Phía Sau “Ngõ Lỗ Thủng” - Tiền Phong

Phía sau “Ngõ lỗ thủng” ảnh 1
Đạo diễn Quốc Trọng (giữa) đang chỉ đạo một cảnh quay

Bộ phim “Ngõ lỗ thủng” vừa khởi chiếu trên VTV1 (8 giờ tối hàng ngày) nhưng trước đó khá lâu đã râm ran trong dư luận vì động chạm đến những vấn đề khá nhạy cảm của một thời chuyển giao từ bao cấp sang kinh tế thị trường với những cuộc cải tạo công thương, đổi tiền.

Những năm 80 thế kỷ trước, khi toàn dân ăn bo bo và “đầu đường đại tá bơm xe”... để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Quan trọng hơn, đó là thời kỳ “lột xác” với lớp người đau đớn, trày trụa trong cuộc chuyển đổi.

Phim dựa trên hai tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Nhà văn nói: tiền bản quyền 20 triệu, còn phim làm xong rồi nhưng tôi chưa kịp xem chẳng biết thế nào?!

Tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh gây xôn xao dư luận một thời, và lần xuất bản đầu tiên còn phải “đội tên” là “Chuyện tình ngõ lỗ thủng” mới xuôi.

Từ mấy năm trước, hai nhà văn – nhà biên kịch Thùy Linh và Phạm Ngọc Tiến đã bàn việc chuyển thể với nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhưng việc cứ "trượt" đi vì nhiều lý do.

Đến giữa năm 2007, sau 5 tháng mới xong kịch bản (Phạm Ngọc Tiến biên tập giao cho Đặng Diệu Hương viết) để rồi giữa tháng 1-2008 mới bắt đầu bấm máy.

Những tình tiết hay nhất của cả hai tiểu thuyết trên được trộn lại vào trong phim nhưng tinh thần được giữ nguyên: đó là sự vật lộn của những con người trong giai đoạn đặc biệt đó để vừa tồn tại, vừa chống chọi lại những cái cũ mòn nhưng chưa chết hẳn và cái mới sống sít vừa hình thành.

Chúng tôi muốn đưa ra một vấn đề lớn hơn nữa: đó là cảnh báo về những lỗ thủng trong nhận thức, những lổ thủng về văn hoá và lỗ thủng lớn nhất là lỗ thủng về niềm tin.

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của một số nhà văn, trí thức cùng với những nhân vật bình dân trong một khu chung cư xóm liều giáp một công viên của thời đại ấy: một bà Tổ trưởng dân phố suốt ngày đi rình chuyện các nhà trong khu tập thể; một cô gái xinh đẹp quyết làm giàu bằng việc “đi phe”, một bà Điếc cả đời giữ một đồng vàng mẹ cho nhưng cuối đời mới biết đó là vàng giả…

Một Ron (Trung Hiếu đóng) với câu nói cửa miệng: “Cấp trên nói là đúng, đúng là làm, không sai!” nhưng ngày ngày nuôi hy vọng với những tờ sổ xố mà 5 năm mà không trúng một lần;

Một Xoay (Phú Kiên) – nhà văn bấu víu vào niềm tin cũ, ban ngày phải đi giã giò thuê nhưng đêm vẫn chong đèn lên viết những điều tốt đẹp mà không viết nổi;

Một ông “Tiến sĩ” (Quốc Trọng trực tiếp thủ vai) làm thư ký tòa soạn tờ báo Hạnh phúc gia đình, mở mồm ra là trích dẫn lời các vĩ nhân nhưng cả đời sống trong một gia đình giả dối...

Tên phim, mới đầu Phạm Ngọc Tiến chọn là “Tiễn biệt ngày buồn” Nhưng sau Quốc Trọng bảo tên đó “văn” quá, không xi – nê. Cuối cùng chọn theo đạo diễn.

Tên nhiều nhân vật trong tiểu thuyết cũng được giữ nguyên: Xoay, Khoái, Ron, cụ Điếc, bà Còng... dù hơi có vẻ “minh họa, luận đề” nhưng theo những nhà sản xuất, giữ vì đó những cái tên ấy ít nhiều đã từng được biết đến qua người đọc tiểu thuyết văn học.

Tên nhân vật thì như vậy nhưng đạo diễn Quốc Trọng cam đoan: Những cái tên ấy đúng là có phần ước lệ nhưng những phim tôi làm không bao giờ rơi vào tình trạng nhân vật giả. Quan trọng là cách thể hiện nhân vật.

Về nhân vật chính (TS Thái) Trọng thủ vai, anh nói: Tôi thấy thú vị với vai diễn của mình. Vì nó mới, nó có nhân cách phức tạp, khác với những nhân vật tôi đã đóng. Dàn diễn viên của tôi cũng có nhiều người gạo cội, quen nghề nhưng trong phim này cũng toàn đóng vai mới: Như Dũng Nhi hay Trung Hiếu đều chưa từng đóng vai “đầu trâu, mặt ngựa”, nhưng nay vào cũng rất ngọt”.

Đỗ Kỷ cũng vào một vai rất phức tạp không giống những nhân vật anh đã vào trước đây. Chỉ mấy nhân vật nữ chính thì toàn người mới (trong đó có Hồng Nhung là diễn viên cải lương vào vai Hạnh “phe”).

Đạo diễn cho biết làm việc với họ rất mất công vì họ chưa đóng phim bao giờ. Giao cho họ những vai lớn cũng rất lo nhưng cuối cùng thì tôi thấy cũng thành công.

Phim làm khá vội, cũng như mọi phim truyền hình hiện nay. Quay trong 6 tháng, hậu kỳ 6 tháng mà tới 29 tập. Đoàn phim thiếu thốn mọi thứ, nhất là đạo cụ - từ cái cốc uống nước trở đi - dù đã đi kêu cầu những nhà sưu tập chuyên về đồ thời bao cấp.

Bối cảnh thì chắp ghép từ các điểm khác nhau ở Nam Định, Sơn Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái. Điều kiện làm phim không đầy đủ và bị bó hẹp. Quay Hà Nội thời bao cấp mà phải đi tới 4 -5 tỉnh.

Có một tình tiết khá vui: Âm nhạc trong phim của Trọng Đài, nhưng ông nhạc sĩ này không bao giờ muốn viết lời. Quốc Trọng định làm nhưng “tắc”. Cuối cùng việc được đưa sang cho Trung Trung Đỉnh, nhà văn hứng lên chỉ một đêm viết xong! Đây cũng là lần đầu tiên nhà văn này viết lời bài hát.

Hiện nay, những lỗ thủng này chưa được hàn kín. Thậm chí có những khuyết tật còn được nhân bản lên nhiều lần với những biến thái khó nhận diện.

Lê Anh Hoài

Từ khóa » Diễn Viên Hồng Nhung Ngõ Lỗ Thủng