Phim Hoạt Hình Việt Tại Cannes: Yếu Tố Nào Dẫn Ra Thế Giới? | Điện ảnh

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 1Mai Vũ (phải) nhận giải thưởng Light on Women tại Cannes nhờ nỗ lực được thể hiện qua tác phẩm tranh cử giải La Cinef 'Giấc mơ gỏi cuốn.' (Ảnh: L'Oréal Paris)

Cuối tháng Năm vừa qua, nữ đạo diễn trẻ Mai Vũ với phim hoạt hình ngắn “Giấc mơ gỏi cuốn” (Tựa tiếng Anh: Spring roll dream) đã gây chú ý khi vượt qua hơn 1.500 đối thủ, trở thành một trong 16 phim ngắn đã được chiếu và tranh giải trực tiếp tại La Cinef - hạng mục dành cho tác phẩm từ các trường đào tạo về phim ảnh.

Tuy không giật giải, bộ phim vẫn được người hâm mộ hoạt hình Việt quan tâm và đón chờ. Mai Vũ sau đó được minh tinh Kate Winslet trao giải thưởng “Light on Women.”

Thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2022, giải thưởng khuyến khích các nhà làm phim nữ theo đuổi sáng tạo và khát vọng của mình qua những bộ phim ngắn.

“Giấc mơ gỏi cuốn” theo đuổi thể loại stop-motion (hoạt hình tĩnh vật), kéo dài 9 phút, kể câu chuyện ông Sang (Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Bài Bình lồng tiếng) - một người cha từ Việt Nam sang Mỹ thăm con gái Linh và cháu trai. Khi ông ngỏ ý chiêu đãi cả nhà món gỏi cuốn truyền thống của Việt Nam, Linh (Elyse Dinh) lại nói sẽ làm món nui phô mai - một món ăn phổ biến tại Mỹ. Từ đây, nhiều đứt gãy giữa các thế hệ được thể hiện.

Bộ phim được xây dựng từ chính những trải nghiệm của Mai Vũ và các bạn bè, đồng nghiệp. Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với nữ đạo diễn để hiểu hơn về những nguồn cảm hứng giúp cô làm nên bộ phim.

Đường đến Cannes

- Chúc mừng Mai Vũ về giải thưởng Light on Women và những trải nghiệm tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 75. Để lọt vào danh sách tranh cử chính thức của La Cinef, Mai Vũ và ê-kíp đã chuẩn bị cho bộ phim như thế nào?

Đạo diễn Mai Vũ: Đây là bộ phim tốt nghiệp của tôi trong khóa học làm hoạt hình tại Trường Điện ảnh và truyền hình quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School - NFTS). Chúng tôi gửi phim đi nhiều liên hoan khác nhau và không ngờ được lọt vào Cannes.

Hai năm của khóa học cũng là khoảng thời gian tôi dành cho “Giấc mơ gỏi cuốn.” Năm đầu, tôi nảy ra ý tưởng cho phim và bắt đầu xây dựng nhân vật. Khi ấy, tôi xây dựng hình tượng một người cha Việt Nam có con ở nước ngoài.

Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 2Khi ông Sang tới thăm con gái tại Mỹ, những đứt gãy giữa hai thế hệ bắt đầu hiện ra trong ''Giấc mơ gỏi cuốn.'' (Ảnh: Mai Vũ)

Đó là một người khá cô đơn, không thực sự biết cách biểu lộ cảm xúc nên đã gửi gắm tất cả tình thương vào nấu nướng. Ở năm thứ hai, tôi bắt đầu tập hợp ê-kíp rồi bước vào 6 tháng xây dựng kịch bản, 8 tháng làm phim.

Trong bối cảnh có những khác biệt lớn về đời sống dẫn đến hiểu nhầm, mất kết nối trong gia đình, gây ra khoảng cách thế hệ, tôi đặt ra câu hỏi: Làm sao để nối lại sự đứt gãy ấy? Điều đó đã thôi thúc chúng tôi làm bộ phim ngắn này.

- Để làm phim, Mai Vũ lấy nguồn cảm hứng từ chính câu chuyện của mình và đồng nghiệp. Nguồn cảm hứng ấy “trông” như thế nào?

Đạo diễn Mai Vũ: Tôi có một chị gái ở Mỹ, lớn hơn tôi 10 tuổi. Khi tôi mới 14 tuổi, chị bắt đầu đi học và định cư ở nước ngoài. Khi một thành phần rất quan trọng trong gia đình như chị biến mất, việc đó để lại dấu hỏi rất lâu trong tâm trí tôi. Tôi đã rất hụt hẫng.

Sau này khi gặp lại chị, tôi bắt đầu cảm nhận được những khác biệt về lối suy nghĩ, lối sống. Tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi về sự lựa chọn của những thế hệ khác nhau, giữa cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu. Làm sao để tìm những sự đồng cảm?

Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 3Mai Vũ và mô hình bối cảnh ''Giấc mơ gỏi cuốn.'' (Ảnh: Mai Vũ)

Không chỉ trong gia đình tôi cũng có những mâu thuẫn tách biệt giữa các thế hệ, ở các bạn bè tôi đều có.

Biên kịch của tôi là một người Australia gốc Hoa nên chị có chung tâm huyết kể câu chuyện này. Chị ấy hiểu rằng tài sản mà cha mẹ để lại cho mình là nét văn hóa, là lối sống mà sau này, chúng ta mới nhận ra rằng nó đã sống trong mình từ lâu.

- Vậy còn nhân vật người bố do Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Bài Bình lồng giọng thì sao? Ông được xây dựng dựa trên nét đặc trưng nào mà chị thấy ở bố mình?

Đạo diễn Mai Vũ: Khi làm phim, tôi không chủ đích làm nhân vật giống bố mình, mà là một nhân vật độc lập, có lịch sử, câu chuyện riêng. Ông Sang không hẳn là bố tôi nhưng dĩ nhiên vẫn có những nét của người bố nằm trong tiềm thức mình.

Chồng tôi nhận xét trong cảnh ông Sang đi ra ngoài và ngồi xuống hiên nhà, tướng đi của ông giống hệt bố tôi. Có lẽ nó nằm trong tiềm thức và đã gắn liền với mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, bố mẹ đều gốc Nam Định và gia đình giữ thói quen xem các chương trình, phim trên VTV. Chất giọng và sự truyền cảm của bác Bùi Bài Bình trở nên rất thân thuộc, gợi lên đúng nhân vật mà tôi đang tìm kiếm: Một người bố miền Bắc có phần hơi khô khan nhưng chất chứa nhiều tình cảm.

Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 4Với Mai Vũ, tính địa phương giúp câu chuyện gần gũi và tự nhiên hơn, giúp truyền tải những thông điệp mang tính toàn cầu. (Ảnh: NVCC)

Ông Sang là người sinh ra ở đồng quê, lớn lên và bỏ lỡ việc học vì chiến tranh. Trải qua nhiều mất mát, hy sinh, ông phải gạt sang một bên mọi ước vọng cá nhân. Còn cô con gái muốn thoát ra khỏi khuôn khổ cũ, vươn đến những điều mới mẻ nên chọn ra nước ngoài.

Đó là cái tôi thấy khác nhau ở hai thế hệ, giữa cha mẹ mình và chị mình. Từ thế hệ cha mẹ mong một cuộc sống ổn định an toàn, nhiều khi từ những tổn thương có sẵn lại truyền tới những thế hệ sau. Đó là sự mất kết nối mà ở đó có sự tổn thương.

Khoảng cách thế hệ - đề tài ra quốc tế?

- Rắc rối từ khoảng cách thế hệ có lẽ là vấn đề chung mà nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau đều có. Phim của chị nhận được những chia sẻ từ những người bạn quốc tế thế nào?

Đạo diễn Mai Vũ: Tôi ra ở nước ngoài chưa lâu nhưng khi sống ở Anh, bản thân tôi cũng thường đặt câu hỏi: Nếu mình kể câu chuyện Việt Nam thì có tạo nên khoảng cách, sự khác biệt khi khán giả phương Tây xem không? Đây là câu hỏi nhức nhối trong tôi, bởi khi làm phim, tôi hiển nhiên mong được nhận sự đồng cảm nhiều nhất có thể.

Và, tôi nhận ra đúng là có sự khác biệt về hình thức thể hiện. Năm đầu tiên của khóa học, tôi làm một bộ phim hoạt hình mang tên “Exam” (tạm dịch: Bài thi, thời lượng 1 phút) mở đầu bằng hình ảnh người bố chở con đi thi bằng xe máy. Khán giả người nước ngoài không hiểu ngay lập tức sự liên hệ của hai người này.

Nhưng khi bộ phim chiếu tiếp, họ càng lúc càng nhận ra vấn đề cốt lõi chính là mối quan hệ giữa cha và con, là câu chuyện mang tính toàn cầu. Mọi người khi nhìn vào đều có sự liên hệ nào đó.

Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 5Hình tượng hai cha con trong phim hoạt hình stop-motion ''Exam'' của Mai Vũ. (Ảnh: NVCC)

“Giấc mơ gỏi cuốn” cũng vậy. Dù trong phim nhân vật nói tiếng Việt, khán giả tại Anh xem không có phụ đề, nhưng họ vẫn rất xúc động và dành nhiều tình cảm cho người bố. Nhiều người bạn nước ngoài khi xem phim cũng hỏi sao cô con gái lại gay gắt với người cha đến vậy, nhưng điều đó không được kể trực tiếp trong phim, mà được thể hiện qua các món ăn.

- Với chị, điều gì giúp phim hoạt hình Việt của các đạo diễn trẻ có thể đi dự giải nước ngoài?

Đạo diễn Mai Vũ: Khi làm “Giấc mơ gỏi cuốn,” tôi nhận được những phản hồi từ nhiều người mà không phân biệt họ đến từ quốc gia nào, thuộc nền văn hóa nào. Tình cảm gia đình, sự yêu thương kết nối là toàn cầu. Tất cả đều là con người, chúng ta rất giống nhau về cảm xúc cầu yêu thương.

Phim hoạt hình Việt tại Cannes: Yếu tố nào dẫn ra thế giới? ảnh 6Đạo diễn trẻ Vũ Thị Phương Mai trên phim trường ''Giấc mơ gỏi cuốn.'' (Ảnh: NVCC)

Theo góc nhìn của tôi, nhờ những yếu tố địa phương mà câu chuyện trở nên gần gũi và dễ kể hơn, được kể tự nhiên hơn vì không cố trở thành cái gì không phải nó. Tất cả chỉ là hình thức để truyền tải một câu chuyện mang tính toàn cầu.

Làm phim là thể hiện rằng: Tôi có tiếng nói và tôi muốn được nói. Tôi nghĩ, các nhà làm phim mà đặc biệt là các nhà làm phim trẻ đừng vội nghĩ chuyện đưa phim ra thế giới. Hãy làm những gì chân thực với mình nhất trước, làm một bộ phim cho tốt.

- Xin cảm ơn Mai Vũ!

Mai Vũ (Vũ Thị Phương Mai, sinh năm 1992) bắt đầu làm phim hoạt hình từ 18, 19 tuổi, cô gái trẻ từng tham gia thực hiện sê-ri hoạt hình tĩnh vật “Xin chào bút chì” ra đời từ hơn 10 năm trước.

Trong khi một ê-kíp điện ảnh chuyên nghiệp mất từ 1-3 tháng quay phim, “Giấc mơ gỏi cuốn” của Mai Vũ và 9 người đồng nghiệp khác đã mất tới 8 tháng để hoàn thiện 9 phút của phim. Dù biết hoạt hình ngày nay không thiếu những công nghệ hiện đại và sáng tạo, Mai Vũ vẫn bền bỉ với hoạt hình đất sét, bởi với cô, mỗi sản phẩm do bàn tay con người nặn lên đều “tỏa ra nhiệt.”

(Vietnam+)

Từ khóa » Hình Phim