Phát Triển Bền Vững, Nâng Cao Giá Trị Cà Phê Tây Nguyên (bài 1)

Bài 1: Cây trồng chủ lực nguy cơ thất thế

Khu vực Tây Nguyên có hơn 603.000ha diện tích trồng cây cà phê, chiếm 1/3 diện tích cà phê của cả nước. Cây cà phê gắn bó với nông dân ở đây nhiều năm qua. Cây cà phê đã giúp biết bao hộ dân thoát nghèo, làm bộ mặt nông thôn Tây Nguyên khởi sắc nhưng không ít người nông dân cũng đang thua lỗ vì giá hạt cà phê thấp và giá vật tư, phân bón, công chăm sóc lại quá cao.

Cà phê là cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Lê

Càng làm càng lỗ

Gia đình bà Phùng Thị Thêm (75 tuổi, trú tại xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) có 1,1ha trồng cây cà phê. Vườn cà phê mang lại nguồn thu chính cho gia đình bà. 30 năm trồng và chăm sóc cà phê, bà Thêm thấy rõ giá trị hạt cà phê mang lại thấp dần.

Bà Thêm cho biết, những năm đầu, gia đình bà thu hoạch được từ 4-6 tấn cà phê. Sau đó, năng suất cà phê giảm dần, dù có đầu tư nhiều chi phí hơn thì sản lượng cà phê thu được cũng chỉ khoảng 1,5-2 tấn/ha. Với giá bán như hiện nay là 41.000 đồng/kg đối với cà phê nhân thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình bà Thêm không có lời, thậm chí còn bị lỗ.

Lợi nhuận không như mong muốn, mấy năm nay, gia đình bà Thêm đã cho người khác mượn rẫy để sản xuất. “Ở đây, nhiều hộ dân đã phá bỏ cây cà phê hoặc trồng xen canh các loại cây ăn quả vào rẫy để tăng thêm nguồn thu nhập. Cây cà phê mất dần thế chủ lực ở đây rồi” - bà Thêm chia sẻ.

Những năm 90 của thế kỷ trước, giá cà phê khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, sau khi bán, trừ chi phí vẫn có lời. Nhưng 2 năm nay, giá cà phê tăng 5.000-6.000 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn lỗ bởi tiền thuê nhân công tăng gấp 10, giá phân bón, xăng dầu cũng tăng gấp nhiều lần.

Lợi nhuận cà phê mang lại không đủ trang trải cuộc sống, gia đình chị Lê Thị Thanh Hằng, ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã phá bỏ một nửa diện tích đất trồng cây cà phê để trồng cây ăn trái. Chị Hằng chia sẻ: Nếu vài năm nữa, cây ăn trái cho thu nhập ổn định thì gia đình tôi sẽ phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cây cà phê để chuyển sang trồng cây ăn trái. Không chỉ riêng gia đình tôi, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng không còn mặn mà với cây cà phê nên đã phá bỏ hoặc trồng xen canh trồng mít, sầu riêng, bơ, cau... Cứ đà này, chỉ một thời gian nữa, diện tích trồng cây cà phê ở địa phương sẽ ngày càng bị thu hẹp”.

Trên thực tế, giá cà phê hiện nay đang ở mức 40.000-41.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng 10.000 đồng so với năm 2020, song người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn không khá lên được. Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông lý giải, hạt cà phê đang cõng quá nhiều chí phí. Chi phí đầu vào quá lớn nên nông dân vẫn chưa thực sự có lãi, nếu không muốn nói là bị lỗ. Với giá phân bón, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật… như hiện nay, giá cà phê lên 50.000 đồng/kg thì nông dân mới có lời.

Sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún

Theo số liệu thống kê, khu vực Tây Nguyên hiện có hơn 603.000ha cà phê đang cho thu hoạch, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất toàn vùng với gần 210.000ha, chiếm 62,06% tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh.

Người dân trồng cà phê đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tăng cao. Ảnh: Hoàng Lê

Có thể thấy, cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm của địa phương này. Do đó, cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Trong tổng số 210.000ha cà phê của tỉnh Đắk Lắk, có đến 90% diện tích là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Các khâu thu hái, sơ chế vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên việc kiểm soát chất lượng rất khó.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hơn 40 năm nay, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, toàn tỉnh chỉ có 5.000ha thì hơn 10 năm nay, diện tích cà phê đã tăng lên hơn 200.000ha.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê của cả nước. Khoảng hơn 60% diện tích cây trồng dài ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là cây cà phê. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng cà phê ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, vật tư đầu vào cùng các loại chi phí khá lớn.

Để đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất và phát triển ngành hàng cà phê, điều quan trọng nhất là người trồng cà phê phải tìm cách giảm chi phí đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần khai thác, phát triển các sản phẩm có giá cao hơn như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê có chứng nhận.

Bài 2: Sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng

Hoàng Lê

Từ khóa » Tỉnh Trồng Nhiều Cà Phê Nhất ở Tây Nguyên