Phẫu Thuật Cắt Amiđan

Phẫu thuật cắt amiđan

Viêm amiđan là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý tai-mũi-họng đặc biệt là ở đối tượng trẻ em và thanh-thiếu niên, người trưởng thành cũng mắc nhưng ít hơn. Bệnh thường tái đi tái lại, nhất là trong môi trường khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam kết hợp với ô nhiễm không khí ngày càng gia tang thì viêm amiđan lại càng hay gặp. Khi bệnh diễn tiến kéo dài sẽ dễ gây biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cùng như khả năng lao động và học tập của bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt amiđan trong bệnh lý viêm amiđan mạn tính là một vấn đề thường gặp trên lâm sàng, có nhiều quan điểm khác nhau về chuyên môn và gây nhiều băn khoăn đối với người bệnh. Vậy có nên cắt khi amiđan hay không và phẫu thuật cắt amiđan có tốt cho cơ thể hay không? Bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời về vấn đề này.

  1. Amiđan là gì?

Amiđan là tổ chức bạch huyết chứa các tế bào bạch cầu, nhiệm vụ của amiđan là nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể, tiêu diệt vi khuẩn khi chúng thâm nhập. Nó cùng với các mô lympho khác ở họng tạo thành vòng bạch huyết Waldeyer, vòng này bao quanh đường thở và đường ăn.

Khi vào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đừng miệng, chúng sẽ bám vào amiđan, khi đó các tế bào bạch cầu ở đây tiến hành bắt giữ vi khuẩn đưa vào trong để nhận diện và tạo kháng thể, kháng thể được nhân lên và đưa đi khắp nơi, nhưng nhiều nhất là tập trung ở vùng mũi họng để chống lại vi khuẩn khi tái nhiễm. Amiđan hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amiđan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

  1. Viêm amiđan gây ra điều gì trong cơ thể?

-Do thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên amiđan hay bị viêm. Tác nhân gây viêm amiđan thường là các virus như adenovirus, virus hợp bào đường hô hấp, cúm … và các vi khuẩn như phế cầu, Haemophilus Influenzae, liên cầu… trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu beta tan huyết nhóm A, khi nhiễm loại này dễ gây ra các biến chứng như viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận (dẫn đến suy thận), viêm khớp … Mặt khác, việc nhiễm trùng tái diễn kéo theo việc phải sử dụng kháng sinh sẽ dẫn đến các tác dụng phụ cho bản thân người bệnh cũng như nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng.

-Amiđan tăng kích thước hay còn gọi là amiđan quá phát là tình trạng amiđan quá to chèn ép vào đường thở gây khó thở khó nuốt cho bệnh nhân. Vấn đề này đã không được chú ý trong nhiều năm trước nhưng gần đây đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong bệnh lý amiđan, nguyên nhân tại sao?

-Thứ nhất, đối với trẻ nhỏ, amiđan quá to sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở đặc biệt là trong lúc ngủ với các biểu hiện ngủ ngáy, há miệng thở khi ngủ, thậm chí có biểu hiện các cơn ngừng thở khi ngủ. Điều này dẫn đến hậu quả: não bộ không được cung cấp đầy đủ oxy khi ngủ khiến cho bệnh nhân ngủ không sâu giấc, sáng dậy thường mệt mỏi, uể oải kém tập trung, trẻ em thường có xu hướng tăng vận động kém tập trung, học hành kém nên dễ nhầm với hội chứng tăng động ADHA. Ngoài ra, việc thở bằng miệng lâu ngày sẽ dẫn đến sự phát triển lệch của xương hàm dẫn đến sự biến dạng của khuôn mặt (miệng há, môi trên xếch lên, răng vẩu, cằm lẹm, môi dưới trề, mắt mở to, ngô nghê . ..)

-Thứ hai, ở người lớn, ngủ ngáy làm cho bệnh nhân ngủ không sâu dẫn đến mệt mỏi, giảm tập trung vào ban ngày, luôn có cảm giác thiếu ngủ, ngủ gà. Vì vậy, ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bệnh nhân, dễ xảy ra tai nạn nếu bệnh nhân làm các công việc điều khiển máy móc, lái xe, làm việc trên cao… Bên cạnh đó, ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ được chứng minh là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh lý rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tim mạch và đồng thời làm tăng nguy cơ đột tử ở các bệnh nhân đã mắc các bệnh lý này.

  • Viêm amiđan còn gây ra các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm mũi xoang, là một trong những yếu tố khởi phát cơn hen ở bệnh nhân hen phế quản. hoặc amiđan bị biến chứng áp xe tại chỗ có nguy cơ nhiễm trùng lan rộng ra vùng cổ, xuống trung thất, gây nhiễm trùng máu có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng.
  • Bên cạnh đó, một số bệnh nhân bị viêm amiđan mạn tính xuất hiện các khe, hốc sâu trên bề mặt amiđan dễ bị lắng đọng cặn thức ăn vào trong các hốc này tạo thành bã đậu của amiđan. Tổ chức bã đậu này gây ra cảm giác vướng mắc, ngứa họng khiến bệnh nhân hay phải hắng giọng, ho; và gây ra triệu chứng hôi miệng từ đó ảnh hưởng không ít đến việc giao tiếp của bệnh nhân.
  1. Vậy có phải cứ viêm amiđan là phải cắt?

Câu trả lời là KHÔNG! Phẫu thuật cắt amiđan có những chỉ định rất chặt chẽ nếu không sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn có thể gây hại cho bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt Amiđan được chỉ định trong các trường hợp:

  • Amiđan viêm tái phát nhiều lần >5 lần/năm (tương đương với tần suất cách 1-2 tháng hoặc ngắn hơn bị viêm 1 lần) và trong ít nhất 2 năm liên tục.
  • Amiđan gây ra các biến chứng.
  • Amiđan quá phát gây tắc nghẽn đường thở.
  • Khối u amiđan nghi ngờ ác tính cần làm xét nghiệm giải phẫu bệnh
  1. Phẫu thuật cắt amiđan có nguy hiểm không?

Câu trả lời là CÓ! Cắt amiđan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân: gây mê, cắt không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được), bệnh nhân có rối loạn đông máu. Chính vì vậy mà trước khi cắt, bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và đông máu để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Nếu có chỉ định, bệnh nhân nên phẫu thuật tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng, không nên đến phẫu thuật ở phòng mạch tư, rất dễ gặp sự cố.

  1. Cắt amiđan bằng phương tiện gì?

Có rất nhiều trang thiết bị được sử dụng để cắt amiđan, sự cải tiến các trang thiết bị này dựa trên tiêu chí cầm máu tốt và độ bỏng mô xung quanh thấp nhất.

Dao điện là một thiết bị thường quy trong phòng mổ được dùng để cắt amiđan, ưu điểm là rẻ tiền, khả năng cầm máu tương đối tốt nhưng độ bỏng cao, nhiệt độ tại hố cắt có thể lên đến 400 độ C nên khả năng gây tổn thương mô xung quanh lớn. Vì vậy, sau cắt bệnh nhân thường đau nhiều và nguy cơ chảy máu thứ phát cao hơn.

Laser có ưu điểm là gây tổn thương mô ít nhưng khả năng cầm máu còn hạn chế và thời gian phẫu thuật lâu hơn.

Plasma và coblator có ưu điểm là cầm máu tốt và mức độ bỏng mô ít nhưng chi phí cao.

Dao ligasure mang lại khả năng cầm máu tuyệt vời cùng với mức độ bỏng mô rất thấp nên thời gian phẫu thuật nhanh (5-10 phút) bệnh nhân phải dùng ít thuốc mê làm giảm nguy cơ tai biến do gây mê và giảm cảm giác đau sau phẫu thuật cũng như giảm tối đa khả năng chảy máu thứ phát.

  1. Chăm sóc sau cắt amiđan?

Sau phẫu thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ thuốc, ăn uống và vệ sinh răng miệng.

Sau cắt amiđan, trên hốc mổ sẽ có vẩy màu trắng phủ kín, vảy này sẽ bong dần trong khoảng từ 7-10 ngày sau mổ và có thể chảy máu khi bong vẩy, nếu có chảy máu, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân không nên đi du lịch hay đi đến những nơi hẻo lánh không có cơ sở y tế trong thời gian này.

Sau phẫu thuật không phải kiêng nói tuy nhiên bệnh nhân nên hạn chế việc quát to hay gào thét vì có khả năng gây căng kéo tại vết mổ dẫn đến bong giả mạc sớm gây chảy máu.

Sau phẫu thuật bệnh nhân cũng nên hạn chế các hoạt động thể lực như chơi thể thao, lao động nặng… trong vòng 20-30 ngày.

—————————————————————————————————————————————————

Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, dao ligasure thế hệ mới nhất đã được đưa vào sử dụng với ưu điểm vượt trội:

  • Cho phép cầm máu đối với những mạch máu lớn lên đến 7mm,
  • Nhiệt độ tỏa nhiệt tại chỗ thấp (theo FDA công nhận mức độ tỏa nhiệt của dao ligasure chỉ khoảng 700C tương đương với công nghệ plasma và thấp hơn các loại dao khác),
  • Công nghệ đo trở kháng mô cho phép đảm bảo mối hàn vững chắc tránh được hiện tượng chảy máu sau mổ do mối hàn không chắn hoặc tổn thương thứ phát.

Bài viết: Ths.Bs. Tạ Hùng Sơn- Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng

Leave a reply
  • Nam Thai Pham
  • sức khoẻ,
  • Tin tức

Từ khóa » Cắt A Bi đan