Phiếm Luận Về "... Tặc" - Tuổi Trẻ Online

fqkhEYzt.jpgPhóng to

1. Làm hại (kẻ làm hại dân gọi là “dân tặc”, kẻ làm hại nước gọi là “quốc tặc”)

2. Giặc cướp (cướp ở núi gọi là “sơn tặc”, cướp ở biển gọi là “hải tặc”)

3. Loài sâu cắn hại lúa (con sâu cắn lúa gọi là “mâu tặc”)

4. Làm bại hoại (kẻ háo sắc, dâm ô gọi là “dâm tặc”)

Với nghĩa nào thì “tặc” bao giờ cũng xấu, cũng có hại. Trong tiếng Việt hiện đại, “tặc” được sử dụng một cách ít nghiêm túc, chỉ trong các từ tổ như “hải tặc” (cướp biển), “không tặc”(cướp máy bay), “tin tặc” (tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin).

Nhưng gần đây, trên báo chí ở nước ta xuất hiện ngày càng dày những từ ghép mới có đuôi là “tặc” (vào trang google Việt Nam cho từ khóa “tặc” ta sẽ có ngay 6.140.000 kết quả trong 0,44 giây). “Tặc” hiện nay được hiểu là sự vi phạm pháp luật ở mọi cấp độ. Những từ tố đứng trước “tặc” có khi cũng là một từ Hán Việt nhưng phần lớn là tên thuần Việt. Sự kết nối theo kiểu “đầu gà đít vịt” này đã tạo thành những “..tặc” hết sức khập khiễng, trúc trắc, có khi tối nghĩa không nói được chủ đề của bài viết. May mắn là hầu hết những từ “...tặc” này đều được đặt trong ngoặc kép nhưng cá biệt cũng có vài bài viết không làm vậy.

Xuất hiện sớm nhất và được sử dụng rất nhiều lần có lẽ là “lâm tặc” (trên mạng google Việt Nam có 1.240.000 kết quả trong 0,15 giây). Xuất hiện sau nhưng được sử dụng nhiều vô địch lại thuộc về “đinh tặc” (có 1.250.000 kết quả trong 0,07 giây).

Trở lại chuyện lâm tặc, nếu hiểu theo nghĩa truyền thống, sơn tặc là cướp hoạt động ở địa bàn rừng núi, lấy sơn trại làm căn cứ; hải tặc là cướp trên biển và ven biển, thủy tặc cướp ở vùng sông, hồ... nhưng lâm tặc không có nghĩa là cướp ở trong rừng mà là phá rừng, mọi hình thức phá rừng, buôn lậu gỗ, động vật quí hiếm... “lâm” là đối tượng của “tặc”. Còn “đinh tặc” lại có biểu thị khác: dùng đinh làm phương tiện vi phạm pháp luật, “đinh” là phương tiện của “tặc”.

Hiện nay, chỉ tính trên các tờ báo lớn, có tên tuổi tầm quốc gia thôi, ta cũng có thể thống kê được mấy chục loại “tặc” gắn liền với những đối tượng từ kim loại quí như vàng bạc, đá quí, khoáng sản, động vật, thực vật, xe cộ đến bùn, đất, bụi bặm... thậm chí có cả những loại “tặc” kỳ cục nhất trên đời ví như khoa học tặc trong bài Khoa học tặc và đinh tặc (khoa học tặc và đinh tặc đều không được đặt trong ngoặc kép) (Lao Động, 21-01-2011). Hay như bài “Quảng cáo tặc” hết đất sống (VnMedia, 22-01-2010) hoặc “khoan tặc” trong bài Từ nay đến tết, triệt hết “khoan tặc” (Người Lao Động, 28-10-2004).

Xin thống kê một số “... tặc” tiêu biểu đã được “điểm danh” trên các báo để bạn đọc chiêm nghiệm. Trước hết là những “..tặc” có liên quan đến khoáng sản, đất đai...: “Vàng tặc” hoành hành Cây Thị (Thái Nguyên) (Trang tin điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 28-11-2010); Cần dẹp bỏ nạn “vàng tặc” lộng hành (Thanh Niên, 19-12-2010); Chính quyền làm ngơ, “khoáng tặc” lộng hành (VTV News, 11-2008 ); “Dầu tặc” (Dân Việt, 12- 8-2010); “Than tặc” cuỗm hàng nghìn tấn than: cán bộ tiếp tay (Dân Trí, 28-04- 2010); Quảng Ngãi: “Điện tặc” hoành hành (Tuổi Trẻ, 16- 02-2008); “Đá tặc” An Xuân: Khai thác tan hoang trước mắt chính quyền (Tuổi Trẻ, 09-09- 2010); “Cát tặc” đe dọa cầu Rạch Miễu (Lao Động, 26-6- 2010); “Đất tặc”tấn công đường (Lao Động, 12-2008); Nối giáo cho “gạch tặc” (Công An Nhân Dân, 19-11-2010) “Bùn tặc” tấn công rừng đầu nguồn Đa Nhim (Lao Động, 23-02-2011); Kiểm tra các tuyến phố bị “bụi tặc” hoành hành (Công An Nhân Dân, 07-01-2010); “Rác tặc” hoành hành hồ Kim Liên (Việt Báo, 21-10-2007); Coi chừng “lửa tặc” (Tài Nguyên & Môi Trường điện tử, 07-11- 2010)... Đến những “... tặc” liên quan đến động vật: “Chó tặc” là hình thức cướp trắng trợn (VnExpress, 12-03-2009); Chợ phiên mèo ở thủ đô... , dễ bị “mèo tặc” đánh mất (Thanh Tra, 02-02-2011); Truy bắt 4 “trâu tặc” (Congannghean.vn, 31- 01-2011); Bắt 3 “ngưu tặc” dắt trâu trộm đem bán (Dân Trí, 12-02-2009); Bắt được “bò tặc” thưởng “nóng” 1 triệu đồng (Công An Nhân Dân, 4 năm trước), “Gà tặc” gặp công an (Congannghean.vn, 30-9-2009); “Rùa tặc” (Hà Nội Mới, 11-05-2008); Tóm gọn bọn “tôm tặc” (Công An Nhân Dân, 17-12-2010); Vấn nạn “cá tặc” ở Hồ Tây (Hà Nội Mới, 30-5-2008) và những... “tặc” liên quan đến thực vật như: “Kiểng tặc” ăn theo lũ lụt (Công An Đà Nẵng, 19-11-2010); “Mai tặc” lộng hành (Người Lao Động, 4 năm trước); “Cao su tặc” đang hoành hành (Đất Việt, 17-8-2010); Hàng chục “Sưa tặc” sa lưới (Dân Trí, 20- 9-2009); Một số biện pháp chống “cà tặc” (Giacaphe.com); “Dưa tặc” tung hoành ở Gia Lai (Công An Nhân Dân, 21-02- 2011). Bên cạnh “lâm tặc” còn có: “nông tặc” hoành hành (Gia Đình & Xã Hội, 21- 02-2011); “Ngư tặc” tàn phá Tam Giang (Tiền Phong, 28-8-2010); Đương đầu với “cào tặc” (bắt cá bằng lưới cào) (Việt Báo, 01-7-2007)

Có những “... tặc” gắn liền với công nghệ hiện đại như: “Dế tặc” chốn Sài thành (Việt Báo, 05-5-2006); Đau đầu vì “game tặc” (Dân Trí, 09-5-2006 ); “Xe tặc”... tung hoành (Sức Khỏe & Đời Sống, 08-12-2010)

Còn, còn rất nhiều “tặc” khác nữa, khó mà thống kê hết được. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định được là đàng sau bất cứ “tặc” nào cũng là do con người, “tặc” nào cũng có hại và cũng đáng sợ. Càng phát hiện được thêm nhiều “tặc” thì càng đáng lo.

Về mặt ngôn ngữ, dù đã có rất nhiều bài báo phản ứng về câu chuyện “tặc” này nhưng cho tới giờ vẫn chưa có ai phân giải. Người thì bảo cái gì cũng ghép với “tặc” thì không bao lâu tiếng Việt của ta sẽ thành một bãi chiến trường, một kho tội phạm và không còn trong sáng nữa. Có người lại bảo đó là qui luật phát triển tất yếu của ngôn ngữ, làm phong phú hơn tiếng mẹ đẻ - vốn dĩ đã phong phú!

Điều đáng quan tâm là những “tặc” này hàng ngày được công nhiên nói, viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có rất nhiều tờ báo (báo viết và báo mạng), đài phát thanh, truyền hình có uy tín, có tầm phủ sóng trên cả nước và ra cả nước ngoài. Rất may là gần 100% những “tặc” đã có đều được đặt trong ngoặc kép khi viết, nhưng đối với người bình dân thì chuyện có hay không có ngoặc kép không khác gì nhau. Và công chúng bao giờ cũng đọc, nghe, nói, viết và hiểu theo báo, theo đài.

Cứ đà này, trong tương lai kho từ vựng tiếng Việt của chúng ta chắc chắn sẽ còn xuất hiện rất, rất nhiều “tặc” mới. Chẳng hạn: Trong bộ máy công quyền sẽ có “công tặc”, “cán tặc”; ngành Y dược sẽ có “y tặc”, “dược tặc”; ngành giáo dục sẽ có “giáo tặc”, “sinh tặc”. Tất nhiên trong lĩnh vực báo chí cũng sẽ xuất hiện “báo tặc”.

LÊ MINH HOÀNG (Tiền Giang)<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

noxWMtBd.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 424 (ra ngày 15-3-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Từ khóa » Ton Tặc