PHẬT PHÁP BẤT LY THẾ GIAN PHÁP | Duy Lực Thiền

Tại sao Phật pháp không thể rời khỏi thế gian pháp ? Bởi một lẽ đơn giản là Phật pháp và Thế gian pháp chỉ là hai khái niệm của con người gán ghép vào hai pháp có hình tướng khác nhau chứ thực sự thì hai pháp ấy không có thực thể, không có tự tính, sự phân biệt ấy chỉ là vọng tưởng của con người. Và hai pháp đó không khác nhau. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, mệnh đề Sắc Bất Dị Không nói lên ý ấy. Sắc (vật chất) là thế gian pháp. Không (bản thể bất nhị) là Phật pháp.

Tuy nhiên về mặt tương đối thì Phật pháp và Thế gian pháp khác nhau về hình tướng. Trong bài này chúng ta sẽ phân tích sự khác nhau đó như thế nào và vì những dính líu chặt chẽ như thế nào mà chúng không thể tách rời nhau. Lục Tổ Huệ Năng có bài kệ.

佛法在世间  Phật pháp tại thế gian     Phật pháp trên thế gian

不离世间觉  Bất ly thế gian giác         Không thể rời thế gian mà giác ngộ

离世觅菩提  Ly thế gian mịch bồ đề    Rời thế gian tìm giác ngộ

恰如求兔角 Kháp như cầu thố giác    Giống như tìm sừng thỏ

Ý bài kệ muốn nói rằng không có cái pháp xuất thế gian hay Phật pháp riêng biệt ở ngoài pháp thế gian. Cố gắng tìm kiếm sự giác ngộ ở ngoài thế gian chỉ là tốn công vô ích giống như tìm sừng thỏ. Thỏ không bao giờ có sừng nên tìm sừng thỏ chỉ là phí công vô ích.

Chẳng hạn tham thiền đi tới các cảnh giới như Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền hay thậm chỉ tới cảnh giới cao hơn nữa thuộc cõi vô sắc như Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng không thể giác ngộ.

Ví dụ trong Niết Bàn Kinh 涅槃經có kể chuyện về sư Uất Đầu Lam Phất 郁头蓝弗như sau :

有个郁头蓝弗天人,他在山中习定,他在定中,山里头那些鸟鸣,叫唤的声音动了他的心了,他有一念瞋恨心,他说“变成飞狸,把你们都吃掉”。就这一念瞋恨心,但是他修的功果一直到生天,在天上生到非想非非想天,那这时间就很长了。但是在他修定的时候,起了这么一念的瞋恨心,天福尽了,下到人间,他就变了飞狸,专门吃飞鸟。一念恶念,这是佛讲的这么个故事。

Dịch nghĩa

Có một người cõi trời tên là Uất Đầu Lam Phất (Udraka Rāmaputra), ông ta ở trên núi tập thiền định, trong lúc thiền, trên núi có tiếng chim kêu inh ỏi ảnh hưởng tới tâm lý ông ta, ông bèn nổi sân hận, nói, “ta sẽ biến thành loài chồn bay (phi ly 飞狸) ăn thịt hết chúng bây”. Đó là một niệm sân hận, nhưng ông ta tu có thành quả được sinh ở cõi trời. Ông ta được sinh ở cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng (cõi trời cao nhất thuộc vô sắc giới), thời gian ở đó rất lâu dài. Nhưng vì lúc ông ta tu thiền định có khởi niệm sân hận, nên khi tuổi thọ ở cõi trời hết, trở lại thế gian, ông ta biến thành con chồn bay, chuyên bắt chim ăn thịt. Đó là Phật kể câu chuyện về một ác niệm.    

Còn việc giác ngộ thì ngay trong cõi thế gian ô trược này cũng có thể giác ngộ như Thích Ca, các vị Tổ Sư, các Thiền sư. Trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc có liệt kê hơn 5000 người kiến tánh, sau Huệ Năng có rất nhiều người kiến tánh chia làm 5 phái lớn : Tào Động tông (曹洞宗, do Động Sơn Lương Giới 洞山良价 và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch 曹山本寂 khai sáng); Vân Môn tông (雲門宗, do Vân Môn Văn Yển 雲門文偃 và pháp tử là Tuyết Phong Nghĩa Tồn 雪峰義存 khai sáng); Pháp Nhãn tông (法眼宗, do Pháp Nhãn Văn Ích 法眼文益 khai sáng); Quy Ngưỡng tông (潙仰宗, do Quy Sơn Linh Hựu 潙山靈祐và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch 仰山慧寂sáng lập), Lâm Tế tông ( 臨濟宗 do Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄 khai sáng).

Những người giác ngộ kiến tánh đó đều sống trên thế gian, hàng ngày họ cũng chỉ mặc áo ăn cơm, gánh nước bửa cũi, cuốc đất trồng rau như người bình thường, thậm chí không nhất thiết phải ngồi thiền như bài kệ của Huệ Năng.

生来坐不卧  Sinh lai tọa bất ngọa     Khi sống ngồi không nằm

死去卧不坐  Tử khứ ngọa bất tọa      Lúc chết nằm không ngồi

原是臭骨头  Nguyên thị xú cốt đầu   Đó vốn là mục xương

何为立功过  Hà vi lập công quá       Chứ có công tích gì

Con người thường hay phân biệt hai loại hình tướng mà họ cho rằng hoàn toàn khác nhau, một loại là Phật pháp, Một loại là Thế gian pháp.

Ví dụ : Chùa cảnh, sư ni, kinh kệ, giáo pháp của Phật, Tổ, tụng kinh niệm Phật, giảng kinh thuyết pháp, ngồi thiền, bố thí trì giới, tu hành chứng quả…đó là Phật pháp.

Nhà cửa, bến cảng, phi trường, đường sá, nam nữ, tình cảm, văn nghệ, tiểu thuyết, ăn uống, giải quyết sinh lý, sản xuất, thương mại, xây dựng, chiến tranh, cướp bóc, lừa đảo v.v… là Thế gian pháp.

Hoặc trừu tượng hơn, tu hành chứng quả là Phật pháp, ăn chơi, tìm kiếm sự thỏa mãn các nhu cầu của cuộc sống là Thế gian pháp.

Sự phân biệt như thế chỉ là vọng tưởng của tâm mê muội chấp trước chứ cả hai loại hình tướng đó đều không có thực chất, bởi vì có một nguyên lý chi phối cả hai loại hình tướng đó. Đó là nguyên lý Nhất thiết pháp vô tự tính. Các pháp đã không có tự tính thì sự phân biệt chỉ là gán ghép tâm niệm, quan điểm của một người hay một nhóm người vào đó mà thôi. Nghĩa là chúng ta gán cho cái này là Phật pháp, gán cho cái kia là Thế gian pháp.

Giống như nhà khoa học gán ghép : đây là hạt electron, nó có các đặc điểm sau :

Thật ra hạt electron không có sẵn những đặc điểm đó, chỉ khi nhà khoa học tiến hành khảo sát, đo đạc thì những đặc điểm đó mới xuất hiện như thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris chứng tỏ. Hạt electron còn một đặc điểm nữa là vị trí mà nhà khoa học không thể xác định, từ đó nhà vật lý Đức Werner Heisenberg mới nêu ra nguyên lý bất định (principle of uncertainty), bởi vì nó có thể ở bất cứ chỗ nào, cũng tức là không ở một chỗ cố định nào, điều này kinh điển Phật giáo gọi là vô sở trụ mà ngày nay danh từ khoa học gọi là non locality. Nguyên lý này được ứng dụng thành công trong điện thoại di động. Từ hạt electron, nhà khoa học tạo ra bit thông tin với hai trạng thái : đóng mạch ký hiệu bằng số 1, ngắt mạch ký hiệu bằng số 0. Từ hai cơ số 0 và 1 này người ta tạo ra công nghệ thông tin, tiêu biểu là mạng internet và điện thoại di động, nơi thông tin có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu miễn có internet và điện thoại di động.

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng là Phật pháp (vô sở trụ) không tách rời khỏi thế gian pháp (internet và điện thoại di động, liên kết lượng tử- quantum entanglement).

Quantum entanglement là hiện tượng một hạt photon có thể đồng thời xuất hiện ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau trong không gian. Khi hạt photon tại một vị trí bị tác động thì các vị trí kia cũng bị tác động theo một cách tức thời không mất chút thời gian nào, bất kể các vị trí cách nhau bao xa dù là 1m, 1000km hay một quang niên cũng thế. Hiện nay thì vệ tinh lượng tử của TQ đã thực hiện được hiệu ứng đó với khoảng cách xa nhất tới thời điểm bây giờ là 1200km. Có nghĩa là tín hiệu vượt qua 1200km không mất chút thời gian nào, hay nói cho đúng thì tín hiệu không cần vượt qua 1200km, bởi vì khoảng cách đó không có thật, thời gian cũng không có thật, số lượng photon ở các vị trí khác nhau trong không gian cũng không có thật.

Chúng ta hãy nghe thầy Duy Lực thuyết về vấn đề này :

1401 Việc trần sa kiếp cũng như việc hiện nay- Ý nghĩa của thời gian

Nếu trong tương lai, con người thực hiện được viễn tải lượng tử (teletransport) ở mức độ cố thể vật chất thì ý tưởng vô sở trụ được thực hiện hoàn toàn, có nghĩa là chỉ cần một niệm chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi nào trên địa cầu hoặc trong vũ trụ.

Video minh họa ý tưởng di chuyển người bằng viễn tải lượng tử

Và như vậy giữa Phật pháp và Thế gian pháp không còn khoảng cách cũng tức là Phật pháp bất ly Thế gian pháp.

Chúng ta còn một ý tưởng vô cùng quan trọng khác để nói về Phật pháp bất ly thế gian pháp. Chúng ta hãy xem lại Kinh Vô Lượng Thọ, phần nói về chúng sinh cõi Tây phương cực lạc có thể tạo ra vật dụng như quần áo, chén dĩa và các thứ thực phẩm tùy thích.

Ăn Uống Ở Cõi giới Tây phương Cực lạc

Phật pháp nói rằng Nhất thiết duy tâm tạo. Chúng sinh cõi cực lạc có thể theo tâm nguyện tạo ra vật dụng và thực phẩm. Câu hỏi đặt ra là trên cõi thế gian, có thể thực hiện điều đó không ? Theo ý tưởng của nhà khoa học Craig Hogan thì vũ trụ vạn vật cũng chỉ là thông tin. Ý tưởng viễn tải lượng tử trong video trên cũng dựa trên cơ sở vật chất là thông tin. Như vậy nếu con người có những máy tính lượng tử cực mạnh, trong một giây có thể xử lý hàng tỷ tỷ tỷ phép tính thì có khả năng dùng máy in 3D để tạo ra bất cứ vật gì con người muốn một cách nhanh chóng dễ dàng tương tự như ở cõi Tây phương.

Nên nhớ rằng siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay là Sunway TaihuLight (Thần Uy Thái Hồ Chi Quang神威太湖之光) chỉ mới thực hiện được 93 triệu tỷ phép tính trong một giây. Nhật Bản đang có kế hoạch cho ra đời siêu máy tính làm được 130 triệu tỷ phép tính một giây. Trong khi đó TQ cũng đã có kế hoạch xây dựng siêu máy tính làm được một tỷ tỷ phép tính một giây.

Bây giờ chúng ta hãy xem khả năng in 3 D của thế giới hiện nay :

Tephen Nigro, chủ tịch của công ty 3DP của HP, tuyên bố rằng công ty này đã tạo ra một “phương pháp tiếp cận in 3D kim loại mới” sẽ xuất hiện vào năm 2018. Nếu đúng vậy thì kim loại cũng có thể làm nguyên liệu in 3D, đó là một bước tiến lớn của nhân loại.

Những viên thuốc được sản xuất thông qua quy trình những lớp in 3D, những viên thuốc sẽ được hòa tan khi gặp chất lỏng. Aprecia Pharmaceutical cho biết hệ thống in có thể tạo ra một liều 1,000 milligrams chỉ trong một viên thuốc. Ngoài ra  chúng rất dễ tan trong chất lỏng giúp bệnh nhân sử dụng dễ dàng. Công ty kỳ vọng ra mắt thuốc Spitam tiếp thị vào quý I năm 2016.

Tuy nhiên không chỉ dừng ở đó, công nghệ in ấn 3D hiện còn xâm lấn cả vào lĩnh vực Y tế trở thành cánh tay đắc lực cho các bác sĩ trong việc tạo ra nội tạng trên cơ thể người . Trong tương lai gần các nhà khoa học sẽ dùng nguyên liệu in là tế bào sống của chính bạn để “in ấn” nội tạng trực tiếp (hãy lưu ý là máy in ấn trực tiếp nội tạng bên trong cơ thể bạn)

Nhà ở đầu tiên bằng in 3D được xây dựng bởi công ty mới khởi nghiệp Apis Cor, mất ít hơn một ngày để xây dựng một ngôi nhà và chi phí dưới 11.000 đô la để hoàn thành. Một máy in 3D di động đã tạo ra các bức tường bê tông và chúng được liên kết với nhau thành một cấu trúc hoàn chỉnh

Ngôi nhà xây dựng bằng kiểu in 3D chỉ trong 24 giờ

Nikita Chen-yun-tai, người sáng lập và phát minh ra máy in di động của Apis Cor, nói: “Chúng tôi muốn giúp mọi người trên thế giới cải thiện điều kiện sống của họ. “Đó là lý do tại sao quá trình xây dựng cần phải trở nên nhanh chóng, hiệu quả và chất lượng cao. Để điều này xảy ra, chúng ta cần phải ủy thác tất cả những công việc khó khăn cho các máy móc thông minh.”

Ngôi nhà ấm cúng, rộng 37 mét vuông với một hình dạng cong đặc biệt. Thiết kế cong của ngôi nhà đã được chọn để chứng minh khả năng của máy in 3D có thể in các vật liệu xây dựng dưới bất kỳ hình dạng nào, theo Apis Cor.

Apis Cor ước tính rằng tổng chi phí xây dựng của ngôi nhà mẫu trưng bày là  275 USD cho mỗi mét vuông. Trong tổng số 10.134 USD chi phí xây dựng ngôi nhà, cửa sổ và cửa ra vào là những bộ phận đắt tiền nhất, công ty cho biết.

Những thành quả của công nghệ in 3D hiện nay cho phép con người dự phóng một thời đại mới của nhân loại như sau :

Chuyển từ công nghiệp hóa sản xuất sang tin học hóa sản xuất

Đại ý là chuyển nền sản xuất, lưu thông cũng như thông tin của nhân loại từ công nghiệp hóa sang tin học hóa.

Lãnh vực chuyển đổi trước tiên là thông tin. Thông tin đã chuyển từ hình thức sách báo in trên giấy sang mạng internet và điện thoại di động. Báo in ngày càng ít người đọc, nhiều tờ báo lớn có hàng trăm năm tuổi phải thu hẹp số ấn bản hoặc ngưng in báo giấy.

Nhà tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành News Corp, Tập đoàn này sở hữu các báo The Sun, Times, Wall Street Journal và New York Post, cùng các thương hiệu Fox và Sky, đã đóng cửa tờ báo London Paper khá sớm vào năm 1995 và tuyên bố tập đoàn báo giấy của ông sẽ chuyển sang làm tin tức online.

Tờ Post-Intelligencer (P-I) ở thành phố Seattle ra  đời vào năm 1863 của Mỹ vừa quyết định ra số báo in cuối cùng vào ngày thứ Ba, 17/3/2009, và chỉ tiếp tục hoạt động với tư cách một tờ báo mạng.

Tờ báo The New York Times thực sự bị đóng cửa vào năm 2015, tương lai ngành báo in tại Mỹ đang rất u ám, bởi tờ báo ra đời từ năm 1851 này là một trong những tờ báo hàng đầu không chỉ ở nước Mỹ mà còn có sức ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu, nhưng nay phải đóng cửa.

Tờ báo lâu đời của Anh, Financial Times thành lập năm 1888, đã bị bán lại vào tay ông Tsuneo Kita từ ngày 23-07-2015, vị chủ tịch đầy quyền lực của nhà xuất bản Nikkei (Nhật Bản), với lời đề nghị hấp dẫn khó cưỡng: 844 triệu Bảng Anh (tương đương 1,32 tỷ USD) bằng tiền mặt.

The Independent – một trong những tờ báo uy tín nhất ở Anh – cũng ngừng xuất bản báo giấy, và ấn phẩm cuối cùng đã được ra mắt vào 26/3/2016. The Independent chỉ còn tập trung vào phát triển phiên bản điện tử.

Sách in cũng rơi vào tình trạng tương tự, các nhà sách, các thư viện thưa thớt độc giả. Bất kì trưòng THCS hay THPT nào cũng đều có thư viện. Tuy nhiên công suất sử dụng thư viện ở trường học còn rất nhiều hạn chế. Vào những ngày thường, số lượng học sinh lên thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay, và số lượng chỉ đông hơn khi gần tới kỳ thi. Hầu hết học sinh bây giờ, nếu em nào có ý thức học tập thì thường ôn bài ở các lớp học thêm do các thầy cô tổ chức mà ít lên thư viện trường để ôn bài. Ngày nay, internet ngày càng phát triển thì việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm được nhanh chóng thông tin mình cần. Và lẽ dĩ nhiên nhiều người sẽ chọn cách này hơn là cất công lên thư viện, rồi phải làm thẻ, tra cứu sách,… Có lẽ bởi vậy mà học sinh ngày càng thờ ơ với thư viện, không thích cách đọc sách báo, tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Bởi vì quá lâu lắc mất thì giờ và bất tiện, khi tìm được thông tin rồi muốn đưa thông tin đó vào bài viết cũng rất khó, không dễ dàng như copy và dán trên văn bản điện tử.

Người ta ngày càng đọc sách báo nhiều trên điện thoại. Một lý do khác khiến người ta chuyển sang đọc sách trên điện thoại là do kích thước và độ sắc nét của màn hình trên những chiếc smartphone đời mới, khiến cho việc trải nghiệm đọc trở nên tốt hơn. Kích cỡ trung bình của smartphone năm 2014 là 5,1 inch, tăng đáng kể so với mức 3,9 inch hồi năm 2011 theo số liệu từ eMarketer. Khi Apple ra mắt iPhone 6 và iPhone 6 Plus, hãng cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về số lượng sách được tải về.

Lĩnh vực sản xuất và lưu thông chuyển sang tin học hóa là thế nào ?

Vấn đề cốt lõi là nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa vật chất là thông tin chứ không phải nguyên vật liệu vật chất. Đây là sự thay đổi tận gốc của thói quen và quan niệm của con người. Tất cả vật chất, tất cả nguyên tố của bảng phân loại tuần hoàn Mendeleev đều có thể quy về lượng tử, kể cả các hạt cơ bản như photon, electron, quark cũng đều quy về lượng tử. Và từ lượng tử có thể biến trở lại thành đủ loại vật chất, thực phẩm, sinh vật, con người. Đây chính là nền tảng của viễn tải lượng tử và tin học hóa cấp độ hậu công nghiệp.

Hậu công nghiệp có nghĩa là sau thời đại công nghiệp, nền sản xuất xây dựng của con người chuyển sang tin học hóa, lương thực thực phẩm hàng tiêu dùng, phục vụ cho mọi nhu cầu của con người đều là sản phẩm của tin học, mà nguyên liệu của chúng là lượng tử. Hình thức cơ bản của lượng tử là sóng vô hình phi vật chất, sóng của trường thống nhất (unified field) hoặc của lý thuyết dây (string theory). Sóng đó được biến thành hạt cơ bản, con người chỉ cần mấy loại hạt cơ bản thôi : quark up và quark down để tạo ra proton và neutron làm hạt nhân nguyên tử, cộng thêm electron để làm thành nguyên tử, ngoài ra cần một số hạt để làm lực tương tác kết dính, truyền dẫn như photon, gluon, boson w, boson z, graviton, higgs boson.

Điều quan trọng cốt lõi là người ta biết cách điều khiển các hạt để tạo ra bất cứ nguyên tử hay phân tử cần dùng nào. Người ta sẽ sử dụng các máy tính lượng tử cực mạnh để làm được điều này. Việc sản xuất vật chất bằng tin học sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng, không có chất thải, không gây ô nhiễm môi trường như phương pháp công nghiệp.

Việc lưu thông hàng hóa cũng như đi lại của con người sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng bằng phương thức viễn tải lượng tử. Những sản phẩm nhỏ như bánh mứt, trái cây, vật dụng sinh hoạt nhỏ v.v…có thể sản xuất tại nhà của mỗi cá nhân. Chỉ những sản phẩm lớn như nhà cửa, xe hơi, tàu thuyền mới cần tới công ty, xí nghiệp.

Khi cần vận chuyển đi xa hàng ngàn km trở lên thì người ta dùng viễn tải lượng tử. Còn chỉ di chuyển 5, 10 hay vài chục km trong thành phố thì người ta vẫn dùng xe hơi, xe máy hay tàu thuyền là những phương tiện truyền thống.

Như vậy chúng ta hãy tưởng tượng. Hiện nay chúng ta đã có thể nói chuyện và nhìn thấy bạn bè hay người thân ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Trong tương lai khi đã thực hiện được viễn tải lượng tử, chúng ta còn có thể trao đổi bánh trái, ly bia, đồ dùng, hay gặp trực tiếp đối tượng một cách dễ dàng bằng cách bước vào phòng hạt ở Việt Nam và bước ra tại một phòng hạt khác bên Mỹ chẳng hạn sau vài chục giây. Vài chục giây là thời gian để biến đổi thân thể con người thành lượng tử chứ di chuyển thì không mất chút thời gian nào để đi xa khoảng 20.000 km từ VN đến Mỹ.

Tóm lại Phật pháp  (vô sở trụ, pháp giới hoa nghiêm sự sự vô ngại v.v…) và Thế gian pháp (sản xuất lương thực thực phẩm, đồ dùng, bằng tin học, viễn tải lượng tử v.v…) không tách rời nhau. Phật pháp không phải là chuyện đàm huyền luận diệu một cách vô bổ mà thực tế có ứng dụng trong đời sống hàng ngày của thế gian.

Làm thế nào để hành giả ứng dụng Phật pháp khiến cho tâm lúc nào cũng bình an, thơ thới, sống an lạc không bệnh tật, không lo âu trong cuộc sống đời thường hàng ngày, đó chính là ý nghĩa của câu Phật pháp bất ly thế gian pháp. Hành giả thực hiện đúng phương châm Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ (úy) bởi vì không còn chấp ngã, không còn chấp pháp, sống giác ngộ và bình an.

Kết luận       

Phật pháp bất lý thế gian pháp biểu hiện ở cả hai mức độ :

Mức độ thường nghiệm

Mức độ này về mặt khoa học tương ứng với vật lý cổ điển của Newton phù hợp với nhận thức thông thường của con người sống trong đời thường có không gian, có thời gian, có số lượng. Về mặt kinh điển thì Phật pháp ở mức độ này tương ứng với kinh bất liễu nghĩa như : Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên. Con người có tu hành có chứng quả vì còn chấp ngã và chấp pháp tức là cho rằng cái ta có thật, các pháp thế gian cũng như Phật pháp là có thật.

Ở các nước theo giáo lý Nam truyền như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, ở tuổi mới lớn, thanh niên phải xuất gia tu học một thời gian ở các tu viện gần nhất để đào luyện nhân cách đạo đức và cũng để đáp đền hiếu ân đối với cha mẹ, đó là điều mà ở các nước có truyền thống Phật giáo Nam tông mặc định là điều thiết yếu phải làm. Đặc biệt tại Thái Lan, văn hóa này đã bén rễ sâu dày trong đời sống gia đình và xã hội – có thể dễ dàng bắt gặp mỗi năm tại các dịp lễ hội lớn có tới hàng trăm cho đến hàng chục ngàn người là người trẻ, thanh thiếu niên làm lễ thế phát đồng loạt tại các tu viện để trở thành nhà sư như : lễ hội hoa đăng – Loy Krathong, lễ té nước Songkran, lễ hội Asarnha Bucha, lễ hội mùa chay, lễ hội Wan Khao Phansa, ngày của Mẹ (Wan Mae – Mother’s Day).  Năm 2015 luật sư Trịnh Hội, một người khá nổi tiếng với những khán giả của Paris By Night bởi vì là anh là chồng cũ của Mc Kỳ Duyên, đã xuống tóc xuất gia trong 3 tuần lễ tại một ngôi chùa ở Bhutan. Anh đã trả lời phỏng vấn như sau về trải nghiệm đó.

Câu hỏi: Những điều khác biệt (nếu có) của Trịnh Hội trước và sau khi dự khóa tu học nầy ? Có những khuyến nghị gì không cho mọi người ? (Việt)

Trả lời: Chào Việt. Cũng có thể cho là mình đã học được một số điều. Xuống tóc, đi tu, dù chỉ là trong một thời gian ngắn 3 tuần như mình, hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng nhất là đối với riêng mình. Nhưng cũng nhờ đó mà mình đã nghiệm được một số điều cho chính bản thân. Đó là ai cũng cần một thời gian tĩnh lặng, để biết mình là ai, giá trị nào đối với mình là quan trọng. Và chúng ta ai cũng có thể tốt hơn, kể cả đối với những người đã từng làm mình đau khổ. Khuyến nghị duy nhất của mình là ít nhất vài năm một lần, ai trong chúng ta cũng nên dành một quãng thời gian tĩnh lặng để tự tìm về bản ngã của chính mình.

Mức độ siêu nghiệm

Mức độ này về mặt khoa học tương ứng với vật lý lượng tử. Về mặt nhận thức thì những quan niệm về không gian, thời gian và số lượng đã bị sụp đổ. Thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) thể hiện những bí mật không tưởng tượng nổi của con người, nó chứng tỏ không gian, thời gian, số lượng đều không có thật. Về mặt Phật pháp thì nhận thức ở mức độ này tương ứng với kinh điển đại thừa liễu nghĩa như Bát Nhã Tâm Kinh. Để hiểu nhận thức này, hãy xem một thí dụ :

Khoảng cách theo đường thẳng từ Sài Gòn đến Hà Nội là 1146 km. Muốn đi từ SG ra HN thì phải đi máy bay mất gần hai giờ hoặc đi xe lửa nhanh nhất mất 36 giờ. Ai cũng thấy đó là một sự thật, nhưng Phật pháp liễu nghĩa và vật lý lượng tử biết đó không phải hoàn toàn là sự thật, đó chỉ là vọng tưởng của con người thôi.

Cốt lõi của Phật pháp là Tánh Không. Tánh Không thể hiện ở cả ba đại lượng cơ bản nhất của thế gian, đó là không gian không có thật, thời gian không có thật, số lượng không có thật.

Hiện nay vệ tinh lượng tử của TQ đã chứng tỏ không gian không có thật bằng cách chuyển một hạt vật chất cơ bản là photon đi xa 1200 km mà không mất chút thời gian nào. Sự kiện đó chứng tỏ rằng khoảng cách 1200km là không có thật nên đã không mất chút thời gian nào. Thực tế là hạt photon đến được vị trí cách xa điểm xuất phát 1200 km mà không cần di chuyển qua quãng đường 1200km chứng tỏ rõ ràng là không gian không có thật, thời gian cũng không có thật. Một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí cách xa nhau hoặc ở 100.000 vị trí cách xa  nhau trong không gian (theo thí nghiệm của Maria Chekhova năm 2012) chứng tỏ rằng số lượng cũng không có thật.

Như vậy khoảng cách 1146 km giữa SG và HN cũng không có thật, con người chỉ cần bước hai bước là tới. Bước thứ nhất là bước vào phòng hạt ở SG. Bước thứ hai là từ phòng hạt ở HN bước ra ngoài. Con người có thể đi qua quãng đường 1146km mà không mất chút thời gian nào bởi vì khoảng cách đó là không có thật. Hiện nay con người chỉ mới làm được với hạt photon, còn cả một cố thể vật chất lớn là con người thì chưa làm được. Nhưng trong tương lai có thể sẽ làm được theo dự phóng của video sau đây :

Video minh họa ý tưởng di chuyển người bằng viễn tải lượng tử

Tóm lại Phật pháp bất ly Thế gian pháp ở cả hai mức độ thường nghiệm trong cuộc sống đời thường và siêu nghiệm cũng ngay trong cuộc sống thế gian. Chẳng phải hiện nay chúng ta đã có thể dùng các softwares như Viber, Zalo, Skype trên điện thoại để thấy nhau và nói chuyện với thân nhân bè bạn ở tận bên kia bờ Thái Bình Dương sao ?

Truyền Bình

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác