Phát Triển Kinh Tế Từ Nấm Bào Ngư - Báo An Giang Online

Hướng dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất phôi nấm và trồng nấm bào ngư xám của gia đình, chị Quyến cho biết, lúc đầu chị mua phôi giống nấm bào ngư xám về trồng và thu hoạch nấm tươi đem ra chợ bán. Sau thời gian trồng, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi kỹ thuật trồng đơn giản, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc... Bên cạnh đó, nấm bào ngư có giá ổn định và được thị trường ưa chuộng nên chị đã mở rộng diện tích trồng nấm.

Trong quá trình trồng, chất lượng và tỷ lệ nấm mọc phần lớn phụ thuộc vào chất lượng của phôi nấm giống. Từ đó, chị Quyến tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi quy trình sản xuất phôi giống nấm bào ngư để tiết kiệm chi phí, đảm bảo năng suất, chất lượng. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu vốn, kỹ thuật... nhưng chị Quyến không nản chí, quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân, đúc kết kinh nghiệm để tiếp tục phát triển nghề. Cuối cùng, chị Quyến đã tự sản xuất được phôi nấm giống bào ngư đạt chất lượng tốt và năng suất cao.

Kiểm tra nấm bào ngư trước khi thu hoạch

Với mong muốn bà con nông dân trồng nấm bào ngư có được phôi nấm giống bào ngư chất lượng tốt và năng suất cao, năm 2018, chị Quyến mạnh dạn phát triển cơ sở sản xuất phôi nấm bào ngư giống, sản xuất khoảng 2.000 phôi nấm giống mỗi ngày để cung cấp cho nông dân. Sau thời gian sản xuất và bán phôi nấm giống có hiệu quả, thị trường tiêu thụ phôi nấm ổn định. Đặc biệt, phôi nấm giống do cơ sở chị Quyến sản xuất đã nhận được ủng hộ và niềm tin của bà con nông dân trồng nấm bào ngư ở khắp nơi. Vì vậy, năm 2020 chị đầu tư thêm cơ sở sản xuất phôi nấm giống ở huyện Tịnh Biên sản xuất 3.000 phôi nấm giống mỗi ngày.

Theo chị Quyến, để đảm bảo chất lượng phôi, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất phôi nấm giống từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến việc cấy meo giống. Đầu tiên phải chọn mùn cưa, sàng loại bỏ tạp chất và phối dinh dưỡng, đóng bịch. Sau đó, đem hấp thanh trùng, cấy meo, nuôi tơ và xuất phôi. Nguyên liệu sản xuất yêu cầu phải sạch, đồng đều, không chứa tạp chất. Công đoạn sàng lọc nguyên liệu được thực hiện bằng máy sàng có độ rung lắc ổn định mới cho ra nguyên liệu đảm bảo chất lượng sản xuất phôi nấm giống.

Đến nay, chị Quyến đã đầu tư quy trình sản xuất phôi giống tại 2 cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho 40 lao động tại địa phương, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày, 2 cơ sở sản xuất phôi nấm giống của gia đình chị Quyến xuất bán 5.000 bịch phôi nấm giống tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá 5.100 đồng/bịch.

“Hiện tại, tôi không bán phôi nấm giống theo đơn đặt hàng của nông dân, mà còn làm các trại để trồng và bán nấm tươi. Từ lúc ra phôi, cấy meo đến lúc thu hoạch đợt đầu là 2 tháng, sau đó cứ cách nửa tháng thu hoạch 1 lần, đến khi thu hoạch dứt điểm là 6 tháng. Tổng doanh thu từ bán phôi nấm giống và nấm bào ngư tươi khoảng 8 tỷ đồng/năm” - chị Quyến cho biết.

Bên cạnh đó, chị Quyến còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân muốn trồng nấm bào ngư xám và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con có giá dao động từ 32.000-35.000 đồng/kg nấm tươi, bảo đảm người trồng có lợi nhuận 50% nếu tuân thủ đúng các kỹ thuật. Trước đây, cây nấm bào ngư chủ yếu được biết đến qua làm ăn nhỏ lẻ của các hộ nông dân. Do đó, chị Quyến cùng với 6 thành viên khác thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nấm bào ngư Anh Thư, với mục tiêu liên kết để cung cấp dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao và liên kết bao tiêu sản phẩm giải quyết đầu ra cho sản phẩm của thành viên với giá cả hợp lý và ổn định.

“Sắp tới tôi sẽ đầu tư thêm cơ sở sản xuất phôi nấm giống với công suất 3.000 phôi nấm giống mỗi ngày để cung cấp phôi nấm giống. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích trồng và bán nấm bào ngư tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau đó sẽ hướng đến trồng nấm sạch và phát triển sản phẩm nấm bào ngư sấy khô để có thể xuất khẩu ra nước ngoài” - chị Quyến chia sẻ.

TRỌNG TÍN

Từ khóa » Mua Phôi Nấm Bào Ngư ở đồng Tháp