Phát Hiện Hóa Thạch Thằn Lằn Bay Hiếm - VnExpress

Mô phỏng thằn lằn bay Ornithostoma. Ảnh: Davide Bonadonna.

Mô phỏng thằn lằn bay Ornithostoma. Ảnh: Davide Bonadonna.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Roy Smith từ Đại học Portsmouth của Anh trong lúc xem xét bộ sưu tập hóa thạch gai vây cá mập tại hai bảo tàng Sedgwick và Booth đã bất ngờ phát hiện một số mảnh xương chứa foramina - lỗ nhỏ cho phép dây thần kinh đi qua và trồi lên bề mặt để cảm nhận con mồi. Gai vây cá mập không có đặc điểm này, vì vậy nhà nghiên cứu ngay lập tức nhận ra mình vừa có một khám phá thú vị.

Những mảnh xương, ước tính khoảng 100 triệu năm tuổi, được khai quật tại thành hệ địa chất Cambridge Greensand Member ở miền đông nước Anh từ cách đây hơn một thế kỷ nhưng đã bị nhầm lẫn là gai vây cá mập cho tới tận ngày nay. Phân tích mới cho thấy chúng thực chất là các mảnh vỡ xương mõm của thằn lằn bay cổ đại.

Một mảnh vỡ xương mõm của Ornithostoma được lưu giữ tại bảo tàng Anh. Ảnh: Roy Smith.

Một mảnh vỡ xương mõm của Ornithostoma được lưu giữ tại bảo tàng Anh. Ảnh: Roy Smith.

Trong bài đăng trên Kỷ yếu của Hiệp hội Địa chất Anh hôm 10/11, Smith cùng các cộng sự cho biết đã xác định được hai trong số các mảnh xương thuộc về một thành viên trong chi thằn lằn bay Ornithostoma.

"Tôi rất phấn khích với khám phá này vì hóa thạch Ornithostoma đặc biệt hiếm ở Anh. Đến nay mới chỉ có hai loài được biết đến", Smith nhấn mạnh. "Phát hiện mới bởi vậy có ý nghĩa lớn, giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta về bò sát cổ đại".

Ornithostoma bao gồm các loài thằn lằn bay không răng sống trong thời kỳ đầu của kỷ Phấn trắng cách đây 110 triệu năm. Mẫu vật được tìm thấy ở Anh có thể đại diện cho một loài mới nhưng nhóm nghiên cứu chưa có đủ dữ liệu để xác nhận và đặt tên cho loài.

Đoàn Dương (Theo CNET)

  • Phát hiện loài dực long mỏ dài mới
  • Hóa thạch hiếm của thằn lằn ngón cánh

Từ khóa » Thằn Lằn Bay Cổ đại Tên Khoa Học