Phẫu Thuật Kéo Dài Chân: Những điều Nhất định Phải Biết! - Hello Bacsi

Những năm gần đây, phẫu thuật kéo dài chân (hay phẫu thuật tăng chiều cao) đã hiện thực hóa giấc mơ của những người có chiều cao hạn chế hay có các thương tật liên quan đến tình trạng chênh lệch chiều cao giữa hai chân.

Để hiểu rõ hơn về hình thức phẫu thuật này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về quy trình, điều kiện và những biến chứng có thể gặp xảy ra. Điều này giúp bạn có đầy đủ thông tin hơn trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật tăng chiều cao nhờ phương pháp kéo dài chân bằng phẫu  thuật.

Phẫu thuật kéo dài chân là gì?

Phẫu thuật kéo chân là phương pháp phẫu thuật làm tăng chiều dài của chân dựa vào khả năng của cơ thể trong việc tái tạo xương mới, các mô mềm, dây chằng, mạch máu và các dây thần kinh bao quanh.

Phẫu thuật kéo dài chân thường được thực hiện ở người bị dị tật chân cao chân thấp, chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp. Hiện nay, ngày càng có nhiều người lựa chọn thực hiện hình thức phẫu thuật này vì mục đích giúp tăng chiều cao.

Thông thường, mỗi cuộc phẫu thuật kéo dài chân có thể kéo xương dài thêm tối đa 5cm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ để quyết định độ dài của chân sau phẫu thuật là bao nhiêu nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bệnh nhân. Số lần phẫu thuật cần thiết để đạt được độ dài của chân như mong muốn cũng phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và điều kiện thực hiện phẫu thuật của từng trường hợp cụ thể.

Điều kiện thực hiện phẫu thuật kéo dài chân

phẫu thuật kéo dài chân

Yêu cầu về chuyên môn

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cơ-xương-khớp và ca phẫu thuật phải được thực hiện tại cơ sở y tế được Bộ Y tế hay Sở Y tế các địa phương cấp phép.

Về phía người thực hiện phẫu thuật 

  • Tuổi tác: Phẫu thuật kéo dài chân là phẫu thuật diễn ra trong thời gian dài nên độ tuổi thích hợp để thực hiện là trong khoảng 20-30 tuổi. Nguyên do là ngoài 30 tuổi, xương sẽ bắt đầu lão hóa và không phù hợp với quá trình phẫu thuật lâu dài, chưa kể có những biến chứng sau phẫu thuật đòi hỏi phải thực hiện những ca phẫu thuật bổ sung để điều chỉnh.
  • Thể chất: Các bác sĩ thường chỉ chỉ định phẫu thuật kéo dài chân cho người có tầm vóc thấp (nam dưới 1m60, nữ dưới 1m50), người mắc các dị tật bẩm sinh, chân cao chân thấp, thương tật sau tai nạn, các bệnh viêm xương khớp. Những trường hợp dị tật chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm sẽ không được chỉ định phẫu thuật kéo dài chân.

Ngoài ra, người thực hiện phẫu thuật kéo dài chân cần đảm bảo có sức khỏe tinh thần mạnh mẽ, kiên nhẫn và chịu khó để có thể có đạt được kết quả tốt sau ca phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật kéo dài chân diễn ra như thế nào?

Về cơ bản, phẫu thuật kéo dài chân sẽ diễn ra 3 bước cơ bản như sau:

♦ Bước 1: Đóng đinh

Bác sĩ phẫu thuật dùng khoan mở xương ống đùi, sau đó khoan các lỗ vào xương này. Tiếp tục rạch từ đùi xuống đầu xương ống và khoan vào trong lòng ống tủy xương. Cuối cùng, đặt đinh cố định ở trong lòng ống tủy và hai đầu xương ống.

♦ Bước 2: Cắt xương

Tại vị trí đã xác định trước, xương chân sẽ được cắt thành hai phần bằng thủ thuật giải phẫu Osteotomy. Đồng thời, các mô mềm cũng được cắt tách để củng cố các cơ và dây thần kinh cho quá trình kéo dài chân.

♦ Bước 3: Lắp khung cố định vào cẳng chân

Nam châm điện và các thiết bị được sử dụng để kéo dài chân. Trung bình mỗi ngày chân sẽ được kéo dài 1mm và độ dài này còn tùy vào vị trí khác nhau của xương. Trong giai đoạn này, quá trình tái tạo xương và các mô mềm như cơ, mạch máu và dây thần kinh được đẩy mạnh ở vùng tách xương cho đến khi xương đạt đến độ dài mong đợi. Cũng trong giai đoạn này, người thực hiện phẫu thuật được theo dõi thường xuyên để đảm bảo xương không dài ra quá nhanh hay quá chậm và thực hiện đầy đủ các bài tập vật lý trị liệu. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chụp X-quang để điều chỉnh tốc độ dài ra của xương.

Sau giai đoạn thay đổi chiều dài của xương, đến giai đoạn xương trở nên cứng cáp và mạnh mẽ hơn. Giai đoạn này thường mất nhiều thời gian hơn giai đoạn thay đổi chiều dài của xương. Để đảm bảo xương được cứng cáp và mạnh mẽ hơn, cần tránh tiêu thụ các thực phẩm hay đồ uống có chứa nicotin, đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu chất đạm, vitamin và nhiều khoáng chất bổ sung. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn áp dụng các bài tập có cường độ cao hơn để thúc đẩy xương nhanh hồi phục và tăng sức mạnh của xương.

Phẫu thuật kéo dài chân có nguy đối mặt với các biến chứng nào?

phẫu thuật tăng chiều cao

Trong một số trường hợp, người tiến hành phẫu thuật kéo dài chân có thể phải đối mặt với các biến chứng như:

Xương hồi phục quá nhanh

Theo tính toán, mỗi ngày xương có thể dài ra khoảng 1mm nhưng tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người mà điều này có thể khác so với ước tính. Trong nhiều trường hợp, xương hồi phục và lành rất nhanh trước khi quá trình điều trị kết thúc, gây khó khăn cho việc điều chỉnh độ dài của xương như mong muốn. Do đó, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao quá trình hồi phục xương và thực hiện các can thiệp cần thiết để ngăn quá trình phục hồi quá nhanh của xương. Một trong những biện pháp can thiệp là tăng tỷ lệ dài ra của xương, thay vì trung bình 1mm/ngày tăng lên 1,5-2mm/ngày, để đảm bảo lúc xương liền lại thì đạt được chiều dài như mong muốn. Trong những trường hợp khác, phẫu thuật cắt xương có thể được tiếp tục thực hiện để đạt được độ dài của xương như mong muốn.

Xương hồi phục quá chậm

Một số trường hợp có thói quen hút thuốc lá hay bị béo phì, sau ca phẫu thuật kéo dài chân có thể gặp tình trạng xương hồi phục chậm hơn, kéo theo sự tái tạo chậm lại của các mô mềm, cơ, mạch máu và dây thần kinh xung quanh. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ điều chỉnh các thiết bị gắn trên xương để rút ngắn lại khoảng cách vết hở của xương cho phù hợp với thời gian xương hồi phục. Người thực hiện phẫu thuật cũng có thể được tiếp tục phẫu thuật để chèn thêm các mô xương vào khoảng hở của xương, đẩy nhanh quá trình nối liền và hồi phục của xương.

Các mô mềm không co giãn trong quá trình dài ra của xương

Một biến chứng thường gặp khác là các mô mềm như cơ, gân, các dây chằng và dây thần kinh không co giãn linh hoạt theo quá trình dài ra của xương, gây ra cảm giác co cứng và bó chặt ở chân. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng các bài tập vật lý trị liệu cần thiết để tăng độ co giãn ở các mô mềm này hoặc thực hiện các phẫu thuật để giảm áp lực lên cơ, gân và các dây thần kinh.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » đi Kéo Chân