Phẫu Thuật Cắt Thực Quản - Chăm Sóc Bệnh Nhân Sau Mổ | Tâm Anh

Phẫu thuật cắt thực quản là một phương pháp điều trị ung thư thực quản. Ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư chưa di căn, việc cắt bỏ thực quản kết hợp nạo vét hạch đem đến hiệu quả điều trị cao và mang tính triệt căn cho người bệnh. Ngoài ra, phương pháp này còn được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý thực quản khác làm ảnh hưởng đến quá trình đưa thức ăn rắn và chất lỏng vào dạ dày.

Trong bài viết sau, TS.BS Đỗ Minh Hùng – Giám đốc Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cung cấp thêm những thông tin quan trọng về phương pháp phẫu thuật cắt thực quản, đồng thời lưu ý những điều người bệnh cần lưu ý trước, trong và sau quá trình mổ để tránh nguy cơ biến chứng và đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Phẫu thuật cắt thực quản là gì?

phau thuat cat thuc quan
Minh họa phẫu thuật cắt thực quản

Phẫu thuật cắt thực quản là loại phẫu thuật trong đó bác sĩ loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản (cơ quan nối hầu với dạ dày), sau đó tái tạo lại thực quản mới bằng cách sử dụng một phần của cơ quan tiêu hóa khác (thường là dạ dày, nhưng cũng có thể là ruột non hoặc đại tràng). (1)

Tại sao phải cắt bỏ thực quản?

Cắt bỏ thực quản là phương pháp điều trị chính đối với ung thư thực quản trong trường hợp khối u tiến triển. Nếu khối u nhỏ và vẫn giới hạn ở niêm mạc thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện cắt u tại chỗ qua nội soi bằng phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD). Ngoài ra, phẫu thuật cắt thực quản còn có thể được dùng để điều trị:

  • Barrett thực quản tiến triển, có loạn sản nặng, nguy cơ cao dẫn đến ung thư
  • Các bệnh lý lành tính: u lành quá to, các rối loạn vận động của thực quản đã điều bằng các phương pháp khác thất bại, hẹp thực quản do hóa chất.

Các kỹ thuật cắt thực quản

Phẫu thuật cắt bỏ thực quản có thể được thực hiện bằng mổ mở hoặc mổ nội soi. Việc lựa chọn hình thức phẫu thuật nào tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh, kinh nghiệm và sở trường của phẫu thuật viên.

banner tâm anh quận 7 content

1. Cắt thực quản mở

Trong phẫu thuật cắt thực quản mở, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản thông qua một hoặc một vài vết rạch lớn ở cổ, ngực hoặc bụng bệnh nhân. Có nhiều kỹ thuật cắt thực quản mở khác nhau. Trong đó, 2 phương pháp được thực hiện phổ biến nhất là:

  • Phẫu thuật cắt thực quản không mở ngực (transhiatal esophagectomy – THE) với các vết rạch chính ở cổ và bụng người bệnh.
  • Phẫu thuật cắt thực quản được thực hiện qua ngực (transthoracic esophagectomy – TTE) với các vết rạch chính ở ngực và bụng người bệnh.

Trong cả hai phẫu thuật trên, phần thực quản hỏng và một phần trên cùng của dạ dày bệnh nhân được cắt bỏ. Phần dạ dày bên dưới được kéo lên và nối với phần thực quản bình thường còn lại, tạo thành thực quản mới.

Mỗi kỹ thuật phẫu thuật đều có ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn thực hiện phẫu thuật nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tuổi và sức khỏe của bệnh nhân, kích thước và vị trí của khối u, di căn hạch hay chưa. (4)

2. Cắt bỏ thực quản xâm lấn tối thiểu

Phẫu thuật cắt bỏ thực quản nội soi
Phẫu thuật cắt bỏ thực quản xâm lấn tối thiểu

Cắt bỏ thực quản có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn này, thực quản sẽ được cắt bỏ bằng các dụng cụ chuyên biệt thông qua vài vết rạch rất nhỏ ở bụng hoặc ngực người bệnh.

Người bệnh sau phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ít đau hơn, giảm biến chứng, thời gian nằm viện và phục hồi nhanh hơn, sớm trở lại làm việc và các hoạt động bình thường.

sub kênh tiêu hóa tâm anh

Quá trình phẫu thuật cắt thực quản

Quy trình phẫu thuật cắt thực quản gồm 3 giai đoạn chính: Trước, trong và sau phẫu thuật.

1. Chuẩn bị phẫu thuật cắt thực quản

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo người bệnh có đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ xem xét bệnh sử và các loại thuốc (nếu có) mà người bệnh đang sử dụng. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc điều trị đang dùng, kể cả vitamin, chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật và cần ngừng uống trước khi mổ.

Bệnh nhân được yêu cầu ngừng hút thuốc lá, thuốc lào ít nhất 10 ngày trước mổ. Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng hô hấp, tim mạch sau mổ và có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.

Bác sĩ cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể về chế độ vật lý trị liệu hô hấp, ăn uống, vệ sinh và những điều cần chuẩn bị khác trước mổ. Người bệnh cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ về các vấn đề lo ngại, như nguy cơ tai biến, thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ.

Đối với người bệnh bị ung thư thực quản, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị hoặc cả hai trước khi phẫu thuật cắt bỏ thực quản. Những quyết định này sẽ được đưa ra dựa trên giai đoạn ung thư. (2)

2. Quá trình phẫu thuật

Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật. Quyết định cắt bỏ bao nhiêu phần thực quản và dạ dày phụ thuộc vào loại bệnh lý và giai đoạn bệnh cụ thể. Đối với ung thư thực quản, bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và vị trí khối u. Cụ thể:

  • Cắt bỏ một phần thực quản và một phần dạ dày (phẫu thuật cắt bỏ thực quản dạ dày): Trường hợp ung thư nằm ở ⅔ phần dưới của thực quản, gần dạ dày hoặc tại vị trí chuyển tiếp giữa thực quản và dạ dày, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần thực quản bị ung thư, đoạn thực quản bình thường ở trên khối u và một phần dạ dày. Sau đó, dạ dày được nối với phần thực quản còn lại ở ngực hoặc cổ người bệnh. (3)
  • Cắt bỏ toàn bộ thực quản: Trường hợp ung thư nằm ở ⅓ phần trên, toàn bộ thực quản sẽ cần được cắt bỏ để đảm bảo loại bỏ hết các mô có chứa tế bào ung thư, sau đó, dạ dày sẽ được đưa lên và nối tại vùng hầu họng.

Bác sĩ Minh Hùng cho biết thêm, trong phẫu thuật điều trị các bệnh lý ác tính tại thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét các hạch bạch huyết ở gần khu vực có khối u. Tùy từng trường hợp mà số lượng hạch bạch huyết cần nạo sẽ khác nhau. Các hạch được nạo sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem chúng có tế bào ung thư hay không. Việc nạo vét hạch giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát, đồng thời giúp bác sĩ xác định có hay không cần sử dụng các phương pháp điều trị tiếp theo (như hóa trị/xạ trị) cho người bệnh.

3. Sau phẫu thuật cắt bỏ thực quản

mổ thực quản
Người bệnh sau mổ được nuôi dưỡng bằng ống thông

Sau khi cắt bỏ thực quản, bệnh nhân được theo dõi sát sao về tình trạng hô hấp, tim mạch tại phòng hồi tỉnh.

Những ngày đầu sau mổ, bệnh nhân được nuôi dưỡng qua ống thông hỗng tràng (có thể kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch). Trường hợp người bệnh không mở thông được, nuôi dưỡng tĩnh mạch là giải pháp duy nhất. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ đưa một số ống chuyên dụng vào cơ thể bệnh nhân để hỗ trợ dẫn lưu dịch hoặc các chất tiết khác ra ngoài cơ thể. Đồng thời, việc gây tê ngoài màng cứng sẽ được điều chỉnh để quá trình kiểm soát đau diễn ra tối ưu.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và phương pháp phẫu thuật áp dụng, bác sĩ sẽ thông báo khi nào người bệnh có thể tháo ống thông dinh dưỡng và bắt đầu tập ăn uống trở lại.

Đa số bệnh nhân mổ cắt thực quản sẽ được xuất viện sau 5-10 ngày nếu không có biến chứng. Hầu hết người bệnh có thể trở lại làm việc hoặc sinh hoạt bình thường trong khoảng 6 đến 12 tuần sau mổ.

Biến chứng phẫu thuật cắt bỏ thực quản

Bác sĩ Minh Hùng cho biết, phẫu thuật cắt thực quản kết hợp nạo hạch là một phẫu thuật phức tạp do vị trí thực quản nằm gần tim, phổi, nhiều dây thần kinh và mạch máu lớn. Thêm vào đó, phẫu thuật chủ yếu thực hiện trên các bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền. Chính vì vậy mà tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ của bệnh nhân ung thư thực quản tương đối cao. Các biến chứng có thể xảy ra sau mổ cắt thực quản bao gồm:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Rò miệng nối thực quản – dạ dày
  • Phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc gây mê
  • Hình thành cục máu đông
  • Biến chứng hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi
  • Chấn thương dạ dày, ruột, phổi hoặc các cơ quan khác trong quá trình phẫu thuật
  • Trào ngược axit hoặc mật
  • Thay đổi giọng nói
  • Khó nuốt
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Rung tâm nhĩ

Một số biến chứng phẫu thuật có thể đe dọa tính mạng. Do đó, việc lựa chọn bác sĩ phẫu thuật có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm với sự hỗ trợ của các dụng cụ, hệ thống phẫu thuật hiện đại có thể giúp người bệnh hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do phẫu thuật.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thực quản

Có nhiều vấn đề cần quan tâm khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ thực quản, trong đó các yếu tố quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập cho người bệnh. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt thực quản

cham nguoi sau phau thuat cat thuc quan
Người bệnh sau mổ cần chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình phục hồi

Việc ăn uống sau phẫu thuật của người bệnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự thay đổi trong hệ thống tiêu hóa, rối loạn chức năng nuốt, nhu động đường tiêu hóa và cả các tác dụng phụ sau phẫu thuật. Vì vậy, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh có vai trò rất quan trọng, vừa đảm bảo người bệnh nhận đủ chất dinh dưỡng, vừa hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ của phẫu thuật.

Những ngày đầu khi người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông, chế độ ăn cần có độ dinh dưỡng, calo cao và ở dạng xay nhuyễn để bơm qua ống thông dễ dàng. Trong quá trình nuôi cần đánh giá được khả năng dung nạp của bệnh nhân để lên khẩu phần và chia nhỏ bữa ăn hợp lý, cung cấp đầy đủ năng lượng cho người bệnh.

Khi người bệnh dần hồi phục và có khả năng nuốt an toàn, bệnh nhân có thể bắt đầu bằng các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh… một thời gian rồi mới chuyển sang dạng thức ăn đặc dần. Các loại thực phẩm nên bổ sung bao gồm thực phẩm giàu protein, thực phẩm giàu carb tốt, rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, quá nhiều đường hoặc muối, thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng, cà phê, trà, đồ uống có cồn và đồ uống có ga.

Tổng lượng thức ăn nên chia thành 5 – 6 bữa nhỏ. Người bệnh ăn chậm, nhai kỹ, ngồi thẳng lưng khi ăn để giúp thức ăn di chuyển xuống dưới dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế uống nước trong bữa ăn. Tại các trung tâm lớn, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, giúp quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Chế độ luyện tập cho bệnh nhân

Người bệnh được tập vật lý trị liệu hô hấp như đã luyện tập trước mổ và vận động sớm sau mổ khi có sự đồng ý của bác sĩ. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm sau cắt thực quản như viêm phổi hay tắc mạch.

Khi được xuất viện, người bệnh cần tiếp tục duy trì lịch vận động và tập hít thở mỗi ngày theo khuyến cáo của bác sĩ. Vận động thường xuyên không chỉ giúp bệnh nhân tăng cường thể lực, nhanh chóng phục hồi mà còn luôn duy trì năng lượng tích cực, cảm thấy phấn chấn, yêu đời hơn.

Người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau:

  • Sốt trên 38.5 độ C
  • Vết mổ đau nhiều, sưng, viêm đỏ, chảy dịch
  • Không ăn uống được
  • Người yếu, khó thở hoặc cảm thấy tim đập nhanh
  • Tiêu chảy hoặc đi ngoài phân đen
  • Cảm giác nóng rát ở cổ họng
  • Ho dai dẳng
  • Vàng da hoặc lòng trắng mắt.

Các câu hỏi thường gặp về phẫu thuật cắt thực quản

1. Sau phẫu thuật cắt thực quản có đau không?

Người bệnh sẽ bị đau trong thời gian hồi phục sau mổ cắt thực quản. Bác sĩ sẽ có những phương án để kiểm soát cơn đau hiệu quả cho người bệnh. Nếu cơn đau không thuyên giảm, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau cho người bệnh trước khi xuất viện. Người bệnh cần hỏi về các tác dụng phụ của thuốc và phương án để hạn chế những tác dụng phụ này xảy ra. (5)

2. Sau phẫu thuật cắt thực quản bao lâu thì được xuất viện?

Thông thường, bệnh nhân mổ cắt thực quản sẽ được xuất viện sau 5 – 10 ngày nếu không có biến chứng. Thời gian nằm viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại phẫu thuật và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ thông báo cho người bệnh thời gian có thể xuất viện.

Tìm hiểu kỹ thuật cắt u thực quản qua nội soi điều trị bệnh ung thư thực quản.

3. Phẫu thuật cắt thực quản nội soi ở đâu?

Bác sĩ Minh Hùng cho biết, phẫu thuật cắt thực quản kèm nạo hạch đem đến hiệu quả cao trong điều trị ung thư thực quản, tuy nhiên loại phẫu thuật này được đánh giá là thực hiện phức tạp, rủi ro cũng cao hơn so với các loại phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa khác.

Người bệnh cần lựa chọn các bệnh viện uy tín, có đội ngũ phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, vững tay nghề, thiết bị máy móc hiện đại để xử lý tốt các vấn đề có thể xảy ra trong ca mổ, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chuyên thăm khám và điều trị chuyên sâu bệnh lý đường tiêu hóa mà người bệnh hoàn toàn có thể đặt trọn niềm tin. Trung tâm hội tụ đủ các yếu tố chuyên gia giỏi – máy móc hiện đại – dịch vụ cao cấp, đảm bảo đem đến cho người bệnh hiệu quả điều trị tốt nhất và trải nghiệm tuyệt vời khi thăm khám tại bệnh viện.

Với sự dẫn dắt của TS.BS Đỗ Minh Hùng – Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật xâm lấn tối thiểu điều trị ung thư đường tiêu hóa, người đứng sau thành công của hàng ngàn ca mổ, từ những ca đơn giản đến đại phẫu lên đến 10 tiếng. Bác sĩ Minh Hùng cũng là người tìm ra kỹ thuật mổ nội soi ung thư thực quản gây mê một nòng ở tư thế người bệnh nằm sấp, hạn chế biến chứng trong quá trình nạo hạch ở trung thất, tăng tỷ lệ thành công của ca mổ.

phau thuat cat u thuc quan
Phẫu thuật nội soi với dụng cụ cầm tay robot được thực hiện bởi chuyên gia ngoại tiêu hóa của Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bên cạnh đội ngũ chuyên gia vững tay nghề, Trung tâm còn chú trọng đầu tư các hệ thống máy móc và dụng cụ nội soi hiện đại hàng đầu thế giới nhằm tăng độ chính xác và hiệu quả phẫu thuật cho các ca mổ. Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là đơn vị đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng dụng cụ phẫu thuật robot cơ học cầm tay có khả năng xoay 360 độ kết hợp hệ thống phẫu thuật 3D/4K ICG Rubina trong mổ nội soi điều trị ung thư đường tiêu hóa. Sự kết hợp đặc biệt này giúp phẫu thuật viên tiếp cận vị trí giải phẫu ở không gian hẹp, góc khuất thuận lợi hơn, từ đó thực hiện thao tác nhanh chóng, chính xác, hạn chế tổn thương mô lành xung quanh và giảm thời gian phẫu thuật.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chất lượng dịch vụ cao cấp, nhân viên chuyên nghiệp, hệ thống phòng nội trú hiện đại, mới, được trang bị đủ các thiết bị, đồ dùng cần thiết, tivi màn hình LED, Internet miễn phí, thiết bị kết nối nhân viên y tế hỗ trợ 24/24… hỗ trợ tối đa để người bệnh thoải mái và an tâm khi điều trị.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa tự tin là đơn vị đứng đầu danh sách lựa chọn của quý vị khi có nhu cầu thăm khám, điều trị ung thư thực quản cũng như các bệnh lý tiêu hóa khác.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Để đặt lịch thăm khám và điều trị ung thư thực quản cũng như các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác cùng các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Từ khóa » Chăm Sóc Người Bệnh Ung Thư Thực Quản