Phát Triển Du Lịch Vùng Đông Nam Bộ – Cần Liên Kết Và Hợp Tác để ...
Có thể bạn quan tâm
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, hợp tác, liên kết để phát triển du lịch luôn là vấn đề quan trọng được quan tâm đặc biệt từ cấp độ địa phương đến quốc gia. Hợp tác, liên kết sẽ giải quyết được hiện trạng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp, bổ sung, hỗ trợ các nguồn lực để cùng nhau phát triển ngành du lịch. Tại vùng Đông Nam Bộ, hoạt động hợp tác, liên kết để sẻ chia, phát huy các nguồn lực du lịch đã được quan tâm, chú trọng, từng bước mang lại những hiệu quả nhất định, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại các thách thức cần được xem xét và giải quyết để sự phối hợp này thực sự mang lại hiệu quả và đạt được mục tiêu mong muốn.
Thực trạng hoạt động du lịch vùng Đông Nam Bộ
Với vị trí nằm liền kề Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á; phía Đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thị Vải, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch. Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển,… Tuy vậy trên thực tế, nguồn khách đến tham quan vùng Đông Nam Bộ trong những năm gần đây chủ yếu phụ thuộc nhiều từ lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh do TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông và tập trung các hãng lữ hành quốc tế. Trong khi đó các địa phương còn lại trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước trở thành những địa hạt du lịch “ăn theo” thành phố năng động bậc nhất Việt Nam này. Điều này cho thấy việc phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đang trong tình trạng thiếu sự đồng đều, đồng bộ, đặc biệt việc hợp tác, liên kết để khai thác tối đa những tiềm năng vốn có giữa các địa phương trong vùng chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn chế trên dẫn đến tình trạng chung là du lịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ phát triển manh mún, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương với hai trung tâm du lịch lớn là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, nên đến nay vẫn chưa có những sản phẩm chung gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn khách quốc tế. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu sự phân công đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trùng lặp về sản phẩm du lịch,… dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và tính hấp dẫn chung của cả vùng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc phát triển nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp và thiếu các nguồn lực cần thiết sẽ tác động mạnh mẽ tới kết quả và mục tiêu phát triển của các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Lĩnh vực du lịch, với đặc thù nguồn tài nguyên phân bố không tập trung do vậy để phát triển mạnh, tạo hiệu quả chung và bền vững, ngoài các yếu tố liên quan khác thì hợp tác, liên kết là hai mặt của một vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế cho thấy, nguồn khách (kể cả nội địa và quốc tế) đến tham quan vùng Đông Nam Bộ trong những năm qua phụ thuộc rất nhiều số lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh do thành phố này sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng,… với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Làng Du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng thành phố, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà,… Không chỉ là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa quan trọng của cả nước, TP. Hồ Chí Minh còn có 2.795 khách sạn tại 1.749 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 907 khách sạn tại 149 cơ sở lưu trú du lịch và 1.888 khách sạn tại 1.600 cơ sở homestay, Airbnb,…1 giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thành phố và các tỉnh, thành lân cận. Với những điều kiện trên, thời gian qua, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và cả nước.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, doanh thu của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018. Với tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố năm 2018 đạt khoảng 11%, hoạt động du lịch đã góp phần định hình và phát triển nhiều ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Du lịch TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển khá toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 15%-20%, đóng góp bình quân từ 55% – 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chiếm gần 40% doanh thu du lịch cả nước. TP. Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN, top những điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới2.
Năm 2020 là năm khó khăn của du lịch TP. Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 cũng giảm sâu, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Tổng khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%, trong đó khách quốc tế đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 84,8% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép – giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú,… Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước3.
Là địa phương đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh về phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ, giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 62,15 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân 10,47%/năm, trong đó, khách có lưu trú đạt 15 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,39%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 67.559 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,66%/năm, trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt 19.343 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 6,9%/năm4. Tuy nhiên, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan nhanh và khó kiểm soát trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến lượng khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu giảm sâu.
Dù không có lợi thế như TP. Hồ Chí Minh hay Bà Rịa- Vũng Tàu trong thu hút khách du lịch nhưng trong các năm từ 2017-2019, mỗi năm tỉnh Đồng Nai đón trung bình trên 3,5 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú, doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy vậy do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng khách và doanh thu du lịch đến Đồng Nai năm 2020 và quý I năm 2021 giảm sâu so với năm trước. Theo đó, tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Đồng Nai mới đón được khoảng 550 ngàn lượt du khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 246 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ5. Hiện trên địa bàn Đồng Nai có 21 khu, điểm du lịch thường xuyên thu hút đông đảo du khách đến tham quan với nhiều địa danh, phong cảnh đẹp như: Thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An, rừng quốc gia Cát Tiên,… Để thu hút khách du lịch, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp phát triển mạnh mẽ ngành du lịch địa phương như: đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ trong tỉnh mà còn trên các kênh truyền hình của Trung ương; đa dạng hóa các loại hình du lịch, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch tỉnh Đồng Nai. Trong đó, phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, đặc biệt là du lịch đường sông được tỉnh Đồng Nai quan tâm thực hiện; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức khảo sát các vị trí bến tàu phục vụ cho phát triển các tuyến du lịch đường sông. Ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đến năm 2020; quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; lập hồ sơ xin tái thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh,…
Được đánh giá là một trong những địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước trong lĩnh vực du lịch trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành du lịch bằng việc tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng về thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư, hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật chuyên môn cho các nhà đầu tư; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ bằng cách mở các lớp học nghiệp vụ; tổ chức quán triệt cho các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hành vi sai trái trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tỉnh chú trọng bảo tồn quỹ đất cho phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp.
Các loại hình du lịch được tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư bao gồm: Du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa truyền thống. Trong tương lai trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các cụm du lịch tiêu biểu như: Cụm phía Nam, gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và một phần phía Nam thị xã Bến Cát sẽ tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa. Cụm phía Tây Bắc tỉnh tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chính gồm: Tham quan Núi Cậu, du lịch trên hành lang sông Sài Gòn, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng. Phía Đông của tỉnh sẽ phát triển du lịch dọc sông Đồng Nai, sông Bé với sản phẩm là du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử,… Dù nhiều tiềm năng nhưng kết quả kinh doanh du lịch của Bình Dương thời gian qua vẫn còn khiêm tốn với doanh thu năm 2011 đạt 830 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.140 tỷ đồng, lượng du khách đạt khoảng gần 5,2 triệu lượt khách (trong đó, riêng khu du lịch Đại Nam đã đóng góp khoảng 41% lượt khách), tăng trưởng bình quân về lượt khách đạt 6% và về doanh thu 5%6. Những hạn chế trong các hoạt động du lịch của tỉnh Bình Dương được xác định là do các dự án đầu tư phát triển du lịch chủ yếu tập trung ở không gian phía Nam và phía Đông (bao gồm các thành phố: Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một), trong khi đó ở không gian phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng) nhiều lợi thế nhưng chưa có nhà đầu tư tham gia khai thác; du lịch nhà vườn phát triển manh mún. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa có sản phẩm du lịch nổi trội làm điểm nhấn thu hút du khách,…
Là tỉnh có vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức tour, tuyến du lịch, đưa đón du khách từ Việt Nam sang Campuchia, các nước ASEAN và ngược lại, Tây Ninh không chỉ có khu du lịch quốc gia núi Bà Đen mà khách du lịch còn biết nhiều địa danh khác như: Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng,… Năm 2013, Tây Ninh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh gắn với lễ hội và tín ngưỡng; sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch thương mại, công vụ; sản phẩm du lịch gắn liền với loại hình du lịch thăm, khám chữa bệnh; sản phẩm ẩm thực,… Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, mặc dù số lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng dần đều hằng năm, nhưng mức đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế của địa phương vẫn còn khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính là do các sản phẩm du lịch địa phương còn khá hạn chế, khách du lịch đến Tây Ninh chủ yếu là khách nội địa, tiếp cận sản phẩm du lịch tâm linh. Ngành du lịch tỉnh chưa có sản phẩm nổi trội, có sức hấp dẫn lớn để níu chân du khách ở lại dài ngày, khó có thể thu hút được khách du lịch cao cấp và quốc tế7.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có quốc lộ 13 nối với Vương quốc Campuchia và CHDCND Lào, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hoá đặc trưng của các dân tộc, Bình Phước được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch của tỉnh tương đối dồi dào với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng nhiều thác và hồ nước tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh có quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng. Tài nguyên du lịch của Bình Phước đều mang những nét đặc thù riêng với các địa danh nổi bật như: Trảng cỏ Bù Lạch, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá – Thác Mơ, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết), Nhà Giao tế, kho xăng Lộc Quang, Khu Bảo tồn Văn hoá dân tộc X’tiêng Sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ,… Trong đó, tỉnh Bình Phước đang khai thác tiềm năng của núi Bà Rá với các dự án phát triển du lịch tâm linh và kết hợp về nguồn địa chỉ đỏ – nhà tù Bà Rá; Trảng cỏ Bù Lạch đang phát triển dự án phim trường ngoài trời kết hợp với du lịch sinh thái cụm thác trên đầu nguồn sông Đồng Nai; các khu di tích lịch sử cách mạng như: Di tích Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang, mộ tập thể 3.000 người (Bình Long),…
Đặc biệt, việc khánh thành khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết) đã làm nên điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Bình Phước. Bình Phước hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau và có những nét văn hoá đặc sắc riêng, thể hiện qua các lễ hội như lễ lập làng mới, đặt tên con, lễ quay đầu trâu, cúng lúa, cầu mưa,… Các công trình kiến trúc cổ, đình, chùa, nhà thờ và các di chỉ đất đắp dạng tròn cũng là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh. Bên cạnh đó là rất nhiều món ăn đặc trưng như cơm ống, canh thụt, lá nhíp, đọt mây nướng, rượu cần, hạt điều,… Với những lợi thế du lịch sẵn có, hàng năm, lượng du khách đến Bình Phước trung bình đạt khoảng 200.000 -250.000 lượt8. Bình Phước hiện có thị trường du lịch tiềm năng, nhiều điểm du lịch được du khách trên cả nước biết đến nhưng dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 là một thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập niên gần đây đối với hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ, đặc biệt với ngành du lịch. Để bảo đảm an toàn trong đợt dịch Covid-19 và phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng tình hình chung, Bình Phước đã có nhiều giải pháp trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng là điều hiển nhiên và không thể tránh khỏi.
Nhiều thách thức trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ hiện nay
(1) Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng
Những số liệu về đầu tư phát triển du lịch trong những năm qua tại vùng Đông Nam Bộ cho thấy công tác đầu tư vùng này vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên chưa định hình được khu, điểm du lịch có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho việc thu hút khách du lịch. Một số khu, điểm du lịch có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội chưa được định hướng đầu tư và ưu tiên đầu tư rõ rệt nên sản phẩm du lịch này vẫn còn dưới dạng tiềm năng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch chi tiết một số khu du lịch trong vùng chưa kịp thời, ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Đông Nam Bộ hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh chủ yếu là cơ sở lưu trú, nhà hàng; chất lượng dịch vụ chưa đạt tiêu chuẩn quy định và kỳ vọng của du khách. Mặt khác, các công ty lữ hành tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, chưa đủ khả năng và trình độ để cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế. Điển hình như Bình Phước, toàn tỉnh đến nay mới có chưa đầy 100 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 03 cơ sở đạt tiêu chuẩn 03 sao9, hệ thống giao thông kết nối giữa các khu du lịch ở đây cũng chưa phát triển nên còn rất khó khăn trong quá trình di chuyển giữa các địa danh. Hoặc Tây Ninh, toàn tỉnh hiện mới có 01 khách sạn 04 sao do tỉnh đầu tư, còn lại chủ yếu là các nhà nghỉ quy mô nhỏ, không có các trung tâm vui chơi giải trí, điểm dừng chân. Hạ tầng giao thông kết nối đến các địa điểm du lịch chất lượng còn rất thấp, từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Ninh tuy dài chưa đến 100 km nhưng khách du lịch phải đi gần ba giờ; tỉnh cũng không có nhiều đơn vị có thể tổ chức các tour, tuyến du lịch chuyên nghiệp cho du khách đến tham quan.
Thực tế cũng cho thấy, đến nay ngoài TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đã năng nổ đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị du lịch đến các thị trường khách quốc tế như Trung Quốc, Đài Lan, Hàn Quốc, Nga, Mỹ,… thì các địa phương còn lại trong vùng việc làm cần thiết này chủ yếu vẫn nằm trong chủ trương, kế hoạch. Cũng vì vậy mà dù thường xuyên giữ mức đóng góp cho ngành du lịch toàn quốc lớn nhưng vùng Đông Nam Bộ chủ yếu phát triển theo thế mạnh của từng địa phương mà chưa có sự đồng bộ. Sản phẩm du lịch ở Đông Nam Bộ hiện nay còn trùng lặp, đơn điệu, dễ gây ra nhàm chán cho khách du lịch; chất lượng sản phẩm du lịch không cao chưa đủ sức hút khách du lịch và cạnh tranh với sản phẩm du lịch trong khu vực. Các dịch vụ vui chơi giải trí tại nhiều tỉnh hiện nay chưa được đầu tư xây dựng nên mức độ lôi kéo du khách ở dài ngày tham quan trên địa bàn rất hạn chế, số ngày lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ khách du lịch không cao. Từ đó thị trường khách du lịch thiếu ổn định, số lượng khách du lịch chủ yếu tập trung ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh còn lại gần như chưa có thị trường về khách du lịch quốc tế.
(2) Phát triển du lịch kiểu mạnh ai nấy làm
Thời gian vừa qua, vai trò quan trọng của hợp tác và liên kết trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng được quan tâm ở hầu hết các cấp độ tại vùng Đông Nam Bộ. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc hợp tác liên kết đã được triển khai đang còn mang tính hình thức, nặng tính phong trào mà chưa đạt được các hiệu quả như mong muốn. Nhiều các đối tác đã ký kết hợp tác liên kết, tuy nhiên không triển khai thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chưa theo đúng nội dung đã được ký kết. Hơn nữa, việc ký kết các văn bản hợp tác liên kết giữa các đối tác, các chủ thể diễn ra rất nhiều, nhưng việc xác định cụ thể nội dung, lộ trình, phương thức, bộ máy cơ cấu nhân lực thực hiện còn nhiều bất cập,… Năm 2017, tổng lượng khách đến khu vực Đông Nam Bộ đạt ước khoảng 40 triệu lượt, thế nhưng trong đó khách nội địa đã chiếm hơn 75%, còn lại là khách quốc tế10. Tuy nhiên, số lượng chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, còn lại các địa phương khác trong vùng lượng khách đến tham quan vẫn còn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự chênh lệch lớn này có thể kể đến là vùng này còn thiếu tính liên kết. TP. Hồ Chí Minh là đầu mối đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành trong nước và quốc tế ở khu vực Đông Nam Bộ, vậy đáng ra các công ty lữ hành của thành phố phải xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch từ thành phố đến các tỉnh lân cận và việc quảng bá cũng sẽ được tiến hành đồng thời nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, đưa ra chương trình cụ thể các sản phẩm trọn gói chất lượng tốt và giá cả phù hợp với từng đối tượng. Tuy vậy việc phối hợp liên tuyến này gần như vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế diễn ra hiện nay đó là mỗi khi có khách từ vùng miền khác hay khách là người nước ngoài đến thăm viếng, các tour du lịch ở TP. Hồ Chí Minh thường chỉ đưa họ đi đến những địa điểm tham quan truyền thống hiện có của địa phương như Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Bưu điện Thành phố, Địa đạo Củ Chi,…
Trong khi đó, các khu, điểm du lịch ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương,… chỉ nằm cách TP. Hồ Chí Minh vài chục km nhưng du khách lại không được biết hoặc không được giới thiệu để tham quan. Ngay cả Bà Rịa -Vũng Tàu, những năm gần đây, nhờ con đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa vào hoạt động đã rút ngắn đáng kể thời gian đi lại từ TP. Hồ Chí Minhđến Vũng Tàu, lượng khách du lịch đều tăng hàng năm nhưng chủ yếu là khách nội địa. Nguyên nhân của thực trạng đáng tiếc này được lãnh đạo các tỉnh trong khu vực chỉ ra là còn thiếu hợp tác liên kết tour, tuyến nên chưa khai thác được nguồn khách quốc tế khổng lồ qua cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh.
Sự quan tâm đến phát triển vùng chưa định hình rõ mục tiêu có một đầu tàu, dựa vào đầu tàu nên chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt của TP. Hồ Chí Minh, thay vào đó hiện nay tư duy phát triển quốc gia và phát triển vùng còn bị chi phối bởi tư duy “dàn hàng ngang”, “chia đều”, nên chưa có cơ chế, chính sách vận hành liên tuyến giống như các vùng khác trong cả nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế khi nghiên cứu về việc phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ cho rằng sự phân bố khách quốc tế không đều trong vùng là một lãng phí, bởi nếu các địa phương trong vùng có chiến lược thu hút khách quốc tế hợp lý sẽ mang lại những cái lợi vô cùng to lớn cho nền kinh tế. Một số nhà nghiên cứu khác cũng nhìn nhận, các địa chỉ du lịch về nguồn thường nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khó khăn, do vậy cần coi việc thúc đẩy loại hình du lịch về nguồn là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Muốn vậy, ngành du lịch các địa phương phải khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, cần có sự hợp tác, gắn kết các điểm du lịch trên địa bàn với các khu di tích lịch sử văn hóa trong toàn vùng Đông Nam Bộ, trong đó TP. Hồ Chí Minh cần giữ vai trò chủ công, hỗ trợ các địa phương còn lại trong việc xây dựng sản phẩm du lịch.
Từ góc nhìn kinh tế học thì liên kết du lịch chính là việc tạo ra sự đa dạng sản phẩm du lịch, để có thể thu hút du khách trên cả bình diện chi phí cao trong ngày và tăng thời gian lưu trú. Một đặc điểm khác nữa trong liên kết du lịch là yếu tố hợp tác, cùng có lợi rất rõ nét, vì sản phẩm du lịch phần lớn không bị trùng lắp và không di chuyển được, thậm chí nhiều loại hình sản phẩm không tiêu hao. Do vậy, liên kết du lịch sẽ giúp hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau giữa các địa phương, vùng miền, đem đến cho du khách những chuỗi sản phẩm dịch vụ tốt nhất có thể; giúp cho các địa phương tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững trong mọi thời gian và không gian.
Vùng Đông Nam Bộ là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch và dịch vụ như: Nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, vườn quốc gia, hệ thống di tích văn hóa lịch sử, về nguồn, du lịch MICE, mua sắm, ẩm thực,… Thế nhưng do sự phát triển manh mún, ăn xổi ở thì, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương với hai trung tâm du lịch lớn là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, nên đến nay vẫn chưa có những sản phẩm chung gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn khách quốc tế.
(3) Thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và cấp quản lý quy hoạch vùng
Một trong các thách thức hiện nay trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch là việc chưa chuẩn bị hoặc thiếu các nguồn lực để phục vụ cho việc hợp tác liên kết, đặc biệt là trong các hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế. Đó là những nguồn lực về con người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là ngoại ngữ. Bên cạnh đó, thiếu kinh nghiệm trong hợp tác, liên kết dẫn đến hiệu quả không cao, hoặc có thể gặp nhiều rủi ro trong quá trình hợp tác, liên kết.
Là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước với hơn 150 trường đại học, cao đẳng nhưng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch ở Đông Nam Bộ hiện vẫn chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra cả về số lượng và chất lượng; trình độ năng lực của cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp về du lịch còn thiếu và yếu; chưa có đội ngũ chuyên gia giỏi nghề trên địa bàn.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, hiện nay ngoài TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh hàng năm có rất ít sinh viên theo học ngành du lịch. Đó là chưa kể các sinh viên ngành du lịch ra trường thường lựa chọn ở lại TP. Hồ Chí Minh tìm cơ hội việc làm, rất ít em chịu rời thành phố về các tỉnh lẻ hành nghề vì các em cho rằng môi trường làm việc những nơi này không tốt, thu nhập không cao. Như vậy cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành du lịch Đông Nam Bộ trong thời gian qua, việc thiếu hụt đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm ở các địa phương là nguyên nhân góp phần làm yếu đi sức cạnh tranh của vùng. Trong khi đó công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của một số tỉnh, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa đủ tầm vươn ra thị trường quốc tế; kinh phí đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến chưa nhiều, nội dung xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường khách du lịch,…
Quy hoạch vùng du lịch ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay không có cơ quan hành chính quản lý quy hoạch, không được tổ chức hành chính theo cấp vùng nên không thể theo dõi, đánh giá việc thực thi tính pháp lý của quy hoạch. Thực tế hệ thống quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay được thực hiện theo kiểu truyền thống theo nguyên tắc từ dưới lên trên, cấp dưới trình cấp trên, cấp trên tổng hợp bức tranh chung.
Các quy hoạch, kế hoạch cấp trên hiện nay thực chất chỉ là phép cộng cơ học từ cấp dưới, chức năng điều phối không được thể hiện rõ ràng như cần có. Thực tế này sẽ làm khó cho các địa phương khi thực hiện quy hoạch du lịch chung của địa phương và không thực hiện được các định hướng liên kết vùng. Vì thế, nhiều lúc, nhiều nơi quy hoạch du lịch vùng bị các quy hoạch lợi ích của riêng tỉnh phá vỡ. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng và quy hoạch ngành du lịch theo vùng chưa trở thành công cụ pháp lý để buộc các tỉnh liên kết chặt chẽ theo một khung khổ phát triển nhất định. Tình trạng nở rộ các kiểu quy hoạch tương tự như nhau và chồng chéo quy hoạch đã làm lãng phí công sức và tài chính; làm giảm hiệu quả chi tiêu công. Bên cạnh đó tình trạng thiếu sự phối hợp trong việc thực thi quy hoạch du lịch giữa các địa phương cũng làm cho tình trạng phân bố lãnh thổ phát triển thiếu căn cứ về phân bố lãnh thổ du lịch, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp,…
Một số đề xuất giải pháp phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ thời gian tới
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, đồng thời với những điều kiện như thiếu các nguồn lực để phát triển, việc tăng cường hợp tác liên kết trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ cần được quan tâm và chú trọng. Với lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên và tiềm năng tài nguyên du lịch để phát triển các sản phẩm như du lịch hội nghị, du lịch hội thảo, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vùng Đông Nam Bộ nếu được phát triển xứng tầm chính là động lực để phát triển du lịch Việt Nam. Để thực hiện được điều này cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để đa dạng sản phẩm du lịch.Tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các chủ thể trong nền kinh tế và xã hội trong hợp tác liên kết đặc biệt là các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và các chủ thể khác. Trong đó, coi trọng hợp tác để có điều kiện chia sẻ các nguồn lực cùng nhau phát triển theo mục tiêu chung. Nâng cao nhận thức để tránh được các tư tưởng cục bộ, các quan điểm theo lợi ích nhóm, tránh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết thông thoáng, tạo điều kiện cho các chủ thể phát huy được thế mạnh của ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để cùng các đối tác khác bổ sung, hỗ trợ và cùng nhau phát triển theo mục tiêu của các bên và mục tiêu chung. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể tăng cường chủ động sáng tạo, phát huy các lợi thế trong hợp tác phát triển du lịch. Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động hợp tác liên kết, ngành du lịch các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần thiết phải có kế hoạch cụ thể, lộ trình thời gian, nội dung hợp tác, liên kết. Xác định cụ thể các cấp độ hợp tác, nội dung, lĩnh vực hợp tác một cách rõ ràng, từ đó lựa chọn các lĩnh vực và đối tác phù hợp trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch.
Thứ hai, cần tiếp tục cải cách cơ chế chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trên cơ sở Luật Du lịch và các Luật liên quan, chính quyền địa phương các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong xây dựng chính sách về thuế cho phát triển du lịch. Cần có được cơ chế, chính sách xã hội hóa du lịch, chính sách về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch một cách bền vững. Trong chính sách đầu tư cho du lịch, vùng Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn cho phát triển thông qua các diễn đàn xúc tiến đầu tư du lịch; xây dựng chương trình, lộ trình và kinh phí xúc tiến đầu tư du lịch trong vùng; tạo ra sự liên kết, phối hợp các doanh nghiệp, các địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn vùng. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Xây dựng và điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với tình hình đặc điểm của vùng, có cơ chế mở để các địa phương vận dụng phù hợp với từng địa bàn cụ thể; có chính sách ưu tiên cho các địa phương còn khó khăn chưa đủ năng lực phát triển du lịch như Bình Phước, Tây Ninh,…
Bên cạnh đó, để huy động tối đa nguồn vốn cho du lịch, chính quyền các địa phương Đông Nam Bộ cần coi trọng và tranh thủ nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư cho du lịch. Mở rộng, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước như BOT, BTO, BT,…; xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tăng cường xã hội hóa đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch,…
Thứ ba, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đi đôi với ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch thông qua việc chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và phù hợp với hội nhập quốc tế,… Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng theo yêu cầu, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững của vùng. Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, cán bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch và quản lý các khu du lịch tại các địa phương trong vùng.
Tăng cường năng lực chuyên môn về xúc tiến quảng bá cho các cán bộ của các Trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương trong vùng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và công tác thống kê về du lịch trong vùng đi đôi với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình quản lý và khai thác tài nguyên du lịch, thống kê du lịch, đánh giá môi trường, biến đổi khí hậu. Chủ động xây dựng và đề xuất các dự án tài trợ từ các nguồn vốn hợp tác quốc tế, từ các tổ chức quốc tế,…
Thứ tư, quy hoạch vùng du lịch phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch riêng phù hợp với từng khu vực. Trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch các khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch trong vùng cần có đánh giá về tiềm năng tài nguyên du lịch trên từng địa bàn để có thông tin cụ thể, rõ ràng, cung cấp cho các nhà đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn chuyên sâu về quản lý quy hoạch, tài nguyên và môi trường có khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để kiểm soát các vấn đề về môi trường, quản lý và phát triển tài nguyên. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng; giữa ngành du lịch với các ngành liên quan, đặc biệt với các lực lượng Công an, các đơn vị Quốc phòng. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác, liên kết giữa các tỉnh có biên giới với nước bạn trong phát triển du lịch để góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ,…
Thứ năm, cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển thị trường du lịch. Khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức về xúc tiến, quảng bá du lịch và xây dựng chương trình, lộ trình cho hoạt động xúc tiến ở từng địa phương và cho toàn vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và đa dạng các hình thức quảng bá. Phát huy vai trò hỗ trợ xúc tiến, quảng bá của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cho du lịch vùng Đông Nam Bộ; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng để nâng cao hình ảnh du lịch vùng.
Cần có chính sách để khuyến khích xây dựng các hãng lữ hành có thương hiệu mạnh và có năng lực trong việc khai thác các thị trường khách du lịch, trong đó chú trọng lữ hành quốc tế. Ưu tiên xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch quốc gia để tạo sức lan tỏa phát triển du lịch cho toàn vùng. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo của vùng Đông Nam Bộ như du lịch hội nghị, hội thảo, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch gắn với tài nguyên biển, đảo, sông, hồ và du lịch nhân văn để đa dạng hóa các loại hình du lịch, đồng thời tăng chi tiêu và kéo dài ngày lưu trú của du khách. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là liên kết cung cấp dịch vụ giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển khách, đồng thời mở rộng liên kết với các vùng khác liền kề và với các trung tâm du lịch như: Tây Nam Bộ, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội,…
Thứ sáu, cần đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Du lịch được xem là một ngành kinh tế đối ngoại, một kênh ngoại giao nhân dân hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tích cực của du lịch địa phương nói riêng và của đất nước nói chung ra khu vực và thế giới. Vì vậy cùng với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế trong kinh tế, ngành du lịch Đông Nam Bộ cũng cần tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các hãng lữ hành, các khu, điểm du lịch ở những nước có ngành du lịch phát triển.
Thực hiện tốt vai trò là một ngành cung cấp dịch vụ, các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế của Đông Nam Bộ ra khu vực và thế giới sẽ góp phần làm cho thế giới hiểu thêm về vùng đất Đông Nam Bộ, qua đó hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, du lịch vùng Đông Nam Bộ còn thu hút được nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài (FDI), góp phần quan trọng đáp ứng sự thiếu hụt về nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự phát triển chung. Với các dự án đầu tư nước ngoài, du lịch Đông Nam Bộ không chỉ tăng được nguồn lực phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mà còn tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ và nguồn khách,…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định Đông Nam Bộ là một trong bảy vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước, đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là hạt nhân then chốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Thực hiện quy hoạch này, đến nay mỗi địa phương vùng Đông Nam Bộ đã và đang xây dựng chương trình phát triển riêng cho mình, trong đó có điểm chung là đều chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh cung ứng dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, những nỗ lực của từng địa phương chỉ có thể mang lại hiệu quả khi có cơ chế phối hợp phát triển chung của toàn vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế từ nhiều nguồn lực khác nhau. Thực tế này đòi hỏi các địa phương vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa các thế mạnh sẵn có của mình và biết tận dụng một cách triệt để thời cơ cạnh tranh mở ra trong quá trình hội nhập. Cần có nhận thức, đánh giá sâu sắc rằng, thành quả phát triển du lịch chung của vùng Đông Nam Bộ cũng chính là kết quả phát triển du lịch của địa phương mình. Trên cơ sở đó làm rõ hơn sự cần thiết phải đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế nhằm cạnh tranh có hiệu quả, kết nối tốt với các trung tâm du lịch lớn trong nước, trong khu vực và trên thế giới, biến Đông Nam Bộ thực sự là vùng du lịch không thể thiếu của khách quốc tế khi đến Việt Nam./.
Chú thích: 1,2,3. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2020), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. 4. Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2020), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. 5. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (2021), Đồng Nai tập trung phát triển du lịch nội vùng. 6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (2020), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch tỉnh Bình Dương năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. 7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh (2020), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. 8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước (2019), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch tỉnh Bình Phước năm 2018, phương hướng hoạt động năm 2019. 9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước (2020), Kết quả hoạt động của ngành Du lịch tỉnh Bình Phước năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. 10. Tổng cục Du lịch, (2018), Báo cáo lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 và cả năm 2017. Tài liệu tham khảo: 1. Quyết định số 2351/QĐ -TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
TS. Lê Văn Khoa Trường Đại học Thủ Dầu Một
Từ khóa » Du Lịch đông Nam Bộ
-
30 Địa điểm Du Lịch Miền Đông Nam Bộ NỔI TIẾNG Bậc Nhất
-
15 điểm Du Lịch Miền Đông Nam Bộ Nổi Tiếng Không Thể Bỏ Qua
-
234 địa điểm Du Lịch Tại Vùng Đông Nam Bộ
-
Đông Nam Bộ - Viettourist
-
Đông Nam Bộ - Điểm đến - Tổng Cục Du Lịch
-
Du Lịch Miền Đông Nam Bộ - Vietravel
-
Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Vùng Đông Nam Bộ
-
Những điểm Du Lịch Nổi Tiếng Đông Nam Bộ - Tôi Với Bạn
-
Phát Triển Du Lịch Cho Vùng Đông Nam Bộ - Báo Đồng Nai điện Tử
-
Điểm Danh Các địa điểm Du Lịch Miền Đông Nam Bộ HOT Nhất Hiện ...
-
Tour Đông Nam Bộ - Saigontourist
-
Review 29 địa điểm Du Lịch Miền Đông Nam Bộ Nổi Tiếng Nhất 2022
-
Một Số Vấn đề Trong Phát Triển Du Lịch Vùng Đông Nam Bộ Hiện Nay
-
Tiềm Năng Du Lịch Sinh Thái Vùng Đông Nam Bộ - Đại Học Bình Dương