Pháo Tự Chế Nổ Dập Nát Bàn Tay Bé Trai - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Em T. được người nhà đưa đến BVĐK tỉnh Phú Thọ trong tình trạng tỉnh, khó thở nhẹ, có vết thương phức tạp bàn tay trái, dập nát, xẻ đôi bàn tay từ vùng sát cổ tay đến bàn ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu.

Theo lời kể của gia đình, do không biết sự nguy hiểm và những hậu quả đáng tiếc do pháo tự chế phát nổ nên T đã mua bột về tự chế tạo pháo. Trong quá trình chế tạo thì bất ngờ pháo phát nổ. Ngay lập tức gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

Suýt mất bàn tay do tự chế pháo nổ - Ảnh 1.

Bàn tay bị tổn thương nghiêm trọng do pháo nổ.

Thầy thuốc BVĐK tỉnh Phú Thọ tiếp nhận em T. và nhận định đây là tổn thương phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời, khả năng cao phải cắt cụt cả bàn tay trái của người bệnh. Em T. còn quá trẻ, nếu như cắt cụt bàn tay sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của em. Điều này đã thôi thúc các bác sĩ thật cố gắng để bảo tồn được bàn tay của người bệnh.

E kip đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, cắt cụt toàn bộ ngón 4, bảo tồn các ngón còn lại. Hiện tại sau phẫu thuật, người bệnh ổn định.

Các bác sĩ Khoa Chấn thương II, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân.

Suýt mất bàn tay do tự chế pháo nổ - Ảnh 2.

Bàn tay người bệnh sau khi được phẫu thuật bảo tồn.

Hậu quả nặng nề do pháo nổ

Hàng năm, cứ đến thời điểm gần Tết Nguyên số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ đều gia tăng. Năm 2020, thống kê chưa đầy đủ, nước ta có tới 321 trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên còn rất mơ hồ hay thiếu ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo.

Tại nạn do pháo đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá và ảnh hưởng của hóa chất, gây ra các vết thương nghiêm trọng, dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay. Thậm chí có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.

Do vậy, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Đồng thời các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Người dân có được sử dụng pháo không?

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư Hà Nội), Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021. Việc không hiểu kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định sẽ vô tình khiến nhiều người vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ, còn loại pháo hoa nổ, người dân tuyệt đối không được sử dụng. Người sử dụng pháo hoa phải là người đủ 18 tuổi trở lên. Người dân chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán và được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 137 của Chính phủ, hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức bị nghiêm cấm. Ngoài ra, người nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo nổ hay thuốc pháo đều được xác định là vi phạm quy định trên.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Từ khóa » Học Sinh Chơi Pháo Nổ Nát Tay