Phát Hiện Hệ Sao Ba đang 'xé Toạc' đĩa Hình Thành Hành Tinh

Phát hiện hệ sao ba đang 'xé toạc' đĩa hình thành hành tinh Phát hiện hệ sao ba đang 'xé toạc' đĩa hình thành hành tinh

Đồ họa 3D mô phỏng hệ sao GW Orionis. Video: Scitech Daily.

Các hệ mặt trời từng được biết đến trong vũ trụ thường rất phẳng, với các hành tinh và đĩa khí bụi quay quanh ngôi sao trung tâm trong cùng một mặt phẳng quỹ đạo. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là đối với các hệ thống nhiều sao như GW Orionis.

GW Orionis là một hệ sao ba nằm trong chòm sao Lạp Hộ, bao gồm ba ngôi sao trẻ quay quanh nhau, cách chúng ta khoảng 1.300 năm ánh sáng. Trong một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Science hôm 3/9, các nhà thiên văn học quốc tế quan sát thấy nhóm sao này đang xé đĩa hình thành hành tinh (thường chứa khí, bụi và tiểu hành tinh) thành nhiều mảnh và hất chúng lệch khỏi mặt phẳng quỹ đạo ban đầu.

"Từng có nhiều giả thuyết về hiệu ứng xé nhỏ đĩa hình thành hành tinh, nhưng đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên", đồng tác giả nghiên cứu Alison Young từ Đại học Exeter và Leicester của Anh nhấn mạnh. "Điều này làm tăng khả năng xuất hiện những hành tinh quay quanh nhóm sao theo quỹ đạo nghiêng".

Nhóm nghiên cứu cho biết vòng lệch có độ nghiêng lớn nhất của hệ thống GW Orionis nằm ở phần phía trong của đĩa, gần với ba ngôi sao. Vòng này chứa lượng bụi nặng gấp 30 lần khối lượng Trái Đất, có nghĩa là nó có đủ điều kiện để sản sinh các hành tinh.

"Bất kỳ hành tinh nào hình thành trong vòng lệch này sẽ quay quanh các ngôi sao trung tâm với quỹ đạo nghiêng. Hiện tại chưa có cách nào để tìm kiếm chúng, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều hành tinh như vậy được phát hiện trong các chiến dịch chụp ảnh trong tương lai", nhà vật lý thiên văn Alexander Kreplin từ Đại học Exeter, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Nhóm quốc tế - bao gồm các nhà nghiên cứu từ Anh, Bỉ, Chile, Pháp và Mỹ - bắt đầu nghiên cứu hệ thống GW Orionis từ năm 2008 bằng cách sử dụng Máy tổng hợp đa chùm tia AMBER và công cụ GRAVITY trên Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) đặt tại Đài quan sát Nam Âu (ESO) ở Chile. Dữ liệu sau đó được sử dụng để xây dựng một mô hình máy tính chi tiết của hệ thống, cho phép các nhà khoa học dự đoán hiệu ứng xé rách đĩa hình thành hành tinh của nó.

Từ dự đoán này, nhóm nghiên cứu mới thực hiện các quan sát trực tiếp bằng thiết bị SPHERE, một hệ thống quang học thích ứng trên VLT, kết hợp với kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới Atacama Large milimet/Submillimeter Array (ALMA) đặt tại sa mạc Atacama ở miền bắc Chile.

Mô phỏng 3D so với dữ liệu hình ảnh từ kính viễn vọng (phải). Ảnh: Space.

Mô phỏng 3D so với dữ liệu hình ảnh từ kính viễn vọng (phải). Ảnh: Space.

"Hình ảnh từ VLT và ALMA thật tuyệt vời. Chúng tôi đã nhìn thấy rõ các vòng lệch đúng như dự đoán trên mô hình máy tính. Thật thú vị khi các dự đoán toán học được xác minh trong quan sát rõ ràng như vậy", Young chia sẻ.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu muốn sử dụng thêm một số hệ thống kính thiên văn khác như Kính viễn vọng Cực lớn (ELT) của ESO để khám phá hoàn toàn bản chất của hệ sao GW Orionis.

Đoàn Dương (Theo Scitech Daily/Space)

  • Sao lùn trắng 'ăn' ngôi sao cùng hệ
  • Khám phá một trong những hệ sao kỳ lạ nhất vũ trụ

Từ khóa » Hệ Sao Ba