Phát Ngôn Trên Mạng Xã Hội, đừng Nghĩ : 'Nhà Tôi', Tôi Muốn Nói Gì Là ...

Tiếng nói lạc lõng trong điểm nóng COVID

Hình ảnh hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lên đường chi viện cho TP.HCM lên đường chống dịch COVID-19 được chia sẻ rộng rãi trên các trang MXH. Đa phần đều bày tỏ sự xúc động và trân trọng trước tinh thần của đội quân tình nguyện này.

Tính từ đợt dịch thứ 3 đến nay, cán bộ giảng viên, sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã có 2 tháng tham gia phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương và 40 ngày tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhiều cán bộ, sinh viên có thời gian tham gia hỗ trợ và trực tiếp chống dịch đã dài ngày, xa gia đình nhưng tất cả đều không câu nệ, thậm chí tâm thế luôn sẵn sàng lên đường.

Tài khoản Facebook có tên Phuong Vu, của nhà báo, MC được biết đến với tên Trác Thúy Miêu

Tuy nhiên, theo quan sát của Sức khỏe & Đời sống tại thời điểm đó, trên mạng xã hội đã bắt đầu có những chia sẻ thông tin trái chiều liên quan đến đoàn sinh viên tình nguyện tại TP.HCM. Một số chi  tiết được nhấn mạnh. Chả hạn như, có sự chậm trễ trong việc lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân ở quận Gò Vấp khi "hẹn người dân 13h nhưng đến mãi 19h mới có mặt". Hoặc là những yêu cầu của đoàn tình nguyện viên khi trang phục bảo hộ không đúng tiêu chuẩn. Thậm chí mạng xã hội còn dấy lên những luồng ý kiến rằng, tại sao phải chi viện khi TP.HCM có rất nhiều y bác sĩ giỏi. Rồi những thắc mắc về việc đoàn SV tình nguyện di chuyển bằng máy bay và ở khách sạn 5 sao…

Đa số cư dân mạng cho rằng hầu hết những thông tin kể trên chưa đủ để đưa ra bất cứ kết luận hay phán xét nào. Đã có nhiều ý kiến rằng đừng để những câu chuyện như thế ảnh hưởng đến những cố gắng chung của cả nước trong phòng chống dịch. Nhiều người thông qua mạng xã hội đã gửi những lời động viên cùng cảm ơn sâu sắc nhất đến đội ngũ y tế, sinh viên tình nguyện. Khẳng định việc các em sinh viên đồng hành cùng TP.HCM chống dịch trong thời điểm hiện nay mới là điều quan trọng nhất.

Trong một vài tiếng nói phiến diện và lạc lõng,  nổi lên một tài khoản Facebook có tên Phuong Vu, của nhà báo, MC được biết đến với tên Trác Thúy Miêu. Trác Thúy Miêu là một MC, host cho các chương trình truyền hình như Solo cùng Bolero, Chuyện đêm muộn... Đồng nghĩa, ít nhiều cũng là một tài khoản Facebook có ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng. Vậy nhưng tài khoản này đã tỏ ra thiếu cẩn trọng trong phát ngôn. Chỉ cần đọc lướt nội dung status của Trác Thúy Miêu trên trang cá nhân, cộng đồng mạng dễ dàng nhận ra giọng điệu mỉa mai, kỳ thị, phân biệt vùng miền.Theo nguồn tin riêng của Sức khỏe & Đời sống, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM yêu cầu xem xét, xử lý trường hợp này theo thẩm quyền. Kết quả xử lý, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM thông báo tới Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trong thời gian sớm nhất.

“Sinh viên Y Dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm. Mấy anh mấy ông ở trên cũng bớt léo nhéo mấy câu ca cũ rích, gì mà cuộc chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, nghe mắc cỡ gần chết. Cái nết đó phải bỏ nha, không thôi cuộc chiến lòng người sẽ còn dài dữ lắm” – đoạn chia sẻ của Trác Thúy Miêu trên trang cá nhân.

Không dừng ở đó, Trác Thúy Miêu còn viết: “Sài Gòn bản thân nó dư nội lực, cả tri thức, sức người và lòng người, chơi kiểu mấy em nhắm coi trong số mấy trăm mạng sau tốt nghiệp sẽ không có một bạn nào ôm mộng vô Sài Gòn sinh nhai không? Rồi hỏi vậy ai ưa cho nổi? Sài Gòn nội miền Nam, miền Trung ôm ấp không hết, đào tạo về y học và kỹ thuật viên đừng nói mạnh nhì nước này. Đồ ăn thức uống dân thương dân lo, nhưng làm sao thương cho được là chuyện khác. Khách sạn thì dư chỗ mấy em cứ ở, tụi em là khách. Sinh viên Sài Gòn tụi này cũng toàn dân tỉnh, xỉu nằm xỉu ngồi ngoài thực địa, nếu có gặp, nhớ gọi người ta là anh là chị, nghe chưa!”.

“Chết khiếp chị luôn”

Đấy là một lời đáp trả, chia sẻ cảm xúc của một nữ luật sư khi đọc “tâm thư” kể trên của Trác Thúy Miêu. Nữ luật sư cũng thẳng thắn cho biết, là con người, nhất lại một phụ nữ, không ai ứng xử và dùng những lời lẽ hàm hồ như thế. “Chị đang xúc phạm và gây tổn thương tới những tấm lòng tử tế ngoài Bắc này đấy” – Facebooker nói trên nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng đã nêu ra quan điểm của mình đối với vấn đề này và nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ: "Tình cảm của người dân cả nước, tình cảm của các em sinh viên, tình nguyện viên là vô cùng đáng trân trọng. Lúc này, chỉ có đoàn kết mới là chất keo mạnh mẽ gắn kết, giúp TP.HCM vượt qua đại dịch."

Hà Thanh Phúc- nhà văn trẻ sinh năm 1988/ gốc miền Tây và sớm nổi tiếng trên văn đàn đồng thời cũng là một cá nhân năng động trong những hoạt động xã hội - thì bày tỏ : Suốt thời gian qua, với khả năng y tế của TP.HCM, với sức trẻ của các sinh viên ngành Y ở thành phố này, họ vẫn đang làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, có thêm sự trợ giúp từ địa phương nào vào lúc này cũng đáng quý. Về việc cho các sinh viên trường Y của tỉnh Hải Dương ở khách sạn 5 sao khi đến TP.HCM thực hiện công tác hỗ trợ, điều này hết sức bình thường, bởi dù sao những khách sạn cũng đang bỏ trống. Hơn nữa việc tiếp đãi khách tử tế, hiếu khách vốn là bản tính người miền Nam.

Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Quận Gò Vấp, hỗ trợ TP.HCM chống dịch (Ảnh Dantri.com.vn)

Thường xuyên chơi “phây”, nhà thơ/ nhà báo Văn Công Hùng cũng thấy không thể không lên tiếng sau khi đọc “tút” của Trác Thúy Miêu. Không bình luận gì nhiều, nhà thơ Văn Công Hùng chỉ thấy… phục nữ MC vì “có tới 4.000 bình luận, đa phần là... chửi cô này, chửi rất thậm tệ kinh khủng. Tài cái là, thần kinh thép là, cô ấy kệ, coi như không đọc”.

Nhiều phản ứng khá gay gắt của cư dân mạng khác cũng đã xuất hiện sau status của Trác Thúy Miêu. “Trước khi phê phán ai, Trác Thúy Miêu hãy tìm rõ nguồn cơn. Sài Gòn đâu của riêng nữ MC mà chị chửi, chị đuổi con cháu người ta - những đứa trẻ đáng tuổi con chị phải chịu xa nhà đi làm nhiệm vụ cao cả. Đừng suy từ bụng mình. “Giường ấm đệm êm ở nhà có hiểu những vất vả cực khổ những đứa trẻ đang tự nguyện gánh chịu không?” – dân mạng đặt ra câu hỏi cho Trác Thúy Miêu.

Rất nhiều tài khoản mạng xã hội bình luận phản đối như: “Chả biết bả là ai nhưng phát ngôn nghe chối quá. Người ta đã bất chấp dịch để đi vào tâm dịch thì có ai cần chảnh nữa đâu”, hoặc “Chị giỏi thì chị vô tình nguyện, vô làm đi chị Miêu gì đó ơi, chị đừng có vơ đũa cả nắm”. Người khác thì gay gắt hơn: “Không góp ý, động viên cho các em ấy làm tốt vai trò thì thôi đi, ngồi đó mà vơ đũa cả nắm. Dịch bệnh đang bùng phát, đang lúc cần lực lượng y tế thì lại thở ra cái bài này…”

Nhiều ý kiến cho rằng, nữ MC này có lẽ chưa được tiếp cận Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành gần đây. Theo Bộ quy tắc này, cá nhân và tổ chức cần có các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Một nhà báo của một tờ báo lớn của TP.HCM đã theo chân các bạn sinh viên trường Y của Hải Dương đến Gò Vấp lấy mẫu khi mới đặt chân đến TP.HCM, đã chia sẻ về những gì mà chị được biết và chứng kiến.

Theo nữ nhà báo này, mọi thứ mà nhiều người nhìn thấy chỉ là bề nổi. Người ta nói các em vào TP.HCM ở khách sạn 5 sao giữa trung tâm thành phố, còn thực tế là đơn vị tổ chức đến phút cuối cùng không tìm được nơi nào cho đoàn nên đã phải nhờ cậy Quận 1 để đưa đoàn vào ở. Giờ mang tiếng là ở khách sạn 5 sao, “thấy buồn và thương các em”.

Đại diện UBND Quận Gò Vấp cũng đã lên tiếng xác nhận với truyền thông, quy mô của cuộc lấy mẫu quá lớn (khoảng 400.000) vào ngày đầu tháng 7/2021, các công ty cung ứng vật tư cho đoàn nhân viên y tế chuẩn bị không kịp, nguồn nhân lực cũng đến từ nhiều nơi nên sự phối hợp giữa các bên bước đầu có những khó khăn, trục trặc do những nguyên nhân khách quan. Lãnh đạo Quận Gò Vấp khẳng định các bạn sinh viên trường y ở Hải Dương vào hỗ trợ TP.HCM, tất cả đều rất ủng hộ tinh thần này. Điều quan trọng là tinh thần trách nhiệm, thiện chí của những người tham gia.

Bởi vậy, trên mạng xã hội xảy ra những ồn ào, những “tút” như của Trác Thúy Miêu là cảm tính, nó không đem lại giá trị tốt đẹp gì thậm chí còn phản tác dụng cho công cuộc phòng, chống dịch đang hết sức khẩn trương, quyết liệt tại TP.HCM.Qua công tác kiểm tra, rà soát, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử  phát hiện MC Vũ Hoài Phương (nghệ danh: Trác Thúy Miêu) đăng tải trên mạng xã hội Facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Duơng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP. HCM, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hiện tại, bài viết này  không còn truy cập được.

Từ khóa » Nguyên Văn Bài Viết Của Trác Thúy Miêu