“Phi Thương Bất Phú” Hay “phi Công Bất Phú”? - Gia đình

Nhiều người nói “phi thương bất phú” nhưng phải nói là “phi công bất phú” mới đúng. Vì sao?

Theo công thức c (nguyên vật liệu) v (người lao động) m (Giá trị thặng dư)

Thì m chỉ là kết quả của c v.

m ở đây được hiểu là thương mại.

c v ở đây được hiểu là công nghiệp.

Đương nhiên, nếu không có m (tức là không có thương mại) thì c v (công nghiệp) chỉ là giá trị dôi ra tiềm ẩn.

Đấy là công thức mà Các Mác đã nêu. Đã học Kinh tế Chính trị thì ai cũng hiểu điều này. Ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ 18, Lê Quý Đôn người huyện Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã nêu: “Phi công bất phú”.

Về sự chính xác của điểm này, Báo Nhân dân ra ngày Chủ nhật 13/11/1994 đã nhắc lại:

“Phi nông bất ổn

Phi công bất phú

Phi thương bất hoạt

Phi trí bất hưng”

Và Báo Nhân dân đã ghi đây là lời của Lê Quý Đôn.

Ở một nước nông nghiệp - nước văn minh lúa nước mà ba thế kỷ trước đã nêu “Phi công bất phú” thì tầm nhìn của các bậc tiền bối quả là siêu phàm.

Nhân đây, tôi cũng bàn thêm về cụm từ “tham quan” hay “thăm quan”? Khi đến một nơi nào để xem xét nhằm mở rộng hiểu biết.

Theo từ điển “Từ và Ngữ Hán - Việt” của GS Nguyễn Lân do Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2002 ghi “Tổ chức tham quan một di tích lịch sử” (Trang 630).

Từ điển “Việt - Hán thông dụng” của ba tác giả Lâm Hòa Chiếm, Lý Thị Xuân Các và Xuân Huy do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1997 có dẫn: “Tham quan” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là đến một nơi nào đó xem xét để mở rộng hiểu biết. Nghĩa thứ hai của từ “tham quan” là quan lại tham nhũng (trang 884).

Từ điển Trung - Việt do hai tác giả Vương Trúc Nhân và Lữ Thế Hoàng biên soạn và Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2006 cũng ghi là “tham quan” (trang 75).

Như vậy, cả ba quyển từ điển đều ghi là “tham quan” chứ không phải là “thăm quan”.

Bùi Thị Khuynh

(Nhà 68, ngõ 332, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Từ khóa » Phi Thương Bất Phú Phi Nông Bất ổn