Phẫu Thuật Nội Soi Vá Nhĩ Thành Công Tại Khoa Tai - Mũi - Họng

Ngày 9/5/2017, khoa Tai - Mũi - Họng tiếp nhận một người bệnh bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa kéo dài và lặp lại nhiều lần. Người bệnh cho biết: Tôi bị viêm tai giữa nhiều lần, nhưng do chủ quan không chữa trị dứt điểm mà dẫn đến thủng màng nhĩ khiến chức năng nghe của tôi bị giảm sút. Tôi đi khám và được nhận được kết quả là mình bị thủng màng nhĩ. Các cụ vẫn thường bảo thủng màng nhĩ sẽ bị điếc nên tôi rất lo lắng và lập tức nhập viện để điều trị. Khi nhập viện tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tôi được các bác sĩ tư vấn điều trị phương pháp nội soi vá nhĩ.

Hình ảnh màng nhĩ bình thường và màng nhĩ bị thủng

Theo Ths.Bs. Phùng Quang Tuấn (Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng): Vá nhĩ là kỹ thuật dùng mảnh ghép bắc cầu nhằm tái tạo lại màng nhĩ bị thủng. Do đó, cần có thời gian từ vài tuần tới vài tháng cho vết mổ và mảnh vá ổn định và lành hẳn. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi (càng trẻ càng mau lành), tình trạng của hòm nhĩ (sự viêm nhiễm, sự thông khí tai giữa với mũi ...), các bệnh lý của mũi xoang, amidan... ảnh hưởng nhiều tới quá trình lành và khả năng thủng tái phát của màng nhĩ. Nhiều người bệnh thường lầm tưởng việc thủng màng nhĩ sẽ dẫn đến việc bị điếc và vá nhĩ là để cho người bệnh nghe được. Nhưng sự thật không hoàn toàn đúng như vậy vì khi thủng màng nhĩ mới chỉ giảm sức nghe 10 – 15% dB (dB - để chỉ cường độ âm thanh) nên chức năng nghe hầu như không bị ảnh hưởng nhiều (trong khi đó mức độ điếc nhẹ thì mất sức nghe 20 - 40% dB người bệnh vẫn còn nghe tốt). Vậy mục đích của việc vá nhĩ không chỉ giúp cho người bệnh tránh đi sự phiền toái với việc chảy mủ tai mỗi ngày mà còn giúp giữ lại sức nghe và chống tái phát (do được ngăn từ bên ngoài xâm nhập vào qua lỗ thủng) đồng thời ngăn ngừa được tổn thương thêm ở tai giữa và các biến chứng khác mà nó gây ra

Lãnh đạo khoa Tai - Mũi - Họng cùng Đại diện Tổ Công tác xã hội tặng quà và động viên tinh thần người bệnh sau khi mổ nội soi vá nhĩ

Đối với trường hợp người bệnh này, các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi vá nhĩ. Bác sĩ phẫu thuật vá nhĩ trực tiếp qua ống nội soi đi vào ống tai (qua lỗ tự nhiên), phương pháp này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao vì phẫu trường rất hẹp. Mảnh vá nhĩ được chọn là mảnh ghép tự thân của người bệnh, thường là “cân cơ thái dương” để tránh thải ghép. Mảnh ghép không trực tiếp thay thế màng nhĩ mà đóng vai trò là giá đỡ, màng nhĩ tự “bò” vào cho đến khi lấp đầy lỗ thủng thì miếng ghép tự rời ra và tự tiêu hủy.

Người bệnh sau khi phẫu thuật nội soi vá nhĩ được chăm sóc tại chỗ vết mổ và vùng mũi họng. Chị H. cho biết: “Tôi được bác sĩ thay băng và thăm khám mỗi ngày. Sau khi phẫu thuật xong tôi không cảm thấy đau đớn nhiều, sức khỏe của tôi hồi phục tốt”. Hiện chị H. đã bình phục và được ra viện.

Vì lợi ích của chính bạn và người thân, nếu gặp phải trường hợp thủng màng nhĩ thì nên vá nhĩ sớm để giữ lại được thính lực ngay khi chưa bị suy giảm (rớt) và chưa bị tổn thương nhiều ở các bộ phận tai giữa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với đội ngũ Bác sĩ có trình độ cao, được đào tạo chuyên khoa sâu về Tai - Mũi - Họng tự tin sẽ mang lại cho người bệnh chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Tác giả: Thu Thủy

Từ khóa » Mổ Thủng Màng Nhĩ