Phía Sau Sự Thành Công Trong Kinh Doanh Của Người Hoa

Hội quán Tuệ Thành, một Hội quán lâu đời trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Hội quán Tuệ Thành, một Hội quán lâu đời trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Bí quyết lấy chữ tín làm đầu

Trong kinh doanh, người Hoa thường thành lập các bang hội tương tế để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người gây dựng cơ nghiệp. Người Hoa quan niệm, không thể thành công nếu đơn thương độc mã. Chính vì thế yếu tố đoàn kết cộng đồng nhằm giúp đỡ tương trợ nhau được đặc biệt chú trọng.

Tư tưởng “Buôn có bạn, bán có phường” là truyền thống kinh doanh của người Hoa. Bạn có thể thấy cả một dãy phố toàn bán hủ tiếu, hay văn phòng phẩm, thuốc Đông y... Thông thường, mọi người nghĩ rằng, càng đông người bán một mặt hàng, thì tỷ lệ cạnh tranh càng cao, nhưng người Hoa thì nghĩ ngược lại: Khi tập trung buôn bán cùng một mặt hàng tại một khu vực nhộn nhịp, thì tạo sức hút khách hàng cao hơn, khả năng lan truyền nhanh hơn.

Trong kinh doanh, người Hoa tâm niệm, có uy tín thì có tất cả. Đây là quy ước bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì mất tất cả. Trước khi có tín dụng ngân hàng, người Hoa triển khai tín dụng cho người mới muốn ra lập nghiệp. Sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực ủng hộ mua sản phẩm cho người mới khởi nghiệp. Nếu là hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì đến mua giày dép…

Một số đại gia có thương hiệu lớn mạnh cũng từng được những doanh nhân người Hoa giúp đỡ, tương trợ như, giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát, Kinh Đô, gấm Thái Tuấn…

Nhiều người thuộc thế hệ trước vẫn còn lưu giữ ký ức về câu chuyện một chủ ngân hàng lớn ở Chợ Lớn hay cấp tín dụng cho những người có uy tín, để họ có vốn làm ăn. Giao dịch tín dụng trị giá mấy chục tỷ đồng mà không cần ký kết hợp đồng. Các khoản cho vay lớn không cần thế chấp tài sản mà căn cứ tín chấp ghi chi chít trong một quyển vở mà không mất đồng nào.

Chữ tín chính là cách họ xác lập niềm tin với nhau, bảo lãnh bằng hành động sau lời hứa. Quan niệm “một lần thất tín vạn lần bất tin”, nên ít có những vụ kiện tụng, tranh chấp khi kinh doanh trong tập thể người Hoa. Họ cũng mạnh dạn đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về hợp đồng, giao kèo dựa trên nền tảng là lòng tin.

Các chủ doanh nghiệp người Hoa thường mang hàng ra chợ sỉ Bình Tây, Kim Biên, Soái Kình Lâm, An Đông bỏ gối đầu từng lô hàng cho tiểu thương. Nhận thanh toán lô hàng cũ rồi bỏ tiếp lô hàng mới. Thương lái được tiểu thương bán lại hàng gối đầu từng lô hàng nguyên phụ liệu để chào hàng.

Tập quán buôn bán gối đầu như những mắt xích liền mạch với nhau. Hàng hóa giao dịch trị giá bạc tỷ mà chỉ bảo đảm bằng những cuốn sổ bỏ hàng, bán hàng cầm tay. Một khi bị thất tín, thông tin lan rất nhanh. Kẻ thất tín bị cộng đồng tẩy chay.

Gần Tết âm lịch, các chủ doanh nghiệp người Hoa giữ thông lệ thu hết nợ trong năm cũ, ra Tết sẽ giao dịch mới. Tiểu thương phải thanh toán sạch nợ để năm mới làm ăn suôn sẻ. Thương lái cũng trả hết nợ. Ai không giữ uy tín hoặc dây dưa trả nợ sẽ khó bề làm ăn trong năm mới.

Chợ Bình Tây, nơi tập trung đông đảo người Hoa buôn bán ở TP. Hồ Chí Minh.
Chợ Bình Tây, nơi tập trung đông đảo người Hoa buôn bán ở TP. Hồ Chí Minh.

Tạo nên tiếng vang lớn

Ông Trần Kim Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh Đô chia sẻ: Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Các sản phẩm thu hút khách hàng, chủ doanh nghiệp càng giữ chất lượng nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu trên thị thường. Chất lượng sản phẩm là sự sống còn của doanh nghiệp. Một khi chủ hàng chịu giá bán cho ai rồi thì dù giá cả biến động mạnh cỡ nào cũng không thay đổi.

Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín. Trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Theo TS. Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa là: Chữ “tín”- báu vật để phát triển trong cộng đồng người Hoa. Họ đề cao vai trò của nghiệp đoàn, hội tương tế giúp đỡ lẫn nhau trong kinh doanh, để cộng đồng ngày càng phát triển giàu mạnh…

Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Công ty Thiên Long nhớ lại những ân tình mà ông Vưu Khải Thành giúp đỡ khi khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp người Hoa là sự bao bọc, hướng dẫn làm ăn và chia sẻ những khó khăn. Cũng theo ông Cổ Gia Thọ, một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của người Hoa là: Phải biết yêu nghề kính nghiệp, dốc trọn cuộc đời cho một công việc mà mình đã chọn, từ đó mới tạo ra những đế chế vững vàng có thể gọi là vua của một nghề. Và hiện nay, đã lấp lánh những ông vua của từng ngành, mà đa phần đều là người gốc Hoa: “Vua” gốm sứ Lý Ngọc Minh, “Vua” giày dép Vưu Khải Thành, “Vua” bánh Kao Siêu Lực, “Vua” nước rửa chén Lương Vạn Vinh, “Vua” nhựa Trần Duy Hy, “Vua” vải Thái Tuấn Chí, vua bánh kẹo Kinh Đô…

Người Hoa Chợ Lớn với tượng chuột phong thủy

Từ khóa » Triết Lý Kinh Doanh Người Hoa