Phép Chữa Bệnh Bằng Diện Chẩn Chưa đủ Cơ Sở Khoa Học - VnExpress

th

Sơ đồ phương pháp diện chẩn của ông Châu.

Theo công văn của Sở Y tế Hà Nội gửi Vụ điều trị (Bộ Y tế) ngày 15/8, phương pháp diện chẩn mà 2 lương y trên áp dụng dựa trên quan điểm cho rằng, hệ thống kinh lạc và các cơ quan, bộ phận cơ thể đều có các vị trí tương ứng ở mặt. Có thể chữa bệnh bằng cách tác động vào các điểm tương ứng này hoặc những chỗ có bệnh lý trên cơ thể. Mỗi liệu trình điều trị kéo dài trung bình 7-10 ngày, điều trị hiệu quả các bệnh thông thường mới mắc: đau cơ, khớp, cao huyết áp, mất ngủ... Đến nay, đã có hơn 1.000 bệnh nhân được khám và điều trị. Tuy nhiên, 2 lương y không có tài liệu gốc của chính mình mà điều trị dựa vào tài liệu biên soạn "lưu hành nội bộ" của Bùi Quốc Châu ở miền Nam. Theo Sở Y tế, diện chẩn là phương pháp chữa bệnh chưa có cơ sở lý luận chính thống, chưa được đánh giá hiệu quả một cách khoa học. Do đó, theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, 2 lương y không được áp dụng và phổ biến phương pháp khám chữa bệnh này.Các lương y Nhâm và Phương cho biết, họ áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn của ông Bùi Quốc Châu từ năm 1999. Ông Châu coi 500 huyệt ở mặt tương ứng với các bộ phận trên cơ thể và hệ thống hoá chúng thành đồ hình trên mặt, tìm ra nhiều loại dấu hiệu báo bệnh, xây dựng thành bộ môn chẩn đoán mới. Từ đó, ông Châu đề ra một số cách chữa bệnh chỉ trong phạm vi mặt như: châm cứu, chích, lể, day bấm, bôi dầu, dán cao, day ấn bằng đũa thuỷ tinh. Theo lương y Nhâm và Phương, với phát minh này, ông Châu từng giảng bài tại nước ngoài, được phong tặng học vị tiến sĩ ở Sri Lanka hay danh hiệu "ngôi sao châu Á" ở Trung Quốc... Hiện nay, không chỉ Hà Nội mà tại Nha Trang, Thái Bình cũng có những câu lạc bộ Diện chẩn dưỡng sinh với hàng nghìn hội viên.Tại cơ sở của 2 lương y Nhâm và Phương có sổ thư cảm ơn của người bệnh, phần lớn đều nhận xét diện chẩn là phương pháp ít tốn kém về tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên, cả 2 người đều lắc đầu khi được hỏi có sẵn sàng thực hiện kiểm chứng khoa học đối với phương pháp này để được phép áp dụng không.

Một số bệnh nhân đã điều trị tại 34 Trần Phú cho biết họ có dấu hiệu thuyên giảm bệnh. Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Ký (bị huyết áp cao, tai biến 2 lần) và bà Trần Thị Diễm (mắt bị ruồi bay, nhìn không rõ) ở phòng 116, B11, Nghĩa Tân, cho biết, họ chữa bệnh ở lương y Nhâm từ tháng 6. Sau gần 3 tháng xoa, day ấn các huyệt trên mặt, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, đến nay, ông Ký không còn phải dùng thuốc điều chỉnh huyết áp trường kỳ; bà Diễm cũng cảm thấy mắt đỡ nhập nhèm hơn.

Anh Đức (sinh năm 1973, quê Quảng Ngãi), một bệnh nhân viêm đa khớp vai, cũng có cảm giác bệnh đỡ hơn sau 10 ngày ấn huyệt và uống 1 thang thuốc bắc do lương y Nhâm bốc, kết hợp với chế độ luyện tập, rèn luyện cơ thể. Tuy nhiên, bác trai anh Đức (bị tiểu đường) cũng theo cách chữa này mà bệnh không khỏi.

Còn các nhà chuyên môn đại diện cho cơ quan chức năng lại không công nhận phép diện chẩn của ông Bùi Quốc Châu là một phương pháp chữa bệnh mới và hiệu quả. Dược sĩ Nguyễn Đức Đoàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, từng thay mặt Bộ Y tế trả lời kiến nghị của ông Bùi Quốc Châu năm 1995, cho biết: Ông Châu là một sinh viên ngành khoa học xã hội chứ không phải là người được đào tạo về y tế. Từ năm 1977, ông tổ chức cơ sở chữa bệnh riêng với danh nghĩa là "cơ sở diện chẩn", có lần bị một lương y kiện về bản quyền các dụng cụ mà ông dùng chữa bệnh. Từ vụ kiện này, Sở Y tế TP HCM đã khảo sát cơ sở của ông Châu, kết luận ông không có chuyên môn y tế, phải chấm dứt hành nghề. Tuy vậy, ông vẫn tới một số tỉnh miền Tây tuyên truyền rằng diện chẩn là cách chữa bệnh do ông phát minh, chữa được nhiều bệnh, tuyệt đối an toàn và gây kết quả bất ngờ.

Năm 1995, khi Bộ Y tế có chủ trương xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ, ông Châu viết thư cho Bộ trưởng đề nghị công nhận phương pháp này. Sau cuộc tiếp xúc với ông, Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP HCM khẳng định, cách chữa bệnh bằng điện châm mà ông Châu áp dụng không có gì mới; còn phương pháp diện chẩn thì trước nay không có. Viện trưởng cũng nêu ý kiến: trong quá trình thử nghiệm phương pháp chữa bệnh tự nghiên cứu, ông Châu không được phổ biến rộng rãi. Nếu muốn phổ cập nó, ông cần thử nghiệm tại bệnh viện nhà nước; nếu thành công thì phương pháp của ông sẽ được công nhận và phổ biến. Ông Châu đã đồng ý với hướng giải quyết này nhưng sau đó không hề trở lại làm việc với cơ quan y tế về việc kiểm chứng. Vì vậy, đến nay, phương pháp diện chẩn chưa thể được công nhận và ứng dụng.

Về việc tạp chí Quang châm và Laser y học số tháng 3/2000 đăng lời chúc mừng ông Bùi Quốc Châu về việc ông được Viện Đại học "The open international university for complementary medicines" của Sri Lanka trao tặng bằng Tiến sĩ khoa học danh dự, dược sĩ Đoàn giải thích: ông Châu không phải là cán bộ y tế, khi đi nước ngoài giảng bài đều không phải do cơ quan hay tổ chức y tế nào cử đi. Vì vậy, ngành y tế không thể thẩm định chất lượng các chương trình giảng dạy đó. Những tước vị được nước ngoài phong tặng đều không có tính chất chính thống.

Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền, nhận xét: "Hình đồ mà ông Bùi Quốc Châu đưa ra thiếu căn cứ khoa học. Ông tìm ra được 500 huyệt trên mặt, mỗi huyệt tương ứng với các bộ phận trong cơ thể. Vậy chẳng lẽ mỗi milimet đều có huyệt? Và lương y phải giỏi như thế nào mới tìm đúng huyệt?".

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nói: "Khi đến tuyên truyền ở một số tỉnh như Nghệ An, Đà Nẵng, ông Châu đã bị các sở y tế và hội Đông y địa phương từ chối. Hiện nay ở một số tỉnh thành có các câu lạc bộ Diện chẩn dưỡng sinh nhưng tất cả đều hoạt động bất hợp pháp. Nếu hiện nay ông Bùi Quốc Châu có thiện chí hợp tác để cùng ngành y tế Việt Nam thẩm định phương pháp diện chẩn thì tôi sẵn sàng đứng ra làm thành viên hội đồng, tạo điều kiện cho phương pháp này được đánh giá và nhìn nhận khách quan".

(Theo Lao Động)

Từ khóa » Trục Hàn Bằng Diện Chẩn