Phật Thành đạo Và Sao Gọi Là Bích Chi Phật,Duyên Giác

HỎI: Sau khi Phật thành đạo, Ngài thuyết pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều Trần Như trước hay thuyết kinh Hoa Nghiêm trước trước? Thời gian là bao lâu? Vì sao Bích chi Phật gọi là Duyên giác, Độc giác mà không gọi A la hán? Bích chi Phật có thể gọi là Bồ tát không?

ĐÁP: Vấn đề pháp thoại đầu tiên được Đức Phật tuyên thuyết hiện tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền, sau khi Phật thành đạo, Ngài an trú trong thiền định để chứng nghiệm Hạnh phúc Giải thoát (Vimutti Sukkha). Sau khi Phạm thiên Sahampati cung thỉnh Phật hoằng dương Chánh pháp đến lần thứ ba, Thế Tôn mới rời khỏi cội bồ đề, hướng về Benares quyết định chuyển Pháp luân. Bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển là kinh Chuyển Pháp Luân.

 Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền (Ngũ thời giáo – Thiên Thai tông) thì bài pháp đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm. Pháp thoại này được Thế Tôn tuyên thuyết trong thiền định ngay sau khi thành đạo với hội chúng là chư vị Bồ tát. Thời gian Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm là 21 ngày (Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật).

Bích chi Phật (Pratyeka Buddha) có nghĩa là Độc giác Phật và Duyên giác Phật. Vị Bích chi Phật sinh ra rời nhằm lúc không có Phật, không thầy dạy bảo, tự mình tu tập giác ngộ rồi nhập Niết bàn, nên gọi là Độc giác. Nhờ quán sát về thập nhị nhân duyên, giác ngộ lý duyên sinh của vạn pháp mà thành tựu giải thoát nên gọi là Duyên giác (Đại Trí Độ luận, quyển 2). Vị Thánh A la hán cũng là bậc giác ngộ, giải thoát nhưng khác với vị  Bích chi Phật ở chỗ là các vị A la hán tu tập theo sự hướng dẫn trực tiếp của Phật hoặc theo giáo pháp Phật truyền dạy.

Một vị Bích chi Phật sau khi giác ngộ rồi Niết bàn thì không gọi là Bồ tát. Tuy nhiên, nếu vị Bích chi ấy phát tâm Vô thượng Bồ đề, nguyện hoá độ chúng sanh thì được gọi là Bồ tát. Theo Đại Trí Độ luận, quyển 78, thuyết minh Tam thừa cộng thập địa (Mười địa vị chung của ba thừa) thì địa vị của Bích chi là Chi Phật địa. Theo Niết Bàn kinh, vị Bích chi Phật phát tâm Vô thượng Bồ đề, trải qua mười ngàn kiếp sẽ thành Phật, Như Lai, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Từ khóa » Các Vị Duyên Giác