Phim “Bố Già”: Hãy Yêu Thương Cha Mẹ Nhất Khi Còn Có Thể

Phim Bố già mang thông điệp và ý nghĩa về tình yêu thương, sự hy sinh cho gia đình

Phim Bố già mang thông điệp và ý nghĩa về tình yêu thương, sự hy sinh cho gia đình

Sự khác biệt tư tưởng giữa 2 thế hệ

Phim Bố già lấy bối cảnh chính là xóm lao động nghèo trong một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn. Những gia đình trong xóm nghèo này gồm những anh, chị, em ruột thịt: Giàu, Sang, Phú, Quý. Mỗi người đều có cuộc sống riêng và những đứa con mà họ hết mực yêu thương. Ông 3 Sang (Trấn Thành) của Bố già cũng chẳng ngoại lệ, là người cha luôn lo cho con từ cơm ăn đến áo mặc. Ông làm việc vất vả bên ngoài. Khi về nhà lại chăm chút cho các con, bữa ăn sáng ông cũng mang đến tận giường. Ông đâu có biết, chiếc quần jean xẻ dọc, xẻ ngang, rách tả tơi đang là "mốt" nên mang ra vá lại... Ông 3 Sang chưa bao giờ than vãn về cuộc sống cơ cực của mình mà chỉ luôn cố gắng từng ngày, từng giờ để lo cho hai đứa con. Trải qua cái nghèo và những tủi nhục nên ông có phần khắt khe, áp đặt, bao đồng chỉ vì mong muốn con có cuộc sống ổn định và tương lai tốt hơn.

Đối ngược trong hình ảnh của phim Bố già là một cậu con trai (Tuấn Trần) ngang tàng, ngỗ nghịch, chỉ muốn sống theo cách riêng của mình nhưng tình yêu cậu dành cho cha rất lớn. Tình yêu thương của "Bố già" và cậu con trai được gói bọc trong một lớp vỏ sần sùi, xấu xí. Xem phim, khán giả sẽ rơi nước mắt khi tìm thấy sự tương đồng với những lời thoại, những cử chỉ của 2 cha con với những khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời mình, ít hoặc nhiều. Ngoài đời thật, đâu đó trong mỗi gia đình vẫn có những lúc cha, mẹ mình cũng áp đặt cách suy nghĩ của họ lên những đứa con (cái cách mà họ nghĩ là sẽ tốt hơn cho chúng). Hay có những lúc những người con bỗng nổi loạn bởi cái tư duy vừa cũ kỹ, vừa lỗi thời của cha mẹ.

Những tình tiết trong phim là những gì rất gần gũi trong cuộc sống, chạm được đến trái tim người xem, ở lại sâu trong đó từ cách mà những người thân ruột thịt đối xử với nhau, cách họ đối diện với biến cố, với sinh tử cuộc đời, cách mà người "Bố già" giành giật để được hy sinh cho con và cả cái cách mà cậu con trai Quắn nổi cơn "cuồng nộ" với mong muốn cha nhìn ra sự thật. Phim Bố già cũng mở được "nút thắt" khi cả cha và con đều có những thứ buộc phải thay đổi, phải học tập từ đối phương. Ông 3 Sang học làm quen với sự thay đổi, biết nghĩ cho bản thân mình hơn, còn cậu con trai Quắn cũng biết cách sống có trách nhiệm và gắn bó với gia đình hơn.

Hãy yêu thương cha mẹ nhất khi còn có thể

Không phải là bộ phim Việt quá xuất sắc, không có nhiều diễn viên gạo cội, cũng không có nhiều đầu tư về kỹ xảo nhưng phim Bố già chạm đến trái tim khán giả ở những tình tiết rất gần gũi, đời thường. Khi tôi hỏi một người bạn thân thiết, bạn ấy trả lời: "Tôi cũng không biết phim hay không, chỉ thấy rất nhớ cha mình và chỉ muốn về bên ông ngay khi xem xong bộ phim Bố già". Rõ ràng, bộ phim Bố già đã chạm đến trái tim của nhiều người, mang thông điệp đầy ý nghĩa: Cha mẹ hãy dạy con cách suy nghĩ cho thế hệ sau này và hãy để con nhận thức được rằng, gia đình là nơi những người sống trong đó đều yêu thương, hy sinh cho nhau. Hãy để con được làm tròn trách nhiệm của mình, và hãy để con cảm thấy bản thân mình được sống có ý nghĩa.

Bộ phim còn mang một thông điệp sâu sắc gửi đến những đứa con, đó là cần và phải biết nói lời cảm ơn và xin lỗi với cha mẹ ngay khi còn có thể, như lời thoại được nhắn nhủ đọng lại trong phim: "Chúng ta có rất nhiều thời gian, còn bố mẹ thì không!". Xin lỗi cha mẹ khó lắm nhưng nói được thì dễ thương vô cùng. Chỉ có sự yêu thương, bao dung của cha mẹ và gia đình là mãi mãi còn đó, mỗi khi ta chồn chân, mỏi gối với cuộc mưu sinh hối hả cùng những mối quan hệ xã hội phức tạp bên ngoài. Điều đọng lại sâu lắng nhất trong tâm hồn mỗi người, tin chắc rằng không gì hơn ngoài suy nghĩ: Yêu thương hơn cha mẹ mình, anh em mình, làng xóm mình và muốn làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho họ khi còn có thể./.

Đông Đông

Từ khóa » Phim Khi Bố Già Làm Cớm 2