Phiếu Trắng Hay “não Trắng” - Báo Bình Phước

Ngay sau khi thông tin Việt Nam bỏ phiếu trắng được lan truyền, nhiều bài báo, bình luận sặc mùi kích động được một số tờ báo có tư tưởng thù địch, chống phá cách mạng nước ta cho ra lò bằng cách thêm nếm những loại “gia vị” chế giễu, xuyên tạc. Điển hình như BBC News tiếng Việt đăng bài viết của tác giả Trần Thắng có tựa đề: “Nếu Việt Nam bị ai đó xâm lược, các nước khác bỏ phiếu trắng thì sao nhỉ”. Bài viết xuyên tạc rằng: “Chưa bao giờ người Việt lại quan tâm đến chiến tranh đến thế và cũng chưa bao giờ sự phân hóa tình cảm xảy ra quyết liệt trong từng cơ quan, gia đình…”.

Trần Thắng với nghề nghiệp tự xưng là cựu chiến binh. Không biết ông là cựu chiến binh của nước nào mà ăn nói hồ đồ như thế? Trước tiên, đối với người dân Việt Nam, chiến tranh là chuyện bình thường. Trong lịch sử hiện đại từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam cho đến nay, mới hơn 150 năm, Việt Nam đã phải chiến đấu với hơn 5 thế lực bên ngoài, bao gồm: Pháp, Nhật, Mỹ lẫn ngụy và một số nước chư hầu, Khmer Đỏ, Trung Quốc. Những lúc bị xâm lược, bị chia cắt, bị phân biệt đối xử một cách trắng trợn như thế, Việt Nam có biết lá phiếu trắng nó hình dạng như thế nào. Việt Nam thể hiện nhất quán quan điểm đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, trung lập và không để vận mệnh của cả dân tộc cho nước khác quyết định. Nếu chẳng hạn Việt Nam có bị xâm lược thì chúng ta cũng chấp nhận tự lực, tự cường, không trông chờ, dựa dẫm. Còn nếu nói mức độ đoàn kết trong chiến tranh thì phải xem xét lại, nếu dân tộc Việt Nam nhận thứ nhì thì khả năng ít có dân tộc nào dám nhận thứ nhất. Đằng này, xung đột ở nước khác mà tác giả lại quy chụp dân tộc Việt Nam bị phân hóa tình cảm quyết liệt thì quả thật không còn gì để nói.

Cảm thấy chưa có sức thuyết phục, Trần Thắng còn lên án kiểu như Việt Nam là nước ba phải. Là bạn bè thân thiết của Nga, thấy Nga làm sai phải can ngăn, không nghe thì đưa ra cộng đồng quốc tế lên án, như vậy mới là bạn bè tốt… Việt Nam giữ thái độ im lặng là gián tiếp đồng lõa, bỏ phiếu trắng là không chống cũng không ủng hộ. Đúng là lộng ngôn, khập khiễng khi lấy đại cục của quốc gia, dân tộc để so sánh với cách ứng xử của cá nhân trong gia đình, xã hội. Tác giả bài viết nên tự ngẫm tại sao Việt Nam lại chọn bỏ phiếu trắng.

Thứ nhất, Việt Nam cho rằng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine do đối lập nhau về hệ tư tưởng, cả hai đều có những quan điểm riêng của mình và họ bảo vệ cho điều đó. Sau khi đánh tan quân phát xít xâm lược, Ukraine lúc này là một thành viên và hằng năm vẫn nhận đều đặn khoản đầu tư 20% từ ngân sách của Liên Xô. Với số tiền đó, Ukraine đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, trở thành nước công nghiệp mạnh của khối Liên Xô. Liên Xô tan rã, Ukraine với tham vọng lớn đã thoát ly ra khỏi Liên bang Nga, làm thân với phương Tây để nhận hậu thuẫn về kinh tế và quốc phòng. Liên bang Nga hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng chính sách hướng Tây và trở thành chư hầu của Ukraine sẽ là mối đe dọa an ninh lớn nhất. Ukraine có vị trí địa lý chiến lược quá quan trọng, là cửa ngõ cuối cùng để Nga có thể an tâm phòng thủ. Trước nguy cơ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, người Nga phải ra tay vì rõ ràng họ đã không còn đường lùi. Ngoài ra, Nga không thể để mất Ukraine còn bởi người Nga và Ukraine được cho là có chung nguồn gốc. Liên bang Nga buộc phải giữ cho Ukraine ở bên mình, đó là về mặt chính trị khách quan.

Thứ hai, về mặt tình cảm cũng là yếu tố quan trọng khiến Việt Nam bỏ phiếu trắng. Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là những bạn bè, đối tác thân thiết. Liên Xô đối với Việt Nam là tình đồng chí, tình bạn, tình anh em. Chúng ta không thể nào quên sự giúp đỡ chân thành, không vụ lợi của người bạn Liên Xô trong chống Pháp, Mỹ và ngụy, Khmer Đỏ, Trung Quốc. Từ trong quá khứ đến hiện tại, người Nga đã giúp đỡ Việt Nam những gì chúng ta không bao giờ quên. Nhưng ít ai biết rằng Ukraine cũng là bạn vô cùng quan trọng với Việt Nam. Ukraine nằm trong Liên bang Xô viết thời kỳ Việt Nam chống Mỹ, ngụy cũng đã ủng hộ, giúp đỡ chúng ta nhiều về vật chất và ngoại giao. Họ là một trong 3 nước phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 tại Liên hợp quốc. Sau này, cũng chính Ukraine là nước tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và trở về xây dựng quê hương. Vậy khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột, Việt Nam có nên chọn bên nào không? Tất nhiên là không thể. Việt Nam chỉ đề nghị 2 nước ngồi vào bàn đàm phán, tìm được tiếng nói chung để nhanh chóng kết thúc xung đột.

Quay trở lại với câu hỏi: “Việt Nam bị xâm lược thì sao”? Để trả lời cho câu hỏi này thì rất dễ, toàn dân Việt Nam đã thuộc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc không biết tự lực cánh sinh mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của dân tộc khác thì không xứng đáng được độc lập”. Còn nhớ, 4/5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng xâm lược Việt Nam. Việt Nam từng có thời gian bị cấm vận vì cuộc chiến chống diệt chủng của nước láng giềng, lúc đó lá phiếu thật sự có tác dụng không? Dân tộc Việt Nam thấu hiểu sự mất mát của chiến tranh nên đã và sẽ luôn hành động vì mục đích hòa bình, vì lợi ích của nhân dân. Nếu trong tương lai, Việt Nam bị nước nào đó xâm lược thì như thường lệ chúng ta lại tiếp tục cầm súng chiến đấu mang lại hòa bình cho đất nước.

Tình đoàn kết trên dưới một lòng của dân tộc Việt Nam mỗi khi đất nước bị lâm nguy thì không phải bàn cãi. Thời kỳ nào cũng thế, mỗi khi đất nước bị ngoại xâm thì tất thảy mọi người đều hừng hực khí thế cầm súng ra trận. Lợi thế trên thực địa quyết định nhiều trên bàn đàm phán. Phiếu trắng mà Việt Nam lựa chọn là phiếu dựa trên sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, không đứng về bên nào để chèn ép bên kia. Phiếu trắng là lựa chọn tư duy của cả dân tộc, nó khác hoàn toàn với kiểu “não trắng” nhưng thích luận bàn thế sự.

Từ khóa » Phiếu Trắng Là Gi