Pháp Môn Tịnh độ ở Nam Bộ Việt Nam | Giác Ngộ Online
Có thể bạn quan tâm
NSGN - Dẫn nhập
Phật giáo có mặt ở Việt Nam đã hơn 2.000 năm. Trong quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam còn mang thêm những đặc điểm mới, mang tính văn hóa của vùng, miền. Khi khảo sát về đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, trong một bài viết công phu về vấn đề này, có ý kiến đã chứng minh ba yếu tố cấu thành của Phật giáo ở Việt Nam là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông [Hà Văn Tấn, 1987, tr. 75-79].
Ba yếu tố ấy tuy có cội nguồn khác nhau ở bên ngoài Việt Nam, nhưng chúng không phải là sự tiếp nhận nguyên vẹn, đơn giản từ các tông phái Trung Quốc [Hà Văn Tấn, 1987, tr. 76].
Qua quá trình khảo sát điền dã của chúng tôi ở Nam Bộ cho thấy, tư tưởng Tịnh độ đã xuất hiện từ sau thế kỷ XVII đến nay, được thực hành trong các ngôi chùa Phật giáo thuộc hệ phái Bắc tông, qua các tổ chức Hội Phật giáo được thành lập trong quá trình lịch sử để thực hành theo tư tưởng này, như Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Thiền-Tịnh đạo tràng; Mật-Tịnh đạo tràng, Hội Tịnh Độ tông Việt Nam..
Ngoài ra, trong các tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo… cũng đều có thực hành pháp môn Tịnh độ.
Tư tưởng Tịnh Độ
Bài này chỉ đề cập đến tư tưởng Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, vì ở Nam Bộ Việt Nam phổ biến thực hành theo pháp môn này.
Danh hiệu A Di Đà, dịch từ tiếng Phạn Amita hay Amitabha, hoặc Amitayur, có nghĩa là Vô lượng, Vô lượng quang hay Vô lượng thọ. Thực sự danh hiệu A Di Đà là danh hiệu biểu tượng cho tự tánh giác ngộ và giải thoát của chúng sinh, như danh hiệu đầy đủ là Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật (Đức A Di Đà có mặt khắp pháp giới). “Tập kinh Quán vô lượng thọ (Amitayur-dhyana-Sutra) ghi nguyên lai của giáo lý Tịnh độ là do Đức Phật Thích ca thuyết cho hoàng hậu Vidhehi (Vi Đề Hi), vợ vua Bimbisara (Tần Bà Sa la), lúc bà bị giam cầm khi nhà vua bị hoàng tử Ajatasatru (A Xà Thế) giết để soán ngôi” [Thích Chơn Thiện, 2000, tr. 6-8].
Tư tưởng Tịnh độ đã hình thành trong các kinh Phật giáo như kinh A-hàm, kinh Phương đẵng, kinh Bát-nhã, kinh Niết-bàn, kinh Hoa nghiêm, đặc biệt là các kinh A Di Đà, Vô lượng thọ và Quán vô lượng thọ. Kinh Quán vô lượng thọ có nêu ba yếu tố tu tập quan trọng của pháp môn niệm Phật, gọi là Tịnh nghiệp tam phước, cũng gọi là Thanh tịnh nghiệp1. Ba thứ tịnh nghiệp này là cái nhân chính gây tạo nên nghiệp thanh tịnh để xây dựng Tịnh độ của chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Nội dung giáo lý của Tịnh Độ tông thể hiện đầy đủ tinh thần giới, định, tuệ của đạo Phật.
Kinh A Di Đà giới thiệu tổng quát về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, gọi là nước Cực lạc, do vì ở đó không có mặt tất cả các thứ khổ đau, chỉ thuần cảm nhận hạnh phúc, lạc giải thoát. Đoạn 7 của kinh A Di Đà cho biết lời của Đức Phật nói với Xá Lợi Phất: “Xá Lợi Phất, nếu có một thiện nam thiện nữ nào nghe nói đến Đức Phật A Di Đà, trì niệm danh hiệu Ngài từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày mà tâm được định chuyên nhất không loạn, thì người ấy lúc lâm chung được thấy Đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người ấy lúc chết tâm chánh niệm liền được sinh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà” [Thích Chơn Thiện, 2000, tr. 29-30].
Kinh Vô lượng thọ ghi: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sanh xưng danh hiệu của tôi, dù chỉ mười lần mà không được vãng sanh thì tôi chẳng ở ngôi Chánh giác”.
Tuy nhiên, cõi Tịnh độ của Đức A Di Đà làm giáo chủ còn chia thành nhiều cõi khác nhau, như Thường Tịch Quang Tịnh Độ; Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ; Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ; Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ…
Tư tưởng Tịnh Độ trong Phật giáo Việt Nam và Nam Bộ
1-Trong Phật giáo Việt Nam
Theo Nguyễn Văn Quý, tư liệu hàm chứa tư tưởng Tịnh độ hiện còn, có lẽ sớm nhất ở Việt Nam là Lý hoặc luận, tác phẩm do Mâu Tử viết, một sĩ phu người Hán tỵ nạn đến Giao Châu dưới thời Sĩ Nhiếp (…) sau đó là Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội (?-280) và đến thế kỷ thứ V tư tưởng Tịnh độ đã được truyền vào nước ta [Nguyễn Văn Quý, 2015, tr. 28-30]. Thời Lý và thời Trần, thế kỷ XI đến XIV, là hai giai đoạn cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam, chúng ta cũng tìm thấy tư tưởng Tịnh độ trong Phật giáo, biểu hiện qua tượng thờ A Di Đà ở chùa Phật Tích, qua hình tượng Cửu Phẩm Liên Hoa2 tại nhiều ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam như chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), chùa Động Ngọ và chùa Giám (tỉnh Hải Dương).
Thế kỷ XV và XVI giai đoạn Nam Bắc triều, Trịnh-Nguyễn phân tranh, xu hướng nổi bật là Thiền - Tịnh song tu, do Diên Thọ khởi xướng. Nhưng theo Nguyễn Duy Hinh, “Hiện tượng niệm Phật (cầu tha lực) thì phổ biến ở nước ta, xuất phát điểm không nhất thiết từ kinh điển của tông Tịnh Độ Trung Quốc, mà trực tiếp từ kinh Pháp hoa đã lưu truyền ở nước ta, ít ra từ thời Thiền sư Minh Tâm Bảo Giám [Nguyễn Duy Hinh,1999, tr.654]. Nhận xét này chúng ta sẽ có dịp hiểu rõ hơn khi phân tích tư tưởng Tịnh độ lưu hành ở Nam Bộ từ sau thế kỷ XVII đến nay.
2- Trong Phật giáo ở Nam Bộ
a) Tại các chùa theo hệ phái Bắc tông
Bốn thời sinh hoạt trong ngày tại các ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông gồm có công phu khuya (4 giờ), cúng quả đường (10 giờ 30), cúng mông sơn thí thực (16 giờ) và Tịnh độ (19 giờ). Như vậy, mỗi tối tại các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông đều có thực hành pháp môn Tịnh độ.
Niệm Phật công cứ cũng là một hoạt động đạo sự giúp cho Phật tử có điều kiện tập trung tư tưởng, tín tâm mạnh, qua công phu niệm Phật, đếm được số lượng câu niệm, qua các thanh tre.
Tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa-Vũng Tàu), Hòa thượng Huệ Đăng đã phổ biến việc hành trì pháp môn Tịnh độ cho Phật tử qua quyển Tịnh độ Chánh tông diễn giải. Để khuyến tu Tịnh độ, Hòa thượng đã sử dụng văn vần, dùng từ ngữ bình dân, dễ hiểu, để nhiều thành phần trong xã hội có thể dễ dàng tiếp thu, dễ nhớ, dễ thuộc. Hòa thượng đã cho rằng trong các pháp môn, thì pháp môn Tịnh độ là ưu việt nhất:
Trong tám vạn bốn ngàn cửa pháp,
Nói không cùng lý đạt khó thông.
Y theo Tịnh độ thiền môn,
Mở ra một cửa Chánh tông chơn truyền.
[Thích Huệ Đăng, 1993, tr.23]
Kinh sách phổ biến trong hệ phái, cũng như được sử dụng vào các buổi tối Tịnh độ là những quyển kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ và kinh Quán vô lượng thọ… Ngoài ra, tùy vào từng thời điểm mà tụng niệm các kinh khác như Pháp hoa, Vu Lan, Địa Tạng…
Vào ngày thọ Bát quan trai, là ngày Phật tử đến chùa tu tập, thực hành đời sống của người tu sĩ, sinh hoạt Phật tử từng chùa đều có phần niệm Phật, ngồi thiền, sau đó đi kinh hành, nhiễu quanh chính điện, vừa đi vừa niệm “Nam-mô A Di Đà Phật”. Các Phật tử đến chùa, khi gặp nhau đều chắp tay thế hoa sen và chào nhau bằng câu “A Di Đà Phật”, điều này cho thấy tư tưởng Tịnh độ đã ăn sâu vào tâm thức các Phật tử, đặc biệt là trong hệ phái Bắc tông.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ rằng, trong các chùa Phật giáo Việt Nam thuộc hệ phái Bắc tông không thực hành duy nhất và riêng lẻ pháp môn Tịnh độ, mà trong từng ngày, trong tuần, trong tháng và cả năm, sinh hoạt Phật giáo lúc nào cũng đều có sự phối hợp với hai pháp môn của Thiền tông và Mật tông. Sự kết hợp 3 pháp môn Thiền-Tịnh-Mật được thể hiện qua nghi thức thờ tự, qua kinh sách đọc tụng và qua cả cách hành trì. Các đạo tràng niệm Phật ở chùa Phú Linh (Bến Tre), chùa Long Phước (Bạc Liêu) cho thấy yếu tố Thiền tông và Tịnh Độ tông đã hòa quyện, đan xen trong ngôi chùa. Thiền viện Sơn Thắng và chùa Giác Thiên (Vĩnh Long) nhiều năm qua đã hành trì theo hệ thống Thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, nhưng vẫn hướng dẫn Phật tử tụng kinh vào thời Tịnh độ mỗi tối. Cho đến nay, tại Nhất Nguyên Bửu Tự (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã tổ chức thành công khóa niệm Phật 100 ngày đêm lần thứ 50.
Tuy vậy, từ Bắc vào Nam, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, gồm 3 vị: Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát, luôn là bộ tượng phổ biến và được đặt trên bàn thờ cao nhất tại chính điện3, gọi là bàn Di Đà, điều này cho thấy tư tưởng Tịnh độ chiếm ưu thế trong các pháp hành tại ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông.
b) Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPHVN)
Người sáng lập ra Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là ông Nguyễn Văn Bồng (1886-1958). Pháp môn Tịnh độ được ông chọn làm phương pháp tu hành vì nó dễ áp dụng đối với mọi người. Cư sĩ là người tu tại gia, không bắt buộc từ bỏ gia đình, xuống tóc. Tuy nhiên trong Hội vẫn có tu sĩ xuất gia, như trường hợp ở Hưng Đức Tự (tỉnh Bình Dương). Năm 1934, ông chính thức thành lập Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, là một tổ chức hội gồm những người cư sĩ thực hành pháp môn Tịnh độ. Năm 1935, ông Nguyễn Văn Bồng được toàn thể tín đồ suy tôn là Đức Tông Sư Minh Trí - Giáo chủ của TĐCSPH.
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội chủ trương pháp môn niệm Phật và hành Lục độ. Đến năm 1950, nhằm nâng cao trình độ của hội viên, tín đồ, Đức Tông sư Minh Trí chính thức lấy tôn chỉ hành đạo là “Phước Huệ song tu”, lấy pháp môn niệm Phật làm căn bản, dùng y đạo làm phương tiện phát triển hội quán”.
Trong ngôi chùa thuộc TĐCSPHVN, do chủ trương tu theo pháp môn Tịnh độ, tại chính điện chỉ đặt thờ duy nhất một pho tượng Đức A Di Đà và trong chùa không có tu sĩ 4. Các cư sĩ chỉ đến chùa tụng kinh, niệm Phật; chặt, phơi thuốc rồi về, không cư trú trong chùa. Năm 2007, TĐCSPHVN được công nhận tư cách pháp nhân, chính thức trở thành một tôn giáo, có Giáo hội TĐCSPHVN. Đến năm 2009, Giáo hội tổ chức Đại hội lần I.
c) Hội Tịnh Độ tông Việt Nam
Hội do cư sĩ Đoàn Trung Còn thành lập vào năm 1955. Đây là một hội lấy pháp môn Tịnh độ làm căn bản để thực hành. Trụ sở trung ương là chùa Liên Tông (quận 1 TP.HCM). Tiếp thu giáo lý của phái Tịnh Độ tông ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hội Tịnh Độ tông Việt Nam có tổ chức quy mô từ trung ương đến địa phương, có tôn chỉ mục đích, có điều lệ rõ ràng: “Nhà sư Tịnh độ Việt Nam là người ở tại chùa, am, cốc, ăn chay mỗi tháng 6 ngày trở lên, có thể lập gia đình (…), trong giao tế với xã hội có thể mặc thường phục Âu châu hoặc Việt Nam, cũng có thể để tóc”. Từ khi thành lập vào năm 1955 đến năm 1975, Hội đã có 9.000 hội viên [Trần Hồng Liên, 1995, tr.74-75].
d) Thiền-Tịnh đạo tràng
Thiền-Tịnh đạo tràng là nơi thực hành phương pháp tu theo Thiền tông và Tịnh Độ tông. Giáo phái này do Hòa thượng Chơn Như Minh Trực5 (1895-1976) sáng lập vào năm 1948 tại Sài Gòn.
Từ hai pháp môn chính của Thiền tông và Tịnh Độ tông, Hòa thượng Sư tổ tiếp tục nối truyền Chánh pháp từ chư Phật, chư Tổ ngày xưa. Về Thiền tông Bát-nhã biệt truyền, lấy giáo pháp chỉ trong Pháp bảo đàn kinh, Kim cang kinh, Bát-nhã tâm kinh, Bát-nhã cương yếu, kinh Duy Ma Cật, Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận v.v… làm căn bản để tu học, giảng luận, tham thiền tịnh luyện. Về Tịnh độ, vẫn tiếp tục đề cao pháp môn niệm Phật, phát nguyện sanh về cõi Tây phương Cực lạc của Đức A Di Đà.
Đạo Thầy vốn chỉ tròn Thiền - Tịnh
Là hai môn kiến tánh minh tâm
Thiền định, niệm Phật thậm thâm
Thấy rõ bổn tánh nội tâm của mình.
(Niết-bàn diệu tâm(6))
Chủ trương của Tổ Minh Trực là phiên dịch kinh tạng qua Việt ngữ, với thể loại thi ca của dân tộc, để dễ đi vào lòng người và phù hợp với mọi trình độ của người dân. Ngôn từ của ngài sử dụng gần gũi với quần chúng nhân dân, không cao siêu, nhưng vẫn làm rõ được sự mầu nhiệm của Phật pháp. Tác phẩm Pháp bảo đàn kinh, Thiền môn nhựt tụng là hai công trình, từ chữ Hán được biên soạn lại bằng tiếng Việt, được trình bày dưới dạng văn vần (Thiền môn nhựt tụng) và có lời giải sau mỗi phẩm (Pháp bảo đàn kinh).
Từ khi thành lập pháp môn Thiền-Tịnh song tu, Hòa thượng Minh Trực đã xây dựng được 16 chi nhánh Thiền-Tịnh đạo tràng khắp các tỉnh miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam Bộ, đến nay đã lên đến 23 cơ sở, thuộc hệ thống tổ đình Phật Bửu7, hiện do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh trụ trì, luôn tiếp nối tinh thần phụng sự Giáo hội mà Hòa thượng Sư tổ đã thực hiện.
e) Mật-Tịnh đạo tràng
Đạo tràng này do Hòa thượng Thích Thiền Tâm khai sáng vào năm 1971, kết hợp hai phương pháp tu của Mật tông và Tịnh Độ tông. Buổi đầu, vào năm 1971, đạo tràng Đại Ninh và Hương Nghiêm, thuộc thôn Phú An, xã Phú Mỹ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, có cơ sở đào tạo về Tịnh Độ tông trong 3 năm liền. Giữa năm 1971, Hòa thượng Thiền Tâm lại xây dựng thêm Phương Liên tịnh xứ và Mật Tịnh đạo tràng tại đây. Đến nay, pháp môn Mật-Tịnh vẫn được các tu sĩ, Phật tử hành trì, dù rằng Hòa thượng Thiền Tâm đã viên tịch.
Một số kinh sách quan trọng đã được Hòa thượng Thiền Tâm phiên dịch và trước tác như Phật đảnh tôn thắng Đà-la-ni kinh, Đại nhựt kinh, Mấy điệu sen thanh, Chú giải 108 bài niệm Phật kệ, Liên tông Thập tam tổ, Tây phương nhựt khóa, Tam bảo cảm ứng yếu lược lục, Nhơn quả luân hồi tạp lục ký, Chuẩn Đề đại bi, Pháp nghi hợp thức…
f) Yếu tố Tịnh độ trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH), Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo là 3 giáo phái lấy nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo. Ba giáo phái này đều kết hợp pháp môn tu tập của Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông trong phương thức hành trì; đều quan niệm trong tương lai sẽ có Hội Long Hoa ra đời để phân định phẩm vị cho mỗi người có công đức, vì vậy các giáo phái này dùng pháp môn Thiền-Tịnh-Mật để khuyến người dân tu tập cho kịp kỳ Long Hoa đại hội, mở ra một thời kỳ mới, thời Thượng Nguyên Thánh Đức, một kỷ nguyên mới, một quốc độ mới, trong đó mọi người đều sống trong sự an lạc, hạnh phúc, một cõi nhân gian Tịnh độ.
Ông Đoàn Văn Huyên, còn được gọi là Đức Phật Thầy Tây An, người khai mở mối đạo vào năm 1849, tại cốc Ông Đạo Kiến (nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Đạo BSKH không dùng kinh Phật giáo, không theo cách tổ chức trong hàng tu sĩ. Ông đã vận dụng tinh hoa trong giáo lý Phật giáo, rồi cải biên, làm cho Phật giáo có thể dễ dàng thâm nhập vào con người Việt Nam, mà trước hết và cụ thể là vùng đất Tây Nam Bộ. Những yếu tố của Thiền tông, Tịnh Độ tông đã được Phật Thầy Tây An sử dụng như một phương tiện, nhằm củng cố niềm tin thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc. Dùng Mật tông với phù chú chữa bệnh để tạo niềm tin được khỏi bệnh; dùng pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ tông để khuyên sống thiện, tránh điều ác; dùng Thiền tông để nâng cao nhận thức, khai mở trí huệ...
Ông khuyên mỗi người hãy niệm Phật để được vãng sanh về cõi Tây phương:
Tây phương thẳng bước chơn lần,Hưởng nhờ muôn thuở bửu châu thiếu gì.
[Nguyễn Văn Hầu, 1973, tr.106]
Di Đà lục tự Nam-mô,Vãng sanh Tịnh độ ra vô thanh nhàn.
[Nguyễn Văn Hầu, 1973, tr.110]
Một học giả người Pháp, Philippe Lambert, đã nhận định rằng “Phật giáo gồm 3 trường phái lớn: Tịnh Độ, Mật và Thiền. Đoàn Minh Huyên đã sử dụng siêu nhiên thực hành Mật thừa và Đạo giáo để chữa bệnh. Những thực hành này được dành riêng cho các vị Tổ hoặc là đệ tử trực tiếp của họ. Để các tín hữu đến cõi Tịnh thổ, cần trì niệm không ngừng tên của Đức Phật A Di Đà để tiếp cận với thế giới Cực lạc [Philippe Lambert, 2007, tr. 15]
Khảo sát điền dã tại một điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nơi tụ cư khá tập trung tín đồ BSKH so với các nơi khác, và cũng là điểm tụ cư sớm của tín đồ BSKH [Trần Hồng Liên, 2009, tr. 84-90], cho thấy cách hành lễ của tín đồ tùy theo thời gian thuận tiện cho từng cá nhân mà buổi lễ cúng sáng và chiều trong mỗi hộ gia đình có khác nhau. Bà Nguyễn Thị Mân (ấp 5) thực hiện lễ cúng sáng vào lúc 4 giờ khuya và 16 giờ chiều. Khi hành lễ, tín đồ không dùng chuông mõ, chỉ thành tâm niệm Phật, đọc một số bài nguyện trong quyển Cách tu hiền do ông Phạm Thanh Quang8 viết.
g) Yếu tố Tịnh độ trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN) do ông Ngô Lợi, được gọi là Đức Bổn Sư, lập tại An Giang vào năm 1867. Đạo có mối quan hệ với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương qua việc ông phát lòng phái cho tín đồ có 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương và tại ngôi tổ đình của đạo có thờ một trong những tín ngưỡng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là tấm trần điều.
Đạo chủ trương hàng ngày tín đồ phải thành tâm niệm lục tự Di Đà, tức Nam-mô A Di Đà Phật. Muốn đến Tây phương Cực lạc, nơi không có khổ não, chỉ có hạnh phúc, an lạc, thì chỉ cần niệm Nam-mô A Di Đà Phật là đã được cứu độ. Danh hiệu này được tín đồ xưng tụng khi hành lễ tại nhà, trong các lễ cúng dường, nguyện hương tại chùa. Đức Bổn Sư dạy rằng:
“Niệm Phật đừng có lôi thôi
Niệm cho chánh niệm mới ngồi tòa sen”.
[Vương Kim, 1966: 99]
Khi niệm Phật, tín đồ dùng xâu chuỗi 18 hạt, gọi là xâu Pháp tay hay xâu 108 hạt, gọi là Pháp trường để định tâm tưởng niệm. Như vậy, nguyên lý học Phật của đạo TÂHN được hình thành trên sự kế thừa các yếu tố của Tịnh Độ tông và Thiền tông.
h) Yếu tố Tịnh độ trong Phật giáo Hòa Hảo
Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) do ông Huỳnh Phú Sổ lập vào năm 1939 tại An Giang. Ông còn được gọi là Đức Thầy hay Đức Huỳnh Giáo chủ. Tiếp nối truyền thống “học Phật, tu nhân” từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo PGHH chủ trương thực hành pháp môn Tịnh độ. Giáo chủ PGHH cho rằng niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật, cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai. “Sự trì niệm này phải thành khẩn, thiết tha, niệm niệm cho đến chừng nào nhất tâm bất loạn mới đạt được hiệu quả” [Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1969, tr. 36]. Theo PGHH, nhờ có cố gắng, tâm trí sẽ được an nhiên, bình tĩnh, diệt được ma trược phiền não… Như thế cõi Tịnh độ sẽ thể hiện trước mắt ta một cách chân thực vậy.
Ngoài ra, lợi ích của việc niệm Phật là không chỉ để cầu vãng sanh khi quá vãng, mà còn trị được vọng tâm và gây được thiện duyên, niệm Phật giải trừ sầu khổ và thoát được tai họa [Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1969, tr.38]. Theo PGHH, có 4 cách niệm Phật: Trì danh niệm Phật, tức niệm danh hiệu Đức A Di Đà không luận thời khắc hay hành tàng; Tham cứu niệm Phật, là tưởng Phật thường xuyên, đồng thời quán xét chánh niệm, không cho tâm tán loạn; Quán tưởng niệm Phật, tức tưởng tượng hình dung Đức Phật hiện tiền để vọng cầu chứng độ; Thật tướng niệm Phật, là chuyên niệm trở về tâm, hợp với bản lai thanh tịnh, phá cả vọng chấp.
Trong 4 cách niệm Phật, thì cách sau cùng được xem là cao thâm nhất. Nhưng dù cho hành giả có áp dụng cách nào đi nữa, Đức Thầy cũng khuyên:
Muốn niệm Phật bất cần sớm tối
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng.
[Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1969, tr.40]
Để hành giả vững lòng tu niệm, kinh luận đều khuyên bảo cần có tín, nguyện và hạnh9 thì mới dễ đạt hiệu quả.
Tín đồ PGHH hành lễ ít nhất 2 lần vào sáng và tối, khi lễ chỉ thành tâm niệm Phật A Di Đà và đọc sám giảng do Đức Thầy soạn, để nhằm tĩnh tâm và cầu vãng sanh về cõi Tịnh thổ.
Nhận xét
- Qua việc trình bày quan niệm và cách hành trì pháp môn Tịnh độ của nhiều hành giả, của tổ chức Hội Phật giáo, của các tôn giáo ở Nam Bộ, cho thấy có nhiều quan niệm khác nhau. Có quan niệm cho rằng pháp môn Tịnh độ là pháp môn dựa hoàn toàn vào tha lực, chỉ cần trì niệm danh hiệu của Đức A Di Đà là khi chết sẽ được vãng sanh về cõi Tây phương Tịnh độ, như quan niệm của ngài Pháp Nhiên thượng nhân. Tuy nhiên, cũng có quan niệm lại cho rằng giáo lý Phật giáo xưa nay đều dựa hoàn toàn vào nỗ lực của chính cá nhân người hành trì, tức vào tự lực là chủ yếu. Từ hai quan niệm khá trái ngược này, một số Hội, tổ chức Phật giáo đã kết hợp thêm vào phương pháp hành trì pháp môn Tịnh độ các yếu tố của Thiền tông, như Thiền-Tịnh đạo tràng của ngài Minh Trực; của Mật tông như Mật-Tịnh đạo tràng của Ngài Thiền Tâm, hoặc đồng thời sử dụng cả 3 yếu tố của Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông trong sinh hoạt thiền đường. Điều này cho thấy Phật giáo ở Nam Bộ, trong quá trình phát triển đã mang tính linh hoạt, đã được cụ thể hóa, thể hiện sự tùy thuận theo trình độ, căn cơ của con người và tính đặc thù của vùng đất mà phổ hóa.
- Từ đặc điểm trên đưa đến hệ quả là không có Tịnh Độ tông ở Nam Bộ như là một tông phái của Phật giáo, mà có sự kết hợp với Thiền tông và Mật tông. Pháp môn Tịnh độ là pháp môn vừa tự lực vừa tha lực. Pháp môn này khuyên bảo cần có tín, nguyện và hạnh thì mới dễ đạt hiệu quả.
- Sự sáng tạo, kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả Tịnh lẫn Mật, cả đốn lẫn tiệm, là một nghệ thuật, để có thể dẫn dắt hành giả mau chóng đặt chân được đến miền Tịnh thổ. Sự sáng tạo mang tính năng động, cởi mở, uyển chuyển, nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa Phật giáo. Điều đó lại càng minh chứng cho một đạo Phật Việt Nam nhập thế vì lợi ích cho dân tộc, cho chúng sanh.
Kinh sách của các tổ chức có thực hành pháp môn Tịnh độ đều được soạn bằng Việt ngữ, được thể hiện qua lối thi ca, dễ thuộc, dễ nhớ, vì vậy, lời kinh đã dần đi sâu vào tâm hồn hành giả.
- Các tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo đều sử dụng, hành trì việc niệm Phật, cầu tha lực của Đức A Di Đà. Mỗi tín đồ hành xử Tứ ân, gồm 4 ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo và ân đồng bào nhân loại để có thể tham dự Hội Long Hoa. Hội Long Hoa ra đời nhằm phân định phẩm vị cho những người có công đức, vì vậy các giáo phái này đã phối hợp pháp môn của Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông, trong đó xiển dương pháp môn Tịnh Độ là chủ yếu, vì pháp môn này dễ thực hiện nhất, là con đường ngắn nhất để khuyến người dân tu tập cho kịp kỳ Long Hoa đại hội, mở ra một thời kỳ mới, thời Thượng Nguyên Thánh Đức, một kỷ nguyên mới, một quốc độ mới, trong đó mọi người đều sống trong sự an lạc, hạnh phúc, một cõi nhân gian Tịnh độ.
- Sự ra đời của khá nhiều tổ chức hành trì pháp môn Tịnh Độ ở Nam Bộ, có thể do nhiều nguyên nhân, từ yếu tố ngoại sinh và từ nhu cầu của tín đồ. Yếu tố ngoại sinh phát xuất từ bối cảnh địa-lịch sử và địa-văn hóa của Nam bộ. Trong môi trường địa lý buổi đầu đi khai hoang mở cõi, đa số người dân nhập cư vào vùng đất mới là những người nông dân ít học, có nhu cầu cầu an khi đang sống và cầu siêu khi có người thân qua đời. Những khát vọng ấy đã sớm đưa người dân đến với Phật giáo. Trong từng ngôi chùa, từ hơn 300 năm qua, việc thực hành pháp môn Tịnh độ vào mỗi tối là việc thường xuyên, đều đặn.
- Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tổ chức mới được lập ra để thực hành pháp môn Tịnh độ, nhất là trong giai đoạn Phật giáo chấn hưng, tức từ những năm 1920 đến 1945. Cũng không thể không chú ý đến việc chính quyền Pháp cấp phép cho việc ra đời của nhiều tổ chức hội, trong đó có các hội Phật giáo, nhằm chứng minh cho một “thể chế dân chủ” của họ. Mặt khác, cho phép khá nhiều hội ra đời còn nhằm một mục tiêu xa hơn, chính là để cho người dân thực hành tín ngưỡng-tôn giáo mà quên đi việc đấu tranh chống ngoại xâm, như lời thừa nhận của họ trong các văn bản, hiện vẫn còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia ở Việt Nam.
- Từ những tiền đề và bối cảnh lịch sử của Nam Bộ đã giúp chúng ta lý giải vì sao ở Nam Bộ đã xuất hiện khá nhiều đạo giáo, nhiều hội Phật giáo, mà ở miền Bắc và miền Trung không có những dạng thức như vậy. Sau năm 1975, lần lượt các đạo giáo này được công nhận tư cách pháp nhân10, được chính thức thừa nhận là một tôn giáo. Hiện nay, tại khá nhiều ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông, trong hoạt động của mình, đều chú ý phát huy pháp môn Tịnh độ. Những buổi sinh hoạt tại chùa dành cho các Phật tử như “khóa tu Một ngày an lạc”, “khóa tu Niệm Phật”, hoặc trong những khóa tu thọ Bát quan trai, đều có dành riêng một mục Niệm Phật, thời gian kéo dài gần một giờ.
Kết luận
Do bối cảnh địa-lịch sử và địa-văn hóa đặc thù ở Nam Bộ Việt Nam, đã xuất hiện khá nhiều hội đoàn, đạo giáo có thực hành pháp môn Tịnh độ so với các vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một tông phái Tịnh Độ riêng biệt, đúng nghĩa trong Phật giáo Việt Nam, mà chỉ có sự kết hợp thực hành pháp môn của Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông; hoặc kết hợp thực hành pháp môn của Thiền tông với Tịnh Độ tông; hoặc của Mật tông với Tịnh Độ tông. Điều này đã góp phần làm rõ đặc trưng của Phật giáo ở Việt Nam, cũng như ở Nam Bộ VN nói riêng.
Nội dung kết hợp cả 3 yếu tố Thiền-Tịnh-Mật trong từng đạo giáo/giáo phái còn cho thấy việc hành giả trì niệm hồng danh của Đức A Di Đà không chỉ là để nhằm cầu vãng sanh khi qua đời, mà còn giúp họ nhanh chóng có được sự an lạc khi còn đang sống tại thế gian, đó là cõi nhân gian Tịnh Độ.
Trần Hồng Liên
___________________
(1) Thanh tịnh nghiệp gồm thế phước, giới phước và hành phước. Thế phước gồm hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện; Giới phước gồm thọ trì tam quy ngũ giới, giữ gìn các giới, không phạm oai nghi; Hành phước gồm phát tâm Bồ-đề, thâm tín nhân quả, đọc tụng kinh điển, khuyến tấn hành giả.
(2) Cửu phẩm liên hoa là một loại pháp khí, hình tháp nội tiếp trong một nhà phẩm thông ba tầng, mỗi tầng bốn mái. Tháp được thiết kế hình lục lăng hoặc bát giác với chín tầng hoa sen, trên một cái trục nối từ đất đến trần của tòa nhà. Tháp Cửu phẩm liên hoa có hai dạng: quay được (thường bằng gỗ) và không quay được (xây bằng gạch đá).
(3) Tại chính điện thường có 3 bàn thờ, gọi là bàn tam cấp: cao nhất là bàn Di Đà, đặt thờ Đức A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát. Bàn thứ hai thấp hơn, gọi là bàn Hội Đồng, thường là thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào và Bắc Đẩu; bàn thứ ba ở dưới cùng đặt thờ 5 vị, gồm Phật (A Di Đà hoặc Thích Ca, tùy từng trường hợp sử dụng cho việc cầu an hay cầu siêu) và 4 vị Bồ-tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ-tát.
(4) Trường hợp tại Hưng Đức tự, tỉnh Bình Dương có sư cô là tu sĩ trụ trì trong ngôi chùa của Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là rất hiếm, nhưng hiện nay cô cũng đã qua đời.
(5) Hòa thượng Minh Trực (1895-1976) xuất gia theo phái Thiền Lâm Tế, dòng Chúc Thánh, thuộc thế hệ truyền thừa thứ 40.
(6) Bài thơ Niết-bàn Diệu Tâm do Ngài Minh Trực viết.
(7) Tổ đình Phật Bửu tự, thuộc quận 3, TP.HCM, hiện do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh trụ trì.
(8) Người hướng dẫn việc đạo cho tín đồ trong huyện Tân Châu là ông Phạm Thanh Quang, thời gian từ năm 1941 đến 1947, được tín đồ tôn xưng là Giáo chủ, sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch.
(9) Tín là trọn tin nơi Đức Phật, là y cứ vào Chánh pháp và quả quyết rằng mình là Phật sẽ thành, để nhờ đó mà vững lòng bất thoái. Nguyện là lập chí cho bền chặt, lúc nào cũng mong muốn được vãng sanh Cực lạc. Lòng mong mỏi thiết tha sẽ là động cơ dẫn đến mục tiêu. Hạnh hay hành là cố gắng thực hiện theo niềm tin đó hầu vươn lên theo sở nguyện. Càng thực hành bền bỉ thì kết quả càng sâu dày.
(10) Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được công nhận là một tôn giáo vào năm 2008; đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vào năm 2006 và Phật giáo Hòa Hảo vào năm 1999; Tịnh Độ Cư sĩ Phật Hội Việt Nam vào năm 2007.
---------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A-Tiếng Việt
1- Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo 2012, Sấm giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo chủ. NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
2- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1969, Đạo pháp khai tâm, Ban Phổ thông giáo lý Trung ương tái bản.
3- Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam. NXB.Khoa Học Xã Hội. Hà Nội.
4- Nguyễn Văn Hầu (biên khảo) (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Ban Quản trị Tây An cổ tự xuất bản.
5- Nguyễn Văn Hầu (1970/2006), Nửa tháng trong miền Thất Sơn, NXB.Trẻ, TP.HCM.
6- Hà Văn Tấn (1987), Về 3 yếu tố của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Tịnh, Mật, Tập Văn số 9, Ban Văn hóa TƯ GHPGVN.
7- Lý Bỉnh Nam (2015), Phật pháp vấn đáp chuyên đề Pháp môn Tịnh độ, Thích Đức Trí dịch, Tập san Tâm Thị số 24, 2015, GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.
8- Minh Mẫn (2013), Tự tánh Di Đà. NXB.Hồng Đức. Hà Nội.
9- Nguyễn Văn Quý (2015), Vài nét về Tịnh Độ tông và tư tưởng Tịnh độ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 năm 2015.
10- Pháp Nhiên (2010), Niệm Phật tông yếu, Nguyễn văn Nhàn dịch, NXB.Phương Đông, Hà Nội.
11- Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
12- Trần Hồng Liên (2009), Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Bộ (trường hợp xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), Tạp chí Khoa Học Xã Hội, số 4.
13- Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Lễ bái lục phương giáo lý chơn giải, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
14- Thích Chơn Thiện (2000), Tư tưởng kinh A Di Đà, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
15- Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (1955), Thư của Hội trưởng Tịnh Độ tông Việt Nam: Đoàn Trung Còn gửi Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, ngày 11-3- 1955.
16- Trần Đình Hượu, Xu hướng Tịnh Độ tông trong Phật giáo ở Việt Nam và vai trò xã hội của nhà chùa trong đời sống hiện đại, web: phattuvietnam.net.
17- Thích Huệ Đăng (1993), Tịnh Độ Chánh tông diễn giải, Thành Hội Phật giáo TP.HCM.
18- Vương Kim (1960), Đời Hạ ngươn hay lịch trình diễn tiến nhân loại, NXB.Long Hoa, Sài Gòn.
19- Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, NXB. Long Hoa, Sài Gòn.
B- Tiếng nước ngoài
20- Philippe Lambert, 2007, Le Parfum étrange de la montagne précieuse. Péninsule No 55.
21- Hue Tam Ho Tai, 1983, Millenarianism and Peasant Politics in VietNam, Harvard University Press.
22- Nguyen Xuan Nghia, 1995 Les mouvements messianiques du delta du Mekong 1900-1975. Social compass vol. 42, No september 1995.
Từ khóa » Tịnh độ Tông Tại Việt Nam
-
Tịnh độ Tông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Pháp Môn Tịnh độ Tại Việt Nam Nhìn Từ Bối Cảnh Hiện đại
-
Trào Lưu Tịnh Độ Tại Việt Nam - Chùa Hoằng Pháp
-
Vài Nét Về Pháp Môn Tịnh độ Và Hành Trì Tịnh độ Tại Việt Nam
-
Tịnh Độ Tông Việt Nam - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Sự Truyền Đăng Tịnh Độ Tại Việt Nam - Linh Sơn Phật Giáo
-
Nói Chuyện Tu Tịnh độ | Phật Giáo Việt Nam
-
Việt Nam Tịnh Độ Tông - Home | Facebook
-
Tâm Thư Thông Bạch Suy Tôn Tổ Sư Tịnh Độ Tông Việt Nam
-
Tinh Thần Dung Hợp Giữa Thiền Tông Và Tịnh độ (Thích Nữ Trí Tuyền)
-
[PDF] VÀI NÉT VỀ TỊNH ĐỘ TÔNG VÀ TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TRONG LỊCH ...
-
Năm điều Cốt Lõi Của Tịnh độ Tông Trong Kinh A Di Đà - YouTube
-
Vài Nét Về Tịnh độ Tông Và Tư Tưởng Tịnh độ Trong Lịch Sử Phật Giáo ...