Phân Tích Nhân Vật Phương Định Trong đoạn Trích "Vắng Lặng đến ...

Phân tích nhân vật Phương Định trong đoạn trích sau:

Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái óng nhìm có thể thu cả trái đất vào trong tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có những ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

[…] Tôi dung xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻnh chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rung mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng.

Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình.

(Trích Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê, SGK Ngữ văn 9, tập 2).

Bài làm

Con đường Trường Sơn huyền thoại thời kháng chiến chống Mĩ không chỉ có những chàng trai ra trận “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà còn in dấu chân của các cô gái thanh niên xung phong dũng cảm, trách nhiệm, hồn nhiên trong sáng. Nhà văn Lê Minh Khuê đã dựng nên bức tượng đài nữ thanh niên xung phong bằng ngôn từ nghệ thuật qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Trong đó, có lẽ đem đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc là đoạn trích “Vắng lặng đến phát sợ…. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình”. Trong đoạn trích, khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lạ ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh…

Truyện kể về cuộc sống lao động và chiến đấu của ba nữ thanh niên xung phong Phương Định, Nho, Thao trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Họ là một “tổ trinh sát mặt đường” trên tuyến đường Trường Sơn oanh liệt. Nhiệm vụ của bộ ba là “quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, và nếu cần thì phá bom”. Mặc dù tính chất nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, họ vẫn luôn yêu quý công việc và những người đồng đội của mình, luôn giữ cho mình sự ngây thơ, niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống, họ luôn coi trọng những phút giây bình yên hiếm hoi trên chiến trường đầy hiểm trở. Cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ và hiểm nguy nhưng lúc nào họ cũng lạc quan, yêu đời. Tâm hồn nhạy cảm, ý chí sắt đá của tuổi trẻ yêu nước đã giúp họ đứng vững trên chiến tuyến, đối diện với cái chết từng ngày mà không hề run sợ.

Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát. Qua việc miêu tả cảnh phá bom, tác giả đã vừa tố cáo sự tàn ác, khốc liệt của chiến tranh vừa khắc họa hình ảnh một Phương Định anh hùng, kiên cường và bản lĩnh.

Đoạn trích ghi lại tâm trạng của cô gái Phương Định trong một lần đi phá bom đủ toát lên những vẻ đẹp đáng khâm phục. Giọng kể của Phương Định bình thản lạ lùng. Kể việc đi phá bom mà lời kể thản nhiên như chuyện đi đào đất, lấp đường. Với tâm hồn trong sáng và đầy lạc quan cô gái, khung cảnh nơi đây bỗng trở nên thật giản đơn dù không khí chứa đầy sự căng thẳng: “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Ðất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa”. Lê Minh Khuê sử dụng câu văn ngắn liệt kê để diễn tả không khí chiến tranh ác liệt, sợ hãi. Khung cảnh quanh cao điểm thật im lặng đến phát sợ như không còn sống. Cái im lặng của những nguy hiểm đang rình rập. Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về chiến trường ác liệt, nơi hằng ngày Phương Định cùng với những người đồng đội của mình phải sống và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Hiện thực thì luôn khó khăn, khốc liệt nhưng lại hiện lên qua giọng điệu hóm hỉnh của những cô gái xung phong khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn và thu hút người đọc.

Trong không khí căng thẳng và vắng lặng đến rợn người đó, cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, lo sợ. Mặc dù Phương Định đã “quen rồi” nhưng khi đến gần quả bom vẫn thấy sợ. Đó cũng là tâm lí thường xuất hiện khi con người đối diện với hiểm nguy. Không khí nơi chiến trường đầy sự căng thẳng, khung cảnh thật sự tàn khốc nhưng Phương Định lại luôn mang trong mình tâm lý lạc quan, yêu đời, đầy nữ tính của một cô gái. Một cảm giác bỗng đến với cô làm cô không sợ nữa: “tôi đến gần quả bom. Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng dũng cảm của cô như được kích thích bởi sự tự trọng. Lòng tự trọng khiến cô vượt lên trên nỗi sợ hãi. Chính tình đồng đội đã khiến cô vững tâm hơn, yên tâm hơn về công việc nguy hiểm mà mình đang và sẽ phải đối mặt ở phía trước. Bằng sự khích lệ của đồng đội, sự bình tĩnh và cả sĩ diện của bản thân khi “cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo”, Phương Định sẵn sàng đối mặt với công việc một cách tự tin đầy kiêu hãnh. Trong cái tư thế “đàng hoàng bước tới” của Phương Định, ta thấy sự kiêu hãnh của một người con gái Hà Nội.

Khi đã ở bên quả bom, kề sát với cái chết có thể đến tức khắc, từng cảm giác của cô như cũng trở nên sắc nhọn hơn và căng như dây đàn. Cô bình tĩnh, quyết đoán thực hiện các thao tác phá bom: “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom…thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom.” Thần chết nằm chực ở đó chờ phút ra tay. Cô phải nhanh hơn, mạnh hơn nó, không được phép chậm chễ một giây. Thật đáng sợ cái công việc chọc giận Thần Chết đó. Ai dám chắc là quả bom sẽ không nổ ngay bây giờ, lúc Phương định đang lúi húi đào đào, bới bới ấy.

- Không khí giờ đây thật căng thẳng: “Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm.Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Cái rùng mình ấy của Phương Định chính là thử thách đối với mỗi con người. Kề bên cái chết im lìm bất ngờ hiểm nguy có thể đến ngay tức khắc cô đã cảm nhận chính xác trong từng thao tác chạy đua với thời gian vượt qua thần chết. Cách miêu tả của tác giả thật tài tình, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được âm thanh của hai vật bằng sắt chạm vào nhau rồi lại cảm thấy lo lắng như Phương Định, khiến ta thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô. Cô không run tay, không bỏ cuộc và thực hiện nhiệm vụ cho đến thao tác cuối cùng. Cô cố gắng thực hiện các động tác nhanh, chạy đua với thời gian nhưng vẫn cẩn trọng, nhẹ nhàng; chỉ cần sai sót nhỏ thôi là bom sẽ nổ ngay lập tức. Ở đây nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được thể hiện rất rõ. Nhà văn Lê Minh Khuê đã thể hiện sự thay đổi tâm trạng của nhân vật một cách rất tinh tế: từ sự lo lắng, căng thẳng khi mình làm quá chậm, đến sự bình tĩnh lạ thường và những thao tác thành thạo khi phá bom. Rồi trong giờ phút đó người ta cũng dõi theo từng cử chỉ của nhân vật. Một thế giới nội hàm phong phú, đa dạng và rất trong sáng của nhân vật được hiện lên như nó vốn có. Cách nhìn, cách thể hiện những vẻ đẹp của con người trên tuyến đầu Tổ quốc theo khuynh hướng sử thi ấy chính là vũ khí góp phần động viên toàn dân tham gia kháng chiến.

Phương Định mang vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện, hồn nhiên và đầy mơ mộng, như một đóa hoa giữa rừng kháng chiến đầy bom đạn. Trong chiến trường khắc nghiệt ấy, cô hiện lên với vẻ đẹp của nữ chiến sĩ với một lí tưởng cao đẹp. Vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp giữa đất Hà Nội nhưng với một tình yêu nước thiết tha, cô sẵn sàng từ biệt gia đình, từ biệt Hà Nội để đi theo tiếng gọi của non sông và trở thành một cô trinh sát mặt đường trên cao điểm thuộc tuyến đường Trường Sơn.Cô gái trẻ chẳng những mang lí tưởng cao đẹp mà ở cô còn có một sự dũng cảm phi thường. Chẳng ai có thể ngờ được một cô gái đôi mươi, xinh đẹp, trong sáng lại có thể gan dạ đến như vậy. Tiếng bom ác liệt chẳng bao giờ làm cô run sợ. Cô dũng cảm đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập trên cao điểm, với những lần phá bom. Phương Định mang trong mình một nét cá tính vô cùng đặc biệt. Cô coi việc trở thành trinh sát là một chiến tích đáng tự hào, là cái thú của tuổi trẻ. Cô coi những nguy hiểm là điều tất yếu phải đối mặt. Cô mạnh mẽ, dũng cảm nhưng cũng đầy nữ tính.

Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính…

Qua dòng chảy tâm trạng của nhân vật Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.

* Bài có liên hệ

Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó. Đọc “Những ngôi sao xa xôi” ta ấn tượng nhất là khi nhà văn miêu tả nhân vật Phương Định trong một lần phá bom.

Có những bài ca không bao giờ quên, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong tâm trí mỗi người. Văn học với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó, đã phản ánh thời kỳ chiến tranh với những hình tượng đẹp. “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số đó. Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971 của nhà văn Lê Minh Khuê. Truyện đề cập tới cuộc sống và làm việc của ba cô gái thanh niên xung phong nơi chiến trường. Phá bom là công việc thường ngày của các cô.

Phương Định là nhân vật chính và là người kể chuyện góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cô là một cô gái Hà Nội tuổi mười tám đôi mươi xinh tươi, mềm mại, tâm hồn đầy mộng mơ, trong sáng rời ghế nhà trường đi vào Trường Sơn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc,mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại đánh Mỹ anh hùng. Cô cùng đồng đội ở trên một cao điểm, trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn. Công việc của cô vô cùng nguy hiểm: “khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Thế nhưng vật qua không khí nguy hiểm cô vẫn ngời sáng bao vẻ đẹp tâm hồn, ý chí. Lê Minh Khuê đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng căng thẳng, kịch tính: tình huống phá bom để thể hiện vẻ đẹp của Phương Định. Tác giả đã miêu tả tâm lý nhân vật Phương định phá bom rất chân thực.

Qua ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ vẻ đẹp con người hiện ra. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp. Phương Định đến gần quả bom “Vắng lặng đến phát sợ, cây còn lại xơ xác. Đất nóng, khối đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa”. Đây không phải là sự vắng lặng bình yên mà là sự vắng lặng bất thường thật khủng khiếp báo trước sự thịnh nộ, khốc liệt của chiến tranh. Lê Minh Khuê sử dụng câu văn ngắn liệt kê để diễn tả không khí chiến tranh ác liệt, sợ hãi. Không gian xơ xác hoang tàn, mọi thứ bị hủy diệt đến không còn dấu hiệu của sự sống. Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về chiến trường ác liệt, nơi hằng ngày Phương Định cùng với những người đồng đội của mình phải sống và chiến đấu, làm nhiệm vụ. Chính không gian này đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp Phương Định.

Nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. “Tôi đến gần quả bom . Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng tự trọng đã khiến cô trở nên dũng cảm nơi chiến trường. Cô không đi khom nữa mà đàng hoàng bước tới. Cô bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết. Khai thác chi tiết này, nhà văn muốn ca ngợi tư thế tuyệt đẹp của con người Việt Nam khi ra trận: một cô gái mảnh dẻ, nhỏ bé nhưng không hề run sợ trước bom đạn của kẻ thù.

Khi đối diện với cái chết, Phương Định đã tỏ ra bình tĩnh đến đáng sợ. Điều ấy cô cũng hoàn toàn bất ngờ. Trước khi tiếp cận quả bom, cô lo lắng hết sức, vừa sợ vừa lo sơ xuất. Nhưng khi đã tiếp cận nó rồi, trong đầu cô chỉ còn biết là làm cho thật nhanh. Lúc này cô lại thấy hào hứng khi mình đang chạy đua với thần chết, thách thức thần chết. Khi Phương Định đến gần quả bom. Cô bắt tay vào làm công việc của mình. Công việc mà ba năm nay mỗi ngày từ năm đến ba lần cô đều phải làm: Phá bom. Công việc này quả thực rất nguy hiểm, cận kể tới cái chết. Định bỏ thuốc nổ bên cạnh quả bom. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào mỏ quả bom, một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tý! Bỏ quả bom nóng một dấy hiêu chẳng lành”. Không khí giờ đây thật căng thẳng nhưng cô từng nói “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn lần trong ruột những quả bom”. Nguy hiểm lắm, căng thẳng lắm, vậy mà cô vẫn bình tĩnh, thao tác cẩn trọng, tỉ mỉ, thành thạo. Lời văn như dao nhọn, sắc lạnh đến rợn người, khiến người đọc như cảm giác đang trực tiếp trải nghiệm tham gia công việc phá bom cùng với nhân vật vậy! Rồi trong giờ phút đó người ta cũng dõi theo từng cử chỉ của nhân vật. Tiếp đó là những giây phút chuẩn bị kích nổ trái bom: "Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái hố đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình...". Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết nhưng là cái chết mờ nhạt. Các cô gái thanh niên xung phong lạc quan làm việc, cống hiến cho tổ quốc. Cuối cùng mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp. Qủa là một cuộc chiến đấu không cân sức, nguy hiểm đầy ngoạn mục nhưng cô gái đã mạnh mẽ vượt qua. Đến đây, người đọc càng cảm nhận thấy sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, lòng quả cảm vô song, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, vì hòa bình của những cô gái thanh niên xung phong phá bom mở đường đến bấy nhiêu. Qua đó, chúng ta mới thấy hết được ý thức, trách nhiệm công dân cao độ của những con người anh hùng sả thân vì kháng chiến, cách mạng:

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc."

Cùng với “Những ngôi sao xa xôi” nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã thành công ở nhiều phương diện không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật. Bằng sự thăng hoa giữa tài năng và cảm hứng, ngòi bút hiện thực của người nghệ sĩ đã viết lên những câu văn ca ngợi hình tượng những nữ thanh niên xung phong mà tiêu biểu là trích đoạn khi Phương Định phá bom đã thể hiện được phẩm chất chung của họ. Câu văn ngắn ngọn, câu rút gọn đặc biệt được sử dụng tài tình. Đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Giọng văn linh hoạt, ngôi kể thứ nhất thuận lợi việc bộc lộ cảm xúc. Lê Minh Khuê viết ít về những đau thương mất mát với tác dụng động viên, quả thực tác giải góp vào đề tài một tác phẩm hay.

Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu quê hương khác nhau. Tình yêu quê hương được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, nó được biến thành việc làm và hành động cụ thể: Phải biết coi trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn, biết yêu quê hương, không chê bai phản bội quê hương. Tình yêu quê hương luôn gắn với tình yêu gia đình, yêu xóm làng và yêu đất nước.Phải luôn có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương… Biết lên tiếng trước những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu, làm thay đổi dáng vẻ quê hương…

Thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu là xu thế hội nhập, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ cao, vậy thế hệ trẻ cần phải học tập tích lũy tri thức để góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Xây dựng quê hương giàu đẹp bằng bàn tay, khối óc, bằng những đóng góp thiết thực cho cuộc sống. Làm đẹp quê hương trong cách ứng xử văn minh lịch sự trongcuộc sống hàng ngày. Không ngừng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống để làm rạng danh gia đình, dòng họ, mái trường – đó cũng là cách thiết thực nhất để làm rạng danh quê hương, đất nước. Biết biến thực tế khó khăn thành mục tiêu nỗ lực và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Đặt tình cảm với quê hương trong quan hệ với tình yêu đất nước, cần hướng về quê hương song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải biết tôn trọng và yêu quý tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.

Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người.” (Đỗ Trung Quân). Ai lãng quên quê hương là đã tự đánh mất đi nguồn cội và quá khứ của mình. Việc đó cũng chẳng khác đánh mất linh hồn, sống vong ân bội nghĩa, cuộc sóng cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Qua dòng chảy tâm trạng của nhân vật Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô. Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.

Gấp lại trang truyện Lê Minh Khuê cũng như trích đoạn hình ảnh Phương Định phá bom đã neo đậu trong tim ta ấn tượng đẹp. Từ đó, học sinh chúng ta có ý thức trách nhiệm với tổ quốc hơn như trong câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà phải hỏi ta đã làm gì cho cuộc sống hôm nay.”

* Liên hệ với Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Tuổi trẻ Việt Nam luôn là lá cờ đầu tiên phong cho những nổ lực cống hiến vì quê hương, đất nước. Sự cống hiến ấy còn đáng trân trọng hơn khi đất nước đối mặt với những thử thách sống còn của chiến tranh và họ đã dũng cảm chiến đấu, góp sức cho ngày độc lập. Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, cũng giống Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, là những người anh hùng chúng ta không biết tên đã đem lứa tuổi tươi đẹp nhất hóa thân thành dáng hình xứ sở.

Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long hiện lên với những nét đẹp tỏa sáng từ ý nghĩa công việc, từ cách sống, cách suy nghĩ, cách biểu lộ tình cảm đối với mọi người. Lật từng trang viết của Nguyễn Thành Long, chúng ta thấy anh thanh niên có một hoàn cảnh sống và làm việc vô cùng đặc biệt. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây... phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt và cô đơn, cùng với sự vất vả của công việc, anh thanh niên đã để lại nơi người đọc những ấn tượng khó quên bởi những phẩm chất tốt đẹp trong con người anh. Anh là người sống có lí tưởng, có cống hiến cho sự phát triển của đất nước và cống hiến một cách thầm lặng. Với công việc anh là người có tinh thần trách nhiệm, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, làm việc đúng kế hoạch mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt. Anh xem công việc như một nghĩa vụ thiêng liêng, một người bạn nên không thấy cô đơn “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình”. Làm việc một mình không người giám sát nhưng anh vẫn làm một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, vì anh hiểu rằng công việc của mình "gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia". Công việc của anh thầm lặng nhưng rất ý nghĩa và có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh thanh niên còn là người sống nề nếp, ngăn nắp, tự lập và tự chủ trong mọi công việc. Nhà cửa của ông không to như gọn gàng, mọi thứ sắp xếp trật tự, anh còn tự trồng hoa, nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn. Không chỉ vậy anh thanh niên luôn học hỏi, trau dồi kiến thức qua sách vở và những người xung quanh. Anh là người con trai tế nhị, lịch sự, thân thiện và hiếu khách. Anh rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện; phải sống một mình nhưng anh vẫn luôn quan tâm tới người khác: biếu vợ bác lái xe củ tam thất; tặng hoa, tặng quà cho cô gái và ông họa sĩ. Anh cũng là một chàng trai khiêm tốn, có suy nghĩa chín chắn và sâu sắc: anh không nghĩ mình xứng đáng được bác họa sĩ vẻ vì còn nhiều người hi sinh lặng lẽ hơn như thế; anh có những quan điểm về công việc rất hay, ý nghĩa. Có thể nói, với truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa " nhà văn Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh anh thanh niên với nhiều phẩm chất đáng quý. Anh là người sống đẹp và sống có ý nghĩa. Anh là tấm gương tiêu biểu của hình tượng con người lao động mới trong xã hội chủ nghĩa, lặng thầm góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

Hai tác phẩm có đề tài phản ánh khác nhau, thể hiện hình tượng nhân vật khác nhau nhưng cùng hướng đến vẻ đẹp chung của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữa những ngày tháng chống Mĩ ác liệt nhất. Qua hai nhân vật trên ta thấy được hình ảnh của thanh niên Việt Nam trong mọi hoàn cảnh nào, trong mọi thời điểm nào vẫn toát lên những giá trị tốt đẹp. Họ đều là những người thanh niên có lí tưởng cách mạng, yêu nước, biết yêu thương con người, có trách nhiệm với công việc, dũng cảm, can đảm đối mặt với khó khăn, thử thách. Hoàn cảnh sống của họ khác nhau nhưng họ đều sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, đều lấy lẽ sống cống hiến làm mục đích cuối cùng của cuộc đời. Họ là con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ: hăng say lao động và nhiệt huyết chiến đấu. Vẻ đẹp của các nhân vật đều mang màu sắc lí tưởng, họ là hình ảnh của con người Việt Nam mang vẻ đẹp của thời kì lịch sử gian khổ hào hùng và lãng mạn của dân tộc. Hai nhân vật còn là tấm gương, điểm tựa để thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu góp một phần sức lực của mình cho đất nước.

Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, đã ghi lại cái quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã bắt được cái nhịp sống của dân tộc, đã ngợi ca sức sống và vẻ đẹp của con người. Giờ lật lại, chúng ta không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt. Và ta mãi cất lên những bài ca không bao giờ quên - bài ca viết về quê hương, viết về con người bởi tự hào biết mấy hai tiếng: Việt Nam.

Từ khóa » Cảm Nhận đoạn Trích Vắng Lặng đến Phát Sợ