Phiên đồng Thời: Bệnh Da Mạn Tính 1, Thẩm Mỹ Da 1, Bệnh Da Trẻ Em

PHIÊN ĐỒNG THỜI: “BỆNH DA MẠN TÍNH 1” – Chủ tọa BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy, ThS.BS Võ Quang Đỉnh

Phiên đã khởi đầu bằng bài báo cáo Biểu hiện da do nhiễm Toxocara của ThS. BS.Võ Quang Đỉnh. Các triệu chứng lâm sàng do nhiễm Toxocara rất đa dạng và có thể là biểu hiện của các bệnh lý da khác. Thông qua phần báo cáo của mình, tác giả đã cung cấp những biểu hiện da do nhiễm Toxocara và việc chẩn đoán nhiễm Toxocara cần dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng.

Tiếp nối chương trình, BS.CKI Nguyễn Thị Minh Anh đã có những chia sẻ rất thú vị về đỏ da toàn thân và COVID-19. Đỏ da toàn thân là một thể bệnh nặng, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do thuốc, các bệnh lý da như vảy nến, viêm da cơ địa.... Vaccine COVID-19 được báo cáo là nguyên nhân (hiếm gặp) gây đỏ da toàn thân.

“Bệnh mạch máu dạng mạng lưới” do ThS.BS Trần Bá Tòng trình bày đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh lý này, đây là một bệnh lý tắc mạch, ảnh hưởng chủ yếu ở vùng da quanh cổ chân, mu bàn chân và chi dưới. Khác với viêm mạch, đặc điểm mô học của bệnh mạch máu dạng mạng lưới là hình ảnh tắc nghẽn các mạch máu bởi các cục máu đông với thâm nhiễm rất ít hoặc không có tế bào viêm.

BS.CKII Nguyễn Trúc Quỳnh với chủ đề hấp dẫn “Quản lý bệnh nhân rối loạn da - tâm thần sao cho hiệu quả?”, để quản lý bệnh nhân rối loạn da – tâm thần một cách hiệu quả, các bác sĩ trong thực hành lâm sàng cần tiếp cận kép, đánh giá tất cả các khía cạnh về da liễu và tâm thần

KẾT THÚC PHIÊN BỆNH DA MẠN TÍNH 1, BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy đã trình bày những thông tin cập nhật mới nhất về trứng cá đỏ. Đây là một tình trạng khá thường gặp, cần được quan tâm đúng mức để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

PHIÊN ĐỒNG THỜI: “THẨM MỸ DA 1” – Chủ tọa TS.BS Nguyễn Trọng Hào, TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú

TẠI Ballroom 2, TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú mở đầu PHIÊN THẨM MỸ DA 1 với chuyên đề tối ưu hóa điều trị rãnh mũi má bằng chất làm đầy. Bài báo cáo đã cung cấp những kiến thức về giải phẫu đặc biệt của vùng rãnh mũi má, cách lựa chọn thuốc tiêm phù hợp và làm sao để vùng này đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Bài báo cáo còn giúp quý đại biểu cập nhật xu hướng điều trị rãnh mũi má bằng tiêm chất làm đầy trên thế giới hiện nay.

Tiếp theo chương trình là bài báo cáo của BSCKII Phạm Thị Thanh Giang về cách tiếp cận điều trị quầng thâm mắt. Đây là một vấn đề thường gặp ở cả nam và nữ, việc điều trị còn nhiều khó khăn. Bài báo cáo giúp hiểu rõ hơn về cách chẩn đoán dạng lâm sàng và đưa ra các phương pháp điều trị tối ưu cho từng dạng.

Liên tục chương trình là phần cập nhật điều trị bớt rượu vang do ThsBS Lê Thảo Hiền trình bày. Phần báo cáo đã giới thiệu đầy đủ, chi tiết về các dạng lâm sàng cũng như đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Bài báo cáo còn cập nhật thêm các nghiên cứu mới nhất về các phương pháp điều trị cũng như cách điều trị như thế nào để an toàn mà hiệu quả.

Liên tục chương trình là phần báo cáo của ThS.BS Phan Ngọc Huy với chủ đề Tối ưu hóa tiêm vi điểm tranexamic acid điều trị rám má. Đây là chủ đề rất hấp dẫn, được nhiều quý vị đại biểu đặc biệt quan tâm. Báo cáo viên đã trình bày rất nhiều nghiên cứu mới, so sánh hiệu quả các phương pháp tiêm, nhờ đó quý đại biểu cập nhật được nhiều tiến bộ mới trong điều trị bệnh lý rám má.

Cuối cùng là bài báo cáo của BS Võ Thị Bạch Sương với chủ đề lão hóa tóc. Bs Bạch Sương với nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng đã chia sẻ rất chi tiết về các dạng lâm sàng, giúp quý đại biểu hiểu rõ hơn về khái niệm lão hóa tóc. Bài báo cáo đưa đến mới quan điểm mới và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích quý đại biểu.

PHIÊN ĐỒNG THỜI: BỆNH DA TRẺ EM TẠI BALLROOM 3 đã diễn ra với các đề tài rất hấp dẫn và thú vị với sự chủ tọa của: PGS.TS Châu Văn Trở, BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo

Mở đầu phiên Bệnh da trẻ em, BS.CKI Phạm Thị Kim Ngọc với bài báo cáo “Tối ưu hóa điều trị mụn trứng cá ở trẻ em” đã trình bày cách tiếp cận bệnh nhi mụn trứng cá ở các độ tuổi khác nhau, phân tích tính hiệu quả và an toàn của các phương thức điều trị mụn trứng cá trẻ em, đồng thời đưa ra các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị. Từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn những phương thức điều trị tối ưu nhất cho trẻ em bị mụn trứng cá.

Tiếp theo là bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bạch biến ở trẻ em” của BS.CKII Võ Thị Đoan Phượng. Báo cáo viên đã chia sẻ bạch biến là một bệnh lý khá thường gặp, ảnh hưởng đến 2% dân số, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Bệnh thường không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là ở những trẻ em đang trong độ tuổi phát triển làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, hạn chế giao tiếp xã hội. Các biện pháp điều trị bạch biến cho trẻ bao gồm bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời, thuốc thoa chứa corticosteroid hay ức chế calcineurin, liệu pháp ánh sáng,…

Liên tục chương trình là phần báo cáo của ThS.BS Phan Minh Đoàn với chủ đề “Sử dụng Laser và các thiết bị phát năng lượng ở trẻ em”. Báo cáo viên đã trình bày chi tiết về những yếu tố ảnh hưởng lên quyết định điều trị laser và các thiết bị phát năng lượng ở trẻ em, bao gồm: các thương tổn da ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần của trẻ, những nguy cơ của việc sử dụng thuốc tê trong điều trị laser, tuân thủ an toàn bảo vệ mắt trong sử dụng laser và đặc biệt là nhấn mạnh sự khác nhau trong lựa chọn điều trị laser và các thiết bị phát năng lượng giữa trẻ em và người lớn.

Đến bài báo cáo “Kiểm soát viêm da cơ địa ở trẻ em”, BSCKII. Vũ Thị Phương Thảo đã trình bày những phương pháp trong điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em nhằm giảm độ nặng và giảm các đợt bùng phát bệnh, bao gồm: chăm sóc da hàng ngày đúng cách, sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp, các loại thuốc thoa và thuốc toàn thân ở trẻ em giúp kiểm soát bệnh và đặc biệt là liệu pháp “proactive therapy”. Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, dễ tái phát, nên để kiểm soát bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp và cần sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

KẾT THÚC PHIÊN BỆNH DA TRẺ EM, BS.CKI Nguyễn Thị Diễm Trinh đã báo cáo chủ đề “Nhân một trường hợp mồ hôi máu khởi phát trong giai đoạn giãn cách vì COVID-19”. “Mồ hôi máu” là hiện tượng hiếm gặp, phần lớn trường hợp có liên quan đến stress tâm lí, sang chấn tinh thần, những cảm xúc lo lắng, hoảng sợ hoặc buồn rầu. Trong ca bệnh được báo cáo, bệnh nhi sau một thời gian dài cách li xã hội do dịch COVID-19 cũng đã phải trải qua những xáo trộn tâm lí nhất định “Hiện tượng mồ hôi máu” nghe có vẻ kì bí, đáng sợ nhưng nhìn chung bệnh diễn tiến lành tính, thoáng qua và đáp ứng tốt với các thuốc điều trị tâm lí.

CÁC PHIÊN ĐỒNG THỜI 1, 2, 3 ĐÃ KHÉP LẠI với phần thảo luận sôi nổi của quý đại biểu, báo cáo viên và chủ tọa. Các đại biểu tạm nghỉ giải lao trước khi tiếp tục tham gia phiên đồng thời 6 hứa hẹn sẽ có nhiều thông tin bổ ích và thú vị.

dong-thoi-1-2-3-1

Ths. BS Quang Đỉnh- Phó chủ nhiệm bộ môn Da liễu trường Đại học Y dược TP.HCM báo cáo chuyên đề: Biểu hiện da do nhiễm Toxocara

dong-thoi-1-2-3-2

BS CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó giám đốc BV Da Liễu TP.HCM trao giấy chứng nhận và quà lưu niệm cho báo cáo viên

dong-thoi-1-2-3-3

BS.CKI Nguyễn Thị Minh Anh - Khoa Lâm sàng 2, BV Da Liễu TP.HCM báo cáo chuyên đề: Đỏ da toàn thân và Covid-19

dong-thoi-1-2-3-4

BS CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó giám đốc BV Da Liễu TP.HCM trao giấy chứng nhận và quà lưu niệm cho báo cáo viên

dong-thoi-1-2-3-5

Ths.Bs Trần Bá Tòng - Khoa Ngoại, BV Da Liễu TP.HCM báo cáo chuyên đề: Bệnh mạch máu dạng mạng lưới

Mời các bạn cùng theo dõi các hình ảnh được ghi nhận tại Phiên Đồng thời 1,2,3 Hội nghị Liên Chi Hội Da Liễu TPHCM lần thứ 18 - Năm 2022 TẠI ĐÂY nhé!

-------------------

Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638

Website: bvdl.org.vn

Thời gian khám bệnh của bệnh viện:

  • Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)

  • Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30

  • Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
  • Ngày Lễ, Tết: NGHỈ

Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)

Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag

Từ khóa » Các Bệnh Da Liễu ở Trẻ