Phân Tích Trốn Tìm

Có lẽ, sau 2 video Trốn tìm (English version by Khang Nguyen), nhiều bạn sẽ thắc mắc: Phiên dịch viên đắt show đã tốn bao nhiêu chất xám để có thể trau chuốt một bản dịch không chỉ chuẩn chỉnh, mà còn lồng ghép rất nhiều “easter eggs” như cách mà các bộ phim tấn thường làm?

Vậy thì, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau quay ngược lại thời gian [turn (back) hands of times] để xem tôi đã giải quyết một số câu chữ đầy ẩn ý và gợi hình của Đen Vâu như thế nào nhé!

Thử thách đầu tiên đến ngay câu thứ hai trong verse 1:

VI: “Lòng em không gợn sóng, cuối cùng anh mất công chìm”

EN: “I was drowned by your innocent waves of beauty”

Khi giải thích về câu này, Đen Vâu đã ví von mình như cục đá được ném mạnh xuống dòng sông, nhưng lạ thay, “sóng” lại không “gợn”, mà như “lòng em” lặng thinh trước tình cảm của anh, khiến anh “chìm” vào bể tình sâu thẳm. Điểm khó ở đây chính là làm sao để giữ nghĩa của 3 từ “lòng em”, “sóng” và “chìm” khi dịch, nhưng vẫn đảm bảo liên kết về mặt hình ảnh. Trong văn học cổ điển có hình tượng “Sắc không có sóng mà làm say lòng người”, và tôi đã dùng “sóng” theo đúng nghĩa đen là “wave”, nhưng mà “wave of beauty” và thể bị động “was drowned” ý chỉ chàng trai đã chìm đắm trước nhan sắc của cô gái. Vậy thì tại sao lại có từ “innocent” ở đây? Từ này dùng với mục đích để hoàn thiện (cover) cho các ý còn lại: “không gợn sóng” và “mất công”. Em đẹp đã đành, nhưng em lại còn “ngây thơ” để nét đẹp đó vương vấn lòng anh, khiến anh tương tư về một tình yêu “ngát xanh” (như bài Ông Bà Anh – Lê Thiện Hiếu). Mặc dù đây không phải là ý nghĩ mà Đen muốn truyền tải từ đầu, nhưng tôi biết, với các ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng gợi hình gợi thanh như vậy, Đen cũng muốn người nghe, dựa vào chính trải nghiệm của mình, có những góc nhìn khác. Và đây chính là một góc nhìn mà tôi cảm thấy vô cùng thú vị khi kết hợp được giữa giá trị hiện đại (rap) và giá trị truyền thống (điển tích) trong ngôn ngữ.

VI: “Phải tự học lấy mọi thứ vì trong “tình trường” làm biếng ghi bài”

EN: “And repeatedly pick up hard-learned lessons in love along the way”

Phải nói đây là một câu mà Đen đã chơi chữ rất hay khi sử dụng từ “trường” trong “tình trường” và “trường học”, kèm hình ảnh “làm biếng ghi bài” như một cậu học sinh mới lớn để nói về sự khờ dại trong tình yêu. Câu này khó hơn câu trên ở chỗ là người dịch sẽ không tìm từ xác nghĩa (như “sóng” và “wave” hay “chìm” và drown”), mà buộc hiểu để diễn đạt lại ý bằng cách khác. Cũng như Đen, tôi sẽ bắt đầu câu bằng một động từ, hay chính xác hơn là cụm động từ (phrasal verb) “pick up”. Lí do tôi không dùng từ “learn” hay “study” vì sẽ không có một tổ chức hay trung tâm nào chuyên dạy về “luyện yêu” như kiểu IELTS hay TOEFL, mà thay vào đó là mỗi người sẽ tự học qua những trải nghiệm của bản thân. Do đó, từ “pick up” nếu tạm dịch theo nghĩa đen thì có nghĩa là chúng ta lượm lặt ở mỗi nơi một chút, giống như những bài học về tình yêu (“lessons”), có thể là đau khổ (“hard-learned”), mà bất kỳ “tấm chiếu mới nào” cũng phải trải qua một lần trong đời. Mà còn hơn nữa là do làm biếng ghi bài, nên cứ lặp lại cùng một lỗi lầm đó với người yêu sau! (tôi diễn đạt bằng chữ repeatedly, một adverb mà khi kết hợp vào câu sẽ nói lên được ý như bản gốc.)

VI: “Vì cách mà em gọi anh, không có "u" và thiếu "y dài" (Ê)”

EN: “When you called me HONEY without O and N (HEY)”

Khỏi cần nói cũng biết là phiên dịch viên Khang Nguyễn cùng đội ngũ đã phải đau đầu như thế nào khi đụng phải một câu khó nhằn như vậy. Nếu dùng từ “LOVE” thì phải bỏ đến tận 3 chữ cái (trong khi bản gốc chỉ bỏ 2), và chữ “E” đứng một mình cũng không mang nghĩa để gọi ai đó trong tiếng Anh. Tôi và các cộng sự của mình đã nhanh trí tìm kiếm từ ngữ mà các cặp đôi thường gọi nhau, và kết quả thì như các bạn đã thấy: Phải tìm một từ thỏa mãn các tiêu chí sau đây: 

  • Là từ mà các cặp yêu nhau thường gọi nhau

  • Vẫn có nghĩa khi bỏ bớt 2 chữ cái. 

  • Từ còn lại sau khi bỏ bớt 2 chữ cái phải có ý nghĩa như chữ “Ê” (Kiểu “Ê mày!” trong tiếng Việt. 

Kết quả là từ HONEY, phải gọi là vô cùng thỏa mãn! 

Vì vậy, khi dịch tiếng Anh, ngoài vốn liếng về ngữ pháp và câu chữ, thì kĩ năng tìm kiếm cũng rất quan trọng. 

Vi: “Hệt như là Beckham vậy, em chỉ giỏi cứa lòng nhau”

En: “You bent it like Beckham, when I was simply not the Becks.”

Đọc tới đây thì chắc hẳn các fan bóng đá sẽ sướng rơn vì Đen đã dùng hình ảnh của một huyền thoại sống trong thế giới bóng đá, không chỉ riêng đối với phái nam với kỹ năng cứa lòng thần thánh, mà còn là phái nữ với độ đẹp trai “thánh thần”! Để truyền tải được hết ý của câu này, dĩ nhiên là người dịch cần phải có kiến thức bóng đá. Ngoài bộ phim nổi tiếng “Bend it like Beckham” thì tôi còn dùng thêm một câu slogan thường được in trên khăn choàng của cổ động viên Manchester United lúc bấy giờ là “Simply the Becks” (Chơi chữ với câu “Simply the best”). Ở bạn dịch này, tôi so sánh cả nhân vật nữ và nam với Beckham, chứ không chỉ riêng “em” như bản gốc. Mục đích là để làm bật lên được sự chênh lệch về “trình độ” giữa hai người khi yêu. Em thì “tài năng, xuất chúng”, có thể “tổ lái” anh, còn anh chẳng khác nào một cổ động viên chỉ mê bóng mà không biết đá, chỉ biết nhìn mà ngậm ngùi!

 

VI: “Gọi tên em làm anh mất giọng hoài”

EN: “I kept calling your name till my breath became air”

Đây có lẽ là câu mà tôi tâm đắc nhất bài. Đen sử dụng hình ảnh rất gần gũi và đời thường mà ai đọc vào cũng hiểu: anh gào thét tên em trong nhớ nhung đến khàn cả giọng, khô cả cổ. Để dịch câu này, thì chúng ta vẫn có thể dùng một số từ ngữ diễn tả đúng nghĩa gốc như “until my throat hurts”, “my throat turned sore”, và hình ảnh gợi lên trong tôi là tựa đề một quyển sách của một bác sĩ: When breath becomes air. 

Cụm từ “till my breath became air” (nhớ chia thì động từ!), bên cạnh việc diễn tả đúng nghĩa gốc, còn có khả năng gợi hình rất cao. Đó là hình ảnh của một chàng trai kêu gọi trong vô vọng, cho đến khi “hơi thở hóa thinh không”. Thế mới nói, chính trải nghiệm của người dịch làm cho bản dịch phong phú và bay bổng là vậy đó các bạn!

 

Vi: 

Niềm cô đơn của những người trưởng thành

Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm

Nhiều khi ta muốn ta được bé lại

Để khi đi trốn có người đi tìm

 

Bài hát của Đen làm tôi liên tưởng rất nhiều tác phẩm khác, nó cứ bàng bạc đâu đó ở nơi nền văn minh đã từng tồn tại, cứ liêu trai nâu vàng lãng quên như phù điêu Apsara, làm tôi nghĩ đến dịch sao cho nói lên được 2 tầng ý nghĩa của câu tiếng Việt. Chỉ đi trốn nếu có người tìm ra mình trong cái hang sâu thẳm của những niềm tự-kỷ-nhưng-luôn-muốn-ai-đó-cần-mình thay vì thái độ leave-me-alone-will-you: 

I wish to turn the hands of time

So one would find my hideaway

I wish to turn the hands of time

So one would care when I am gone 

 

Dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đối với các thứ tiếng gần gũi nhau vẫn có nhiều khác biệt. Không có bản dịch nào là cuối cùng, mà mỗi người tùy theo trải nghiệm, vốn sống, ngôn ngữ của mình mà diễn đạt. Chúc bạn tìm thấy ý nghĩa của riêng mình!

Bạn cũng có thể vào kênh Phien Dich Vien by AKT trên Youtube để theo dõi toàn bộ bản dịch của bài Trốn Tìm:

  • Phần 1:

  • Phần 2:

Từ khóa » Cách Em Gọi Anh Thiếu U Và Y Dài