Phát Biểu Của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Lào Thongloun Sisoulith ...

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,

- Các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên và học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,

- Các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào thân mến,

Hôm nay, nhân dịp dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đất nước anh hùng và tươi đẹp theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; tôi vô cùng vinh dự được đến thăm Học viện Chính trị Quốc gia, ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nhân dịp này, tôi xin gửi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em nói chung, các đồng chí trong Ban Giám đốc, cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên và toàn thể học viên của Học viện nói riêng tình đoàn kết yêu thương gắn bó, tình đồng chí, anh em của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Qua báo cáo của Giám đốc Học viện, tôi rất vui mừng phấn khởi thấy rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng trưởng thành và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quốc tế trong đó đào tạo cho nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chúng tôi, nguồn nhân lực này đã và đang trở thành nguồn nhân lực quý báu cho chúng tôi trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước Lào, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xứng đáng với danh hiệu làm tròn sứ mệnh lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dạy: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ".

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo nhiều cán bộ trở thành người đứng đầu trong bộ máy chủ chốt, lãnh đạo và đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và Lào, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, phát triển mối quan hệ Lào - Việt Nam đời đời bền vững. Nhân dịp này, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng những thành tựu mà các đồng chí đã giành được trong suốt thời gian qua.

Các đồng chí thân mến,

Tôi xin thông báo với các đồng chí, tôi đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trong các cuộc làm việc, lãnh đạo cấp cao của hai nước cùng nhau khẳng định mạnh mẽ về truyền thống hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu gây dựng, vun đắp và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước bảo vệ và phát triển trong nhiều thập kỷ qua và trở thành tài sản chung vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai dân tộc, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng ở mỗi nước chúng ta. Hai bên đã cùng đánh giá sự hợp tác toàn diện trong giai đoạn qua và phấn khởi nhận thấy rằng:

Quan hệ chính trị được coi là vấn đề gốc ngày càng được thắt chặt, tin cậy cao, trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ trên các lĩnh vực; hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại không ngừng được củng cố, phối hợp hài hòa trong việc bảo vệ thành quả cách mạng, phòng chống và đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phối hợp chặt chẽ trên diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển ở khu vực và trên thế giới. Quan hệ về kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa và các lĩnh vực khác được coi là vấn đề trung tâm, đã không ngừng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi và thống nhất về phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới nhằm đưa quan hệ đặc biệt và hiếm có giữa hai nước Lào - Việt Nam lên tầm cao mới với chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Các đồng chí thân mến,

Nhìn lại truyền thống quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta vô cùng tự hào và xúc động với sự đóng góp to lớn của các chiến sĩ cách mạng hai nước, chúng ta luôn khắc ghi mọi hình ảnh lịch sử ấn tượng mà chiến sĩ Lào - Việt Nam cùng chung chiến hào, vui buồn có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, sẵn sàng hy sinh vì nhau để mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước như ngày nay.

Trong giai đoạn cùng chiến đấu quyết liệt trên con đường đấu tranh gian khổ, anh dũng và đầy sự hy sinh, hàng chục nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã để lại gia đình, họ hàng, quê hương của mình, cùng vác súng và khoác ba-lô hăng hái hành quân vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ sang đất nước Lào chúng tôi để thực hiện nghĩa vụ quốc tế cùng quân đội và nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân cũ và mới. Có thể nói, hầu hết các chiến trường trên mảnh đất Lào đều có sự liên minh chiến đấu giữa các chiến sĩ Lào - Việt Nam, tạo nên chiến công từ một chiến hào, góp phần làm cho lực lượng cách mạng Lào từng bước giành chiến thắng và giành hoàn toàn thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền trên cả nước và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Trong liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam chống kẻ thù chung, mảnh đất của hai nước chúng ta đã trở thành một chiến trường chung, mọi thắng lợi của các chiến dịch ở Việt Nam đều tạo điều kiện cho các chiến dịch ở Lào đánh bại kẻ thù. Đồng thời, trên mọi con đường lớn nhỏ, mọi mảnh rừng, hang động và mọi dòng sông, con suối trong các bản làng lớn nhỏ trên mảnh đất Lào đều có dấu chân, mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam; nổi bật nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn cũng góp phần rất quan trọng cho việc vận chuyển vũ khí khí tài để tiếp tục hành quân tiến về mặt trận để hoàn toàn giải phóng miền nam Việt Nam, trở thành trang sử khắc ghi lại rằng, nhân dân hai nước chúng ta luôn kề vai nhau sát cánh đấu tranh hy sinh chống lại kẻ thù chung, giành lại tổ quốc mến yêu của chúng ta, để lại cho thế hệ ngày nay và các thế hệ mai sau.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào đánh giá cao và biết ơn sâu sắc đối với sự đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của các đồng chí chiến sĩ và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh khốc liệt chống lại giặc ngoại xâm để giải phóng nhân dân Lào thoát khỏi hiểm nguy của ách đô hộ. Chúng tôi nhận thức và chia sẻ sâu sắc đối với gia đình của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên mảnh đất Lào, cho đến nay, còn có nhiều đồng chí chưa tìm thấy hài cốt để hồi hương trở về với vòng tay của người thân và về với đất mẹ mến yêu của mình.

Cá nhân tôi vẫn rất nhớ đến sự gian khổ trong việc thực hiện sứ mệnh tìm kiếm hài cốt của quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại đất Lào để hồi hương, vì tôi là người đầu tiên làm Trưởng đoàn và là người thành lập đoàn công tác đặc biệt của phía Lào cùng với đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội của Việt Nam thời bấy giờ, bắt đầu từ năm 1990 cho đến nay, sứ mệnh này vẫn được tiếp tục.

Các đồng chí thân mến,

Hôm nay, chúng ta nhìn lại lịch sử đấu tranh cùng chung chiến hào của chiến sĩ hai nước, một mặt để ôn lại truyền thống hào hùng của liên minh chiến đấu, sự giúp đỡ lẫn nhau của quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, nhưng không thể miêu tả được hết tất cả các sự kiện đấu tranh khốc liệt, tạo nên sứ mệnh kỳ diệu trong thời điểm đó. Nhưng đây là những thông tin thực tiễn sinh động để cung cấp cho thế hệ trẻ của hai nước khắc sâu vào tư tưởng và trong tận đáy lòng của họ được biết rằng, tại sao và xuất phát từ đâu mới có các sự kiện trong quá khứ, sự gian khổ và sự hy sinh to lớn của các thế hệ tiền bối đã mang lại những gì cho thể hệ này và thế hệ mai sau của người dân Việt Nam và Lào.

Có phải chăng, sự gian khổ kiên cường và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hai nước chúng ta trước đây đã để lại di sản quý báu cho chúng ta, đó là hai nước Lào và Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân ta có cuộc sống yên bình trên Tổ quốc mến yêu, đất nước Lào được giải phóng, miền nam Việt Nam được giải phóng và hai miền bắc - nam được thống nhất sum họp một nhà... Đây cũng chính là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong của chúng ta, mặc dù máu của các chiến sĩ hòa quyện vào với đất, nhưng chính các chiến sĩ cũng sẽ vô cùng vinh dự và tự hào vì đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Tôi muốn hoài niệm lại để các đồng chí được biết về kỷ niệm của cá nhân tôi kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ (tôi vẫn còn nhớ vào khoảng tháng 9 năm 1969). Hôm đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vô cùng oi bức, nhưng Hà Nội được bao trùm trong không khí tĩnh lặng và vô cùng đau thương, cùng với đó là tiếng pháo cao xạ, tiếng báo động, tiếng máy bay dội bom liên tiếp của máy bay Mỹ trong giai đoạn muốn san phẳng Hà Nội, người dân Việt Nam đau thương, nước mắt lưng tròng vì nhớ thương Bác Hồ mới qua đời được một tháng. Những hình ảnh đó vẫn luôn trong tôi cho đến ngày hôm nay. Vì kẻ thù cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời, thì tinh thần chiến đấu của chiến sĩ cách mạng Việt Nam sẽ bị suy giảm nên đã lợi dụng cơ hội này mở các chiến dịch khắp Việt Nam, trong đó muốn san phẳng Hà Nội bằng mọi loại bom mìn, mọi lực lượng, mọi phương tiện hòng lấn át tinh thần của người dân, buộc người dân phải đầu hàng nhưng trái lại, tinh thần cách mạng, tinh thần đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn bù nhìn Sài Gòn càng cao lên với khẩu hiệu đấu tranh vì đất nước, đấu tranh bảo vệ miền nam, đấu tranh vì Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã lan tỏa trong khắp đất nước và trên thế giới.

Chiến dịch ác liệt, san phẳng Hà Nội của không quân Mỹ, sự kiện ném bom vào các khu dân cư, B-52 ném vào Bệnh viện Bạch Mai chính bản thân tôi được cảm nhận và tận mắt chứng kiến sự độc ác tàn nhẫn đó, bên cạnh đó, chiến dịch ở miền nam Việt Nam, các chiến dịch khác tại Lào cũng gay gắt, đường mòn Hồ Chí Minh là chiến trường được tắm bởi mưa rơi bão đạn của Mỹ nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển để giải phóng miền nam Việt Nam ngày càng gay gắt và kéo dài cho tới năm 1973, kẻ thù bị thất bại, Mỹ đầu hàng chấp nhận ký Hiệp định Paris, thời điểm đó, việc đấu tranh của ba nước Đông Dương giành thắng lợi, Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia, nhân dân ba nước tự hào về chiến thắng cuối cùng của mình...

Kể đến đây, tôi không thể nào quên được những hình ảnh về nhân dân Việt Nam anh em thời kỳ đó. Đi đôi với sự vui mừng với thắng lợi đã giành được nhưng sâu thẳm trong cảm nhận của chúng ta là vô cùng tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng ao ước Người vẫn còn sống, mong muốn Người thấy được tâm nguyện của mình, đó là: đem lại hòa bình, độc lập cho nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, thống nhất hai miền bắc - nam dưới ngọn cờ hòa bình độc lập dân tộc...

Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này cũng bởi tôi vô cùng vinh dự được bước vào Học viện nơi vinh quang được mang tên “Hồ Chí Minh vĩ đại” và được vinh dự đứng trước các đồng chí, đã thực hiện được theo lời dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Việc “trồng người” trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa sâu rộng, “trồng người” sau khi có Tổ quốc độc lập để thay thế cho thế hệ trước. Thế hệ sau sẽ tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của thế hệ tiền bối, tiếp tục giữ gìn và phát triển, tiếp nối sự nghiệp trồng người để có thêm sức mạnh bảo vệ thành quả cách mạng, để có người đưa đất nước chúng ta đi theo con đường mà thế hệ trước đã để lại tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Các đồng chí thân mến,

Tôi xin trích lại lời nói từ đáy lòng của Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong buổi bế mạc Hội nghị tổng kết và rút kinh nghiệm công tác tác chiến tại Lào trong tháng 9 năm 1965. Người nói: Nhìn lại lịch sử 20 năm đấu tranh vừa qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu, hai dân tộc anh em Lào - Việt chúng ta luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Lào là thắng lợi chung của hai nước. Nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh ở chiến dịch Xầm-nưa, Nặm-bạc... nhiều cán bộ Việt Nam sang hoạt động tại Lào từ khi bắt đầu cuộc cách mạng cho đến già, coi nhân dân Lào như nhân dân của mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng của Việt Nam; tình cảm giữa hai Đảng, hai nước và hai quân đội chúng ta vô cùng thân thiết... hai anh em chúng ta đồng cam cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, vui buồn có nhau, quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta là quan hệ đặc biệt... Chủ tịch Kaysone Phomvihane còn nhấn mạnh thêm: Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông.

Các đồng chí thân mến,

Trong giai đoạn mới, giai đoạn của hội nhập quốc tế, quan hệ Lào - Việt Nam ngoài giữ được nội dung cơ bản truyền thống và tính chất đặc biệt, mối quan hệ này còn gắn liền với việc xây dựng hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong điều kiện tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, cộng với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, xuyên tạc và âm mưu hòng phá hoại tình đoàn kết đặc biệt được gây dựng bằng mồ hôi xương máu của các chiến sĩ cách mạng và được trải qua thử thách trên ngọn lửa cách mạng đấu tranh quyết liệt vì độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển của hai nước trong suốt nhiều thập kỷ qua, chúng tôi cho rằng hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát huy quan hệ hữu nghị thủy chung, trong sáng giữa hai nước Lào - Việt Nam ngày càng có hiệu quả, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và truyền tiếp cho thế hệ trẻ mai sau và coi công tác bảo vệ, giữ gìn quan hệ này là trọng trách và là nhiệm vụ cao cả của chúng ta để xứng đáng với sự hy sinh cao cả và nguyện vọng của các thế hệ tiền bối. Vấn đề quan trọng ở đây là tích cực giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, thấm nhuần sâu sắc và hiểu về nguồn gốc truyền thống quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, cùng với Đảng, Nhà nước chủ động phản bác lại những xuyên tạc của các thế lực thù địch, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của hai nước chúng ta, sẵn sàng đối phó và đẩy lùi âm mưu diễn biến hòa bình của nhóm người xấu, cùng nhau gánh vác sứ mệnh lịch sử bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước tiến lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ gìn quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam đời đời bền vững.

Các đồng chí thân mến,

Quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam là quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai, được hình thành từ ý chí chung của hai Đảng và khắc sâu trong mỗi trái tim của nhân dân hai nước, như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, năm 1963:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Chủ tịch Souphanouvong cũng đánh giá sâu sắc về quan hệ Lào - Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam năm 1971, rằng: Quan hệ Lào - Việt Nam vĩ đại, vô hạn, không có bài hát, câu thơ nào diễn tả được, tình hữu nghị này cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất...

Năm 2021 này, ở hai nước chúng ta đã diễn ra sự kiện quan trọng là tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai Đảng chúng ta đang chỉ đạo, lãnh đạo triển khai sôi nổi các nội dung Nghị quyết Đại hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở hai nước.

Dù có những trở ngại và khó khăn thế nào đi chăng nữa, nhất là đại dịch Covid-19 đang tác động như thế nào đi nữa, nhưng quá trình tiến hành các công việc ở hai nước chúng ta đang không ngừng được triển khai và thực hiện.

Chúng tôi vô cùng tự hào khi thấy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, vững mạnh toàn diện, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, góp phần làm cho vị thế, vai trò của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên diễn đàn quốc tế. Điều này đã minh chứng rõ rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã làm cho tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Một lần nữa, xin bày tỏ lòng biết ơn và chân thành cảm ơn đối với sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với công cuộc giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã luôn đào tạo cán bộ chủ chốt cho đất nước Lào và sẽ tiếp tục đào tạo cho chúng tôi trong thời gian tới.

Tôi xin dừng lời, cảm ơn phía Việt Nam đã dành cơ hội cho tôi được có buổi gặp và nói chuyện ngày hôm nay, cảm ơn đã lắng nghe với phần chia sẻ của tôi.

***

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước,

Đồng chí Giám đốc Học viện thân mến,

Chúc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các đồng chí trong Ban Giám đốc, cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên và học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có mặt hôm nay dồi dào sức khỏe, thành công trong công việc của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Từ khóa » Tổng Bí Thư Lào Thongloun Sisoulith