Phó Chủ Tịch Hđnd Tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành - Quốc Hội

Triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc giao Ban Công tác đại biểu tổ chức nghiên cứu, xây dựng “Đề án tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp”.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp” do Ban Công tác đại biểu tổ chức tại điểm cầu Hà Nội.

Ngày 26/01/2022, Ban Chỉ đạo Đề án đã thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án, ban hành Kế hoạch và phân công thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án. Dự thảo Đề án đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp, bao gồm: Nhóm giải pháp để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn hoạt động và giám sát hoạt động của HĐND các cấp; Văn bản bảo đảm sự phối hợp chỉ đạo, điều hoà phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH; Nhóm giải pháp về tổ chức triển khai các hoạt động đa dạng nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp; Nhóm giải pháp về xây dựng, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê/báo cáo bảo đảm sự liên thông, đồng bộ giữa Quốc hội và HĐND các cấp.

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn bà Lâm Thị Hương Thành - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang xung quanh những nội dung trọng tâm của Đề án.

Phóng viên: Triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc giao Ban Công tác đại biểu tổ chức nghiên cứu, xây dựng “Đề án tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp”. Xin bà cho biết những nội dung quan tâm nhất của Đề án?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành: Có thể nói, Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản và tôi kỳ vọng sau sau khi Đề án được thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một Nghị quyết để chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các hoạt động của HĐND các cấp thực hiện. Đặc biệt là sự gắn kết giữa các Ủy ban, các Ban của Quốc hội với HĐND các cấp. Một số vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã được đưa vào Đề án.

Thứ nhất là về cơ cấu tổ chức, bộ máy. Có thể nói, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND các cấp được thực hiện theo hướng “mở”. Ví dụ như Chủ tịch HĐND hoặc Trưởng các ban của HĐND có thể là chuyên trách, kiêm nhiệm.

Với kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, về phía các Ban của HĐND nên để Trưởng, Phó Ban là chuyên trách nhằm tạo cơ sở vững vàng cho các đồng chí Trưởng ban dành sự chuyên tâm, thời gian cho công tác của Hội đồng. Những vấn đề mà tỉnh Bắc Giang đã triển khai cho thấy, vị thế các Ban của Hội đồng được nâng lên nhiều. Những cuộc họp của Ủy ban liên quan đến các Ban đều mời các Ban tham gia. Những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của Sở, ngành thì các Ban của HĐND cũng được tham gia từ quá trình xây dựng dự thảo cho đến việc ban hành để HĐND thông qua hoặc những cuộc họp của Tỉnh ủy cũng được các Ban của HĐND tham gia. Có thể nói, trong Đề án nên đề cập tới sự thống nhất chung trong phạm vi toàn quốc về cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND, tránh việc mỗi tỉnh thực hiện khác nhau.

Thứ hai là vấn đề giám sát của HĐND. Mặc dù đã có Luật Giám sát HĐND nhưng việc thực hiện như thế nào, cái gì, phạm vi, mức độ ở đâu thì nên có hướng dẫn cụ thể để các tỉnh vận dụng đồng bộ, tránh để các ngành khác hiểu là việc giám sát của HĐND chỉ là trên hồ sơ, báo cáo. Đặc biệt là tránh việc hiểu lầm là giám sát của HĐND không thể như cơ quan tranh tra, Mặt trận Tổ quốc… Vì vậy, trong Đề án cần có quy định rõ ràng về công tác giám sát của HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành.

Thứ bà là trong Đề án có đề cập chế độ chung cho hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND. Tùy theo điều kiện cụ thể, ngân sách của từng địa phương, mỗi nơi ban hành một Nghị quyết liên quan đến quy chế phục vụ hoạt động của HĐND. Có thể nói, các đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng trong Đề án có hướng dẫn chung để cho hoạt động của HĐND được nâng cao, các đại biểu HĐND dành toàn tâm, toàn sức cho công tác nghiên cứu, tổ chức thực hiện những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.

Thứ tư, từ trước đến nay, HĐND không có cơ quan cấp trên và trong Đề án đang đặt vấn đề là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan cấp trên của HĐND. Đây cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội mong muốn. Bởi vì những khó khăn, vướng mắc của HĐND sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể và có Nghị quyết chuyên đề để giúp cho HĐND các cấp thực hiện.

Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cấp trên của HĐND cấp tỉnh thì HĐND cấp tỉnh có là cơ quan cấp trên của HĐND cấp huyện hay không, HĐND cấp huyện có là cơ quan cấp trên của HĐND cấp xã hay không thì cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết để tổ chức thực hiện cho có hệ thống trong phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa về hoạt động giám sát của các Ủy ban, các Ban của Quốc hội và HĐND cấp tỉnh với tư cách là cơ quan quyền lực ở địa phương. Đặc biệt là sự gắn kết giữa HĐND cấp tỉnh với Đoàn Đại biểu Quốc hội trong việc giám sát các chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Thưa bà, từ hoạt động HĐND các cấp ở tỉnh Bắc Giang so với những nội dung được đề cập trong Đề án đưa ra thì có những bất cập, khó khăn gì không và đề xuất của bà như thế nào?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành: Những vấn đề liên quan đến cơ cấu, tổ chức bộ máy và những vấn đề về phạm vi, thẩm quyền của HĐND đã được quy định rõ ràng trong Luật. Qua tổng kết hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Công tác đại biểu đã tổng hợp đầy đủ trong báo cáo và được đưa vào trong Đề án. Đây cũng là những nút thắt mà tỉnh Bắc Giang đang cần tháo gỡ và đề xuất của địa phương không ngoài phạm vi đã được nêu ở trong Đề án.

Theo tôi, để tháo gỡ những khó khăn, bất cập, tùy thuộc vào quan điểm của mỗi địa phương, HĐND các tỉnh có thể đưa ra phương pháp, cách làm của mình trên cơ sở quy định của pháp luật nhưng phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình tổ chức hoạt động thì mới có sự đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Phóng viên: Trong Đề án có nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào và theo bà, các cơ quan cần làm gì để sự phối hợp này thực sự hiệu quả?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành: Ngoài Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao nhiệm vụ theo dõi thường xuyên hoạt động của HĐND các cấp thì các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình tổ chức thực hiện khảo sát, giám sát tại địa phương cần có sự phối hợp, gắn bó và nên mời HĐND các cấp cùng đoàn tham gia hoạt động giám sát các chuyên đề ngay từ khi triển khai thực hiện. Qua đó, HĐND ở các địa phương có thể đưa ra những quan điểm, đề xuất, kiến nghị riêng nhằm giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được hiệu quả hơn.

Sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp có hiệu ứng rất tốt trong việc giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương thực hiện các luật, chính sách khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Sự phối hợp giữa các cơ quan này cũng góp phần giúp cho những vấn đề liên quan đến xây dựng Nghị quyết có sức lan tỏa tới người dân được rộng rãi hơn cũng như những ý kiến đóng góp, đề xuất của Nhân dân về xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách và các vấn đề trong đời sống thực tiễn sẽ được trình lên các cơ quan của Quốc hội xem xét, giải quyết kịp thời hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Từ khóa » Chủ Tịch Hội đồng Nhân Dân Tỉnh Bắc Giang