Phạt Nặng 'nghèo Luôn', Sẽ Không Dám Lái Xe Khi Uống Bia Rượu

Phạt nặng nghèo luôn, sẽ không dám lái xe khi uống bia rượu - Ảnh 1.

Tổ công tác của đội CSGT đo nồng độ cồn tài xế trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), tối 3-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần làm gì để quy định này được thực thi nghiêm khắc, việc thực hiện đi vào nề nếp? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, luật sư và chính những người lái xe.

* Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 1-1-2020, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao. Cả mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô và xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nâng lên rất nhiều so với trước đây.

Mức phạt như vậy đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm giao thông vì đánh mạnh vào "nồi cơm, manh áo" khiến người dân phải cân nhắc, dè chừng, nhất là cánh tài xế mưu sinh bằng nghề lái xe thuê. Cơ quan chức năng cần triển khai xử lý, xử phạt thật khẩn trương, nghiêm minh để răn đe hành vi vi phạm.

Tuy nhiên thời gian từ khi ban hành đến khi có hiệu lực là rất ngắn, chỉ hai ngày, do đó các cơ quan chức năng cần phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông... đẩy mạnh tuyên truyền về mức phạt tăng cao cho nhiều người dân biết thực hiện đúng. Những ngày qua lực lượng CSGT ra quân xử phạt nhưng rất nhiều người ngạc nhiên trước mức phạt mới.

Hi vọng với quy định đủ mạnh và việc thực hiện nghiêm sẽ dần thay đổi, tiến đến chấm dứt hành vi lái xe khi đã uống bia rượu.

Phạt nặng nghèo luôn, sẽ không dám lái xe khi uống bia rượu - Ảnh 2.

Đội CSGT số 6 ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: CHÍ TUỆ

* Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội):

2 phía cần thực thi nghiêm

Hiện nay có hai luật quy định về xử phạt hành vi của người sử dụng rượu bia và chất kích thích lái xe là Luật phòng chống tác hại rượu bia và Luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, Luật hình sự cũng có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc thông qua các luật này thể hiện quyết tâm của Quốc hội về việc nghiêm cấm hành vi lái xe khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích khác. Đây là luật cấm tổng thể, khi đã uống rượu bia và chất kích thích thì bất kể nồng độ cồn bao nhiêu cũng không được lái xe. Như vậy, nếu vi phạm, người dân chắc chắn sẽ bị xử phạt ít nhất là về mặt hành chính.

Luật phòng chống tác hại rượu bia tạo ra sự cưỡng chế pháp lý mới. Vậy phần còn lại là trách nhiệm của các cơ quan thực thi làm sao để thi hành luật nghiêm khắc. Luật này có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào hai yếu tố, thứ nhất chính công dân có chấp hành hay không? Thứ hai, khi có vi phạm cơ quan chức năng có xử lý nghiêm khắc hay không?

Kinh nghiệm trước đây, lúc đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe nhiều người nghĩ sẽ không đi vào cuộc sống được. Nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm, kết hợp với truyền thông, giáo dục, quy định này đi vào cuộc sống thành công. Hiện nay, đội mũ bảo hiểm khi lái xe ra đường trở thành thói quen của người dân.

Phạt nặng nghèo luôn, sẽ không dám lái xe khi uống bia rượu - Ảnh 3.

* Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Sẽ thay đổi dần hành vi tùy tiện

Mức phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn tại nghị định 100 so với trước được nâng lên rất nhiều. Việc tăng mức phạt với vi phạm nồng độ cồn đối với người đi xe máy và ôtô là cần thiết. Bởi đây là hai loại phương tiện chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra nghị định cũng bổ sung xử phạt cả trường hợp lái xe đạp uống rượu bia. Với mức phạt cao sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc kéo giảm, ngăn chặn tai nạn giao thông do bia rượu trong thời gian tới.

Quy định này sẽ thay đổi dần hành vi tùy tiện lái xe khi uống bia rượu và tiến đến thay đổi "văn hóa ăn nhậu" ở xã hội chúng ta.

* Ông Phạm Văn Quốc (huyện Bình Chánh, TP.HCM):

Tôi sẽ cân nhắc

Công việc của tôi thường giao tiếp có bia rượu. Mỗi dịp như vậy trước đây có thể tôi sẽ lái xe máy hoặc ôtô về. Khi uống bia rượu xong, tôi lái xe cũng an toàn, cẩn thận chưa xảy ra va quẹt gì và cũng hiếm khi bị CSGT thổi phạt hay kiểm tra nồng độ cồn.

Tuy nhiên hiện quy định mới có mức phạt rất cao như vậy thì tôi sẽ cân nhắc khi đi giao tiếp, công việc có uống bia rượu. Lỡ bị phạt nồng độ cồn khi lái xe chắc sẽ "cạn túi". Vì vậy chắc tôi sẽ gọi xe khi đi và về cho an toàn. Mà so về tính toán kinh tế chi phí gọi xe vẫn rẻ hơn nhiều so với việc tự lái rồi bị xử phạt.

Phạt nặng nghèo luôn, sẽ không dám lái xe khi uống bia rượu - Ảnh 4.

Đội CSGT Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đo nồng độ cồn người tham gia giao thông trên xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM tối 4-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Trần Thống (ngụ Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM):

Bị phạt là "nghèo luôn"

Tôi làm thợ xây, nhiều bữa chiều xong việc anh em vẫn hay uống ít bia rượu giao lưu vui vẻ rồi lái xe về. Trước đây cũng có vài lần bị CSGT thổi phạt mức nhẹ và nhắc nhở. Quy định mới mức phạt cao nhất còn cao gần gấp đôi giá chiếc xe máy cà tàng của tôi. Trong khi đó mỗi lần uống cũng phải hơn 5 chai bia chắc nồng độ cồn cũng đã ở mức cao nhất.

Mức phạt này khiến tôi không dám lái xe khi uống bia rượu, lỡ bị phạt một lần là "nghèo luôn", còn nếu đi xe ôm thì chi phí cũng không chịu nổi. Thỉnh thoảng buộc phải đi tiệc cưới hoặc dịp lễ tết thì gọi xe ôm cũng được. Chắc chỉ còn nước ở nhà lai rai với hàng xóm dịp cuối tuần cho "an toàn".

* Bà Trần Thị Trang (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế):

Ăn trái cây có nồng độ cồn có bị phạt?

Ăn một số trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, thuốc có dung môi cồn khi ăn, uống vào có nồng độ cồn trong máu có bị phạt hay không không phải là vấn đề mới, vì quy định người lái ôtô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật giao thông đường bộ năm 2009 và đến nay vẫn thực hiện, từ đó đến nay chưa có ai phản hồi về việc ăn trái cây có đường, dùng các loại thuốc có dung môi cồn và bị phạt.

Tuy nhiên, hàm lượng cồn từ các thực phẩm, thuốc này rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh, thông thường sau khi ăn, mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau 15-30 phút thì không còn nồng độ cồn.

Cũng vậy, không phải ăn xong là bị CSGT chặn lại thổi phạt, bởi những người có bia rượu mặt đỏ gay, đi đứng loạng choạng, có mùi cồn, mùi bia rượu khác hẳn với người không dùng. Mọi người đều có quyền khiếu nại, giải trình theo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Hiện có thông tin ăn 3 quả vải có độ cồn trong khí thở là 0,22mg/lít thì phải xem lại, vì đây là nồng độ cồn của người dùng gần 2 chai bia. Những ngày gần đây mọi người băn khoăn nhiều về việc làm sao uống mà không bị xử phạt, mà mục tiêu của luật là cảnh báo tác hại của rượu bia và giảm sử dụng rượu bia, giảm bệnh tật, tử vong và những hệ lụy cho xã hội.

Nồng độ cồn dưới ngưỡng quy định vẫn rủi ro

Trong khi Việt Nam và một số quốc gia khác áp dụng luật "không khoan nhượng", tức là không được lái xe nếu nồng độ cồn trong máu lớn hơn 0, nhiều nước trên thế giới quy định giới hạn nồng độ cồn cho phép. Điều đó có nghĩa không được lái xe nếu nồng độ cồn vượt quá giới hạn pháp luật quy định.

Giới hạn nồng độ cồn trong máu phổ biến nhất là 50 mg/100 ml máu (0,05%) ở các nước như Hàn Quốc, Úc, Pháp… Nhiều nước quy định khắt khe hơn với giới hạn nồng độ cồn không được vượt quá 0,02% hay 0,03% như Nga, Nhật Bản, Singapore… Và một số nước quy định "rộng rãi" hơn với giới hạn 0,08% như Mỹ hay Canada.

Tuy nhiên, ngay cả khi nồng độ cồn trong máu hay hơi thở chưa vượt giới hạn an toàn, tài xế vẫn được khuyến cáo không nên lái xe. Tổ chức phòng chống tác hại của rượu và ma túy Úc (ADF) cho biết ngay cả một lượng rất nhỏ rượu bia cũng ảnh hưởng đến sự tập trung, phán đoán và khả năng lái xe. Tài xế có cảm giác không say nhưng thực ra phản ứng và tập trung đã giảm sút. Điều này rất quan trọng không chỉ trong lái xe mà còn ở các công việc yêu cầu kỹ năng và tập trung cao độ. Vì vậy, theo ADF, tài xế có gấp đôi tỉ lệ gặp tai nạn khi lái xe với nồng độ cồn bằng với giới hạn cho phép so với khi không uống rượu bia.

Ở Úc cũng quy định kỹ rằng những người đã từng bị phạt vì lái xe khi uống rượu bia thì lần sau chỉ được lái xe khi nồng độ cồn bằng 0. Và một số ngành nghề cũng bắt buộc không được uống một giọt bia rượu nào như tài xế xe tải và xe buýt.

MINH KHÔI

CSGT kiểm tra độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, uống nửa lon bia cũng không thoát CSGT kiểm tra độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, uống nửa lon bia cũng không thoát

TTO - Sau khi bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn, tài xế ôtô thường kiểu phân trần 'tôi uống có nửa lon bia cách đây 5 tiếng rồi. Vào nhà bà chị có mấy ông anh đang ngồi nhậu mời tôi uống nửa lon cho vui, cứ nghĩ không sao, ai ngờ...'

Từ khóa » Hình ảnh Không Uống Rượu Bia Khi Lái Xe