Phẫu Thuật Hàm Mặt - Suckhoe123
Có thể bạn quan tâm
Phẫu thuật hàm là gì?
Phẫu thuật hàm hay còn gọi là phẫu thuật chỉnh hàm là một nhóm các quy trình phẫu thuật được thực hiện để điều chỉnh sự bất thường của xương hàm, hàm và răng giúp cải thiện chức năng cũng như thẩm mỹ. Sự phát triển bất thường của răng – hàm – mặt hoặc sự bất đối xứng không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt và làm suy giảm chức năng mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Do đó, việc thực hiện các quy trình chỉnh hình hàm sẽ vừa giúp bệnh nhân khắc phục được các vấn đề về chức năng ăn nhai, thở, nuốt …vừa cải thiện nét thẩm mỹ cho tổng thể khuôn mặt, khiến họ trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.
Phẫu thuật hàm phù hợp khi hàm của bệnh nhân đã ngừng phát triển, thường là trong độ tuổi vị thành niên hoặc mới ở độ tuổi trưởng thành, với nữ giới thường là từ 14 – 16 tuổi, nam giới thường từ 17 -21 tuổi.
Ai cần phẫu thuật hàm?
Những người có các bất thường ở hàm trên và hàm dưới gây lệch khớp cắn, sai lệch răng mà không thể khắc phục chỉ bằng các quy trình chỉnh nha là những đối tượng phù hợp với các quy trình chỉnh hàm.
Các vấn đề phổ biến thường gặp ở hàm dưới bao gồm:
- Hàm dưới nhỏ hoặc kém phát triển có thể gây khó khăn trong việc cắn, ăn nhai và/hoặc thở. Răng hàm trên có thể nhô ra khiến cằm trông bị co rụt vào
- Hàm dưới to bạnh, phát triển quá mức có thể khiến cằm nhô ra quá xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doạt động ăn, cắn thức ăn và nhai.
Các vấn đề phổ biến thường gặp ở hàm trên bao gồm:
- Hàm trên nhỏ hoặc kém phát triển có thể khiến răng trông bị co rụt vào trong
- Hàm trên dài hoặc phát triển quá mức có thể gây cười hở lợi
Vấn đề ở hai hàm:
- Hai hàm trên dưới có thể phát triển với tỉ lệ khác nhau gây bất cân đối hàm hoặc mặt. Khuôn mặt trông có thể bị lệch, răng hàm trên hoặc hàm dưới có thể bị lệch sang một bên.
Lợi ích đạt được từ phẫu thuật hàm
Phẫu thuật hàm nhìn chung có thể giúp phục hồi các chức năng bao gồm: cắn, nhai, nuốt, chức năng khớp thái dương hàm (TMJ), nói và phát âm, đồng thời cải thiện tính thẩm mỹ, thiết lập lại sự cân xứng và hài hòa trên khuôn mặt. Cụ thể:
- Giúp hoạt động cắn, ăn, nhai trở nên dễ dàng hơn
- Khắc phục các vấn đề trong quá trình nuốt hoặc nói
- Chỉnh sửa khớp cắn chính xác
- Khắc phục tình trạng khuôn mặt bất cân đối
- Giúp môi có thể mím, mở hoàn toàn thoải mái
- Giảm đau do rối loạn khớp thái dương
- Sửa chữa chấn thương mặt hoặc dị tật bẩm sưng
- Giảm thiểu rủi ro ngưng thở khi ngủ
Đánh giá và chuẩn bị trước phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật chỉnh hàm thường được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật hàm – mặt và miệng. Nếu quy trình điều trị có liên quan đến niềng răng thì bác sĩ sẽ phối hợp tham vấn và lên kế hoạch cùng với bác sĩ chỉnh nha để đảm bảo răng phù hợp với hàm sau khi phẫu thuật.
Ban đầu bệnh nhân đến thăm khám để bác sĩ xác định chính xác yêu cầu của từng người về mặt chức năng và thẩm mỹ. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, cả y khoa và nha khoa (đặc biệt là điều trị chỉnh nha) , đây là điều đặc biệt quan trọng. Ngoài ra cũng cần đánh giá trạng thái tâm lý của bệnh nhân và nói rõ những tác động từ ca phẫu thuật hàm đến tâm lý của họ.
Kế hoạch điều trị của từng người sẽ được xác định, thiết kế bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp chiếu, công nghệ nha khoa và phần mềm hình ảnh hiện đại nhất để có được các thông tin về cung hàm bệnh nhân (chiều rộng và chiều dài cung hàm), vị trí răng, sự tương quan giữa răng hàm lớn trên và dưới cũng như là độ nghiêng của răng. Những công nghệ này còn giúp hình dung sơ bộ về sự tương quan giữa hàm trên và hàm dưới sau phẫu thuật.
Đôi khi trước khi phẫu thuật hàm bệnh nhân cần phải niềng răng, bọc mão răng sứ hoặc cả hai để chỉnh sửa răng trước. Bệnh nhân cũng có thể cần sử dụng các thiết bị chỉnh nha tạm thời để giúp cải thiện chuyển động của răng và giảm thời gian phải đeo niềng. Quá trình điều trị răng có thể mất từ 6 tháng đến 3 năm tùy vào tình trạng của răng và nướu. Đôi khi những kỹ thuật này lại mang đến kết quả hài lòng khiến bệnh nhân không cần phải phẫu thuật hàm nữa. Sau khi giai đoạn này hoàn tất bệnh nhân sẽ gặp lại bác sĩ phẫu thuật, thực hiện lại các công đoạn chụp chiếu để lên kế hoạch điều trị hàm.
Để chuẩn bị cho chế độ ăn sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dự trữ thực phẩm, đồ ăn lỏng vì sẽ không thể nhai trong 6 tuần sau phẫu thuật. Trong 10 ngày trước phẫu thuật bệnh nhân cũng nên tránh dùng các loại thuốc thảo dược, dầu cá, thuốc kháng viêm không chứa steroid, và vitamin. Các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau sẽ được bác sĩ kê trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện phẫu thuật hàm
Ca phẫu thuật hàm sẽ được thực hiện trong bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật ngoại trú tùy theo kế hoạch điều trị của từng người. Bệnh nhân có thể phải ở lại qua đêm để theo dõi, và trong một số trường hợp có thể cần ở lại vài ngày. Quy trình phẫu thuật hàm có thể được thực hiện ở hàm trên, hàm dưới, cằm hoặc kết hợp các vị trí trên. Hiện tại có khá nhiều các kỹ thuật chỉnh hàm hiện đại như phẫu thuật hàm móm BSSO (Chẻ dọc cành lên xương hàm dưới 2 bên); phẫu thuật mở xương Le Fort I; cắt dọc cao trên lỗ hàm dưới (HSSO), cắt khối tiền hàm chỉnh hô (ASO) và phẫu thuật tạo hình cằm. Tùy từng tình trạng của bệnh nhân mà có thể lựa chọn các kỹ thuật phù hợp.
Ví dụ, những người bị hô hàm dưới – thường được điều trị bằng kỹ thuật BSSO để đưa hàm dưới ra phía sau, kết hợp với tạo hình cằm; Người bị hô hàm trên – thường được phẫu thuật cắt xương Le Fort I; người bị hô hai hàm – có thể được điều chỉnh bằng kỹ thuật cắt khối tiền hàm chỉnh hô ASO kết hợp tạo hình hàm, hoặc ASO hàm trên và SSRO hàm dưới
Thông thường, quy trình phẫu thuật chỉnh hàm được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân. Tùy theo loại phẫu thuật và tình trạng hàm của bệnh nhân mà quy trình có thể kéo dài từ 2 đến 8 tiếng. Một khi bệnh nhân đã được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường ở trong miệng, tiến hành cắt các xương hàm và di chuyển chúng vào vị trí lý tưởng phù hợp với khớp cắn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể lấy xương từ hông, chân hoặc xương sườn của bệnh nhân để thêm vào hàm. Khi hàm đã được căn chỉnh chính xác, bác sĩ sẽ dùng nẹp và vít để cố định xương tại chỗ. Theo thời giai các ốc vít sẽ hợp nhất với xương trở thành một phần vĩnh viễn trong hàm của bạn. Nếu cần sau đó bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cằm để tạo đường nét khuôn mặt . Cuối cùng bệnh nhân có thể được đeo băng bảo vệ hàm để đảm bảo các khối xương hàm nằm đúng vị trí của chúng và không bị dịch chuyển. Tùy vào mức độ căn chỉnh cần thiết mà bệnh nhân có thể cần niềng răng thêm 3 – 6 tháng sau khi chữa lành sau phẫu thuật hàm.
Một số kỹ thuật chỉnh hàm
Mặc dù hiện có nhiều kỹ thuật chỉnh hàm được áp dụng nhưng dưới đây là 3 phương pháp được xem là phổ biến nhất:
- Phẫu thuật hàm dưới - Kỹ thuật chẻ dọc cành lên xương hàm dưới 2 bên (BSSO -Bilateral sagital split osteotomy):
BSSO được sử dụng cho hầu hết các trường hợp phẫu thuật ở hàm dưới vì: nó giúp di chuyển thân xương hàm dưới ra trước, lui sau, xoay lên, xoay xuống hoặc xoay trái phải một cách linh hoạt. Kỹ thuật này được chỉ định cho những trường hợp thừa hoặc thiếu xương hàm dưới về chiều ngang hoặc các trường hợp xương hàm dưới không cân xứng. Sau khi đánh dấu các điểm cần thiết, bác sĩ sẽ rạch một đường trên niêm mạc miệng, thường nằm phía sau răng hàm. Bóc tách mô mềm cẩn thận xuống đến màng xương đồng thời cầm máu kỹ để đảm bảo quá trình phẫu thuật xương diễn ra an toàn. Sau đó tuỳ thuộc vào mục tiêu cụ thể là đưa hàm dưới về phía sau, ra phía trước hay xoay ngang mà quá trình cắt xương được thực hiện theo cách khác nhau. Sau khi cắt, phần phía trước của xương hàm dưới có thể di chuyển như một khối, sau đó hàm có thể được di chuyến đến vị trí mới của nó, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vị trí mới để đảm bảo tính cân xứng.
Cuối cùng bác sĩ tiến hành cố định hai đoạn xương lại với nhau. 1 – cố định cứng bằng nẹp và vít để tạo sự ổn định tuyệt đối cho hai đoạn xương. 2 - cố định không cứng bằng dây kim loại cho phép xương di chuyển ở khoảng trống giữa hai đoạn. Các bác sĩ thường dùng kỹ thuật cố định cứng vì ít gây đau đớn và rút ngắn thời gian hồi phục. Ngoài ra, cố định cứng có thể rút ngắn thời gian cố định hai hàm. Sau khi hoàn thành thao tác cố định xương, tiến hành rửa vết mổ bằng nước muối sinh lý và kiểm tra cầm máu lần cuối rồi khâu đóng vết mổ bằng chỉ lụa, đồng thời đặt ống dẫn lưu ở mỗi bên.
- Phẫu thuật hàm trên - Kỹ thuật cắt xương hàm trên kiểu Le Fort I
Đây là kỹ thuật chỉnh hình xương hàm trên phổ biến nhất, được sử dụng cho hầu hết các trường hợp cần di chuyển toàn bộ khối xương hàm trên ra trước, lui sau, lên trên, xuống dưới và xoay trái-phải, lên-xuống. Với kỹ thuật này bác sĩ sẽ rạch một đường dài 5 đến 8cm ở phía sau môi trên. Nên thực hiện bằng dao mổ điện và phải cầm máu kỹ. Tiến hành bóc tách mô cẩn thận để tiếp cận đến xương, sau đó xương hàm trên sẽ được cắt và di chuyển lên phía trước, phía sau hoặc xoay tùy theo từng trường hợp. Cuối cùng cố định xương bằng nẹp và vít titan, đồng thời dùng thun để cố định liên hàm trong khoảng 1 tuần. Sau đó khâu đóng vết rạch và đặt dẫn lưu.
- Phẫu thuật hai hàm – Kỹ thuật cắt khối tiền hàm (ASO)
Với một số bệnh nhân chỉnh sửa ở hàm trên và hàm dưới là chưa đủ, cần phải xử lý ở cả hai hàm, điển hình là trong trường hợp bệnh nhân bị hô hai hàm với: cả hàm trên và hàm dưới đều nhô về trước, cằm nhỏ, lẹm, góc mũi má sắc có thể kèm theo tình trạng khớp cắn hở. Phương pháp cắt khối tiến hàm thường được chỉ định cho những trường hợp:
1. Cả răng và xương của hàm trên đều bị nhô, gây biến dạng khuôn mặt.
2. Các vấn đề không thể điều trị được bằng biện pháp chỉnh nha, ví dụ như cứng khớp răng, tiêu chân răng, răng không thể di chuyển hoặc di chuyển chậm do xương dày.
3. Không thể điều trị được khớp cắn hở đằng trước bằng phương pháp chỉnh nha.
4. Cằm nhỏ trong khi môi bị đẩy về phía trước.
Kỹ thuật cắt khối tiền hàm được thực hiện qua đường rạch vòm miệng – lợi được tạo từ răng nanh đến răng tiền hàm thứ nhất ở mỗi bên của hàm trên và hàm dưới. Bác sĩ sẽ nhổ đi các răng tiền hàm ở cả hàm trên và hàm dưới. Sau khi bóc tách và đánh dấu bác sĩ sẽ tiến hành cắt xương bằng cách tạo đường rãnh dọc theo đường đã định sẵn. Sau khi hoàn thành, di chuyển khối xương đã cắt và dùng máng đã chuẩn bị trước làm hướng dẫn để tạo khớp cắn mong muốn. Cuối cùng cố định cứng và đóng đường rạch lợi bằng kỹ thuật khâu qua kẽ răng. Các thao tác kỹ thuật thực hiện ở hàm trên và hàm dưới tương tự như nhau.
Quá trình hồi phục sau khi phẫu thuật hàm
Tối thiểu bệnh nhân cần lên kế hoạch nghỉ làm trong vòng 2 tuần. Nếu ca phẫu thuật cần can thiệp nhiều hơn hoặc lành thương chậm hơn thì có thể sẽ phải ở nhà đến 6 tuần. Tuần đầu tiên sau phẫu thuật sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất vì các xoang chứa đầy dịch lỏng gây khó thở bằng đường mũi. Tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân đều báo cáo quá trình hồi phục khó chịu nhiều hơn là đau đớn. Bệnh nhân sẽ bị sưng, bầm tím hoặc đau quanh quai hàm và có thể thấy cả các vết bầm tím trên cổ và ngực.
Trong 6 tuần đầu bệnh nhân được khuyên nên ăn chế độ ăn lỏng, thực phẩm mềm. Chất lỏng, là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục vì việc giữ nước sẽ giúp cơ thể lành thương tốt hơn. Phải mất 5 – 6 tháng xương mới lành hoàn toàn. Trong vài tháng đầu tiên sau phẫu thuật, cần tránh các hoạt động thể thao hay các hoạt động mạnh, vì hàm có thể bị dịch chuyển, thay đổi vị trí nếu bị va đập hoặc đấm vào.
Lên kế hoạch thăm khám theo dõi vào tuần thứ 1, 4, và 6 sau phẫu thuật. Sau đó có thể tái khám sau vài thásng.
Khi nào sẽ thấy kết quả phẫu thuật hàm và kết quả kéo dài bao lâu?
Khuôn mặt có thể trông sẽ khác ngay sau khi phẫu thuật, vì ngay cả khi chỉ thay đổi nhỏ ở hàm cũng có thể làm thay đổi vẻ ngoài khuôn mặt. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải đợi 6 tuần để tình trạng sưng bầm ban đầu giảm hẳn, và đợi thêm vài tháng nữa để hàm lành lại trước khi thấy được kết quả. Bệnh nhân cũng có thể cần niềng răng từ 6 – 12 tháng sau phẫu thuật. Phẫu thuật chỉnh hàm thường là một quá trình kéo dài. Sau mổ, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ chỉnh nha sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo răng và hàm của bạn thẳng hàng với nhau trong quá trình hồi phục.
Rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn
Mặc dù phức tạp, nhưng phẫu thuật hàm thường coi là một quy trình an toàn nếu được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật có đầy đủ trình độ chuyên môn phối hợp với bác sĩ chỉnh nha. Cũng giống như mọi ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị chảy máu, nhiễm trùng và tê liệt. Vì các dây thần kinh trong miệng bị kéo căng trong quá trình phẫu thuật sẽ có nguy cơ bị tê ở môi, nướu và vùng mặt dưới trong quá trình lành thương. Tình trạng này là hoàn toàn bình thường và cảm giác sẽ trở lại trong vài tháng. Ngoài ra cũng có một số rủi ro hiếm gặp bao gồm hư hỏng răng, tiêu xương hoặc tái phát dẫn đến tiếp tục sai lệch khớp cắn, đòi hỏi phải điều chỉnh lại.
Tìm hiểu thêm về:- Thông tin về bảng giá Phẫu Thuật Hàm Mặt
- Hỏi đáp về Phẫu Thuật Hàm Mặt
- Video Phẫu Thuật Hàm Mặt của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Phẫu Thuật Hàm Mặt
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viếtTừ khóa » Cắt Xương Hàm Răng Hô
-
Chỉ định Phẫu Thuật Cắt Chỉnh Xương Hàm Trong Trường Hợp Nào?
-
Mách Bạn Chi Phí Phẫu Thuật Hàm Hô Mới Nhất Hiện Nay
-
Phẫu Thuật Hàm Hô Không Cần Niềng Răng – Bệnh Viện Thẩm Mỹ JW
-
Phẫu Thuật Hàm Hô Giá Bao Nhiêu? Chỉnh Hàm Hô ở đâu Tại Hà Nôi ...
-
Giải Phẫu Cắt Xương Hàm Hô Móm | Nha Khoa KIM
-
Chỉnh Hàm Hô Bằng Phẫu Thuật Có Thực Sự đảm Bảo An Toàn Không?
-
Giải Mã Câu Hỏi: Cắt Xương Hàm Chỉnh Hô Có đau Không?
-
Phẫu Thuật Hàm Hô Giá Bao Nhiêu? Chỉnh Hàm Hô Có Nguy Hiểm Không
-
Phẫu Thuật Hàm Hô Móm Có Nguy Hiểm Hay Không? - Up Dental
-
Phẫu Thuật Chỉnh Hàm Có Hiệu Quả Thẩm Mỹ Thật Không? - Hello Bacsi
-
Bảng Giá Chi Phí Phẫu Thuật Hàm Hô Móm [2022]
-
Phẫu Thuật Hàm Hô Giá Bao Nhiêu Tiền? Quy Trình Cắt Sửa Hô Hàm
-
Kinh Nghiệm Cắt Xương Hàm Hô Móm - Lavender By Chang