Pháp Luật Về Hợp đồng: Những Vấn đề Quan Trọng đối Với Doanh ...

Đã từ lâu pháp luật về hợp đồng chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bởi vì, hầu hết các giao dịch trong xã hội, dù có mục đích kinh doanh hay nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thông thường, đều liên quan đến hợp đồng. Chính vì lẽ đó mà các chế định về hợp đồng và các vấn đề liên quan đến hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chiếm một vị trí nòng cốt với hơn 300 điều trên tổng số 777 điều. Mục đích của pháp luật về hợp đồng là nhằm bảo vệ quyền tự do ý chí của các bên. Quyền tự do ý chí này chỉ bị hạn chế bởi một số ngoại lệ nhằm bảo vệ trật tự công hoặc nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba.

>>> Tư vấn pháp luật miễn phí

Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm…, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng có mục đích kinh doanh hay hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trên cơ sở các quy định chung về hợp đồng của Bộ luật Dân sự, tuỳ vào tính chất đặc thù của các mối quan hệ hoặc các giao dịch, các luật chuyên ngành có thể có những quy định riêng về hợp đồng để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực đó, ví dụ như các quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại, hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm… Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được coi là các quy định chung còn các quy định về hợp đồng trong các luật chuyên ngành được coi là các quy định chuyên ngành và các quy định này được ưu tiên áp dụng.

Pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay, tuy có một số hạn chế nhất định đang được các nhà làm luật tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với thực tiễn xã hội nhưng nhìn chung được xem là khá tiến bộ và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hiện nay. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung các chế định về hợp đồng đã phần nào quán triệt, thể chế hoá các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước, cụ thể hoá các quyền về kinh tế, dân sự của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng đã thể hiện quan điểm tăng cường quyền tự do hợp đồng thông qua việc các bên được toàn quyền quyết định về đối tác tham gia ký kết hợp đồng, hình thức hợp đồng, nội dung của hợp đồng và trách nhiệm của các bên khi có vi phạm.

Bộ luật Dân sự quy định những vấn đề chung về hợp đồng như khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… còn các luật chuyên ngành thì chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của hợp đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến các vấn đề quan trọng về pháp luật hợp đồng liên quan đến doanh nghiệp:

Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự[1]. Như vậy hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt. Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các loại chủ thể khác. Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sản, hàng hoá hoặc dịch vụ. Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là nguyên tắc tự do thoả thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng, không phân biệt mục đích của hợp đồng là kinh doanh thu lợi nhuận hay nhằm phục vụ cho tiêu dùng.

Thứ hai, về hình thức hợp đồng

Về nguyên tắc, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định nhằm đảm bảo trật tự công, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản.

Để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, pháp luật cũng ghi nhận hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và hình thức này được coi là hợp đồng bằng văn bản[2]. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì nhìn chung, hợp đồng không bị coi là vô hiệu nếu có vi phạm về hình thức.

Thứ ba, về ký kết hợp đồng và việc uỷ quyền ký kết hợp đồng

BLDS xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thoả thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Do đó, về mặt nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Trên cơ sở hình thức của hợp đồng, pháp luật cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp, ví dụ, đối với hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung của hợp đồng; đối với hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản[3].

Về mặt nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên vẫn có các ngoại lệ đó là khi các bên có thoả thuận khác, ví dụ hợp đồng được các bên ký vào ngày 01/01/2009 nhưng các bên thoả thuận là hợp đồng được coi là ký kết vào ngày 01/02/2009 hoặc khi pháp luật có quy định khác, ví dụ theo pháp luật về đất đai thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký.

Vấn đề uỷ quyền ký kết hợp đồng không được BLDS quy định cụ thể, tuy nhiên, vì hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về việc uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[4]. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện hợp đồng theo chế định người đại diện.

Thứ tư, về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Theo quy định của Điều 405 BLDS thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS lại không quy định thế nào là “được giao kết hợp pháp”, do đó phải áp dụng Điều 122 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự vì hợp đồng là một trong những hình thức giao dịch dân sự.

Giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:

+ Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

+ Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện

Ngoài các điều kiện trên đây, nếu pháp luật quy định giao dịch phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể, ví dụ phải thể hiện bằng văn bản, thì hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch.

Như vậy, khi hợp đồng có đủ 3 điều kiện trên thì sẽ có hiệu lực trừ một số trường hợp mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải tuân theo một hình thức nhất định.

Thứ năm, về điều kiện vô hiệu của hợp đồng

Theo quy định của Điều 410 BLDS thì vấn đề hợp đồng vô hiệu sẽ được áp dụng theo các quy định từ Điều 127 đến Điều 138 BLDS bao gồm các trường hợp sau:

+ Giao dịch bị vô hiệu khi không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của BLDS bao gồm: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Ngoài ra, nếu pháp luật yêu cầu giao dịch phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể nào đó thì hình thức của giao dịch cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội[5]. Điều này có nghĩa rằng nếu giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì bị vô hiệu. Vi phạm điều cấm của pháp luật có nghĩa là vi phạm những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định, ví dụ như hành vi buôn bán chất ma tuý. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo[6]

Nếu một giao dịch dân sự được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo đó bị vô hiệu, tuy nhiên giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực trừ khi nó cũng bị vô hiệu theo các quy định khác của BLDS. Ví dụ, A bán tài sản cho B nhưng lại làm hợp đồng giả tạo là hợp đồng tặng cho để không phải đóng thuế cho nhà nước, khi đó hợp đồng tặng cho bị coi là vô hiệu còn hợp đồng bán tài sản vẫn có hiệu lực. Luật cũng quy định trường hợp giao dịch được xác lập một cách giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó cũng bị vô hiệu.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện[7]

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, toà án có thể tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện, ví dụ một người bị tâm thần, không có khả năng nhận thức được hành vi của mình đã kí hợp đồng để bán nhà cho một người khác, giao dịch này bị coi là vô hiệu vì trong trường hợp này người bị tâm thần không thể tự mình giao dịch được mà cần phải có người đại diện của họ.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn[8]

Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Ví dụ, A bán cho B một chiếc xe máy nhưng A quên không thông báo cho B biết rằng hệ thống đèn của chiếc xe đó đã bị cháy. B yêu cầu A giảm bớt giá bán chiếc xe đó hoặc thay thế hệ thống đèn mới nhưng A không chấp nhận. B có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch mua bán đó vô hiệu.

Trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì sẽ áp dụng các quy định tại Điều 132 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ. Trong ví dụ trên đây, nếu A cố tình che giấu, không thông báo cho B biết về hệ thống đèn bị hỏng và nói với B rằng hệ thống đèn vẫn tốt thì trường hợp này bị coi là giao dịch bị lừa dối.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ[9]

Theo quy định của BLDS thì lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó. Đe doạ trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thịêt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con mình. Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe doạ thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình[10]

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu, ví dụ, một người có năng lực hành vi dân sự bình thường nhưng đã ký hợp đồng mua bán tài sản trong lúc say rượu, không nhận thức được hành vi của họ thì trong trường hợp này hợp đồng bị coi là vô hiệu nếu người đó yêu cầu toà án tuyên hợp đồng đó là vô hiệu.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức[11]

Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì khi có yêu cầu, toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì giao dịch đó bị vô hiệu. Ví dụ, A và B thoả thuận mua bán nhà nhưng không ký hợp đồng bằng văn bản (theo quy định của pháp luật thì hợp đồng mua bán nhà phải được giao kết bằng văn bản), khi có tranh chấp xảy ra, toà yêu cầu các bên phải hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật trong một thời hạn nhất định nhưng không bên nào thực hiện. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, toà án có thể tuyên hợp đồng này là vô hiệu.

Ngoài các quy định trên, BLDS còn có quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được[12], đó là trong trường hợp ngay từ thời điểm ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lí do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.

Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được. Ví dụ, A cam kết sẽ sản xuất để bán cho B một loại thuốc có thể chữa được bệnh tim mạch, B tin tưởng rằng A có thể bán cho mình loại thuốc đó nên đã giao kết hợp đồng với A nhưng vì lí do khách quan A không thể sản xuất được loại thuốc đó và A cũng biết rằng mình sẽ không thể giao cho B loại thuốc đó nhưng lại không thông báo cho B biết. Trong trường hợp này hợp đồng bị coi là vô hiệu và A phải bồi thường cho B.

Quy định trên đây cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.

Theo quy định của BLDS hiện hành thì sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng chính trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính[13].

Thứ sáu, về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo quy định của Điều 137 đối với hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Theo quy định này thì hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập hợp đồng. Khi hợp đồng vô hiệu các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên kia. Ví dụ, A bán cho B một chiếc xe máy, B là người không có năng lực hành vi dân sự nên hợp đồng bị tuyên là vô hiệu do đó B phải trả lại xe máy cho A, còn A phải trả lại tiền cho B. Tuy nhiên, qua một thời gian sử dụng B đã làm hỏng một vài bộ phận của chiếc xe máy cho nên B phải trả lại A chiếc xe máy đó cùng với những bộ phận đã bị hư hại, nếu không hoàn trả được bằng các bộ phận đó thì phải trả một món tiền bù đắp cho phần hư hỏng của chiếc xe.

Thứ bảy, về chấm dứt hợp đồng[14]và trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng

Theo quy định của BLDS thì hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau:

+ Hợp đồng đã được hoàn thành: đó là khi các bên đã thực hiện xong các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, ví dụ A thuê B để xây nhà cho A, hết thời hạn thực hiện việc xây nhà mà các bên đã thoả thuận, B giao nhà cho A và A trả tiền cho B, khi đó hợp đồng chấm dứt.

+ Theo thoả thuận của các bên: ví dụ A thuê B trồng cho A một ruộng lúa trong thời hạn 1 tuần, hết 1 tuần B vẫn chưa trồng xong ruộng lúa nhưng A chấp nhận coi như B đã trồng xong và trả tiền cho B. Hợp đồng thuê trồng lúa chấm dứt.

+ Cá nhân giao kết hợp đồng chết, phán nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện. Đây là loại hợp đồng mà người có nghĩa vụ, do tính chất đặc thù, phải tự họ thực hiện mà không thể chuyển giao cho người khác. Ví dụ, A thuê ca sỹ B là người rất nổi tiếng, hát cho đám cưới của A nhưng không may vào ngày đám cưới của A, B không may bị tai nạn chết. Hợp đồng giữa A và B chấm dứt vì A chỉ thuê B hát chứ không phải ca sỹ khác.

+ Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện[15]:

·Huỷ bỏ hợp đồng:

Một bên trong hợp đồng có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia khi bên kia vi phạm hợp đồng và việc vi phạm đó là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Tuy nhiên, bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Ví dụ, A ký hợp đồng mua hàng của B và hẹn B trong vòng 1 tuần phải giao hàng, nếu hết 1 tuần mà B không giao hàng thì A sẽ huỷ bỏ hợp đồng. Sau thời hạn 1 tuần B không giao hàng cho A, A thông báo cho B rằng mình huỷ bỏ hợp đồng. Hàng của B sau đó cũng không bán được cho người khác nên B phải chịu thiệt hại vì phải trả tiền lưu kho, lưu bãi. Trong trường hợp này A có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không có lỗi, không phải bồi thường cho B vì các bên đã thoả thuận từ trước.

Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại. Trong ví dụ trên đây, nếu A chứng minh được mình bị thiệt hại do B không giao hàng đúng hẹn thì B phải bồi thường cho A.

·Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán. Ví dụ, A ký hợp đồng mua của B 100 tấn thép, B đã giao được 50 tấn và đang chuẩn bị giao tiếp số còn lại nhưng A thông báo chấm dứt hợp đồng, không muốn nhận số thép còn lại. Nếu B đồng ý thì B không phải giao tiếp số thép còn lại và A trả tiền cho B, hợp đồng chấm dứt.

Nếu hợp đồng bị đơn phương chấm dứt do lỗi của một bên thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

+ Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại. Ví dụ, A ký hợp đồng mua ngôi nhà của B nhưng sau đó ngôi nhà không may bị cháy nên B không thể giao nhà cho A được. B có thể thoả thuận bán cho A ngôi nhà khác hoặc bồi thường thiệt hại cho A nếu A bị thiệt hại do B không thể thực hiện hợp đồng.

+ Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Thứ tám, về chế tài đối với hành vi vi phạm trách nhiệm hợp đồng

Ngoài các chế định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã nói ở trên, pháp luật tạo điều kiện cho các bên được tự do thoả thuận về trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, về mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng theo đó bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm, mức phạt này do các bên tự thoả thuận. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại. Nếu các bên không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Về nguyên tắc, bên vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm nếu các bên không có thoả thuận về việc bồi thường thiệt hại[16]. Về vấn đề này, Luật Thương mại 2005 lại có quy định khác so với BLDS. Theo Khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại thì “trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Trừ một số trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại[17], thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn được đặt ra khi có đủ các yếu tố như: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại[18].

Thứ chín, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự [19]

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác bị xâm phạm. Ví dụ, A và B ký hợp đồng mua bán hàng hoá vào ngày 01/01/2007, sau đó có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của A bị vi phạm vào ngày 01/03/2007. A chỉ có thể khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết trong khoảng thời gian kể từ khi quyền lợi bị xâm phạm là từ ngày 01/03/2007 đến hết ngày 01/03/2009 (là 2 năm kể từ ngày quyền lợi của A bị vi phạm).

Thứ mười, về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định từ Điều 318 đến Điều 373 BLDS 2005 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản (bao gồm cả cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba), đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Các bên có thể linh hoạt hơn và tự chủ hơn trong việc xử lý các tình huống phát sinh, cụ thể như sau:

+ Về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[20]: các bên được toàn quyền thoả thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì nghĩa vụ coi như được đảm bảo toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Đồng thời, các bên cũng có quyền thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, không chỉ nghĩa vụ hiện tại mà còn nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

+ Về tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[21]:

BLDS thể hiện quan điểm là về nguyên tắc mọi tài sản đều có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trừ một số trường hợp mà pháp luật cấm. Trước hết, vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch. Vật ở đây có thể là vật hiện có hoặc vật được hình thành trong tương lai. Nếu là vật hình thành trong tương lai thì vật đó phải là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Ngoài các tài sản thông thường như đất đai, nhà cửa, phương tiện giao thông… thì các tài sản khác như tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác cũng được dùng làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Ngoài các tài sản nói trên thì các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm cũng có thể trở thành tài sản bảo đảm[22], bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Quyền sử dụng đất và quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

+ Về vấn đề một tài sản dược dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ[23]:

Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của tài sản đó tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp này bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác. Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Trong số các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các biện pháp cầm cố và thế chấp thường được các bên áp dụng nhiều nhất. Do đó, BLDS đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. BLDS thể hiện quan điểm bên cầm cố, thế chấp tuy bị hạn chế một số quyền nhưng họ cũng có những quyền tự chủ nhất định, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, bên thế chấp có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận của các bên; được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp; được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền và số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán; được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu được bên nhận thế chấp đồng ý; được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

Chú thích:

[1] Điều 388 Bộ luật Dân sự 2005

[2] Khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2005

[3] Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005

[4] Các điều từ 143 đến 148 BLDS 2005

[5] Điều 128 BLDS 2005

[6] Điều 129 BLDS 2005

[7] Điều 130 BLDS 2005

[8] Điều 131 BLDS 2005

[9] Điều 132 BLDS 2005

[10] Điều 133 BLDS 2005

[11] Điều 134 BLDS 2005

[12] Điều 411 BLDS 2005

[13] Khoản 2 và 3 Điều 410 BLDS 2005

[14] Điều 424 BLDS 2005

[15] Điều 425 và 426 BLDS 2005

[16] Điều 422 BLDS 2005

[17] Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

[18] Điều 303 Luật Thương mại 2005

[19] Điều 427 BLDS 2005

[20] Điều 319 BLDS 2005

[21] Điều 320 BLDS 2005

[22] Điều 322 BLDS 2005

[23] Điều 324 BLDS 2005

Nguồn: Cổng thông tin điện tử bộ tư pháp.

5/5 - (2 bình chọn)Có thể bạn quan tâm
  • Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tranh chấp lao độngNghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tranh chấp lao động
  • Lưu giữ clip sex tống tiền bà chủ
  • Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27 tháng 12 năm 2011Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27 tháng 12 năm 2011
  • Giải Thể Công Ty Tại Quận Tây Hồ Dịch Vụ Trọn Gói Giá RẻGiải Thể Công Ty Tại Quận Tây Hồ Dịch Vụ Trọn Gói Giá Rẻ
  • Việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư được thực hiện như thế nào?Việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư được thực hiện như thế nào?
  • Giải Thể Công Ty Tại Hòa Bình Trọn Gói Sử Lý Đảm Bảo NhấtGiải Thể Công Ty Tại Hòa Bình Trọn Gói Sử Lý Đảm Bảo Nhất
  • Tín ngưỡng là gì?Tín ngưỡng là gì?
  • Mẫu công văn thu hồi công nợ quá hạnMẫu công văn thu hồi công nợ quá hạn
  • Bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hànhBản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành
  • Tranh chấp giữa các thành viên-Xác định rõ tư cách chủ sở hữuTranh chấp giữa các thành viên-Xác định rõ tư cách chủ sở hữu

Bài viết cùng chủ đề

  • Mua lại tự nguyện phần vốn góp và cổ phần trong doanh nghiệp
  • Quy định của pháp luật đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên
  • Kinh nghiệm quý khi soạn thảo cũng như rà soát hợp đồng
  • Chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc riêng lẻ theo quy định hiên hành
  • Mẫu giấy ủy quyền phổ biến trong doanh nghiệp
  • Quy định của pháp luật về hai biện pháp bảo đảm thế chấp và cầm cố
  • Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp
  • Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động

Từ khóa » Các Biện Pháp Bảo đảm Thực Hiện Hợp đồng Trong Kinh Doanh Thương Mại