Phát Triển Hợp Tác Xã Rau An Toàn: Nhiều Nút Thắt Cần Tháo Gỡ

Nỗ lực đáp ứng thị trường

Theo Liên minh HTX thành phố Hà Nội, khu vực các HTX ở Thủ đô hiện đang tiếp tục hoạt động ổn định, nhiều HTX đã chủ động khắc phục khó khăn, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất nông sản và rau an toàn. Toàn thành phố có 1.942 HTX, trong đó có 1.068 HTX hoạt động hiệu quả.

Thực tế thì Thủ đô đang có số lượng HTX lớn nhất cả nước, tuy nhiên, số lượng đó chưa phản ánh đầy đủ so với tiềm năng phát triển HTX của Hà Nội. Điều đáng nói là số lượng HTX nhiều như vậy nhưng vẫn chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu dân sinh trên địa bàn thành phố, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu kết nối với HTX các tỉnh, thành phố bạn nhằm đưa đặc sản, thực phẩm an toàn từ các vùng miền về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Tại một diễn đàn liên kết tìm đầu ra về nông sản an toàn cho HTX, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội cho rằng: Vấn đề làm sao để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường Thủ đô và tìm kiếm mở rộng đầu ra nông sản an toàn cho HTX có vai trò rất quan trọng, và là mối quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương tới từng địa phương. Để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, các HTX cần sản xuất sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng VietGAP, hữu cơ và gắn với bảo vệ môi trường. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải có xuất xứ, địa chỉ rõ ràng, minh bạch...

Tổng hợp số liệu cho thấy, trong thời gian qua, Hà Nội đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung: 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành Hà Nội; diện tích rau an toàn được quản lý đạt hơn 5.000ha; đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Toàn thành phố hiện có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, các địa phương có nhiều mô hình là: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (17 mô hình), Thường Tín (14 mô hình), Sóc Sơn (9 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình)...

Quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, Liên minh HTX thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ngành để hình thành 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ.

Theo ông Lê Văn Thư, Liên minh HTX thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan Nhà nước để cùng đồng hành với các HTX, các doanh nghiệp (DN) để phục vụ cho việc phát triển kinh tế của các HTX, DN trên địa bàn Thành phố. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cần xác định tính tự chủ để có chiến lược đúng đắn trong sản xuất, trong tìm kiếm thị trường. Cần tăng tính liên kết giữa các HTX với nhau, liên kết giữa HTX với DN để có quy mô sản xuất lớn hơn, qua đó tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Giám sát chặt, xử lý nghiêm

Sản xuất rau sạch ở HTX Sông Hồng.

Thực tế ở các HTX sản xuất, cung ứng nông sản ở Hà Nội cho thấy đang tồn tại 2 xu hướng hoạt động. Xu hướng thứ nhất là làm nhiều, sẵn sàng gian dối, miễn sao có lợi; xu hướng thứ hai là nhiều đơn vị, HTX, hộ dân có ý thức làm ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, đáng buồn là số làm ăn có trách nhiệm lại đang gặp khó khăn, bị lấn át bởi những nơi có thói quen làm ăn chụp giật.

Là một điển hình của thành phố về ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau an toàn, thế nhưng HTX Nông nghiệp Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) vẫn bị lấn át bởi những người làm rau “bẩn”. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Sông Hồng cho biết: Đầu ra của HTX bị tê liệt từ đầu năm, khi bùng phát dịch Covid-19. Các nhà hàng, khách sạn là những đầu mối lấy hàng lớn đều đóng cửa, nên HTX không tiêu thụ được rau an toàn. Đó là chưa kể nhiều năm qua, những HTX làm rau sạch như Sông Hồng liên tục bị áp lực rất khó cạnh tranh với xu thế làm rau “bẩn”. Điều quan trọng nhất là công tác quản lý thì các cấp, ngành chưa vào cuộc thực sự quyết liệt để bảo vệ nông sản sạch, nhất là rau củ quả an toàn.

Ông Lê Văn Tám phân tích: “HTX làm rau sạch thì chi phí cao và thường phải mất 45 ngày mới thu hoạch được một lứa rau. Trong khi đó, ở những nơi khác, hễ rau bị sâu là người ta phun thuốc tràn lan và chỉ 30 ngày là có thể thu hoạch. Như thế, cùng với quỹ thời gian 90 ngày, chúng tôi chỉ làm được 2 lứa rau an toàn còn người ta thu hoạch hẳn 3 lứa. Họ hơn hẳn về số lượng, chưa nói tới giá cả. Khi nào còn chưa dẹp được cách làm gian dối thì các hộ và các HTX sản xuất rau sạch nghiêm túc rất khó tồn tại”.

Rõ ràng, để phát triển mô hình sản xuất rau an toàn thì các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý, và xử lý nghiêm những đối tượng làm ăn gian dối. Một vấn đề nữa là bản thân các đơn vị, HTX nông sản hiện không đủ sức kiểm soát sản phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối, vì vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, bảo đảm không bị hàng “bẩn”, hàng nhái trà trộn. Đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi Liên minh HTX và các cấp, ngành của thành phố thực sự quan tâm, hỗ trợ mô hình HTX, hộ sản xuất thực phẩm an toàn có điều kiện vươn lên phát triển, từ đó nâng cao số lượng và chất lượng nông sản trên địa bàn.

Mấy năm gần đây, thông qua Chương trình hành động số 24 của Thành ủy và các kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX thành phố Hà Nội đã tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến các tầng lớp xã hội ở Thủ đô về vai trò, vị trí, nguyên tắc và bản chất mô hình HTX cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước cần sâu sát hơn, đặc biệt là phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành và từng cán bộ quản lý. Đó là yếu tố quyết định đến kết quả phát triển mô hình HTX nông sản an toàn trên địa bàn Thủ đô.

Từ khóa » Các Hợp Tác Xã Rau Sạch ở Hà Nội