Phân Tích Nhân Vật Người Đàn Bà Hàng Chài Ở Tòa Án Huyện

Đăng nhập

Việt Nam Overnight Trang Chủ Diễn Đàn > E - CÁC CÂU LẠC BỘ > CLB Học Tập > Học Online >
  1. Tặng tiền điện tử miễn phí Thông tin quan trọng
  2. Phát thẻ điện thoại miễn phí Thông tin quan trọng
  3. Những nhiệm vụ kiếm tiền Thông tin quan trọng
  4. Hướng dẫn kiếm tiền Binance Thông tin quan trọng
FR CV NV QC Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 3 Tháng năm 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết: 2,003
    Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện​ Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích sau: "Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình: – Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc , ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối... -Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không?-Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề. -Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật. – Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi. – Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được! – Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi. – Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh... – Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên. – Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông... – Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo? – Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú? Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp: – Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. – Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? -Đột nhiên tôi hỏi. – Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no..." (Trích Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu , Ngữ Văn 12 , Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam , 2015, tr.75-76) Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyên Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. [​IMG]​ Trong "Trăng sáng", nhà văn Nam Cao từng gửi gắm quan niệm nhân sinh về nghệ thuật: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Nghệ thuật chân chính luôn xuất phát từ cuộc đời và vì cuộc đời. Không chỉ Nam Cao, mà nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng luôn tâm niệm thiên chức "nâng giấc cho những kiếp người cùng đường tuyệt lộ" như vậy. Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được Nguyễn Minh Châu viết từ quan niệm giàu tính nhân văn đó. Truyện ám ảnh người đọc trước hết bởi hình tượng người đàn bà hàng chài với số phận éo le, ngang trái cùng vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, đức hi sinh cao cả. Nỗi đau thân phận cũng như vẻ đẹp tâm hồn chị được tập trung khắc họa qua đoạn văn: "Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình [...] Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no..." Nguyễn Minh Châu là nhà văn quân đội trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới với những sáng tác mang cảm hứng đời tư, thế sự, qua đó gửi gắm những vấn đề đạo đức và nhân sinh. Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" viết năm 1983, mang đậm phong cách tự sự, triết lí của Nguyễn Minh Châu. Trong truyện, tác giả đã chọn ngôi kể là nhân vật Phùng – một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Được sự phân công chụp một bức ảnh về thuyền và biển cho bộ lịch năm sau, anh đã tìm đến vùng biển miền Trung – chiến trường cũ của anh để tác nghiệp. Sau một tuần phục kích, Phùng thu vào trong máy ảnh bức tranh cảnh biển với chiếc thuyền ngoài xa tuyệt đẹp. Nhưng, cũng chính trong khung cảnh lung linh, đẹp đẽ ấy, Phùng ngỡ ngàng phát hiện ra cảnh tượng phi đạo đức, phi thẩm mĩ – cảnh bạo lực trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sau đó, người đàn bà – nạn nhân của hành vi bạo lực được mời đến tòa án huyện để giải quyết việc gia đình. Không phải Đẩu hay Phùng, mà người đàn bà mới là nhân vật trung tâm của tình tiết xảy ra tại tòa án huyện. Trong đoạn trích trên và trong cả tác phẩm, người đàn bà hiện lên với những éo le, nghiệt ngã của số phận. Không chỉ là người phụ nữ xấu - "rỗ mặt", "thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch", chị còn là nạn nhân của đói nghèo: "...trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối." Lão Hạc đói phải ăn củ chuối, cụ Tứ đói phải ăn cháo cám, còn cả nhà chị hàng chài phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Món ăn nào cũng gợi lên cảnh cơ cực, bần hàn. Lão Hạc và cụ Tứ là nạn nhân của năm đói Ất Dậu đã đành. Gia đình hàng chài sống giữa thời bình mà cũng không thoát kiếp đói nghèo. Cái đói nghèo bủa vây tứ phía. Thiên nhiên khắc nghiệt – đói; đông con – đói; chồng trốn lính – đói... Giấu giàu không ai giấu được nghèo, cái đói nghèo hằn in trên "khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ", trên "lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng" – những hình ảnh đầu tiên mà Phùng nhìn thấy về người đàn bà trên bãi biển. Khổ vì đói chưa hết, chị còn đau vì chồng. Người chồng chị tin tưởng, yêu thương trao gửi cả cuộc đời bỗng dưng trái tính trái nết, trở nên vũ phu, tàn độc. Một cổ mấy tròng, chị vừa là nạn nhân của nghèo đói, vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình: "Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu..."; "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Chị bị hành hạ như cơm bữa, như "thói quen", như cái nhịp đều đều của guồng quay cuộc sống. Cái đói hành hạ thân xác, anh chồng hành hạ cả thân xác lẫn tinh thần. Nỗi khổ này chồng chất lên nỗi khổ kia. Bão táp cuộc đời tới tấp ập đến. Người khác dứt bỏ là xong, chị lại không thể dứt. Thành ra cái khổ cứ như đóng dấu triện lên thân phận chị. Cái thân hình vập vạp ấy cứ như sinh ra để hứng chịu mọi nỗi khổ ở đời. Người khác "khổ tận cam lai", chị tận khổ mà chưa một phút thấy "cam lai". Chị là hình ảnh tiêu biểu cho biết bao người phụ nữ vùng biển khác. Nên không phải ngẫu nhiên mà từ đầu đến cuối truyện, nhà văn không gọi nhân vật người đàn bà bằng tên riêng, mà chỉ gọi chị, hoặc mụ, người đàn bà... Đó là dụng ý của nhà văn. Qua thân phận một người mà hiện lên thân phận của biết bao người khác. Vậy nhưng, vượt lên trên số phận bi kịch, người phụ nữ vô danh ấy vẫn tỏa sáng cho đời bao vẻ đẹp lấp lánh. Bên ngoài chị giống như viên ngọc thô lấm láp nhưng trong chiều sâu nhân bản lại là viên ngọc quý ánh lên một tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ. Trước hết, chị là người vợ nhân hậu, bao dung, vị tha, giàu đức hi sinh. Người vị tha luôn sống và nghĩ cho người khác, không quan tâm đến thiệt thòi cá nhân. Chị cũng vậy, luôn nghĩ cho chồng, nên thay vì đổ lỗi về phía anh, chị lại nhận hết trách nhiệm về mình. Chị day dứt vì mình làm khổ chồng: "cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật". Với chị, chồng có thay tính đổi nết cũng một phần do lỗi ở mình "đẻ nhiều". Chi tiết khiến ta ngạc nhiên và thêm yêu quý chị là khi được Đẩu gợi ý ly hôn để thoát cảnh bạo hành, chị lại tha thiết van xin: "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Trong đoạn trích này chị lại thêm một lần tha thiết: "Các chú đừng bắt tôi bỏ nó". Để rồi sau những lời bộc bạch từ gan ruột của người đàn bà ấy, ta vỡ lẽ ra rằng, sâu xa của lý do không bỏ chồng chính là sự nhân hậu, bao dung và thấu hiểu của chị. Có với nhau trên dưới chục mặt con, chị thấu hiểu hơn ai hết bản chất của chồng. Chị chia sẻ: "lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi". Hắn đã từng chấp nhận cảnh "nghèo khổ, túng quẫn" vì trốn đi lính cho ngụy. Sống nghèo khổ, túng quẫn chứ không bao giờ chấp nhận cầm súng để bắn vào đồng bào mình. Bản chất người chống ấy là tốt. Chị đã nhìn thấu điều đáng trân trọng ấy ở chồng. Trân trọng điểm tốt của nhau để chung sống – chị không chỉ là người hiểu chuyện mà vô cùng độ lượng. Không phải ai cũng có cái nhìn và cách ứng xử như vậy đối với người bạn đời của mình, kể cả những người giàu có, học rộng hơn chị. Chưa hết, dù bị chồng đánh đập, hành hạ, nhưng chị nhìn chồng mình không phải là phạm nhân mà là nạn nhân. Chị hiểu rằng chính sự thất học, đói nghèo, lam lũ đã khiến chồng chị thay đổi, chứ bản chất anh đâu phải như thế. Cũng như chị, anh là nạn nhân của hoàn cảnh mà thôi. Đó lại là một cách nhìn, cách hiểu đầy bao dung, thấu hiểu đối với chồng. Người vợ ấy trước sau vẫn nhìn thấy ở chồng những điều đáng trân trọng, nâng niu. Thấu hiểu cho chồng, nên không chỉ không chọn cách bỏ bỏ chồng mà chị còn chấp nhận bị đánh như một cách san sẻ nỗi đau với chồng. Chị biết anh không biết uống rượu, không thể tìm đến rượu để quên đi những nghiệt ngã, éo le của cuộc đời, nên chị lặng im "không kêu than, không chạy trốn, cũng không chống trả" mỗi khi bị anh ta đánh đập. Để qua mỗi nhát roi quất xuống ấy, chồng chị có thể giải tỏa một phần uất ức tích tụ thì chị cũng cam lòng. Nhận về mình nỗi đau để làm vơi đi nỗi đau của chồng, đức hi sinh cao cả như chị quả thật khiến người khác vừa xót xa, vừa khâm phục. Thứ hai, chị là người mẹ có tình yêu thương con tha thiết, tình mẫu tử thiêng liêng, cảm động. Dù với tư cách nào, người vợ hay người mẹ, chị đều tỏa sáng vẻ đẹp đáng quý. Người mẹ ấy ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ của người phụ nữ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn"; "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!". Đó là tấm lòng hi sinh vì con. Sợ các con bị tổn thương tinh thần, có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực nên khi các con đã bắt đầu hiểu chuyện, chị xin với chồng cho lên bờ mà đánh. Có người mẹ nào lại đành lòng để con nhìn thấy cảnh bố đánh mẹ. Chị cũng vậy, thương con, chị cố tránh cho con chứng kiến những cảnh tượng đau lòng trong chính gia đình mình - một cách ứng xử thật nhân bản. Đó cũng là lí do vì sao chị phải gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại. Phác là thằng bé thương mẹ, nên sẵn sàng đánh lại bố để bảo vệ mẹ. Chị sợ thằng Phác lớn lên trên thuyền sẽ nhiễm thói bạo lực từ cha, có thái độ căm thù và những hành vi không phải đạo với cha. Tình thương con ở chị gắn liền với lý trí, với cảm quan nhạy bén của một người mẹ thấu hiểu mọi chuyện, luôn nghĩ cho con, chỉ không nghĩ cho mình. Yêu thương con, niềm vui của chị trong cuộc sống cũng gắn với miếng cơm manh áo của con: "Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no..." – niềm vui giản dị, mà cũng thật tội nghiệp. Khi cái nghèo, cái đói bủa vây, chị đâu dám mơ ước gì xa xôi, lo được bữa cơm no bụng cho các con đã là hạnh phúc lớn lao đối với người mẹ nghèo. Thứ ba, chị là người phụ nữ thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Cái sự thâm trầm trong thấu hiểu lẽ đời dường như chị chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bên ngoài. Nhưng trong tiềm thức, chị hiểu rõ thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình, nên với tư cách nào, chị cũng có cách ứng xử nhân văn. Chị hiểu trong cuộc mưu sinh đầy cam go: thuyền ở xa bờ, cần một người đàn ông khỏe mạnh, biết nghề, để chèo chống khi phong ba và để làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con. Chị hiểu với người khác, khi bị chồng bạo hành, chỉ cần bỏ chồng là xong. Nhưng nhìn vấn đề một cách thấu suốt nên chị đã không chọn cách giải thoát cho riêng mình mà đẩy các con vào cảnh sống bấp bênh, li tán. Với chị, một gia đình hạnh phúc là một gia đình với đầy đủ các thành viên, dù đây đó vẫn còn những nhân cách không thật đẹp. Chị chọn giữ cho các con một gia đình trọn vẹn, dù phải nhận thiệt thòi về mình. Thế mới thấy chị hiểu đời, hiểu người sâu sắc biết bao. Sâu sắc, hiểu lẽ đời, nên trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt chiu những niềm hạnh phúc nhỏ bé, bình dị ("...nhìn con được ăn no, trên thuyền cũng có khi vợ chồng, con cái sống vui vẻ, hoà thuận") để bù đắp lên những cơ cực đang đè nặng lên vai, để vững lòng tiếp tục sống, tiếp tục hi sinh. Chị lấy con làm niềm vui, lấy gia đình làm điểm tựa để vượt lên số phận nghiệt ngã của chính mình. Là người hiểu chuyện, nên chị nhận ra trong lời khuyên của Đẩu là những suy nghĩ còn ngây thơ, nông cạn. Chị đã chỉ ra sự ngây thơ, nông cạn ấy khiến Đẩu và Phùng phải thay đổi cách suy nghĩ: "Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...". Theo chị, muốn hiểu được người khác, đầu tiên phải từ bỏ cách nhìn phiến diện, một chiều, phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Sự sâu sắc trong cách ứng xử của người đàn bà từng trải ấy đã khiến cho lí lẽ sách vở phải chịu "lép" thế trước lí lẽ đời. Chị đã khiến Phùng và Đẩu vỡ ra nhiều điều về cách nhìn nhận con người, cuộc sống. Chị khiến họ từ ngạc nhiên đến hiểu chuyện, từ tức giận thay cho chị đến cảm thông cho chị và cho cả chồng chị. Để rồi thay vì tiếp tục khuyên chị bỏ chồng, họ đã chọn cách khác, đến gặp người chồng vũ phu để giáo huấn. Như vậy, chị đâu có ngờ nghệch, vô lí như cách chị cam chịu chồng, chị vô cùng sâu sắc. Chị thất học, xấu xí, nhưng vô cùng hiểu chuyện. Câu chuyện ở tòa án huyện không chỉ khiến người đọc hiểu hơn cảnh ngộ và vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài mà còn thể hiện những nét sâu sắc, nhân bản trong cách nhìn nhận cuộc sống, con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua sự thể hiện của tác giả, chiếc thuyền chỉ đẹp khi nó ở ngoài xa trong sương mù bồng bềnh huyền ảo, nhưng khi nó đến gần thì bên trong nó lại bộc lộ những cái thật xấu xí của cảnh bạo lực gia đình. Và trong cuộc sống bất hạnh, trong vẻ xấu xí thô kệnh của người đàn bà khốn khổ kia vẫn ánh lên những nét đẹp của người phụ nữ lao động - cho dù đó là những nét đẹp của sự âm thầm nhẫn nhục cam chịu không đáng có và không nên có của người phụ nữ trong thời đại ngày nay. Cuộc sống đa diện, nhiều chiều, con người có những nỗi niềm sâu kín bên trong, có những vẻ đẹp khuất lấp bên trong, làm sao có thể hiểu một cách đơn giản, dễ dãi được? Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã vượt qua được cái nhìn đơn giản, dễ dãi để hướng đến cách nhìn nhận con người và cuộc sống ở góc nhìn đa chiều, hướng sự quan tâm đến số phận cá nhân con người – nhất là con người lao động vất vả, lam lũ sau chiến tranh. Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: Cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Bởi vậy, nhà văn đã đặt ra vấn đề cần thiết là phải làm sao cho cuộc sống ấy ngày càng tốt đẹp hơn. Chính từ cái nhìn đầy chất nhân văn ấy, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm bức thông điệp đến người nghệ sĩ: Người nghệ sĩ - theo nhà văn - phải đào sâu, phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những góc khuất của cuộc đời. Nghệ thuật chân chính không thể chỉ dừng lại ở sự phản ánh vẻ đẹp bề ngoài của cuộc sống, nhìn cuộc sống từ cái nhìn ngoài xa, hời hợt. Tóm lại, với nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, khách quan, tình huống truyện độc đáo, bất ngờ, tâm lý nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thực, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chắt lọc... Nguyễn Minh Châu đã tạo nên trong tâm trí người đọc ấn tượng đặc biệt về người đàn bà hàng chài: lam lũ, khổ cực nhưng nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh, thấu hiểu lẽ đời. Chị chính là "hạt ngọc" ẩn giấu trong những cái lấm láp của đời. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.
    Phonghau, Tiên Nhi, Mình là Chi và 23 người khác thích bài này. Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng năm 2024 Thùy Minh, 3 Tháng năm 2022 #1 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết
  2. chiqudoll

    Bài viết: 1,410
    Hồi xưa học văn, sách giáo khoa bản đó không được học trích đoạn này, chỉ có mỗi tác phẩm "Mảnh trăng cuối rừng" thôi. Mà tác phẩm này cũng đỉnh quá, nhất là đọc bài của Ms lại càng thấm. *vno 23* Văn của Nguyễn Minh Châu, Chiqu ám ảnh nhất với tác phẩm "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành", đọc khóc như mưa. Nhớ lần đầu đọc năm lớp 12 thì phải, ngồi trên giường của mình trong ký túc xá, đọc xong khóc òa lên khiến cả phòng mười mấy đứa hốt hoảng, tưởng mình bị làm sao. *vno 45*
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 12 người khác thích bài này. chiqudoll, 3 Tháng năm 2022 #2 Đăng ký tài khoản miễn phí để xem thêm nhiều bài viết khác ở đây: Đăng Ký - Việt Nam Overnight
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết: 2,003
    chiqudoll nói: ↑
    Hồi xưa học văn, sách giáo khoa bản đó không được học trích đoạn này, chỉ có mỗi tác phẩm "Mảnh trăng cuối rừng" thôi. Mà tác phẩm này cũng đỉnh quá, nhất là đọc bài của Ms lại càng thấm. *vno 23* Văn của Nguyễn Minh Châu, Chiqu ám ảnh nhất với tác phẩm "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành", đọc khóc như mưa. Nhớ lần đầu đọc năm lớp 12 thì phải, ngồi trên giường của mình trong ký túc xá, đọc xong khóc òa lên khiến cả phòng mười mấy đứa hốt hoảng, tưởng mình bị làm sao. *vno 45*Bấm vào để xem thêm..
    Chiqu đọc có một đoạn trên thì chưa thấy được cái hay của cả truyện đâu á. Để ta tóm tắt cho Chiqu nè: Tóm tắt Chiếc thuyền ngoài xa: Truyện "chiếc thuyền ngoài xa" kể lại chuyến đi tác nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng ở vùng biển miền Trung. Chả là anh được giao chụp một bức ảnh thuyền và biển mà. Một công đôi ba việc, anh tìm về vùng biển là chiến trường cũ của anh ngày xưa, vừa để chụp hình, vừa thăm người bạn chiến đấu tên Đẩu là chánh án tòa án huyện. Sau một tuần phục kích (1 tuần để chụp một bức ảnh, ghê nha, đúng là nghệ sĩ đích thực), Phùng chứng kiến được một cảnh đắt trời cho - cảnh thuyền và biển trong sương sớm. Khung cảnh ấy qua miêu tả của Phùng cứ gọi là đẹp không góc chết luôn ý. Thế là anh chụp liền một lần hết cả cuộn phim. Đúng lúc Phùng đang lâng lâng trong hạnh phúc vì chụp được bức hình ưng ý, thì ultr, chiếc thuyền đi vào gần bờ. Một người đàn ông và một người đàn bà bước ra. Vẻ ngoài của họ xấu xí, thô tháp đến mức Phùng tụt mood luôn (đấy là ta nghĩ thế). Bất ngờ hơn, người đàn ông còn rút thắt lưng ra, không nói không rằng quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Vút, vút, vút.. cứ gọi là tan xương. Ấy thế mà người đàn bà lại không khóc, không kêu, không chống trả, cũng chẳng thèm chạy trốn. Phùng kinh ngạc đến mức mấy phút đầu cứ đứng há hốc mồm ra mà nhìn. Vứt chiếc máy ảnh xuống, Phùng định chạy lại can thì Phác, thằng con của đôi vợ chồng kia từ đâu lao ra, cướp chiếc thắt lưng và quật vào người bố nó. Sau đó nó hứng trọn hai cái tát của bố ngã xuống đất. Tóm lại, đó là cảnh bạo lực gia đình, phi đạo đức, phi thẩm mĩ, đối lập với cảnh đẹp thiên nhiên lúc trước. Và ba ngày sau Phùng lại chứng kiến lại cảnh đó một lần nữa mới rầu chứ. Người đàn bà được mời tới tòa án huyện, tại đây Đẩu khuyên người đàn bà bỏ chồng. Vậy mà mụ lại van xin "đừng bắt con bỏ nó" mới kì lạ. Sau đó chị kể lại câu chuyện cuộc đời mình và những lí do khiến chị không bỏ chồng: Cần người đàn ông chèo chống khi phong ba, cần chồng để cùng nhau nuôi trên dưới chục đứa con, chồng cục tính nhưng hiền lành, do đói nghèo mà sinh ra vũ phu chứ bản tính tốt.. bala.. Tóm lại, chị là người bao dung, vị tha, thương con và sống sâu sắc. Chấp nhận chịu thiệt thòi để giữ cho các con một gia đình trọng vẹn. Qua câu chuyện, Phùng và Đẩu nhận thức ra nhiều điều về cuộc sống, nghệ thuật.. Văn bản Chiếc thuyền ngoài xa: Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn Minh Châu P/S: Các truyện của Nguyễn Minh Châu đều vô cùng thích đọc, sâu sắc, triết lí.
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 13 người khác thích bài này. Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng năm 2022 Thùy Minh, 3 Tháng năm 2022 #3 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết
  4. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết: 291
    Cảm ơn cô nhiều ạ, năm nay em cũng đoán là khả năng cao sẽ thi vào văn xuôi nên khá chú trọng ôn vào bài này với "Người lái đò sông Đà" cả "Vợ chồng A Phủ" vì chưa thấy ra bao giờ, nên tài liệu của cô cứu cánh em nhiều lắm ấy. Hóng nốt cô ra phần cảnh đắt trời cho khi thuyền ngoài xa ạ^^
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 9 người khác thích bài này. tmcxinhdep, 4 Tháng năm 2022 #4
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết: 2,003
    tmcxinhdep nói: ↑
    Cảm ơn cô nhiều ạ, năm nay em cũng đoán là khả năng cao sẽ thi vào văn xuôi nên khá chú trọng ôn vào bài này với "Người lái đò sông Đà" cả "Vợ chồng A Phủ" vì chưa thấy ra bao giờ, nên tài liệu của cô cứu cánh em nhiều lắm ấy. Hóng nốt cô ra phần cảnh đắt trời cho khi thuyền ngoài xa ạ^^Bấm vào để xem thêm..
    Cảnh chiếc thuyền khi ở ngoài xa để giao thành câu 5 điểm thì khả năng ít em à. Cảnh đó như phông nền để làm bật cảnh bạo lực khi chiếc thuyền đến gần. Nếu có đề, thì sẽ dính với cảnh bạo lực một chút, chứ đứng riêng thì sự khái quát ý nghĩa không được trọn vẹn.
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 10 người khác thích bài này. Thùy Minh, 4 Tháng năm 2022 #5 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết
  6. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết: 291
    Thùy Minh nói: ↑
    Cảnh chiếc thuyền khi ở ngoài xa để giao thành câu 5 điểm thì khả năng ít em à. Cảnh đó như phông nền để làm bật cảnh bạo lực khi chiếc thuyền đến gần. Nếu có đề, thì sẽ dính với cảnh bạo lực một chút, chứ đứng riêng thì sự khái quát ý nghĩa không được trọn vẹn.Bấm vào để xem thêm..
    Em hiểu ạ, nhưng em vẫn ôn tất cả cho chắc cú ấy, vì đợt trước Hà Nội em thi khảo sát thì đề có ra là tả cuộc chia ly trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" mà bình thường các cô cũng hiếm khi chú trọng cho bọn em ôn phần đó nên em cũng hơi lo
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 7 người khác thích bài này. tmcxinhdep, 4 Tháng năm 2022 #6
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết: 2,003
    tmcxinhdep nói: ↑
    Em hiểu ạ, nhưng em vẫn ôn tất cả cho chắc cú ấy, vì đợt trước Hà Nội em thi khảo sát thì đề có ra là tả cuộc chia ly trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" mà bình thường các cô cũng hiếm khi chú trọng cho bọn em ôn phần đó nên em cũng hơi loBấm vào để xem thêm..
    Ultr, cú này hiểm nha! Có mỗi chút xíu chia tay rời thành phố mà giao câu 5đ thì đúng là khó lường. (Cô cũng chỉ hướng dẫn mấy gạch đầu dòng cơ bản ^^) Vậy đừng hóng cô nữa nà! Xắn tay lên viết bài thôi. Đăng lên đây cô xem văn phong thía nào.
    Tiên Nhi, LieuDuong, THG Nguyen và 8 người khác thích bài này. Thùy Minh, 4 Tháng năm 2022 #7 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết
  8. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết: 291
    Thùy Minh nói: ↑
    Ultr, cú này hiểm nha! Có mỗi chút xíu chia tay rời thành phố mà giao câu 5đ thì đúng là khó lường. (Cô cũng chỉ hướng dẫn mấy gạch đầu dòng cơ bản ^^) Vậy đừng hóng cô nữa nà! Xắn tay lên viết bài thôi. Đăng lên đây cô xem văn phong thía nào.Bấm vào để xem thêm..
    Ui vậy để hôm nào em gửi bài riêng cô xem để có gì cô mổ xẻ cho em thui, chứ em chưa tốt nghiệp nên em cũng chưa dám đăng diễn đàn phổ cập kiến thức cho các em các bạn đâu ợ hic: < (mà em dân chuyên tự nhiên nên viết văn dở lắm huu: < khi nào em gửi cô đọc cô đừng khóc nhé ợ: <)
    Tiên Nhi, LieuDuong, Annie Dinh và 4 người khác thích bài này. tmcxinhdep, 4 Tháng năm 2022 #8
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết: 2,003
    tmcxinhdep nói: ↑
    Ui vậy để hôm nào em gửi bài riêng cô xem để có gì cô mổ xẻ cho em thui, chứ em chưa tốt nghiệp nên em cũng chưa dám đăng diễn đàn phổ cập kiến thức cho các em các bạn đâu ợ hic: < (mà em dân chuyên tự nhiên nên viết văn dở lắm huu: < khi nào em gửi cô đọc cô đừng khóc nhé ợ: <)Bấm vào để xem thêm..
    Khiêm tốn quá. Tư duy của dân chuyên tự nhiên cô thừa biết chứ. Không theo văn mà điểm thi cao hơn cả lớp chuyên xã hội. Cô cũng dạy một lớp chuyên tự nhiên đây. Cứ gọi là xuất sắc. Em không ngoại lệ, chắc luôn.
    Tiên Nhi, LieuDuong, Phượng Chiếu Ngọc và 7 người khác thích bài này. Thùy Minh, 5 Tháng năm 2022 #9 Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để đọc nội dung ẩn và chia sẻ bài viết
  10. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết: 291
    Thùy Minh nói: ↑
    Khiêm tốn quá. Tư duy của dân chuyên tự nhiên cô thừa biết chứ. Không theo văn mà điểm thi cao hơn cả lớp chuyên xã hội. Cô cũng dạy một lớp chuyên tự nhiên đây. Cứ gọi là xuất sắc. Em không ngoại lệ, chắc luôn.Bấm vào để xem thêm..
    Em chỉ viết văn tả hay viết linh tinh thì uki thui chứ phân tích văn em chưa baoh qua 8 điểm nên tự ti lắm ấy hic: < Cộng thêm khi nào bí quá em viết như viết, kiểu đúng nghĩa chép đề bài luôn ấy: < nên em cũm không chắc nữa :(
    Tiên Nhi, LieuDuong, Annie Dinh và 6 người khác thích bài này. tmcxinhdep, 8 Tháng năm 2022 #10
Từ Khóa:
  • ngữ văn 12
  • phân tích
  • văn học
  • van12
Trả lời qua Facebook
  • Login with Facebook
  • Log in with Google
Tên tài khoản hoặc địa chỉ Email: Bạn đã có tài khoản rồi?
  • Tích vào đây để đăng ký
  • Vâng, Mật khẩu của tôi là:
  • Bạn đã quên mật khẩu?
Duy trì đăng nhập Đăng ký!

Đề tài cần chú ý

  • Ột Éc Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc... Ột Éc replied 7 Tháng mười một 2024
  • Sói Nội quy box học online Sói replied 1 Tháng tám 2023
Đang tải...

Xem nhiều nhất tuần

  • AiroiD Phân tích đoạn trích Thúc Sinh... AiroiD posted 15 Tháng mười một 2024
  • Cơn Mưa Mùa Hạ Nghị luận xã hội: Tuổi trẻ sáng tạo Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 12:36 PM
  • Cơn Mưa Mùa Hạ Nghị luận xã hội: Vai trò của... Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 12:41 PM
  • Cơn Mưa Mùa Hạ Đọc hiểu: Thủ vĩ ngâm - Nguyễn Trãi Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 10:29 PM
  • Cơn Mưa Mùa Hạ Đọc hiểu: Sự trung thực của trí... Cơn Mưa Mùa Hạ posted 25 Tháng mười một 2024 lúc 11:27 PM
Đang tải...

Loại bánh trung thu nào ngon nhất?

  1. Đậu xanh 241 phiếu
  2. Thập cẩm 117 phiếu
  3. Bánh dẻo nướng 48 phiếu
Đăng ký Binance Hướng dẫn cách kiếm tiền trên Binance Việt Nam Overnight Trang Chủ Diễn Đàn > E - CÁC CÂU LẠC BỘ > CLB Học Tập > Học Online > Đang tải...

Từ khóa » Cảm Nhận đoạn Người đàn Bà Bỗng Chép Miệng