Phát Huy Lợi Thế Vựa Lúa Số 1 Cả Nước Của Đồng Bằng Sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định vị thế "vựa lúa số 1" của nước ta. (Ảnh: PV)

Không ngừng củng cố vị trí là “vựa lúa số 1” cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất lúa và trở thành vựa lúa số một cả nước.

Diện tích gieo trồng lúa của vùng luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. Năm 2000, diện tích gieo trồng lúa của toàn vùng đạt 3.945,8 nghìn ha, chiếm 51,5% diện tích trồng lúa của cả nước, năm 2015 tăng lên 4.301,5 nghìn ha, chiếm 55% và đến năm 2020 là 3.963,7 nghìn ha, chiếm 54,5%.

Ngành lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long đã không ngừng áp dụng cải tiến giống cây trồng, thay đổi từ giống lúa năng suất thấp chỉ đạt 2-3 tấn/ha sang các giống lúa cao sản chất lượng cao đạt 6-8 tấn/ha. Năng suất lúa của vùng hầu hết các năm đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Sự thay đổi mùa vụ từ 1-2 vụ/năm sang 3 vụ lúa chính/năm cùng với đổi mới cơ cấu giống lúa và quy trình sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất. Nhờ đó, năng suất lúa từng vụ và cả năm ở vùng tăng dần qua các năm. Năng suất lúa năm 2015 đạt 59,5 tạ/ha, cao hơn 1,9 tạ/ha so với năng suất chung của cả nước, năm 2020 đạt 60,1 tạ/ha, cao hơn 1,4 tạ/ha. Đặc biệt vụ đông xuân năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72 tạ/ha, cao hơn 3,7 tạ/ha năng suất vụ đông xuân cả nước. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân năm 2021 đạt cao: Hậu Giang đạt 78,2 tạ/ha; Phú Yên đạt 77,9 tạ/ha; Bạc Liêu đạt 77,3 tạ/ha; Kiên Giang đạt 76,2 tạ/ha; An Giang đạt 74,7 tạ/ha; Đồng Tháp đạt 73,2 tạ/ha. Tính chung 20 năm từ 2000-2020, năng suất lúa bình quân toàn vùng tăng thêm 17,8 tạ/ha, làm tăng thêm hơn 7 triệu tấn lúa, chiếm gần 70% tổng sản lượng lúa tăng thêm của cả nước.

Biểu đồ sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bên cạnh cải tiến giống lúa, công tác cải tạo thủy lợi xả phèn, rửa mặn, cải tạo đất hoang hóa, chủ động trong tưới tiêu, tạo tiền đề cho các giống lúa thích nghi phát triển và đẩy mạnh công tác khuyến nông, nâng cao trình độ sản xuất của bà con nông dân đã góp phần nâng sản lượng lúa của vùng từ 12,8 triệu tấn năm 1995 lên 23,8 triệu tấn năm 2020. Đóng góp lớn vào sản lượng lúa của vùng là 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp, sản lượng lúa của 3 địa phương này chiếm tới gần 50% sản lượng lúa toàn vùng. Trong đó, lúa đông xuân có sản lượng cao nhất trong 3 vụ lúa chính đóng góp khoảng 44% sản lượng lúa cả năm. Thành công của vụ lúa đông xuân đóng góp lớn đến thắng lợi của sản xuất lúa trong vùng. Vụ đông xuân năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,94 triệu tấn, tăng 365,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, chiếm 53,2% sản lượng lúa đông xuân của cả nước. Không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng lúa gạo ngày càng cao, với các loại lúa đặc sản như IR64, OM1490, OM2031, VND95-20, MTC250, IR62032, lúa nàng thơm Chợ Ðào, Jasmine, đặc biệt là ST phục vụ xuất khẩu ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng lớn về cả diện tích và sản lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp… đặc biệt để không làm ảnh hưởng đến sản xuất xuất lúa của vùng.

Khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nước và quốc tế

Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; phát triển được giống gạo ST ngon nhất thế giới; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng. Với lợi thế đó, để phát huy được thế mạnh hiệu quả, vùng cần quy hoạch các tiểu vùng sản xuất lúa hàng hóa, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ; xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao.

Doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo cần đóng vai trò trung tâm liên kết với nông dân và các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư đầu vào trên cánh đồng lớn; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo, trong đó, tập trung nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, phát triển các công trình giao thông. Mặt khác, cần triển khai hiệu quả chính sách, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản lương thực.

Biểu đồ số liệu lúa Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, kinh phí đầu tư trọng điểm nhằm nghiên cứu chọn lai tạo, phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt, phù hợp tới từng vùng sinh thái; đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật, công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; nghiên cứu giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, ngập úng và khô hạn tác động đến sản xuất lúa.

Thêm vào đó, rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách về thuế đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo, nhập khẩu phân bón phù hợp với diễn biến thị trường thế giới để đảm bảo bình ổn giá trong nước và có tích lũy phòng rủi ro. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo huấn luyện nông dân để nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất lương thực.

Có thể thấy, phát huy được lợi thế vựa lúa số một cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long góp phần vào thành công của sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia./.

Từ khóa » Diện Tích Trồng Lúa Việt Nam 2020