Phẫu Thuật Cắt Túi Mật Bao Lâu Thì Hồi Phục?
Có thể bạn quan tâm
Phẫu thuật cắt túi mật là phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị sỏi túi mật, polyp túi mật lớn hơn hoặc bằng 10mm và ung thư túi mật. Trường hợp ung thư túi mật, có thể cần cắt bỏ một phần gan xung quanh đường mật chính và nạo hạch.
Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có những chia sẻ cụ thể hơn về những trường hợp cần cắt túi mật, phương pháp, quy trình mổ cũng như những lưu ý chăm sóc cho người bệnh giai đoạn hậu phẫu.
Phẫu thuật cắt túi mật là gì?
Phẫu thuật cắt túi mật là loại phẫu thuật trong đó bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật và lấy ra khỏi cơ thể người bệnh. Túi mật là một cơ quan nhỏ, có hình quả lê, nằm ở mặt dưới thùy gan phải. Chức năng chính của cơ quan này là dự trữ dịch mật do gan sản xuất, đưa dịch xuống ruột non khi cần để giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. (1)
Chỉ định cắt túi mật khi nào?
Phẫu thuật cắt túi mật thường được chỉ định để điều trị sỏi túi mật, polyp túi mật lớn hơn hoặc bằng 10mm và ung thư túi mật. Ngoài ra, bất cứ tình trạng nào ở túi mật gây triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh cũng đều có thể được cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. (2)
1. Sỏi túi mật
Một trong những lý do phổ biến nhất trong phẫu thuật cắt túi mật là điều trị sỏi túi mật có triệu chứng. Sỏi túi mật là những tinh thể rắn được hình thành trong túi mật bởi sự lắng đọng bất thường của các thành phần dịch mật. Chúng có kích thước từ vài milimet đến vài centimet với số lượng từ 1 đến hàng trăm viên.
Sỏi mật thường không gây triệu chứng, nhưng đôi khi chúng có thể chặn dòng chảy của mật, gây viêm túi mật hoặc tuyến tụy. Lúc này, sỏi mật có thể khiến người bệnh bị đau bụng đột ngột và dữ dội, buồn nôn, sốt, vàng da… Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất trong hầu hết các trường hợp sỏi mật có triệu chứng.
Bên cạnh đó, một vài trường hợp sỏi túi mật không triệu chứng cũng có thể được chỉ định phẫu thuật, chẳng hạn như khi sỏi có đường kính trên 3cm, nằm ở những khu vực có nguy cơ cao gây ung thư túi mật…
2. Polyp túi mật
Polyp túi mật là các sang thương lành tính phát triển trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Cắt túi mật thường được chỉ định để điều trị polyp gây triệu chứng hoặc như một cách để dự phòng, ngăn chúng chuyển thành ác tính. Ung thư túi mật tiến triển có tiên lượng xấu, việc loại bỏ ung thư ở giai đoạn sớm là hy vọng duy nhất để điều trị khỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
3. Ung thư túi mật
Ung thư túi mật xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong các mô của túi mật. Trong điều trị ung thư túi mật bằng phẫu thuật, ngoài cắt bỏ túi mật, bác sĩ có thể cần cắt bỏ một phần gan xung quanh, đường mật chính và nạo hạch. Bên cạnh 3 nguyên nhân chính trên, phẫu thuật cắt túi mật còn được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh lý hoặc tình trạng có liên quan đến túi mật: Hội chứng Mirizzi, lỗ rò túi mật tá tràng, vôi hóa túi mật, túi mật không hoạt động, kênh chung mật – tụy có dấu hiệu bất thường…
- Người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh hồng cầu hình liềm hoặc đang đợi cấy ghép nội tạng.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Phẫu thuật cắt túi mật không phải là chỉ định tuyệt đối dành cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, người mắc tiểu đường có thể được cân nhắc làm phẫu thuật để tránh tình trạng viêm túi mật.
- Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ biến chứng sỏi túi mật khi mang thai: Với những trường hợp này, phẫu thuật nên được tiến hành trong 3 tháng giữa thai kỳ để đảm bảo an toàn, tránh sinh non và gây dị tật thai nhi.
Xem thêm video khi nào được chỉ định cắt túi mật qua tư vấn của TS.BS Đỗ Minh Hùng
Phương pháp phẫu thuật cắt túi mật
Phẫu thuật cắt túi mật có thể được tiến hành bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở. Điểm chung của 2 phương pháp này là người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong quá trình làm phẫu thuật. (3)
-
Cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi
Hầu hết phẫu thuật cắt túi mật được tiến hành qua nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một vài đường mổ nhỏ trên bụng người bệnh, dùng ống soi có camera ở đầu để soi vào trong ổ bụng và cắt bỏ túi mật bằng các dụng cụ nội soi chuyên dụng.
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống. Vết mổ nhỏ hơn, tăng tính thẩm mỹ, người bệnh ít đau, khả năng hồi phục nhanh hơn và ít gặp biến chứng sau mổ. Dù vậy, không phải người bệnh nào cũng phù hợp với phương pháp mổ nội soi. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ ưu tiên mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
-
Cắt túi mật bằng phẫu thuật mở/ mổ mở
Ở loại phẫu thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường mổ dài khoảng 15cm ở thành bụng bệnh nhân, tách rời ống túi mật với động mạch, tách túi mật ra khỏi gan rồi tiến hành cắt bỏ.
Phẫu thuật cắt túi mật hở thường được chỉ định cho các đối tượng có tiền căn phẫu thuật trước gây sẹo dính, người thừa cân, béo phì, thai phụ trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc trong trường hợp đặc biệt như chảy máu trong quá trình mổ, mổ cấp cứu… Thậm chí, có những trường hợp phẫu thuật viên phải chuyển từ mổ nội soi sang mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Quy trình phẫu thuật cắt túi mật
1. Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
- Khám tiền mê và thực hiện một số xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng gan, thận, đông máu…
- Siêu âm bụng để kiểm tra sỏi túi mật, polyp túi mật hoặc ung thư túi mật và các tình trạng khác như giãn hoặc tắc ống mật trong và ngoài gan. Nếu có viên sỏi làm tắc ống mật chủ, bác sĩ sẽ đề nghị nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc mổ kết hợp để lấy ra.
- Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh dự phòng đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ.
- Tắm bằng dung dịch sát trùng Chlorhexidine 4% vào buổi tối trước ngày mổ
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và các loại thuốc điều trị (nếu có) mà bệnh nhân đang sử dụng. Người bệnh cần khai báo đầy đủ các loại thuốc (kê đơn và không kê đơn) cũng như các chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng đang dùng. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngưng một vài loại thuốc trước khi mổ. (4)
2. Quá trình phẫu thuật
Người bệnh được gây mê trước khi mổ. Thời gian và quy trình thực hiện sẽ phụ thuộc vào phương pháp được lựa chọn là mổ nội soi hay mổ mở.
Đối với phương pháp mổ nội soi, phẫu thuật viên sẽ rạch một vài vết rạch nhỏ trên bụng bệnh nhân, đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi chuyên dụng vào và tiến hành cắt túi mật. Trong quá trình mổ, nhóm phẫu thuật sẽ duy trì việc bơm carbon dioxide vào ổ bụng để việc quan sát dễ dàng hơn. Thời gian phẫu thuật nội soi có thể kéo dài từ 1 đến 2 giờ.
Trong quá trình mổ nội soi, nếu có vấn đề phát sinh, phẫu thuật viên có thể quyết định chuyển từ mổ nội soi sang mổ mở để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
3. Sau khi phẫu thuật và kết quả
Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được chuyển đến Phòng hồi tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi sát về tình trạng hô hấp, tim mạch sau mổ. Khi tình trạng ổn định, điều dưỡng sẽ đưa bệnh nhân về phòng bệnh.
Thông thường, sau mổ khoảng 6 – 8 giờ, người bệnh có thể ăn uống trở lại. Bên cạnh đó, bệnh nhân được khuyến cáo vận động đi lại sớm, hít thở sâu để phòng ngừa biến chứng viêm phổi và tắc mạch do cục máu đông sau mổ.
Quá trình hồi phục sau mổ sẽ khác nhau tùy theo phẫu thuật nội soi hay mổ mở. Trường hợp phẫu thuật nội soi, bệnh nhân thường ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn so với mổ hở. Người bệnh có thể mất khoảng 1 đến 3 tuần sau mổ để có thể quay lại các hoạt động bình thường.
Nếu có các triệu chứng bất thường sau đây, người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ:
- Sốt hoặc lạnh run
- Vết mổ sưng, đỏ
- Buồn nôn, nôn ói
- Đau bụng dữ dội
- Đầy hơi chướng bụng
- Vàng da vàng mắt
- Nước tiểu sậm màu.
Lợi ích và rủi ro của phẫu thuật cắt túi mật
-
Lợi ích sau khi cắt bỏ túi mật
Cắt túi mật là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi túi mật, làm mất các triệu chứng của sỏi mật như đau bụng, sốt, đầy bụng, không tiêu… Đồng thời, đây cũng là phương pháp điều trị triệt căn với các tình trạng polyp túi mật, ung thư túi mật giai đoạn đầu.
-
Biến chứng và rủi ro khi cắt bỏ túi mật
Phẫu thuật cắt túi mật được đánh giá là loại phẫu thuật có mức độ an toàn cao. Biến chứng sau mổ là tương đối hiếm gặp. Để giảm thiểu tình trạng biến chứng, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi làm phẫu thuật. (5)
Những biến chứng và rủi ro có thể gặp khi làm phẫu thuật cắt túi mật bao gồm:
- Gặp phải phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác trong quá trình phẫu thuật
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Hình thành các cục máu đông
- Tổn thương ruột, đường mật ngoài gan, rò mật,
- Các vấn đề về tim, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, đau tim hoặc suy tim
- Viêm tụy.
- Sỏi rơi vào ống mật chủ (sẽ cần tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng sau mổ).
Nếu có bất kỳ lo lắng gì về rủi ro hoặc biến chứng sau mổ cắt túi mật, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
Chăm sóc người bệnh sau mổ cắt túi mật
Chế độ ăn uống và sinh hoạt sau mổ có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật. Sau khi cắt túi mật, dịch mật sẽ không còn nơi dự trữ mà đổ trực tiếp xuống tá tràng. Điều này khiến người bệnh dễ bị tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng… Để cơ thể dễ dàng thích nghi với thay đổi sau mổ, tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa, theo bác sĩ Kiến Tâm, người bệnh sau mổ cắt túi mật nên và không nên ăn các loại thực phẩm sau:
1. Phẫu thuật cắt túi mật nên ăn gì?
Những ngày đầu sau mổ, người bệnh nên bắt đầu với thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp… dần dần mới chuyển qua dạng thức ăn đặc. Đồng thời, người bệnh nên uống 1 – 1,5 lít nước mỗi ngày để cơ thể đào thải nhanh chóng lượng thuốc mê còn sót lại trong cơ thể.
Trong những tuần tiếp theo, khi cơ thể ổn định, người bệnh có thể ăn đa dạng thức ăn hơn nhưng vẫn cần theo nguyên tắc ăn từ ít đến nhiều, chia thành nhiều bữa nhỏ để dễ hấp thu. Người bệnh nên chọn các thực phẩm chứa chất béo tốt (chất béo chưa bão hòa) như dầu cá, dầu oliu, dầu thực vật hoặc các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân… Đồng thời, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc, đậu nguyên hạt, dâu tây, súp lơ xanh, rau xanh, táo, lê, bắp,…
Đối với sữa và các chế phẩm từ sữa, người bệnh nên ăn sữa chua, sữa ít béo, phô mai ít béo hoặc sữa đậu nành thay vì sữa nguyên chất.
2. Sau khi cắt túi mật nên kiêng gì?
Một số loại thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau mổ. Sau mổ, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, thực phẩm giàu cholesterol như trứng, sữa, thịt mỡ, nội tạng, đồ uống có chứa cafein, rượu, bia, thuốc lá… Các loại thức ăn này có thể làm người bệnh cảm thấy không thoải mái sau khi ăn và tăng nguy cơ dẫn đến biến chứng.
3. Chế độ sinh hoạt phòng ngừa biến chứng sau mổ
Để phòng tránh biến chứng sau phẫu thuật cắt túi mật, ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Vận động nhẹ nhàng, thường xuyên để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
- Không khuân vác vật nặng trong 4 – 6 tuần sau phẫu thuật.
- Thay băng vết thương hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Mặc quần áo rộng, thoải mái để tránh cọ xát vào vết thương.
- Không nên để vết thương tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nó có thể làm vết sẹo sẫm màu.
Các câu hỏi thường gặp về phẫu thuật cắt túi mật
1. Phẫu thuật cắt túi mật bao lâu thì hồi phục?
Trường hợp phẫu thuật cắt túi mật nội soi, người bệnh có thể xuất viện sau 1 – 2 ngày nếu ổn định và không có biến chứng gì xảy ra. Đối với phẫu thuật cắt túi mật hở, người bệnh sẽ cần ở lại bệnh viện trong khoảng 5 – 7 ngày để theo dõi. Quá trình hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật cắt túi mật có thể mất khoảng 4 đến 6 tuần.
2. Chi phí mổ nội soi cắt túi mật
Chi phí cho một ca phẫu thuật cắt túi mật sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm phương pháp mổ, mức độ hiện đại của máy móc, thiết bị, các loại thuốc được sử dụng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Người bệnh cần nắm rõ các chi phí cần thanh toán cho cuộc mổ cũng như lựa chọn các đơn vị có áp dụng chi trả bảo hiểm y tế để giảm nỗi lo chi phí.
Phẫu thuật cắt túi mật là loại phẫu thuật có độ an toàn cao và tác dụng lớn trong điều trị các bệnh lý liên quan đến túi mật. Tuy vậy, bất kỳ cuộc mổ nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, chuyên môn về ngoại tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán và thực hiện phẫu thuật.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa, được dẫn dắt bởi TS.BS Đỗ Minh Hùng – bậc thầy phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bệnh lý đường tiêu hóa, thực hiện thành công hàng ngàn ca mổ, điều trị khỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm.
Phẫu thuật nội soi được thực hiện bởi chuyên gia ngoại tiêu hóa của Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hỗ trợ đắc lực cho các chuyên gia không thể không kể đến hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất như hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K ICG Rubina Karl Storz, dụng cụ phẫu thuật robot cầm tay cơ học… Việc chú trọng đầu tư trang thiết bị tiên tiến giúp quá trình chẩn đoán chính xác hơn, điều trị hiệu quả hơn, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống thường nhật sớm hơn.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các vấn đề gan – mật cũng như các bệnh lý tiêu hóa khác với các chuyên gia tại Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa giàu kinh nghiệm của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Từ khóa » Cắt Bỏ Túi Mật Sống được Bao Lâu
-
Những điều Cần Biết Sau Khi Cắt Túi Mật Nội Soi - Vinmec
-
Cắt Túi Mật Sống được Bao Lâu? Có Gây ảnh Hưởng Tới Sức Khỏe?
-
Bệnh Nhân Cắt Bỏ Túi Mật Có Thể Sinh Hoạt Bình Thường Không?
-
Cắt Túi Mật Sống được Bao Lâu, Có ảnh Hưởng Gì đến Sức Khỏe?
-
Cắt Túi Mật Sống được Bao Lâu – Mối Quan Tâm Của Người Bệnh
-
Phẫu Thuật Cắt Túi Mật Mất Bao Lâu để Hồi Phục? - VnExpress Sức Khỏe
-
Phẫu Thuật Cắt Túi Mật Có Nguy Hiểm Không? - Hello Bacsi
-
Cắt Túi Mật Sống được Bao Lâu? Cách Ngừa Biến Chứng Sau Phẫu ...
-
Cắt Túi Mật Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe Và Tuổi Thọ Không?
-
Cắt Túi Mật - Bệnh Viện FV - FV Hospital
-
Phẫu Thuật Cắt Túi Mật Có ảnh Hưởng đến Sức Khỏe Không? | Medlatec
-
Cắt Bỏ Túi Mật ảnh Hưởng Như Thế Nào đến Sức Khỏe Bạn đã Biết ...
-
Cắt Túi Mật Nội Soi Là Gì? Có Nguy Hiểm Không, Gặp Biến Chứng Gì
-
Phẫu Thuật Nội Soi Túi Mật - điều Trị Dứt điểm Sỏi Túi Mật