Phẫu Thuật Cấy Ghép Giác Mạc - Bệnh Viện FV - FV Hospital
Phẫu thuật cấy ghép giác mạc đã phát triển đến giai đoạn mà tỷ lệ các ca phẫu thuật thành công lâu dài và kết quả về thị lực đều ở mức vượt trội, kể cả ở những ca nghiêm trọng nhất, và giờ đây đã có các hình thức cấy ghép giác mạc khác nhau, phù hợp với tình trạng bệnh.
Nếu bạn đã hoặc sẽ được phẫu thuật ghép giác mạc hay bạn là người thân, bạn bè của bệnh nhân, tài liệu này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về phẫu thuật cấy ghép giác mạc tại Bệnh viện FV, và những thông tin cần thiết đối với bệnh nhân phẫu thuật cấy ghép giác mạc để có được hiệu quả cao nhất trước, trong và sau phẫu thuật.
Mục đích của tài liệu này là nhằm giới thiệu những thông tin cơ bản về giác mạc, phẫu thuật cấy ghép giác mạc và giúp bạn hiểu rõ bản chất tình trạng bệnh về mắt, và cách tự chăm sóc mắt sau phẫu thuật cấy ghép giác mạc. Hiểu rõ nhu cầu của việc chăm sóc và hỗ trợ đúng cách sau phẫu thuật là vô cùng cần thiết trong việc quyết định thành công lâu dài của các ca phẫu thuật cấy ghép, và mang lại đôi mắt khỏe mạnh cho bệnh nhân.
GIÁC MẠC
Giác mạc là phần cửa sổ trong suốt phía trước mắt, cho phép ánh sáng hội tụ và đi vào mắt. Nếu giác mạc bị tổn thương hoặc hư hại do thương tích hoặc nhiễm trùng, hoặc bị mờ do các bệnh lý giác mạc, thì thị lực có thể giảm sút nghiêm trọng, hoặc dẫn đến mù lòa.
Giác mạc có cấu tạo bởi các lớp mô khác nhau – một số bệnh giác mạc chỉ ảnh hưởng đến các lớp mô bên trong hoặc bên ngoài, trong khi một số bệnh giác mạc khác lại ảnh hưởng đến toàn bộ các lớp mô của giác mạc.
Ghép giác mạc (hay ghép mô giác mạc) là thủ thuật phẫu thuật mắt, thay thế những lớp mô bị bệnh của giác mạc bằng mô giác mạc khỏe mạnh của người hiến tặng. Việc thay thế giác mạc bị đục bằng giác mạc mới khỏe mạnh và trong suốt giúp phục hồi thị lực cho bệnh nhân cấy ghép giác mạc.
CÁC HÌNH THỨC CẤY GHÉP GIÁC MẠC
Giác mạc có cấu tạo gồm các lớp mô, và ở nhiều bệnh nhân, không phải tất cả các lớp mô đều bị bệnh hoặc tổn thương. Trước kia, các bác sĩ phẫu thuật giác mạc chỉ thực hiện một thủ thuật phẫu thuật chính – ghép giác mạc xuyên (PK) thay thế toàn bộ phần trung tâm giác mạc bằng giác mạc của người hiến – một thủ thuật cấy ghép toàn bộ giác mạc.
Ngày nay, đã có các hình thức cấy ghép giác mạc hiện đại hơn cho phép thay thế các lớp mô khác nhau của giác mạc, đồng thời giữ lại các lớp mô không bị ảnh hưởng. Lợi thế lớn nhất là chỉ thay thế những lớp giác mạc bị bệnh và không ảnh hưởng đến những lớp giác mạc khỏe mạnh khác, mang lại đôi mắt khỏe hơn sau phẫu thuật, chất lượng thị lực tốt hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn, và quan trọng nhất là giảm nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật, do đó, tỷ lệ phẫu thuật thành công cao hơn nhiều. Thủ thuật ghép một phần giác mạc được gọi là ghép giác mạc phiến.
Về cơ bản, có hai hình thức ghép giác mạc phiến:
Ghép giác mạc phiến trước (ALK)
Trong thủ thuật ALK, chỉ có lớp mô ở phần trước giác mạc được thay thế và lớp mô ở trong (lớp nội mô) được giữ nguyên vẹn và không thay đổi. Thủ thuật ALK phổ biến nhất hiện nay là ghép giác mạc phiến trước sâu (DALK), thay thế toàn bộ lớp trước của giác mạc. Lợi thế chính của thủ thuật DALK là giảm đáng kể nguy cơ thải ghép giác mạc xuống còn 1-2% so với nguy cơ thải ghép cao 10% của phẫu thuật PK.
Ghép giác mạc nội mô (EK)
Thủ thuật EK không đụng đến lớp mô phía trước của giác mạc, và chỉ thay thế lớp nội mô bên trong. Vì lớp nội mô hiến tặng thường được đưa vào qua một vết rạch nhỏ, không có vết khâu trên giác mạc, nên bệnh nhân hồi phục thị lực nhanh hơn nhiều so với thủ thuật PK hay ALK. Nguy cơ thải ghép cũng thấp hơn thủ thuật PK, chỉ từ 2-4%.
Có hai hình thức phẫu thuật nội mô là bóc tách màng Descement cấy ghép nội mô tự động (DSAEK) và cấy ghép màng Descement nội mô (DMEK). Sự khác nhau giữa hai thủ thuật này là ở độ dày tương đối của lớp mô hiến tặng được cấy ghép – ở phẫu thuật DMEK, lớp mô hiến tặng là mỏng nhất. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn xem thủ thuật nào phù hợp hơn với tình trạng giác mạc của bạn.
THÔNG TIN CẦN THIẾT ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN THỰC HIỆN PHẪU THUẬT CẤY GHÉP GIÁC MẠC
Một số thông tin về phẫu thuật cấy ghép giác mạc:
Hình thức gây mê/gây tê: Ghép giác mạc có thể được thực hiện khi bệnh nhân được gây tê tại chỗ (nghĩa là bệnh nhân được tiêm thuốc tê quanh mắt và dùng thuốc an thần nhẹ trong suốt thời gian diễn ra ca phẫu thuật) hoặc gây mê (nghĩa là bệnh nhân sẽ ngủ hoàn toàn trong suốt ca phẫu thuật). Phẫu thuật PK và DALK thường được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê trong khi phẫu thuật DSAEK có thể thực hiện khi bệnh nhân được gây tê hoặc gây mê – bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận với bạn xem lựa chọn nào là tốt nhất.
Thời gian phẫu thuật: thời gian thực hiện phẫu thuật tùy thuộc vào loại phẫu thuật ghép giác mạc nhưng thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ đồng hồ, và bệnh nhân có thể về nhà sau khi phẫu thuật. Đôi khi, bệnh nhân cần phải nhập viện và ở lại một đêm sau khi phẫu thuật.
Đặt hẹn phẫu thuật: Ghép giác mạc cần có mô giác mạc hiến tặng phù hợp và có chất lượng cao nhất, và chỉ có thể lấy mô giác mạc từ Ngân hàng Mắt một vài ngày trước khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh viện FV hợp tác với Ngân hàng Mắt Singapore, nơi có thể cung cấp mô giác mạc với chất lượng cao, hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện ghép giác mạc an toàn hơn và hiệu quả hơn, cho tỷ lệ phẫu thuật thành công cao và chất lượng thị lực tốt hơn.
Mặc dù có thể đặt lịch hẹn phẫu thuật trước vài ngày hoặc vài tuần, nhưng thời gian phẫu thuật sẽ được xác nhận lần cuối tùy vào đánh giá cuối cùng của chất lượng mô hiến tặng, đánh giá này cần thực hiện 1 hoặc 2 ngày trước khi phẫu thuật. Do đó, ca phẫu thuật có thể bị hoãn lại nếu mô hiến tặng không phù hợp. Tuy nhiên, nếu sự việc này xảy ra, ca phẫu thuật sẽ được sắp xếp vào một ngày khác, thường là chậm hơn vài ngày ngay khi có mô hiến tặng phù hợp.
SAU KHI PHẪU THUẬT
- Mắt của bạn có thể bị đỏ và chảy nước, và bạn sẽ thấy hơi khó chịu trong một vài ngày đầu sau phẫu thuật. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường nhưng nếu bạn lo lắng thì có thể trao đổi với bác sĩ phẫu thuật. Bạn có thể dùng thuốc paracetamol hoặc yêu cầu được dùng một số thuốc giảm đau nhẹ.
- Ngay sau khi phẫu thuật ghép giác mạc, bác sĩ thường đặt một loại kính áp tròng đặc biệt, được gọi là kính áp tròng bảo hộ (BCL), lên giác mạc mới để hỗ trợ hồi phục nhanh hơn. Hãy hỏi bác sĩ phẫu thuật nếu bạn chưa chắc về việc bạn có được đặt BCL không. Thường thì bạn sẽ phải đeo BCL cả ngày lẫn đêm trong vài ngày sau khi phẫu thuật, và không cần tháo kính ra vào ban đêm. Bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt bình thường khi đeo BCL. Tránh dụi mắt để giảm nguy cơ làm rớt BCL. Nếu kính áp tròng bị rơi ra, bạn không nên cố gắng đeo lại kính vào mắt, và nếu bạn thấy khó chịu hoặc chảy nước mắt thì gọi đến Bệnh viện FV để đặt hẹn khám sớm hơn. Trong mỗi lần tái khám sau phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá xem bạn có cần tiếp tục đeo BCL hay tháo kính ra khi mắt đã hoàn toàn hồi phục.
- Trong một số loại phẫu thuật ghép giác mạc, (chủ yếu là ghép giác mạc phiến, ví dụ phẫu thuật DSAEK, DMEK, hoặc DALK) bác sĩ sẽ để một túi khí trong mắt sau khi phẫu thuật để giúp giữ mô giác mạc được cấy ghép ở đúng vị trí. Túi khí này sẽ dần tan trong một vài ngày sau phẫu thuật. Nếu cần thiết, bạn sẽ được hướng dẫn nằm thẳng trên giường, mặt ngửa lên trên, trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật, để túi khí có thể tiếp tục giúp giữ mô giác mạc ở đúng vị trí. Tránh gối đầu để mặt và mắt của bạn hướng thẳng lên trên trần nhà trong suốt thời gian này. Thường thì trong ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ cho bạn biết liệu bạn có tiếp tục phải nằm thẳng trên giường và không gối đầu nữa không, nhưng hãy hỏi bác sĩ nếu bạn chưa chắc chắn về thông tin này. Túi khí có thể giãn ra trong mắt trong một vài ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật tùy vào áp suất khí, nên thường thì bạn không thể về nhà bằng máy bay trong vài ngày sau phẫu thuật do áp suất trong khoang máy bay thấp, và nếu bạn ở khách sạn thì không nên ở tầng quá cao (trên tầng 20), để giảm nguy cơ loãng khí.
- Nếu mắt của bạn phải khâu để giữ giác mạc mới ở đúng vị trí đến khi hồi phục hoàn toàn thì bạn phải hết sức cẩn thận để không vô tình đụng mạnh vào mắt, và không được dụi mắt. Khi ngủ vào ban đêm, bạn nên sử dụng kính nhựa che mắt được bệnh viện cung cấp trong 2 tuần đầu để tránh ánh sáng mặt trời trong vài ngày đầu, và bạn có thể đeo kính mát khi ra ngoài, giúp bạn tránh bị chói hoặc có cảm giác khó chịu. Không nên đến chỗ bụi bặm và đông đúc trong tuần đầu. Nếu bạn lo lắng nước bắn vào mắt khi tắm thì nên cẩn thẩn sử dụng kính bơi khi tắm, giúp ngăn nước vào mắt khi bạn gội đầu hoặc rửa mặt. Tránh hoạt động mạnh trong tháng đầu tiên, tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện những bài tập không tiếp xúc (*như đi bộ, chạy bộ, tập trong phòng tập thể hình). Nói chung, không nên đi bơi trong ít nhất 6 tháng sau khi phẫu thuật. Ngay cả khi đã hồi phục hoàn toàn, bạn cũng không nên bơi ngay, vì sau phẫu thuật ghép giác mạc, mắt không thể khỏe như trước đây, và nói chung nên tránh tất cả các môn thể thao tiếp xúc.
- Bác sĩ thường kê thuốc nhỏ mắt cho bạn sau phẫu thuật ghép giác mạc, và những thuốc này thường gồm thuốc nhỏ mắt có kháng sinh để ngăn nhiễm trùng, thuốc nhỏ mắt có steroid chống viêm, không chỉ giúp giảm viêm ngay sau khi phẫu thuật mà còn rất quan trọng để giúp giảm nguy cơ thải ghép giác mạc. Ban đầu, cứ 3 giờ đồng hồ cần nhỏ mắt 1 lần (khoảng 5-6 lần mỗi ngày), nhưng dần dần sẽ giảm xuống sau vài tuần và vài tháng, tùy vào chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật. Một số phẫu thuật ghép giác mạc có nguy cơ thải ghép thấp, như phẫu thuật DALK, có thể ngưng dùng thuốc nhỏ mắt sau 4 đến 6 tháng, nhưng trong hầu hết các trường hợp, cần dùng thuốc nhỏ mắt ít nhất trong một năm, và do đó, bạn có thể sẽ cần duy trì nhỏ mắt một hoặc hai lần mỗi ngày sau đó.
- Sau phẫu thuật ghép giác mạc, thường phải mất vài ngày để thị lực cải thiện và trong vài tuần đầu tiên, thị lực sẽ dần dần tốt lên. Tuy nhiên, thị lực của bạn thường chỉ ổn định sau từ 3 đến 6 tháng, tùy vào loại phẫu thuật ghép giác mạc, và cũng còn tùy vào việc bạn có cần tháo chỉ khâu trong một vài tháng sau khi phẫu thuật không. Khi thị lực đã ổn định, bạn có thể cần phải đeo kính hoặc kính áp tròng để có được thị lực tốt nhất. Đôi khi, có thể cần phải phẫu thuật khúc xạ cấy ghép để giảm mức độ loạn thị.
- Trong một vài tháng đầu, bạn phải tái khám thường xuyên tại Bệnh viện FV. Thường thì bác sĩ phẫu thuật sẽ khám cho bạn trong ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật, và 2 hoặc 3 lần nữa trong vòng 10 ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Nếu bạn muốn thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện FV nhưng lại không sống ở Việt Nam thì bạn cần có kế hoạch ở lại Việt Nam từ 10 ngày đến 2 tuần sau khi phẫu thuật. Trong thời gian này, bạn sẽ được tái khám vài lần tại bệnh viện. Sau đó, bạn có thể về nhà, nhưng cần quay lại bệnh viện tái khám một tháng sau đó. Trong năm đầu tiên, cứ 2 đến 3 tháng bạn cần tái khám một lần và sau đó là tái khám hàng năm.
BIẾN CHỨNG
Trong những tuần tiếp theo sau khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật mắt cần phải chắc chắn không có biến chứng xảy ra hoặc nếu có thì phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Biến chứng phổ biến sau phẫu thuật ghép giác mạc là phản ứng thải ghép, tăng nhãn áp (glaucoma), cả hai biến chứng này đều có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Chỉ khâu cũng có thể bị lỏng ra sớm và gây nhiễm trùng.
1. Biến chứng quan trọng sau cấy ghép là phản ứng thải ghép giác mạc, khi cơ thể không chấp nhận mô giác mạc mới được hiến tặng và hệ thống miễn dịch cố gắng thải hồi và phá hủy mô cấy ghép. Nếu phát hiện trễ hoặc không được điều trị, mô giác mạc được cấy ghép có thể bị hỏng vĩnh viễn, và cần phải thực hiện lại phẫu thuật ghép giác mạc. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị và giữ lại được giác mạc cấy ghép bằng cách thường xuyên nhỏ thuốc nhỏ mắt có steroid hoặc thuốc uống có steroid.
Bạn cần nhận biết sớm về các dấu hiệu và triệu chứng của thải ghép giác mạc, như:
- Đột nhiên bị đau hoặc khó chịu ở mắt
- Thị lực giảm đột ngột
- Tự nhiên chảy nước mắt hoặc đỏ mắt
Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể xảy ra đồng thời, hoặc riêng lẻ, và nếu bạn nghi ngờ thì nên liên hệ ngay với Bệnh viện FV để đặt hẹn khám trong thời gian sớm nhất. Tuy chỉ xảy ra với một số ít trường hợp, bệnh nhân có nguy cơ thải ghép cao hơn có thể được bác sĩ kê thuốc uống chống thải ghép ngay sau khi phẫu thuật, và trong vài tháng sau khi phẫu thuật. Vì một số thuốc này có phản ứng phụ tương đối, nên bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận chi tiết với bạn xem có cần dùng thuốc này không.
2. Glaucoma, hay tăng nhãn áp, là biến chứng khác có thể xảy ra sau khi phẫu thuật ghép giác mạc. Trong mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra nhãn áp của bạn, và nếu phát hiện nhãn áp cao, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt nhằm làm giảm nhãn áp vì nếu bị tăng nhãn áp trong thời gian dài thì dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn do thần kinh thị giác bị tổn thương, và bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên về tăng nhãn áp để phối hợp điều trị. Trong một vài trường hợp, nếu thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống không làm giảm nhãn áp một cách hiệu quả thì bạn có thể cần phải phẫu thuật glaucoma để giảm nhãn áp về lâu dài.
3. Các biến chứng khác có thể xảy ra sau khi phẫu thuật ghép giác mạc như chỉ khâu mô ghép giác mạc bị lỏng ra sớm, có thể gây khó chịu và dẫn đến nhiễm trùng. Bạn cần đến Bệnh viện FV để bác sĩ phẫu thuật tháo chỉ khâu này ra.
Nếu đột nhiên bạn bị chảy nước mắt, khó chịu, đỏ mắt hoặc nhìn mờ hay bị bất cứ biến chứng nào nói trên thì hãy liên lạc ngay với bệnh viện để đặt hẹn khám trong thời gian sớm nhất. Khi gọi đến bệnh viện, vui lòng nói rõ bạn là bệnh nhân ghép giác mạc và bạn cần khám với bác sĩ gấp.
SỬ DỤNG THUỐC
- Tìm hiểu tên các loại thuốc và tác dụng của chúng
- Tìm hiểu liều dùng và thời gian dùng thuốc của bạn
- Dùng thuốc đúng chỉ định. Nếu thấy khó chịu, đỏ mắt, đột nhiên nhìn mờ hoặc ngứa trên da, có nghĩa là bạn có thể bị dị ứng với thuốc. Hãy liên lạc với chúng tôi để đặt hẹn khám gấp.
- Ghi lại tất cả các loại thuốc được thay đổi như đơn thuốc bác sĩ kê sau mỗi lần tái khám
- Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác hoặc nếu bạn đang mắc chứng bệnh nào khác
- Đừng quên sử dụng thuốc hay thay đổi số lần sử dụng thuốc trừ khi đó là yêu cầu của bác sĩ
- Không tự ý ngưng sử dụng những loại thuốc giúp ngăn ngừa biến chứng chỉ đơn giản vì bạn “cảm thấy ổn”
- Không sử dụng các dạng “thuốc nam” hay “thuốc bắc” khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TÁI KHÁM TẠI BỆNH VIỆN FV
Sau khi phẫu thuật ghép giác mạc, bạn sẽ được chỉ dẫn tái khám tại bệnh viện – tại mỗi lần tái khám, bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra để chắc chắn mô ghép giác mạc của bạn vẫn khỏe mạnh và trong suốt.
Bất kể bạn thực hiện loại phẫu thuật ghép giác mạc nào, điều quan trọng là bạn phải đến khám như đã đặt hẹn để nếu có bất cứ vấn đề gì thì đều được phát hiện sớm và bạn sẽ tiếp tục được chăm sóc và điều trị tốt nhất để bảo đảm cuộc phẫu thuật ghép giác mạc thành công.
Mặc dù ban đầu, bạn sẽ phải tái khám khá thường xuyên nhưng các lần tái khám sẽ giảm dần trong một vài tháng sau đó khi mô ghép đã ổn định và hồi phục tốt. Năm đầu tiên sau khi ghép giác mạc là giai đoạn quan trọng nhất nhưng vì vẫn có nguy cơ thải ghép trong suốt cuộc đời còn lại, nên việc tái khám hàng năm vẫn rất quan trọng.
Từ khóa » Ghép Da Có Nghĩa Là Gì
-
Ghép Da: Mục đích Và Quy Trình | Vinmec
-
Ghép Da Tự Thân: Chỉ định Và Thực Hiện | Vinmec
-
Những điều Bạn Cần Biết Về Phương Pháp Ghép Da - Hello Bacsi
-
Ghép Da Là Gì? - Vietcare Solutions
-
CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH GHÉP DA - Health Việt Nam
-
KỸ THUẬT GHÉP DA TỰ THÂN BẰNG MẢNH DA DÀI MỎNG TRÊN ...
-
Kỹ Thuật Ghép Da Dày Toàn Bộ
-
Cấy Ghép Da – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tổng Quan Về Phẫu Thuật Chuyển Vạt Tự Do
-
Từ điển Tiếng Việt "ghép Da" - Là Gì?
-
3 điều Kiện để Cấy Ghép Da Tự Thân điều Trị Bạch Biến
-
Ghép Da - Viện Thẩm Mỹ Lavender
-
Ghép Da điều Trị Vết Thương - Báo Thanh Niên
-
GHÉP DA TỰ THÂN TẠI BVĐK NÔNG NGHIỆP