Phân Tích Từ Kết Quả Bầu Cử Quốc Hội Khóa XV

Cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên - Phân tích từ kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV

16/08/2021

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công, trong đó phải kể đến thành tích đạt tỷ lệ nữ đại biểu lên đến 30,26% - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã tăng cả về chất lượng và số lượng, dự đoán sẽ mang đến nhiều đóng góp tích cực cho Quốc hội và đất nước. Để có thể duy trì và phát huy kết quả này, cần giải quyết những hạn chế liên quan đến kết hợp cơ cấu ứng cử viên và sắp xếp ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử.

Các nữ đại biểu tham gia Chương trình Tập huấn - Tọa đàm nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 do Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức

Đặt vấn đề

Từ ngày 20/7, Quốc hội khoá XV đã tổ chức kỳ họp thứ Nhất. Như vậy, sau nhiều tháng triển khai, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Đây là kỳ bầu cử hết sức đặc biệt - diễn ra trong bối cảnh đất nước cùng lúc thực hiện nhiều trọng trách – vừa tổ chức bầu cử đúng quy định của pháp luật, vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, thời điểm gần sát ngày bầu cử, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư và diễn biến nhanh, phức tạp gây không ít trở ngại đối với công tác tổ chức bầu cử. Mặc dù vậy, cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn, thành công với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu - là kỳ bầu cử có số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu lớn nhất từ trước đến nay.

Trong thành công chung đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này cũng là một điểm sáng, vượt mốc 30% tới 0,26 điểm phần trăm và là kỳ Quốc hội có tỷ lệ nữ đại biểu - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây là lần thứ hai trong 15 khóa Quốc hội đạt trên 30% (Quốc hội khóa V có 32,31% đại biểu nữ).

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện nay của Việt Nam cao hơn 4,7% so với trung bình của thế giới (25,5%)[1] và xếp thứ 53/193 nước theo bảng xếp hạng của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vào tháng 6/2021[2]. Xét riêng trong khu vực Châu Á, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đang cao hơn 11,2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực[3].

1. Điểm sáng về kết quả trúng cử của nữ đại biểu Quốc hội khóa XV

So với khóa XIV, nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Nữ đại biểu Quốc hội có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao hơn nhiệm kỳ trước, đại đa số ở độ tuổi có thể phát huy tốt tiềm năng của mình đóng góp cho Quốc hội, cho đất nước.

Số lượng nữ đại biểu tăng cả trên bình diện chung toàn quốc và cả về số lượng các tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu (30% nữ đại biểu): Quốc hội khóa XV có 151 đại biểu nữ đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước, chiếm 30,26% trong tổng số 499 đại biểu. So với khóa XIV, số đại biểu nữ đã tăng 19 người và tỷ trọng tăng 3,54%.

Số lượng các tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 30% trở lên, đặc biệt là từ 50% trở lên cao hơn so với nhiệm kỳ trước, Tuyên Quang là tỉnh dẫn đầu toàn quốc với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 66,67%.

Bảng 1. Cơ cấu tỉnh, thành phố theo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội

Danh mục

Khóa XV

Khóa XIV

Số tỉnh, thành có tỷ lệ nữ đại biểu từ 50% trở lên

12

8

Số tỉnh, thành có tỷ lệ nữ đại biểu từ 30% đến dưới 50%

23

16

Số tỉnh thành có tỷ lệ nữ đại biểu dưới 30%

26

36

Số tỉnh, thành không có nữ đại biểu

2

3

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV theo tỉnh

Nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV nắm giữ nhiều vị trí ở khối Trung ương hơn: Trong tổng số 151 đại biểu nữ có 01 Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, 01 Bí thư Trung ương Đảng, 01 Phó Chủ tịch nước, 11 Ủy viên Trung ương Đảng (trong đó có 5 Bí thư tỉnh ủy)[4]. Nhiều đại biểu nữ Quốc hội khóa XV ở khối trung ương hơn so với nhiệm kỳ trước và có đại diện nữ thuộc các cơ quan Chính phủ[5].

Bảng 2. Cơ cấu đại biểu theo khối Trung ương, địa phương và tự ứng cử

Cơ cấu

Khóa XV

Khóa XIV

Tổng số

Nam

Nữ

Tổng số

Nam

Nữ

Trung ương

194

150

44

182

154

28

Địa phương

301

195

106

312

208

104

Tự ứng cử

4

3

1

2

2

0

Nguồn: Tổng hợp từ danh sách ứng cử viên và danh sách trúng cử theo khối Trung ương, địa phương và tự ứng cử

Nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã có kinh nghiệm qua một hoặc nhiều khóa Quốc hội, cao hơn so với tỷ lệ của đại biểu Quốc hội là nam giới: Có 65 nữ đại biểu tái cử hoặc đã tham gia Quốc hội các khóa trước, chiếm 43,05%; 86 nữ đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội, chiếm 56,95% trong tổng số đại biểu nữ và chiếm 29,05% trong tổng số đại biểu tham gia lần đầu Trong khi đó, chỉ có 33,96% nam đại biểu Quốc hội tái cử hoặc đã tham gia Quốc hội các khóa trước và 66,04% nam đại biểu lần đầu trúng cử.

Có 12 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trúng cử, trong đó có 02 đại biểu thuộc Trung ương Hội và 10 đại biểu thuộc tỉnh, thành Hội[6] (nhiệm kỳ trước cũng có 12 đại biểu là cán bộ Hội, trong đó có 02 đại biểu ở Trung ương, 09 đại biểu ở cấp tỉnh và 01 đại biểu ở cấp huyện).

Cơ cấu nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đa dạng, đổi mới hơn về thành phần, dân tộc: Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu là người ngoài Đảng trên tổng số đại biểu nữ giảm so với nhiệm kỳ XIV (6/151 so với 12/132) tuy nhiên tỷ trọng ngoài Đảng của nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV vẫn cao hơn so với tỷ trọng tương đương ở nhóm đại biểu nam (3,9% so với 2,2%).

Số lượng nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số tại Quốc hội khóa XV cũng tăng (44 người so với 41 người của khóa XIV), nữ giới chiếm đến 49,43% tổng số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số (44/89 đại biểu), tăng 1,76 điểm phần trăm so với khóa XIV.

Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV có tuổi đời trẻ hơn và trình độ chuyên môn cao hơn: Trong số 151 nữ đại biểu khóa XV, có 30 nữ đại biểu dưới 40 tuổi chiếm tỷ trọng 19,86%. Trung vị tuổi của nữ đại biểu khóa XV là 46 tuổi, thấp hơn con số tương đương ở đại biểu nam khóa XV là 52 tuổi, đồng thời tỷ trọng nữ đại biểu dưới 40 tuổi trên tổng số đại biểu dưới 40 tuổi đã tăng so với khóa XIV (63,82% so với 57,74% khóa XIV).

Về trình độ: có 120 nữ đại biểu có trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 79,5% (nhiệm kỳ trước là 59,1%), trong đó có: 01 giáo sư, 04 phó giáo sư và 20 tiến sĩ. 137 nữ đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân, chiếm 90,73% (nhiệm kỳ trước là 82,58%).

2. Cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội

Những thành công trong kết quả trúng cử nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn về cơ hội trúng cử của các nữ ứng cử viên, có nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể:

Tỷ lệ trúng cử của nữ đại biểu chỉ bằng khoảng ½ tỷ lệ trúng cử của nam đại biểu: Sau hội nghị hiệp thương 3, có 393/866 ứng cử viên nữ được đưa vào danh sách ứng cử chính thức, đạt tỷ trọng 45,38% tổng số người ứng cử chính thức – đây là tỷ lệ cao nhất trong nhiều khóa Quốc hội trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ trọng nữ đại biểu trong danh sách trúng cử chính thức chỉ đạt 30,26% - đồng nghĩa với tỷ lệ trúng cử của nữ ứng cử viên thấp hơn đáng kể so với nam ứng cử viên. Theo tính toán, tỷ lệ này lần lượt là 38,42% ở nữ và 73,57% ở nam giới. Ứng cử viên nữ được kết hợp nhiều cơ cấu hơn với nam giới, đặc biệt là kết hợp 2-3 cơ cấu, làm giảm tỷ lệ trúng cử của nữ ứng cử viên:

Việc kết hợp thêm cơ cấu (người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, người dưới 40 tuổi) làm tỷ lệ trúng cử giảm ở cả nhóm nam (49,6% so với 81,8%) và nữ (28,5% so với 49,5%). Tỷ lệ kết hợp ít nhất 1 cơ cấu của nữ ứng cử viên cao hơn con số tương đương ở nam giới - 52,5% so với 25,6%, tuy nhiên tỷ lệ trúng cử ở nhóm kết hợp cơ cấu của nam lại gần gấp đôi nữ (49,6% so với 28,5%). Về cơ bản, tỷ lệ nữ và nam ứng cử viên kết hợp 01 cơ cấu không quá khác biệt (nam 44,39%, nữ 55,61%). Tuy nhiên, sang đến kết hợp 2 cơ cấu và 3 cơ cấu thì tỷ lệ này có sự khác biệt rõ ràng, đặc biệt là 3 cơ cấu (kết hợp 2 cơ cấu: nam 22,35%, nữ 77,65%; kết hợp 3 cơ cấu: nam 15%, nữ 85%)

Ứng viên nữ địa phương mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng cơ hội trúng cử thấp hơn đáng kể so với ứng cử viên cơ cấu khối Trung ương. Tỷ lệ trúng cử của nữ ứng cử viên khối địa phương chỉ là 30,63%, chưa đến 1/3 tỷ lệ trúng cử của ứng cử viên cơ cấu ở khối Trung ương (97,8%), thậm chí còn thấp hơn cả ứng cư viên tự do – 50%. Việc sắp xếp các nữ ứng cử viên tại một số đơn vị còn chưa hợp lý: Thông thường, tỷ trọng ứng cử viên nữ càng cao thì cơ hội trúng cử càng nhiều – 11/12 (91,7%) số tỉnh/thành có tỷ lệ đại biểu nữ trên 50% là tỉnh/thành có trên 50% ứng cử viên là nữ. Tương tự, 82,6% số tỉnh/thành đạt từ 30-50% đại biểu nữ cũng là tỉnh/thành có trên 35% ứng cử viên là nữ. Tuy nhiên, vẫn có đến 2 tỉnh/thành phố có tỷ lệ ứng cử viên nữ trên 35% nhưng kết quả lại không có nữ trúng cử nào.

Việc sắp xếp còn đáng quan tâm hơn khi nhìn vào số lượng nữ trúng cử tại các đơn vị bầu cử - Hầu hết các đơn vị bầu cử đều chỉ trúng cử 01 nữ đại biểu, kể cả số đơn vị bầu cử có 2, 3 nữ ứng cử viên.

Bảng 3. Số lượng nữ ứng cử viên và số lượng trúng cử tại các đơn vị bầu cử

Số nữ UCV /đơn vị bầu cử

Số đơn vị bầu cử

Tổng số nữ UCV

Số đơn vị trúng 2 nữ ĐB

Số đơn vị trúng 1 nữ ĐB

Số đơn vị không trúng nữ ĐB

Tổng số nữ trúng cử

4

6

24

6

0

0

12

3

59

177

15

44

0

74

2

81

162

3

49

29

55

1

30

30

-

10

20

10

0

8

0

-

-

8

0

Tổng số

184

393

24

103

57

151

Nguồn: Tổng hợp từ danh sách ứng cử viên và đại biểu trúng cử theo các đơn vị bầu cử

Qua các phân tích trên cho thấy, cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên cao khi là ứng cử viên thuộc khối trung ương, không kết hợp hoặc chỉ kết hợp một cơ cấu. Những yếu tố cản trở cơ hội trúng cử của nữ ứng cử viên là: nữ ứng cử viên phải gánh nhiều cơ cấu, nhiều nữ ứng cử viên ở khối địa phương, việc sắp xếp các ứng cử viên ở một số đơn vị bầu cử chưa hợp lý nên có đơn vị có 02 nữ ứng cử viên mà không trúng người nào….

3. Nguyên nhân đạt được kết quả và những hạn chế

Có được kết quả trên là do những nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Một là, quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử viên theo luật định; sự chủ động, linh hoạt, có những giải pháp kịp thời, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức bầu cử địa phương, đặc biệt là công tác chuẩn bị nguồn nhân sự nữ đã được chú trọng, thực hiện sớm, bài bản; tỷ lệ nữ ứng cử viên nhiệm kỳ này đã vượt chỉ tiêu 35% và cao nhất trong các nhiệm kỳ liên tiếp gần đây[7].

- Hai là, công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, được chú trọng, tập trung vào các quy định về bầu cử, bình đẳng giới trong chính sách, luật pháp...

- Ba là, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của cử tri cả nước trong quá trình bầu cử. Cử tri đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong từng lá phiếu để lựa chọn ra những đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần, lĩnh vực xã hội, đại diện cho hai giới nam, nữ để thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

- Bốn là, sự tích cực, chủ động của Hội LHPN Việt Nam trong tham gia công tác bầu cử như: công tác giới thiệu, bảo vệ cơ cấu nữ, bồi dưỡng nữ ứng cử viên; tuyên truyền, giám sát các quy định về pháp luật bầu cử.... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư trên phạm vi rộng và diễn biến vô cùng phức tạp, các cấp Hội đã nhạy bén, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nữ ứng cử viên... kịp thời thích ứng với tình hình thực tế, đảm bảo tham gia hiệu quả vào công tác bầu cử.

- Năm là, nguồn nữ ứng cử viên nhiệm kỳ này chất lượng hơn, các nữ ứng cử viên có trình độ, năng lực, có sự tự tin, chuẩn bị tốt chương trình hành động và có được sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về kết quả bầu cử vẫn còn những hạn chế, cụ thể:

- Vẫn còn tỉnh, thành không có nữ đại biểu Quốc hội, một số đơn vị chưa đạt 35% nữ ứng cử viên và 30% nữ đại biểu. Ở một số địa phương, nữ ứng cử viên vẫn còn kết hợp các cơ cấu như tuổi trẻ, ngoài đảng, người dân tộc thiểu số… nên tỷ lệ trúng cử không cao. Ở một số nơi, sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là trong tham gia công tác bầu cử chưa thực sự chặt chẽ và đồng bộ.

- Đối với các cấp Hội, ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở, lãnh đạo Hội không được tham gia Ban Chỉ đạo hoặc Ủy ban bầu cử, do đó không có cơ hội để tham gia xem xét hồ sơ của ứng cử viên, không được tham gia ý kiến trực tiếp vào công tác chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử ở địa phương. Một số cán bộ Hội năng lực còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng tham gia vào công tác bồi dưỡng, giới thiệu nữ ứng cử viên, bảo vệ cơ cấu nữ, tuyên truyền, giám sát các quy định liên quan đến bình đẳng giới trong công tác bầu cử.

- Vẫn còn một số ứng cử viên nữ có tư tưởng an phận, chưa tự tin phát biểu trước cử tri; chuẩn bị chương trình hành động chưa chu đáo, kỹ lưỡng, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu, nguyện vọng của cử tri. Một số cử tri chưa nhìn nhận đúng về năng lực của ứng cử viên nữ, vẫn còn định kiến, khắt khe với nữ ứng cử viên.

4. Một số đề xuất

- Quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ đại biểu dân cử nói chung và nữ đại biểu nói riêng, đặc biệt là những đại biểu nữ lần đầu trúng cử có thể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và sự tham gia trong các hoạt động của Quốc hội. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nhân dân như: giám sát, xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; kỹ năng chất vấn trước nghị trường, kỹ năng tiếp xúc và thu thập ý kiến của cử tri…..;

- Duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường tiếng nói của phụ nữ về các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử;

- Tập trung tuyên truyền về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; giới thiệu về các đại biểu nói chung và nữ đại biểu nói riêng; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

- Cấp ủy các cấp quan tâm chuẩn bị nguồn nhân sự ngay từ đầu nhiệm kỳ và có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ để có nguồn nữ ứng cử viên đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ tới.

- Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hoạt động về lĩnh vực bình đẳng giới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong kết nối, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các nữ đại biểu, đặc biệt là các nữ đại biểu lần đầu trúng cử; phát huy vai trò tiên phong, truyền cảm hứng của đội ngũ nữ đại biểu dân cử, nữ lãnh đạo quản lý các cấp; thường xuyên nắm tình hình về đội ngũ nữ đại biểu dân cử; chủ động đề xuất chính sách và có các hoạt động hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để đại biểu nữ phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã khép lại đồng thời cũng bắt đầu mở ra một nhiệm kỳ hoạt động mới của các đại biểu nói chung và nữ đại biểu nói riêng. Những mong đợi, kỳ vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cử tri cả nước không chỉ ở những con số về tỷ lệ, mà cao hơn đó là niềm hy vọng, mong đợi về những đóng góp chất lượng, hiệu quả của nữ đại biểu trong các hoạt động của Quốc hội vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, đặc biệt trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2021). Báo cáo Kết quả trúng cử của nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả tham gia công tác bầu cử của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (số 203-BC/ĐĐ ngày 14/7/2021);

- Hội đồng Bầu cử Quốc gia (2021). Báo cáo Tổng kết cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (số 783/BC-HĐBCQG ngày 14/7/2021)

- Quốc hội (2015). Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

- IPU (2021). Gender equality. https://www.ipu.org/our-impact/gender-equality

- IPU (2021). Monthly ranking of women in national paliments. https://data.ipu.org/women-ranking?month=6&year=2021

- IPU (2021). Global and regional averages of women in national paliments https://data.ipu.org/women-averages?month=6&year=2021

[1] https://www.ipu.org/our-impact/gender-equality

[2] https://data.ipu.org/women-ranking?month=6&year=2021

[3] https://data.ipu.org/women-averages?month=6&year=2021

[4] Lai Châu, Thái Nguyên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh

[5] Bộ Nội vụ

[6]Sơn La, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Định, Đắc Lắc, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Quảng Bình

[7] Tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 45,38% (393 nữ/866 người), tăng 6,3% so với khóa XIV

Ths. Hoàng Thu Hà - Ths. Đỗ Minh Thúy

Từ khóa » Khối Quốc Hội Là Gì