệp có, nhằm mục đích mang lại lợi thế tốt nhất trong Công ty. Và cũng bằng mô hình SWOT, Doanh nghiệp có thể giảm thiểu được những gì thiếu sót và loại bỏ những nguy hiểm tiềm ẩn. Ngoài ra, mô hình SWOT còn giúp Doanh nghiệp xây dựng được một chiến lược để cạnh tranh trên thị trường, giúp phân biệt hoá với đối thủ.

Bài viết liên quan:

Kỹ thuật phân tích SWOT được dùng để làm gì?

3. Phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola

Tuy có nhiều thành tựu nhất định trên thị trường quốc tế, được đánh giá là thương hiệu được nhiều người yêu chuộng nhưng Coca-Cola cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, tới từ nhiều phía khác nhau, bao gồm cả đối thủ truyền kiếp Pepsi. Mặc cho có những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất định về thương hiệu, sự sáng tạo trong các chiến dịch marketing, nhưng với điểm yếu về đa dạng hoá sản phẩm cùng các cáo buộc pháp lý về bảo vệ nguồn nước đang là những trở ngại lớn mà thương hiệu này bắt buộc phải vượt qua.

Chúng ta hãy cùng nhau phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola trong thông tin ở dưới đây:

・Thế mạnh (Strength) của Coca-Cola ・Điểm yếu (Weakness) của Coca-Cola・Cơ hội (Opportunities) của Coca-Cola・Thách thức (Threats) của Coca-Cola

・Thế mạnh (Strength) của Coca-cola

1/ Coca-Cola là một thương hiệu nổi tiếng

Coca-Cola được biết tới trên toàn cầu là một thương hiệu đồ uống giải khát không cồn, được nhiều tầng lớp Khách hàng ưa chuộng. Được thành lập vào năm 1886 tại Atlanta, công ty đã phát triển mạnh mẽ, trở thành thương hiệu nước giải khát có ga hàng đầu trên thế giới.

Coca-Cola có mặt trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tên gọi và biểu tượng trên phông nền đỏ, chữ trắng, có thể dễ dàng nhận ra giúp Khách hàng nhận diện thương hiệu.

Theo Euromonitor, thị phần dựa trên sản lượng hiện tại của Coca-Cola là 44.3% trong thị thường 314 tỷ USD, nhờ vào các thương hiệu đồ uống được ưa chuộng do Coca-Cola nắm giữ. Á quân trong cuộc chiến thị phần này phải kể tới Pepsi, với 19.1% tổng sản phẩm bán ra. Ngoài ra, Coca-Cola cũng đang thống trị thị trường nước giải khát ở Bắc Mỹ, Đông Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

2/ Thị phần toàn cầu cùng danh mục sản phẩm lớn

Sự đầu tư mạnh mẽ, mang tính chiến lược của Coca-Cola vào các thương hiệu đồ uống trên toàn cầu đã chứng minh được sức mạnh của nó. Năm 2019, Coca-Cola đã chi 3.3 tỷ USD cho quảng cáo, tăng 1% so với năm 2018. Theo Euromonitor thì top 10 thương hiệu đồ uống được ưa chuộng hiện nay là Coca Cola, Pepsi, Sprite, Fanta, Diet Coke, Coca -Cola Zero Sugar, Mountain Dew, 7-Up, Mirinda và Diet Pepsi. Năm trong số 10 thương hiệu trên được Coca cola nắm giữ, chiếm 40% thị phần, và 20% là do đối thủ Pepsi nắm giữ.

Lý do Coca-Cola nắm giữ thị phần lớn nói trên cũng do một phần nằm ở danh mục sản phẩm lớn và đa dạng. Coca-Cola có hơn 500 thương hiệu trên toàn thế giới và cung cấp khoảng 3900 các chủng loại đồ uống khác nhau. Và trong danh mục sản phẩm của mình, Coca-Cola nắm giữ 21 thương hiệu tỷ đô với nhiều sản phẩm có trong danh mục đồ uống ít calo.

Ngoài ra, với mục tiêu cung cấp cho Khách hàng nhiều trải nghiệm đồ uống thú vị, Coca-Cola còn có một sảnh trải nghiệm đồ uống có tên là “Taste it” tại Atlanta. Tại đây, Khách hàng có thể nếm thử hơn 100 loại đồ uống khác nhau, tất cả đều là những thương hiệu có cực kỳ được ưa chuộng.

Một danh mục sản phẩm lớn, cộng với nhiều thương hiệu đồ uống có giá trị tỷ đô trên toàn cầu, thực sự đây là một điểm mạnh không thể không kể tới trong quá trình phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola .

Các bài viết liên quan

・Phân tích SWOT của Starbucks・Phân tích SWOT của TH True Milk

3/ Mạng lưới phân phối rộng khắp

Nhờ vào thị phần lớn cùng khả năng thống lĩnh thị trường, Coca-Cola có thể nắm giữ khả năng thương lượng cao đối với các nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh của mình. Dựa trên đó, công ty này có thể có những đàm phán về giao dịch tốt hơn và trở nên linh hoạt hơn trong hoạt động của mình.

Ngoài ra, là gã khổng lồ trong thị trường đồ uống thế giới, Coca-Cola còn có mạng lưới rộng khắp gồm các nhà đóng chai, nhà phân phối và bán lẻ độc lập để phân phối sản phẩm đồ uống của mình. Mạng lưới phân phối chính là một trong những thế mạnh của Coca-Cola , giúp công ty có thể quản lý được sự hiện diện của mình trên toàn cầu. Chỉ riêng năm 2019, toàn hệ thống Coca cola đã bán được hơn 30,3 tỷ hộp đơn vị sản phẩm và tính bình quân thì hơn 2 tỷ đơn vị sản phẩm Coca-Cola được tiêu dùng hàng ngày.

Coca-Cola cũng sở hữu một doanh nghiệp đóng chai cho riêng mình, tạo ra khoảng 10% doanh thu hàng năm. Doanh nghiệp đóng chai này có nhiệm vụ đóng chai sản phẩm của Coca-Cola , các đối tác và bán chúng cho các nhà phân phối và bán buôn trên toàn thế giới. Bằng cách kiểm soát chuỗi cung ứng của mình từ sản xuất tới phân phối, Coca-Cola có thể nâng cao hiệu quả lao động, loại trừ những trung gian gây ảnh hưởng tới chi phí lao động.

4/ Chiến dịch tiếp thị đẳng cấp thế giới

Các chiến dịch tiếp thị, khuyến mại nhằm thống lĩnh thị trường đồ uống cũng là một trong những thế mạnh hàng đầu của công ty. Với nhiều chiến lược tiếp thị độc đáo khác nhau, Coca-Cola đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Tên gọi, biểu tượng của Coca-Cola có thể nhận ra ở bất cứ nơi đâu, ám chỉ độ mạnh về nhận diện thương hiệu của Doanh nghiệp.

Tại Việt nam cũng vậy, chắc mỗi độ xuân về, không ai là không nhớ tới cánh én mùa xuân màu vàng, trên nền đỏ nổi bật của Coca-Cola . Đây chính là một điểm mạnh về nhận diện thương hiệu mà Coca-Cola đã khởi tạo hàng trăm năm.

Mặc dù là thương hiệu đứng đầu ngành đồ uống giải khát nhưng Coca-Cola vẫn chi tiền rất mạnh tay cho các chiến dịch quảng cáo của mình. Năm 2021, Coca-Cola đã chi hơn 4 tỷ USD cho việc tiếp thị kỹ thuật số, các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút fan hâm mộ cũng như người theo dõi khắp nơi trên thế giới (So với năm 2020 là 2,8tỷ USD).

Số lượng người theo dõi trên các kênh mạng xã hội của Coca-Cola cũng là một lời nhắc nhở về vị thế vững chắc về sự kết nối của Công ty với Khách hàng. Chỉ tính riêng trên Facebook, Coca-Cola đã có hơn 106 triệu người theo dõi. Và không chỉ dừng lại ở con số trên, Doanh nghiệp này vẫn còn đang đổ công sức vào các chiến dịch nhận dạng thương hiệu một cách thường xuyên.

mo-hinh-swot-coca-cola

Mô hình SWOT của Coca-Cola (Ảnh minh họa)

・Điểm yếu (Weakness) của Coca-cola

1/ Quá phụ thuộc vào thị trường đồ uống giải khát

Mặc dù đầu tư một mạng lưới đồ uống phong phú với nhiều thương hiệu đắt tiền nhưng nguồn thu của Coca-Cola vẫn chủ yếu tới từ thị trường đồ uống không cồn. Khác với đối thủ nặng ký Pepsi khi công ty này cố gắng mở rộng sản phẩm ra các thị trường như đồ ăn nhẹ, ngũ cốc, khoai tây chiên, mì ống và nhiều loại sản phẩm làm từ sữa, thì Coca-Cola vẫn trung thành với thị trường đồ uống của mình. Và như một lẽ dĩ nhiên, trong những năm gần đây, sức ép về doanh số và doanh thu từ Pepsi đang đè nặng lên Coca-Cola , khi người tiêu dùng cũng dần thay đổi thói quen ăn uống khiến đồ uống có đường truyền thống không còn được ưa chuộng. Doanh số và thu nhập ròng của công ty cũng giảm khoảng 30% trong những năm gần đây.

2/ Rủi ro về tỷ giá ngoại tệ

Một trong những yếu tố không thể không nhắc tới khi phân tích mô hình SWOT của Coca-Cola là tỷ giá ngoại tệ. Với hơn 60% doanh thu của toàn công ty tới từ thị trường ngoài Mỹ nên Coca-Cola cũng phải có những chiến lược và công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro do biến động của tỷ giá hối đoái. Và lẽ đương nhiên các công cụ phòng ngừa rủi ro nói trên cũng phải chịu một số chi phí.

3/ Các vấn đề liên quan tới nguồn nước

Nước chính là một trong những nguyên liệu thô, quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất trong chuỗi cung ứng của Coca-Cola nhưng cũng là một nguồn nguyên liệu hạn chế. Coca-Cola đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ chính về hoạt động quản lý nước trong quá khứ, cũng như những phản đối về việc gây ra tình trạng khan hiếm nước ở một số nơi trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ.

4/ Nghi vấn bao bì hủy hoại môi trường

Theo các báo TearFund năm 2021, Coca-Cola là một trong bốn thương hiệu tiêu dùng lớn nhất trên thế giới khiến cho sự nóng lên của toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do lượng khí thải carbon trong quá trình sử dụng và chế biến chai nhựa ngày càng gia tăng. Để có thể có một chương trình phát triển lành mạnh, Coca-Cola cần phải suy nghĩ và dự tính nhiều hơn về sự phát triển thương hiệu trong logic môi trường xanh.

5/ Phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp

Một điểm yếu khác của Coca-Cola là sự phụ thuộc vào hệ thống công nghệ do bên thứ ba cung cấp. Trong năm gần đây, Coca-Cola đã ký hợp đồng kinh doanh 5 năm với Microsoft để cung cấp phần mềm kinh doanh. Việc liên tục ký kết hợp đồng với các bên thứ ba khiến ảnh hưởng tới doanh thu cũng như sự bảo mật về an toàn thông tin của công ty.

Các bài viết liên quan

・Phân tích mô hình SWOT của Apple・Phân tích mô hình SWOT của Unilever

・Cơ hội (Opportunities) của Coca-cola

1/ Đa dạng hoá sản phẩm

Để tăng trưởng và mở rộng nhanh hơn nhằm bắt kịp với thị trường, Pepsi đã phải không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm của mình để đa dạng hơn. Mặc dù thị phần của Coca-Cola phủ rộng, nhưng mức độ đa dạng hoá còn khiêm tốn. Vậy nên, ngoài đồ uống, Coca cola có thể cân nhắc chuyển hướng sang các thị trường khác như đồ ăn nhẹ…

2/ Tập trung vào đồ uống tốt cho sức khoẻ, thay vì nước ngọt

Ngoài thị trường đồ uống có ga, những năm gần đây Coca-Cola cũng đang chuyển sang hướng các sản phẩm thân thiện với sức khoẻ như nước uống ít calo và nước tăng lực. Cụ thể, trong những năm gần đây, Coca-Cola đã mua lại Topo Chico để giới thiệu Honest Tea và Vitamin Water ra thị trường quốc tế.

Hay các chiến dịch nước trái cây, trà và cà phê pha sẵn cho nhân viên văn phòng bận rộn. Theo báo cáo thường niên gần đây của mình, Coca-Cola đã phát triển và ưu tiên giảm lượng đường trong đồ uống của mình. Và cho tới nay, 28% sản lượng sản phẩm bán ra của Coca-Cola là đồ uống ít calo hoặc không có calo. Bằng cách này, Coca-Cola có thể phát triển danh mục sản phẩm của mình, tiếp cận được thị trường mới và tăng doanh số một cách bền vững hơn.

3/ Mở rộng quan hệ đối tác

Có thể nói rằng, quan hệ đối tác giúp Coca-Cola mở ra được một cơ hội mới cho bản thân mình. Bằng cách hợp tác với các thương hiệu khác bao gồm đồ uống, đồ ăn nhẹ, Coca-Cola vẫn đang từng bước thống lĩnh thị trường và mở rộng thị phần của mình, từ đó giúp Coca cola giảm được áp lực cạnh tranh trên thị trường. Việc sở hữu một số nhãn hiệu nước uống đóng gói như Kinley giúp Coca Cola sở hữu cơ hội với tiềm năng tăng trưởng lớn trong việc mở rộng phân khúc sản phẩm mới cũng như mạng lưới sản phẩm của mình.

mo-hinh-swot-coca-cola

Mô hình SWOT của Coca-Cola (Ảnh minh họa)

4/ Khai thác thị trường ở các nước đang phát triển

Gần đây, gã khổng lồ về đồ uống Coca cola đang đạt được nhiều thành công từ các nước đang phát triển và giảm phụ thuộc vào các thị trường đã bão hoà. Ví dụ, thương hiệu nước dừa Zico được cung cấp cho thị trường châu Á gần đây của Coca cola đang nhận được nhiều tín hiệu bán hàng khả quan. Và cũng tại chính thị trường của các nước đang phát triển này, Coca cola có thể cung cấp sản phẩm đồ uống phong phú của mình, kết hợp thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới rộng khắp để mở rộng thị trường, tăng doanh thu.

Hoặc nhiều khu vực có khí hậu nóng nên có mức tiêu thụ đồ uống cao nhất tại các thị trường mới nổi như các nước Trung Đông và Châu Phi là một ví dụ điển hình cho các điểm ngắm tiếp theo của Coca-Cola.

5/ Xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến

Hoạt động kinh doanh của Coca-Cola trên thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào sự hậu cần và chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia khác nhau. Khi chi phí vận tải và giá nhiên liệu luôn có xu hướng tăng như hiện nay thì việc xây dựng một chuỗi cung ứng tiên tiến cho riêng thương hiệu của mình sẽ là điều Coca-Cola phải cân nhắc cho chiến lược phát triển trong tương lai.

6/ Mua bán và sáp nhập

Mặc dù Coca-Cola có nhiều kế hoạch để phát triển và mở rộng sản phẩm của mình sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng thâm nhập, chiếm lĩnh thị phần và mở rộng thị trường của mình. Coca-Cola cần phải thực hiện nhiều các thương vụ mua bán và sáp nhập các công ty con, mới nổi. Coca-Cola hoàn toàn có thể làm được điều này dễ dàng vì thương hiệu có nguồn lực tài chính dồi dào cũng như độ tín nhiệm cao trong mạng lưới các ngân hàng trên toàn cầu.

・Thách thức (Threats) của Coca-cola

1/ Mối đe dọa cạnh tranh rất cao

Một trong những yếu tố thách thức đầu tiên trong mô hình SWOT của Coca cola đến từ mối đe dọa cạnh tranh của các thương hiệu đồ uống như Pepsi, nước tăng lực RedBull và Monster. Mặc dù Coca cola đang dẫn đầu trong phân khúc đồ uống nhưng công ty đang có nhiều mối đe dọa tăng trưởng trong cả chi phí lẫn hoạt động kinh doanh do sự cạnh tranh ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, các đối thủ của Coca Cola còn đến không chỉ từ một nguồn mà còn từ nhiều nguồn, cả cạnh tranh trực tiếp lẫn gián tiếp. Mặc dù cạnh tranh trực tiếp đến từ nhiều thương hiệu khác nhau nhưng vẫn còn nhiều công ty và thương hiệu đang cạnh tranh gián tiếp với Coca Cola như Starbucks, Costa Coffee, Tropicana, nước trái cây Lipton và Nescafe. Đây là các thương hiệu cạnh tranh gián tiếp với Coca Cola và đe dọa vị trí của thương hiệu trên thị trường.

2/ Quy định mới của chính phủ về nước giải khát

Tại rất nhiều quốc gia, chính phủ có ban hành nhiều đạo luật mới liên quan tới việc bán nước ngọt và hàm lượng đường để chống béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng áp đặt nhiều mức thuế khác nhau cho đơn vị đồ uống có ga. Các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Coca Cola vì hãng sẽ phải trả nhiều thuế hơn và cải tổ lại đồ uống để phù hợp với các quy định mới. Cũng như, mức phạt do không tuân thủ cũng tăng lên dẫn đến áp lực lên quỹ tài chính của Công ty này.

3/ Nhu cầu về sản phẩm thân thiện với sức khỏe

Sự tăng cường ý thức về sức khỏe khiến cho ngày càng nhiều người tiêu dùng áp dụng lối sống lành mạnh, và tránh các sản phẩm không lành mạnh. Sự gia tăng ý thức về sức khỏe có thể làm giảm doanh thu và lợi nhuận của Coca Cola khi Khách hàng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm lành mạnh hơn do đối thủ cạnh tranh cấp.

Ngoài ra, nhu cầu về các sản phẩm tốt cho sức khỏe đã tăng cao trong những năm gần đây. Những xu hướng này nhìn chung đã ảnh hưởng không tốt tới Coca cola khi hãng này được xem là một trong những thương hiệu có những sản phẩm không lành mạnh, dễ gây béo phì…

Kể cả Coca cola đang cố gắng cải thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng thì việc đáp ứng những nhu cầu này cũng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào hoạt động tiếp thị thu hút Khách hàng.

Xem thêm bài viết liên quan:

Bí mật về chiến lược marketing của Coca-Cola

4. Phân tích PEST của Coca-Cola

・Môi trường kinh tế

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong các năm từ 2015 tới 2019 tương đối cao, từ 6.68% tới 7.02%. Năm 2020, kinh tế nước nhà bị ảnh hưởng mạnh của đại dịch COVID nhưng cho tới năm 2022, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, tăng trưởng của Việt nam sẽ phục hồi trở lại và đạt mức 6.5% trong năm nay và tiếp tục tăng lên tới 6.7% năm 2023.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn bị đánh giá là ở mức cao. Mặc cho năm 2021 thì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam giảm ở mức thấp nhất kể từ năm 2015, 1.84% nhưng các mặt hàng tiêu dùng vẫn có giá cả leo thang do tình hình kinh tế thế giới không ổn định, giá cả nhiên liệu leo thang. Những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Cocacola nói chung và các công ty khác nói riêng.

・Môi trường công nghệ

Công nghệ ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi. Các ứng dụng công nghệ hiện nay trong ngành giải khát tập trung vào quy trình sản xuất và cải tiến bao bì sản phẩm, nỗ lực trong việc giảm lượng nước và năng lượng sử dụng trong sản xuất cũng như tái chế hoặc thu mua lại các chai, can, lọ,…

Nhiều ý tưởng sản xuất vỏ chai thân thiện với môi trường, dễ tái chế đang được nghiên cứu và ứng dụng như:

・Vỏ chai PlantBottle được làm từ nhựa và 30% thành phần từ cây mía và mật đường tinh chế, có thể tái chế 100%. Việc sản xuất loại vỏ chai này sẽ giúp giảm 30% lượng khí thải CO2 so với các loại vỏ chai PET chủ yếu làm từ dầu mỏ hiện nay. Ý tưởng cho các loại chai mới sẽ đem đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

・Trong lĩnh vực đồ uống, các nhà sản xuất thường đưa ra nhiều loại sản phẩm có hương vị khác nhau. Việc xây dựng và vận hành vài dây chuyền nhà máy để cung cấp từng loại sản phẩm như vậy là rất đắt đỏ.Việc phân phối chúng cũng gặp nhiều thách thức, chưa kể đến việc phải có những kho chứa lớn để chứa đủ loại hương vị như vậy.

Tuy nhiên, vỏ chai được sản xuất theo quy trình mới sẽ chỉ cần đến một dây chuyền sản xuất duy nhất để tạo ra mùi vị cơ bản, ví dụ cola. Những hương liệu khác cấu tạo thành hương vị của sản phẩm sẽ được đựng trong những nút nhựa hàn kín, gắn xung quanh rìa cổ chai. Quy trình sản xuất này vừa giúp giảm giá thành sản xuất lại giúp người tiêu dùng có thể có thêm sự lựa chọn. “Ý tưởng ở đây là công ty có thể đưa ra nhiều lựa chọn hơn, nhưng lại phân phối ít sản phẩm hơn”.

・Môi trường văn hóa – xã hội

Người tiêu dùng Việt Nam trẻ trung, khỏe mạnh và ham vui. Người Việt Nam nói chung rất yêu nước, tự hào dân tộc, yêu thích thể thao đặc biệt là yêu thích bóng đá. Người dân Việt Nam rất thích thể hiện bản thân và quan tâm nhiều đến các thương hiệu. Ngoài ra, giới trẻ Việt Nam rất sáng tạo, muốn thể hiện bản thân và thử nghiệm những điều mới mẻ.

Hơn nữa trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam còn quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe. Ngoài chuyện ăn ngon, người ta còn chú ý đến việc ăn uống sao có lợi cho sức khỏe. Một kết quả khảo sát của Công ty TNS trên 1.200 người, sinh sống ở TP. HCM và Hà Nội, cho thấy có đến 85% người được phỏng vấn trả lời rằng sức khỏe đối với họ còn quan trọng hơn cả sự giàu có.

Với những thay đổi trong nhận thức của ngành tiêu dùng, các công ty sản xuất đồ uống và thực phẩm như Coca-Cola cần có những chính sách đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe người tiêu dùng.

Giới trẻ ngày càng nhiều người thích trò chơi điện tử để giải trí hơn là xem truyền hình. Điều này mang lại cơ hội mới cho các nhà làm quảng cáo trên thế giới. Ở Mỹ, một số hãng quảng cáo cho McDonald’s, CocaCola, Pepsi, Nestle hay Volvo đã bắt đầu cuộc đua tìm cách đưa các sản phẩm vào quảng cáo trong các trò chơi điện tử. Nắm bắt được xu hướng này, Coca-Cola sẽ có thể thực hiện các chiến lược marketing sử dụng phương pháp tiếp cận Khách hàng mới này.

・Môi trường nhân khẩu học

Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 98 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Việt Nam là một quốc gia đa chủng tộc: có hơn 54 nhóm dân tộc, trong đó người Việt là đông đảo nhất. Người Việt chiếm khoảng 86% dân số cả nước và sinh sống tập trung tại khu vực đồng bằng trong khi hầu hết những nhóm dân tộc thiểu số khác sống chủ yếu tại khu vực trung du và miền núi.

Dân số đông và tăng lên mỗi năm, dân số tập trung chủ yếu ở đồng bằng, và các thành phố lớn, vì vậy khu vực này là thị trường chủ yếu. Cơ cấu dân số vàng sẽ đem lại cơ hội cho các công ty trong ngành có được nguồn lao động trẻ, có tay nghề.

Kết quả từ số liệu điều tra mẫu cho thấy hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Thời kỳ mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Ngoài yếu tố là thị trường trẻ, thu nhập của người tiêu dùng ở các đô thị Việt Nam cũng đã tăng đáng kể trong vài năm gần đây. Trong một chừng mực nào đó, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng và lối sống của người Việt Nam.

・Môi trường toàn cầu

Các vấn đề toàn cầu hiện nay gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của công ty như:

Môi trường ô nhiễm: Lượng khí và chất thải công nghiệp do các công ty thải ra môi trường ngoài là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Các sản phẩm từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến và được nhiều người ưa thích, ủng hộ.

Sự khan hiếm nguồn nguyên liệu: Nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Vì vậy, đối với các sản phẩm giải khát trong ngành thì việc tái chế hiệu quả vỏ lon nước ngọt là cần thiết.

Chi phí năng lượng ngày càng gia tăng: Các công ty trong ngành cần tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay thế, vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Sự can thiệp của nhà nước vào việc sử dụng và tái chế tài nguyên: Các nhóm dư luận xã hội luôn tạo áp lực đòi hỏi nhà nước và các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc khai thác tài nguyên, tái chế nguyên,nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Không chỉ có Coca-Cola mà hiếm có doanh nghiệp nào dám công khai thoái thác các trách nghiệm này.

・Môi trường chính trị – pháp luật

Hệ thống pháp luật tác động đến các doanh nghiệp ngày càng gia tăng: Luật chống độc quyền, quyền sở hữu trí tuệ, bằng phát minh sáng chế, … sẽ tạo ra cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty trong ngành. Ngoài ra với sự phát triển hiện nay của các nhóm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng sẽ là một đe dọa với nhiều công ty. Bởi lẽ vì điều này sẽ làm tăng vị thế của người tiêu dùng lên, buộc công ty phải có trách nhiệm hơn về an toàn sản phẩm, quảng cáo trung thực và có văn hóa,…

4. Lời kết

Trên đây là những phân tích về mô hình SWOT cùng phân tích PEST của Coca cola, phiên bản đầy đủ nhất. Với bốn khía cạnh trong phân tích ma trận SWOT của Coca cola, hy vọng bạn đọc đã có thể hình dung được điểm mạnh, điểm yếu, cũng như những cơ hội và thách thức mà công ty này đang gặp phải, cùng các yếu tố bên ngoài vây quanh thương hiệu.

※ Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn tham khảo của các tác giả khác nhau

Nguồn tham khảo:

https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/

Từ khóa » Swot Của Coca Cola