Philophobia – Làm Gì Khi Bạn Thấy Sợ Yêu?

Tình yêu có thể là một trong những điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất của cuộc sống. Nhưng với một số người, tình yêu lại mang đến nỗi sợ hãi đến tuyệt vọng.

Philophobia Là Gì?

Philophobia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó “philos” mang nghĩa yêu thương còn “phobos” là sợ hãi. Như vậy, philophobia là nỗi sợ hãi quá mức và phi lý về tình yêu hoặc khi có kết nối tình cảm với một người khác. Nó cũng có nhiều đặc điểm giống với những hội chứng ám ảnh khác như chứng sợ độ cao (acrophobia), chứng sợ không gian chật hẹp (claustrophobia), chứng sợ vi khuẩn (aviophobia)…

Dấu Hiệu Của Chứng Sợ Yêu

Các triệu chứng hoặc dấu hiệu của chứng sợ yêu philophobia có thể được nhận biết bằng 3 điều dưới đây:

Dấu hiệu về mặt tâm lý

Người đó sẽ tránh những thứ liên quan đến tình yêu và cảm thấy không thoải mái khi ở gần những người đang yêu. Vì thế, họ sẽ không đến những nơi dễ gặp các cặp đôi như rạp chiếu phim, công viên, đám cưới… Ngay cả khi trong họ đang manh nha một hạt mầm tình cảm, họ vẫn cố gắng kìm nén và “nhổ” tận gốc hạt mầm đó.

sợ-yêu.jpg

Dấu hiệu về mặt thể chất

Không phải người mắc chứng philophobia nào cũng trải qua các dấu hiệu này vì nó còn phụ thuộc vào tính cách và mức độ sợ hãi của mỗi người. Những dấu hiệu về mặt thể chất khi họ đối mặt với bất kỳ thứ gì liên quan đến tình yêu bao gồm khó thở, tim đập nhanh, lo lắng tột độ, sợ hãi vô cớ, cảm thấy hoảng loạn, buồn nôn, chóng mặt, run rẩy và khóc.

Họ có thể nhận thức được những nỗi sợ hãi trên là vô lý nhưng bản thân lại không thể kiểm soát được.

Chỉ nghĩ đến tình dục trong mối quan hệ

Người mắc chứng philophobia chỉ có thể tận hưởng khía cạnh thể xác trong một mối quan hệ. Vì tình dục không liên quan gì đến nỗi sợ neo đậu trong trái tim nên họ có xu hướng thích các mối quan hệ không bị ràng buộc về mặt tình cảm như tình một đêm hoặc friend with benefits.

Nguyên Nhân Của Chứng Sợ Yêu

Một số nguyên nhân khiến người ta mắc chứng sợ yêu có thể kể đến là:

Từ sự cố hoặc khủng hoảng tinh thần trong quá khứ

Ta sợ một thứ gì đó vì nó từng làm ta đau đớn. Tương tự như vậy, chứng sợ yêu có liên quan mật thiết đến những trải nghiệm đau thương liên quan đến tình yêu hoặc các mối quan hệ trong quá khứ. Nếu bạn từng rơi vào mối quan hệ độc hại hoặc bị phản bội, làm tổn thương sâu sắc đến tinh thần thì bạn sẽ sinh ra nỗi ám ảnh về tình yêu. Bạn co người lại, tự dựng hàng rào phòng thủ thật vững chắc để không phải trải qua nỗi đau do tình yêu mang lại một lần nữa.

Trải nghiệm từ thời thơ ấu

Bạn được sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc chính mình là nạn nhân. Bạn nhìn thấy bố mẹ ly dị, họ hàng xung quanh cũng nhà tan cửa nát vì chồng/vợ ngoại tình. Những điều này vô tình hình thành một nhận thức trong bạn là tình yêu không phải điều đáng tin cậy. Bạn dần cảm thấy sợ hãi và không muốn yêu.

sợ-yêu-1.jpg

Mắc chứng lo âu phiền muộn

Một người luôn trong tình trạng lo âu, phiền muộn có thể cảm thấy tự ti, thiếu lòng tin vào bản thân và đối phương, dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ. Người ấy dễ bị tổn thương, luôn ám ảnh việc đối phương sẽ bỏ rơi mình, vì thế mà tự cô lập mình với người khác và không muốn đi vào bất kỳ mối quan hệ yêu đương nào.

Nguy cơ rủi ro

Người ta không đưa chứng philophobia vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Vì vậy, bác sĩ không có khả năng đưa ra chẩn đoán chính xác về chứng sợ yêu này.

Một lý do khác khiến thông tin về chứng philophobia còn hạn chế là những người mắc chứng sợ yêu thường chọn sống chung với nó thay vì điều trị. Tuy nhiên, bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý nếu nỗi sợ hãi của bạn trở nên quá sức chịu đựng. Vì nếu không được điều trị đúng cách, chứng philophobia có thể làm một người tăng nguy cơ rơi vào các vấn đề như rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, tách biệt xã hội, lạm dụng ma túy và rượu, nghiêm trọng nhất là tự sát.

Cách Điều Trị

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng philophobia mà chúng ta sẽ có các lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm trị liệu, thuốc, thay đổi lối sống hoặc kết hợp các phương pháp này.

Trị liệu

Trị liệu, cụ thể là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), có thể giúp những người mắc chứng philophobia đối phó với nỗi sợ hãi của mình. CBT liên quan đến việc xác định và thay đổi những suy nghĩ, niềm tin và phản ứng tiêu cực của bạn đối với nguồn gốc của chứng sợ yêu. Các chuyên viên tâm lý sẽ dẫn dắt những cuộc nói chuyện, chia sẻ để thay đổi nhận thức của bạn với tình yêu, xây dựng hành vi tích cực để giảm thiểu lo âu.

Một phương pháp nữa cũng được các nhà trị liệu tâm lý sử dụng là mô phỏng lại các kịch bản tương tác với người khác trong một mối quan hệ như đi hẹn hò, hoặc xem bộ phim lãng mạn. Sau đó, họ đặt câu hỏi cho bạn để xem phản ứng của bạn sẽ như thế nào trong những trường hợp như “điều gì sẽ xảy ra nếu mối quan hệ trở nên xấu đi?”, “bạn sẽ giải quyết thế nào?”

sợ-yêu-2.jpg

Thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc chống lo âu nếu chẩn đoán thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Thuốc thường được sử dụng kết hợp với trị liệu.

Thay đổi lối sống

Một số biện pháp khắc phục bằng cách thay đổi lối sống như thực hành chánh niệm, áp dụng kỹ thuật thư giãn.

Những hội chứng ám ảnh như sợ yêu đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy ngột ngạt và quá sức chịu đựng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân của bạn. Nhưng bạn hãy nhớ mình có thể điều trị được, chỉ cần dũng cảm tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt. Đó là chìa khóa để bạn tự vượt qua nỗi ám ảnh và sống một cuộc đời hạnh phúc và trọn vẹn hơn.

Từ khóa » Hội Chứng Philophobia Là Gì