Phép Sóng đôi Trong Truyện Kiều - Tạp Chí Sông Hương

Ban biên tập Gửi bài viết Liên hệ quảng cáo Trang chủ Huế luôn luôn mới Phòng chống dịch COVID-19 (new) SỰ KIỆN 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ VỌNG RA BIỂN Tình Sông Hương Văn Thơ Nghiên Cứu & Bình Luận Câu chuyện hôm nay Văn hoá nghệ thuật Festival Huế Kiến trúc Âm nhạc Sân khấu Mỹ thuật Nhiếp ảnh Văn học dân gian Đất và người Huế bốn phương Nhìn ra thế giới Nhịp cầu di sản Trang viết đầu tay Trang thiếu nhi Góc Hoài niệm SỐ ĐẶC BIỆT CHUYÊN ĐỀ Giá sách Sông Hương Tác phẩm hay Tác giả - Tác phẩm Giá sách Sông Hương Tạp chí Sông Hương - Số 143 (tháng 1) Phép sóng đôi trong truyện Kiều 11:16 | 22/04/2008 Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.
Trong văn học Việt Nam có lẽ phép sóng đôi đã được sử dụng từ lâu, nhưng đến Chinh phụ ngâm thì đã được sử dụng rất rộng rãi và điêu luyện cả trong bản chữ Hán của Đặng Trần Côn lẫn trong bản tiếng Việt của Đoàn Thị Điểm. Có thể nói biện pháp này được sử dụng rộng rãi nhất ở khúc ngâm này. Hãy đọc đoạn áp chót bài ngâm chữ Hán:Nguyện vị quân hề, giải chinh yNguyện vị quân hề, bổng hà chiVị quân sơ trất vân hoàn kháoVị quân trang điểm ngọc phu chiThu quân khán hề, cựu lệ cânTố quân thính hề, cựu tình từCựu tình từ hề, hoán tân liênGiảng tân thoại hề, tửu bôi tiền...Ở đây các cụm “nguyện vị quân”, “vị quân” được lặp lại từng đôi, từ “quân” lặp đến 6 lần, từ “cựu” 3 lần, từ “tân” 2 lần, tạo thành một mạch thơ nhất quán, đều đặn, vững chãi, lại có hình thức hồi hoàn rất tha thiết. Đoạn thơ đã được Đoàn Thị ĐIểm dịch thành:Xin vì chàng xếp bào cởi giápXin vì chàng rũ lớp phong sươngVì chàng tay chuốc chén vàngVì chàng điểm phấn đeo hương não nùngGiở khăn lệ chàng trông từ tấmĐọc thơ sầu chàng thẩm từng câuCâu vui đổi với câu sầuRượi khà cùng kể trước sau mọi lờiSẽ rót vơi lần lần từng chénSẽ ca dần rén rén đòi liênLiên ngâm đối ẩm từng phenCùng chàng sẽ kết mối duyên đến giàSức mạnh của phép sóng đôi làm cho tình cảm tuôn chảy dào dạt, như thể không dừng được. Cái hay của phép bài tỉ này là làm cho ý tứ, tình cảm tuôn chảy thành dòng mạnh mẽ nhất quán.Trong các truyện thơ Nôm có lẽ Truyện Kiều là tác phẩm vận dụng biện pháp này phổ biến nhất, tập trung nhất và thành công nhất. Đó là biện pháp miêu tả dòng ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật, không thấy có trong truyện Kim Vân Kiều truyện.Truyện Kiều ít nhất có 10 đoạn sử dụng thành công phép sóng đôi trong việc thể hiện nhân vật. Đoạn đầu tiên là tả tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích:Buồn trông cửa bể chiều hômThuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xaBuồn trôngngọn nước mới saHoa trôi man mác biết là về đâuBuồn trông ngọn cỏ dàu dàuChân mây mặt đất một màu xanh xanhBuồn trông gió cuốn mặt duềnhẦm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồiBốn lần ngồi trông dồn dập hẳn càng khơi sâu nỗi buồn và cũng đưa nỗi đau lưu lạc lên tới đỉnh điểm. Phép sóng đôi đạc biệt đắc dụng trong miêu tả tâm trạng đau đớn dồn dập:Lần lần thỏ bạc ác vàngXót người trong hội đoạn trường đòi cơn!Đã cho lấy chữ hồng nhanLàm cho cho hại, cho tàn cho cân!Đã đày vào kiếp phong trầnSao cho sỉ nhục một lần mới thôi!Nỗi đau xót đã chuyển thành sự đay nghiến số phận bất công tai ác. Một chữ “cho” đem lại một chữ hồng nhan, thì liền đó lại có bốn chữ “cho” tàn hại, vùi dập tới tấp. Nói là cho cân nhưng cân làm sao được! Thà rằng đừng cho hồng nhan cho rồi! Chữ “đã đày” láy lại chữ “đã cho” ở trên, nhưng lại nói toạc cái ý “cho” ấy là “đày”, và đã đày thì thế nào cũng “Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!” Thật không lời nào nói hơn được nỗi đau xót của người mang chữ hồng nhan!Phép sóng đôi cũng đắc dụng trong việc miêu tả sự đam mê:Sinh càng một tỉnh mười mêNgày xuân lắm lúc đi về với xuân!Khi gió gác, khi trăng sânBầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơKhi hương sớm, khi trà trưaBàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đànMiệt mài trong cuộc truy hoanCàng quen thuộc nết, càng dan díu tìnhBốn chữ khi, bốn cặp tiểu đối, hai chữ càng đã tạo một nhịp điệu truy hoan triền miên, dồn dập không biết bao nhiêu lần, không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua trong các cuộc chơi ấy, không ai tính được đã có bao nhiêu là cuộc chơi, chỉ biết một cuộc mê chơi miệt mài, triền miên liên tục. Tả như thế là cực tả. Đến khi độc chiếm được Thuý Kiều rồi, Thuý Kiều được tự do rồi, mối tình càng say sưa, phép sóng đôi của tác giả cũng tràn trề cảm hứng:Một nhà sum họp trúc maiCàng sâu nghĩa bể, càng dài tình sôngHương càng đậm, lửa càng nồngCàng sôi vẻ ngọc, càng hồng màu senSáu chữ càng, ba cặp tiểu đối đã tạo thành cái nhịp điệu say sưa tưởng chừng như là vĩnh viễn, không chỉ là nhân vật say sưa mà ngôn từ cũng say sưa, tác giả cũng say sưa, và do đó mà có sức truyền thần say đắm.Nhưng phép sóng đôi này càng đắc dụng khi thể hiện trong lời nói, ý nghĩ của nhân vật, làm cho cái dòng cảm xúc trong tâm hồn tràn cả ra ngoài lời. Chẳng hạn đây là lời dạy của mụ Tú Bà đối với cô Kiều:Này con thuộc lấy làm lòngVành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghềChơi cho liễu chán hoa chêCho lăn lóc đá, cho mê mẩn đờiKhi khoé hạnh, khi nét ngàiKhi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa ...Đều là nghề nghiệp trong nhà Đủ ngần ấy nết mới là người soi. Hai chữ vành,ba chữ cho, bốn chữ khi với năm cặp tiểu đối đã tạo thành cái say sưa nghề nghiệp của Tú Bà, hễ động đến sự chơi là mụ ta không thể dừng lại được, không thể bình tĩnh được!Nói tới lòng ghen của Hoạn Thư thì phép sóng đôi như làm cho ngọn lửa lòng càng đốt càng cháy:Dại chi chẳng giữ lấy nềnTốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?Tính rằng cách mặt khuất lờiGiấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!Lo gì việc ấy mà loKiến trong miệng chén có bò đi đâu?Làm cho nhìn chẳng được nhauLàm cho đày đoạ cất đầu chẳng lênLàm cho trông thấy nhỡn tiềnCho người thăm ván bán thuyền biết tay!Mỗi đợt sóng đôi là một cơn lửa cháy, càng cháy càng to, càng nguy hiểm. Trong ngôn ngữ của Hoạn Thư còn hàm chứa cả niềm vui sướng được đày đoạ người khác. Đoạn tiếp sau phép sóng đôi cho thấy đày đoạ người khác là cả một niềm cảm hứng say sưa của Hoạn Thư:Làm cho, cho mệt, cho mêLàm cho đau đớn, ê chề, cho coi!Trước cho bõ ghét những ngườiSau cho để một trò cười về sau!Lời văn không chỉ có ý, mà còn có tình tràn ra cả ngoài lời.Khi miêu tả cảm xúc của Kiều lúc nhìn thấy lại Thúc Sinh thì phép sóng đôi lại tái hiện được sự xao xuyến, bối rối, không lối thoát của nhân vật:Bây giờ đất thấp trời caoĂn làm sao, nói làm sao, bây giờCàng trông mặt, càng ngẩn ngơRuột tằm đòi đoạn như tơ rối bờiLời văn như truyền đạt được không chỉ ý nghĩ mà còn tái hiện cả nhịp điệu của tình cảm, nhịp điệu dẫm chân kêu trời của nhân vật.Khi bị lừa vào tay Bạc Hạnh, lời văn sóng đôi cũng như tiếng kêu thất thanh và nhịp dẫm chân kêu trời của tác giả và nhân vật:Duyên đâu, ai dứt tơ đàoNợ đâu, ai đã dắt vào tận tay?Thân sao, thân đến thế này?Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôiĐã không biết sống là vuiTấm thân nào biết thiệt thôi là thường!Cả đoạn văn câu nào cũng có sóng đôi đã cực tả tình cảm đau đớn tột cùng của nhân vật.Có thể nói ngôn ngữ Truyện Kiều đã sử dụng phép sóng đôi một cách phổ biến với các hình thức, mức độ khác nhau. Sử dụng điêu luyện phép tu từ này Nguyễn Du không chỉ tái hiện được ý nghĩ, trạng thái con người, mà chủ yếu tái hiện được cái nhịp sống, nhịp đập của trái tim, thần thái, tình cảm, sinh lý của nhân vật. Phép sóng đôi đã làm cho văn Kiều có được thêm sức mạnh truyền thần mà không một truyện thơ Nôm nào sánh được. Điều này cho thấy một tác phẩm văn học lớn thì không chỉ đem lại tư tưởng, tình cảm lớn, mà về phương diện nghệ thuật nó cũng làm cho một số biện pháp nghệ thuật trở thành cổ điển.12-1999TRẦN ĐÌNH SỬ(nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001)
Các bài mới Trong ta tình đầu (22/04/2008) Liệt kê - Mai chiếu thuỷ (22/04/2008) Mùa đông (22/04/2008) Một mình (22/04/2008) Thơ tình cuối thế kỷ (22/04/2008) Nụ cười xưa (22/04/2008) Trăng lạnh (22/04/2008) Góc khuất Huế (22/04/2008) Tự tình đêm mất ngủ - Hoa cải (22/04/2008) Giấc mơ bay - Mùa hoan lạc - Đi (22/04/2008) Các bài đã đăng Duy Tân - Ông vua yêu nước giỏi văn Tây (22/04/2008) Những cảm xúc bộc trực thời hậu chiến (22/04/2008) Nhân đọc tập thơ “Dòng sông đi xa” của Trương Đình Minh (Phú Ninh) (22/04/2008) Bay cao thì nắng (21/04/2008) Tết nhớ Phùng Quán (21/04/2008) Cỏ hoa Phùng Quán (21/04/2008) Nhà thơ Phùng Quán với sự tích của một bài thơ (21/04/2008) Tạp chí Sông Hương Số 428 (T.10-24) Số Đặc Biệt (T.9-24) » Năm 1983 » Năm 1984 » Năm 1985 » Năm 1986 » Năm 1987 » Năm 1988 » Năm 1989 » Năm 1990 » Năm 1991 » Năm 1992 » Năm 1993 » Năm 1994 » Năm 1999 » Năm 2000 » Năm 2001 » Năm 2002 » Năm 2003 » Năm 2004 » Năm 2005 » Năm 2006 » Năm 2007 » Năm 2008 » Năm 2009 » Năm 2010 » Năm 2011 » Năm 2012 » Năm 2013 » Năm 2014 » Năm 2015 » Năm 2016 » Năm 2017 » Năm 2018 » Năm 2019 » Năm 2020 » Năm 2021 » Năm 2022 » Năm 2023 » Năm 2024 Góc ảnh đẹp Những khoảnh khắc Huế 09SDB-24 Bạn đọc nhiều Học viện Âm nhạc Huế khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG SỐ 428, THÁNG 10 - 2024 ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG SỐ 428, THÁNG 10 - 2024 Chuyện một “công tử” Huế từ cửa Ngọ Môn đến Thành Hà Nội Chuyện một “công tử” Huế từ cửa Ngọ Môn đến Thành Hà Nội Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương Kỳ nghỉ phép thứ bảy Kỳ nghỉ phép thứ bảy Quảng cáo

Tòa soạn: 09 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế Điện thoại: 0234. 3686669 (Trị sự) - 3822338 (VP) - 3846066 Ban Biên tập: songhuongtapchi@gmail.com Ban Trị sự: tapchisonghuong.vn@gmail.com

© Bản quyền thuộc về Tạp chí Sông Hương ® Ghi rõ nguồn "Tạp chí Sông Hương Online" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Từ khóa » Câu Thơ Sóng đôi Nghĩa Là Gì