Phát Hiện Sớm Bệnh Lao đa Màng - Cách Gì? - Medlatec

Biểu hiện của lao màng ngoài tim

Bình thường trong khoang màng tim có một lớp dịch mỏng để làm trơn cho tim co bóp. Khi bị vi khuẩn lao xâm nhập sẽ gây viêm màng tim làm tăng tiết dịch, dịch nhiều; hoặc làm màng tim dày, xơ, dính, bóp nghẹt làm trái tim khó co giãn. Khi đó, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như:

Nhiễm khuẩn, nhiễm độc lao: sốt nhẹ buổi chiều, chán ăn, mệt mỏi, xanh xao.

Tổn thương ở tim: đau vùng trước tim hay đau sau xương ức. Đau tăng lên khi nuốt hoặc hít thở. Đôi khi đau lan ra tay trái như đau thắt ngực trong bệnh mạch vành hoặc đau lan xuống vùng thượng vị.

Khi dịch trong khoang màng ngoài tim nhiều, ép vào tim làm cho tim không thực hiện tốt nhiệm vụ thu hồi máu và đẩy máu đi thì có thêm dấu hiệu khó thở và ứ trệ tuần hoàn (phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi). Những triệu chứng trên cũng gặp khi màng tim dày, xơ và dính.

Biểu hiện của lao màng bụng

Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng thường là thứ phát sau ổ lao khác.

Biểu hiện lâm sàng của lao màng bụng rất đa dạng và phong phú. Do bệnh lao màng bụng ở thể cấp tính và bán cấp tính biểu hiện lâm sàng thường rất mờ nhạt, dễ nhầm sang các bệnh khác như: sốt nhẹ về chiều, đau âm ỉ; bụng trướng nhẹ… nên hầu hết bệnh nhân không nhận ra, chỉ khi bệnh đã thành mạn tính với những triệu chứng điển hình, rầm rộ hơn thì mới đi khám và điều trị.

Trong thể lao màng bụng mạn tính sẽ chia thành 3 thể: cổ trướng, loét bã đậu, xơ dính.

Thể cổ trướng: biểu hiện đầu tiên là sốt nhẹ 37- 38oC kéo dài, thường từ chiều và đêm, nhưng có thể sốt cao 39-40oC hoặc bệnh nhân không nhận ra là có sốt. Bệnh nhân thường ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, gầy sút. Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc đau từng cơn với vị trí đau không rõ ràng, bụng trướng, rối loạn tiêu hóa (đại tiện phân táo lỏng thất thường). Bụng to dần lên thường ở mức độ vừa, cảm giác tức nặng. Bụng bè ngang, rốn lồi ở tư thế nằm. Khi bệnh nhân ngồi hoặc đứng, bụng sệ và lồi ra phía trước. Da bụng căng, nhẵn bóng, trắng như sáp nến. Ngoài ra có thể có hạch mềm, di động, không đau ở dọc cơ ức đòn chũm (nếu có hạch thì cần phải kiểm tra xem có lao hạch phối hợp không), cũng có thể có tràn dịch màng phổi hoặc màng tim phối hợp. Vì thế, khi có cổ trướng, phải thăm khám lâm sàng toàn diện để phát hiện tổn thương lao ở các nơi khác để xem có bị lao đa màng: màng bụng, màng phổi, màng tim (điều trị lao đa màng khó khăn, tiên lượng xấu).

Lao màng bụng thể cổ trướng là thể nhẹ, nếu được điều trị sớm, đúng phác đồ thì đa số diễn biến và tiên lượng tốt. Nếu không được điều trị tốt thì sẽ chuyển nhanh sang thể bã đậu hóa hoặc xơ dính hóa.

Biểu hiện của lao màng não

Bệnh lao màng não thường khởi phát từ từ, kéo dài vài tuần với các biểu hiện của hội chứng nhiễm độc lao như sốt nhẹ về chiều và tối, mệt mỏi, ăn ngủ kém, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm, da xanh...

Kèm theo có thể có các dấu hiệu về thần kinh, lúc đầu thường nhẹ, thoáng qua và tăng dần: nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ, thay đổi tính tình, đôi khi bại nhẹ thoáng qua hoặc co giật cục bộ... Trẻ em thường hay bỏ ăn, bỏ chơi, hay buồn ngủ...

Một số trường hợp khởi phát đột ngột, không điển hình với các biểu hiện: loạn thần, co giật, sốt cao liên tục, có hội chứng màng não rõ từ đầu... Tuy nhiên, những trường hợp này thường là do không được theo dõi kỹ từ đầu, khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Thời kỳ toàn phát sẽ có các hội chứng như nhiễm khuẩn - nhiễm độc: sốt nhẹ về chiều hoặc là sốt cao liên tục, sốt dao động... kèm theo các biểu hiện nhiễm độc lao rõ và cơ thể gầy yếu, suy kiệt nhanh. Hội chứng màng não xuất hiện từ từ, ngày một rõ và đầy đủ hơn: nhức đầu âm ỉ thường xuyên, đôi khi nhức đầu dữ dội. Có triệu chứng tăng kích thích, sợ ánh sáng, tăng trương lực cơ, liệt nửa người, liệt tứ chi... Nếu không được điều trị kịp thời sẽ có rối loạn ý thức, bán hôn mê, hôn mê và tử vong.

Lao phổi.

Biểu hiện của lao màng phổi

Ở giai đoạn khởi phát, khoảng 50% các trường hợp có biểu hiện cấp tính như đau ngực đột ngột, dữ dội; sốt cao, ho, khó thở. Khoảng 30% các trường hợp diễn biến từ từ với các dấu hiệu: đau ngực liên tục, sốt nhẹ về chiều và tối, ho khan, khó thở tăng dần. Một số ít bệnh nhân có diễn biến rất trầm trọng giống bệnh cảnh của thương hàn.

Đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi, gầy sút, sốt liên tục, nhiệt độ giao động 38-40oC, mạch nhanh, huyết áp hạ, buồn nôn, nôn, lượng nước tiểu ít; ho khan từng cơn, cơn ho xuất hiện đột ngột khi thay đổi tư thế; đau ngực giảm hơn so với thời kỳ khởi phát; khó thở thường xuyên, tăng dần.

Bệnh lao đa màng dễ nhầm với các bệnh khác, chẳng hạn như lao màng ngoài tim dễ bị nhầm với ung thư màng tim, viêm màng ngoài tim do vi khuẩn khác và virut... vì thế việc nhận biết về căn bệnh thông qua các triệu chứng đặc trưng… sẽ giúp bệnh nhân điều trị sớm và tích cực.

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn

Từ khóa » đa Mang Là Gì