Phát Triển Nền Kinh Tế Số Trong Tiến Trình Công Nghiệp Hóa, Hiện đại ...

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tham quan dây chuyền sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành). Ảnh: Cẩm Trúc

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tham quan dây chuyền sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành). Ảnh: Cẩm Trúc

Nhân dịp đầu năm mới 2022, Báo Đồng Khởi đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ xung quanh vấn đề làm thế nào để phát triển nền kinh tế thông minh trong tiến trình CNH, HĐH ở địa phương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Đầu đề do tòa soạn đặt.

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2021 là năm khởi đầu, và năm 2022 sẽ là năm tiến hành mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số (CĐS) trên phạm vi toàn quốc. Xin đồng chí cho biết, đối với tỉnh nhà, chúng ta đang đứng trước thực tại như thế nào?

- Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh”.

Tiếp theo là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta là thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy CĐS quốc gia để Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Nước ta được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi CMCN 4.0 với nhập khẩu thiết bị, công nghệ số đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ và hoạt động sáng chế đứng thứ 46, 48 trong số 150 nền kinh tế trong nghiên cứu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tháng 11-2021, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sàn đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Còn theo báo cáo của CSIRO, Úc và Bộ KHCN công bố tháng 11-2021, chỉ có một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và thị trường (R&D) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: thiết bị điện 17%, hóa chất 15%, chế biến thực phẩm 9%, sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, da và sản phẩm có liên quan 6%, dệt may 5%. Thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là thực tế mà cả nước phải đối mặt, trong đó tỉnh nhà cũng không thể ngoại lệ.

* Vậy thì đâu là triển vọng để chúng ta cùng thực hiện đưa công nghệ thông minh, công nghệ số vào điều kiện thực tiễn của tỉnh?

- Thực tế đã cho thấy, mặc dù gặp các thách thức như trên, nhưng ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất, là ngành tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số.

Chúng ta đã thấy mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại hóa, cơ sở hạ tầng cốt lõi với mạng băng thông rộng tốc độ cao làm nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải, Nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel…

Chính vì vậy, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp giải pháp của tỉnh cần có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất. Cần nhấn mạnh là chúng ta cần làm chuyển biến về chất quy trình sản xuất, quy trình quản lý - đó là trục cốt lõi cho CĐS toàn bộ nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với tỉnh, cần mời gọi các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế, cung cấp và xây dựng các nhà máy thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất. Tiếp theo đó, cần sự trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình và CĐS cho doanh nghiệp. Khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất, xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ, số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Nói cụ thể hơn, chúng ta cần thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Vietnam”, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.

Cần phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D các thiết bị số như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IoT… phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam. Cụ thể là toàn bộ hệ thống chính trị, cơ quan quản lý của tỉnh phải bằng mọi cách hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

* Trong công cuộc cách mạng triệt để về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, hành động, phương thức sản xuất… lần này, vai trò và vị trí cũng như trách nhiệm cao nhất thuộc về những tổ chức, cá nhân nào? Đặc biệt là việc cá thể hóa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu?

- Chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã xác định phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá. Mục đích tối thượng là nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ và các địa phương nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Về bản chất, Chính phủ số chính là chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “bốn có”, có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương và kết nối với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội.

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng, Chính phủ đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đứng đầu. Phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, trong đó, vai trò và trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy và cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan trọng. Tỉnh xác định rõ: CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện. Là giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng đời sống cộng đồng. Quá trình phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số phải gắn với cải cách hành chính, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng tới xã hội số an toàn.

CĐS cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, là cuộc cách mạng của toàn dân. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp chịu trách nhiệm chính về kết quả mọi hoạt động CĐS, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được gia. Gắn quá trình CĐS, phát triển chính quyền số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

CMCN 4.0 đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, nền kinh tế số trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại. Phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20-10-2020 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức và người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS của các ngành, các cấp trên địa bàn toàn tỉnh.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Hoàng Hải Trà (thực hiện)

Từ khóa » đẩy Mạnh Công Nghiệp Hóa Hiện đại Hóa đất Nước Trong Kỷ Nguyên Số