Phát Hành Trái Phiếu Quốc Tế Kênh Huy động Vốn Hữu Hiệu Cho ...
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội để huy động vốn dài hạn quốc tế
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào thực hiện phát hành trái phiếu. Nhưng tới nửa cuối tháng 5/2022, bắt đầu có một vài doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trở lại với giá trị rất thấp. Điển hình là Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú (700 tỷ đồng), Bất động sản An Gia (300 tỷ đồng), Long thành Riverside (105 tỷ đồng).
Tuy nhiên, ngay đầu tháng 6 Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Novaland (NVL) công bố chào bán thành công lô trái phiếu với tổng giá trị 5.774 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư nước ngoài do Warburg Pincus dẫn đầu.
Cụ thể, Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua vào 4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền; Credit Suisse AG Singapore Branch mua 1.108 trái phiếu chuyển đổi và 46 trái phiếu kèm chứng quyền.
Tương tự như NVL, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng trình bày kế hoạch phát hành 300 triệu đô la trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược nước ngoài vào ngày 28/5/2022, kỳ hạn trái phiếu dự kiến 5 năm và không có tài sản đảm bảo.
Chủ tịch của DXG còn cho biết gói trái phiếu chuyển đổi này đã chốt xong với đối tác ngoại, dự kiến trong quý II-III/2022 sẽ hoàn tất đợt phát hành.
Trước đây, đã có nhiều tập đoàn trong nước chào bán trái phiếu thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài như Vingroup, Masan, VietinBank, Hoàng Anh Gia Lai… Ngay cả Novaland cũng đã từng huy động vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản lớn chuyển hướng huy động vốn trái phiếu quốc tế có thể coi là một bước đi táo bạo và thích ứng kịp thời trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực tranh thủ hút vốn nước ngoài phục vụ hoạt động đầu tư.
Trước hết, phải ghi nhận việc cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay xử lý sai phạm trên thị trường trái phiếu trong nước. Mặc dù có gây xáo trộn ngắn hạn nhưng điều này đã củng cố được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và môi trường vĩ mô ổn định đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.
Quan trọng hơn, việc S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định vào ngày 26/5/2022 đã thể hiện được góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Mức xếp hạng BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB và tiệm cận với mức BBB-, là mức xếp hạng được định nghĩa ở “Mức đầu tư” của S&P.
Nếu S&P sớm nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BBB-, khi đó thị trường Việt Nam được xem xét ở mức rủi ro thấp hơn và do đó mức lợi nhuận đầu tư kỳ vọng cũng sẽ thấp hơn hiện tại, có nghĩa là chi phí huy động vốn quốc tế sẽ giảm dần.
Ngày 31/3/2022, Chính phủ đã ban hành “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm BBB- (S&P và Fitch) và Baa3 (Moody) trở lên. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ, kết hợp với việc đã được nâng xếp hạng tín nhiệm lên BB+, hoàn toàn có thể hi vọng mục tiêu trên sẽ sớm đạt được trước năm 2025.
Theo đó, hàng chục tỷ đô la được dự báo sẽ đổ vào thị trường vốn trong nước. Do đó, doanh nghiệp đi trước đón đầu dòng vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi sẽ có nhiều lợi thế trong tương lai.
Doanh nghiệp làm gì để tiếp cận vốn trái phiếu quốc tế?
Khi Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm quốc gia thì đồng nghĩa với việc “trần xếp hạng tín nhiệm” của các doanh nghiệp trong nước cũng được nâng lên (xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không được cao hơn xếp hạng quốc gia). Đây là lợi ích lớn nhất mà các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được khi muốn tham gia vào thị trường vốn quốc tế.
Việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là cả một quá trình khó khăn và phức tạp, nếu thực hiện thành công thì uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng cao và tạo tiền lệ tốt cho các khoản vay mới sau này.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để tiếp cận dòng vốn ngoại qua kênh trái phiếu do hàng năm Ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ cấp một hạn mức vay nợ nước ngoài nhất định cho khối doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu ở Việt Nam đều là các nhà đầu tư tổ chức nên họ đặt yêu cầu rất cao về năng lực quản trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính, minh bạch thông tin, khả năng luân chuyển vốn…, và đây cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp phát hành cần phải chú ý.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc… là khách hàng, đối tác của Yuanta quan tâm đến trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nhưng sản phẩm để cho họ lựa chọn thì chưa nhiều. Vì vậy, ông Tùng gợi ý một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng chào bán trái phiếu thành công trên thị trường quốc tế.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nâng lực quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng dựa trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như chuẩn mực kế toán IFRS, các tiêu chuẩn ISO, hệ thống thông tin quản lý MIS…
Hiện nay, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng lộ trình hướng dẫn và áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS, trong đó năm 2023 là năm đánh dấu sự chuyển đổi ngôn ngữ kế toán khi các doanh nghiệp niêm yết phải bắt buộc áp dụng chuẩn mực này trong xây dựng báo cáo tài chính.
Thứ hai, phải thực hiện chế độ minh bạch thông tin và công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; trong đó sự minh bạch phải đảm bảo ba yếu tố: trình bày thông tin đầy đủ, trình bày thông tin kịp thời và thông tin trình bày phải được kiểm định, kiểm chứng, kiểm toán. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận và nắm bắt thông tin về tình hình của doanh nghiệp.
Thứ ba, việc lựa chọn các đối tác là ngân hàng, công ty luật, công ty thẩm định giá, công ty kiểm toán, công ty xếp hạng tín nhiệm, công ty chứng khoán... là rất quan trọng trong việc thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu và hợp tác với các tổ chức lớn, có uy tín quốc tế để hỗ trợ xây dựng thủ tục và làm hồ sơ phát hành.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải phối hợp với đơn vị tư vấn và đơn vị bảo lãnh phát hành để lựa chọn tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài ở những khu vực có quan hệ ngoại giao kinh tế thân thiết với Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng nhằm giảm bớt các rủi ro liên quan đến chính trị hay rủi ro luân chuyển vốn của các nhà đầu tư trong tương lai.
Cũng theo ông Tùng, dư địa để phát triển thị trường trái phiếu trong nước còn rất lớn, trong đó hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế sẽ là kênh dẫn vốn ngoại hiệu quả cho các doanh nghiệp lớn và cho cả nền kinh tế.
Từ khóa » Thị Trường Trái Phiếu Quốc Tế
-
Thị Trường Trái Phiếu Quốc Tế Là Gì? Phân Loại Và đặc điểm?
-
Trái Phiếu Quốc Tế Là Gì? Phân Loại Theo Thị Trường Phát Hành?
-
Thị Trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp 9 Tháng đầu Năm 2019 - Chi Tiết Tin
-
Thị Trường Trái Phiếu Quốc Tế - Luật ACC
-
Năng Lực Tiếp Cận Vốn Doanh Nghiệp Việt Nam Trên Thị Trường Trái ...
-
THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU QUỐC TẾ - TaiLieu.VN
-
Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Những Vấn đề đặt Ra Cho Thị Trường Trái ...
-
Tăng Khả Năng Phát Hành Trái Phiếu Quốc Tế Thành Công Của Doanh ...
-
Phát Hành Trái Phiếu Quốc Tế, Tiền Nhiều Nhưng Không Dễ Có Vốn Rẻ
-
VietinBank Phát Hành Thành Công 250 Triệu USD Trái Phiếu Quốc Tế
-
Thị Trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp: Chậm Lại để đi Xa Hơn
-
Phát Triển Thị Trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp Theo Hướng Bền Vững
-
Quy định Về Phát Hành Và Giao Dịch Trái Phiếu Chính Phủ Trên Thị ...
-
30.578 Tỷ Trái Phiếu Phát Hành Trong Tháng 6, Lãi Suất Cao Nhất 9,5%