Phó Chủ Tịch VIRESA - Dương Vi Khoa Và Những Lần đầu đáng Nhớ ...
Có thể bạn quan tâm
Giới eSports Việt Nam ai cũng biết đến anh Dương Vi Khoa, Phó Chủ tịch VIRESA nhiệm kỳ III (2020-2024).
Với những người thuộc thế hệ 9x đời đầu đổ xuống, anh Khoa là huyền thoại "Kylin Sniper", lá cờ đầu của Counter-Strike và các game FPS ở Việt Nam. Còn với thế hệ trẻ hơn, anh Khoa mang đến những kỳ vọng về một tương lai eSports được công nhận là thể thao chuyên nghiệp, là ví dụ thường được những đứa con đem ra nói với cha mẹ trong bữa cơm, rằng hiện tại chơi trò chơi điện tử có thể trở thành một nghề nghiệp chân chính.
Với tôi, người biết anh cả với tư cách là Kylin huyền thoại lẫn Phó Chủ tịch VIRESA, Dương Vi Khoa là người dũng cảm lựa chọn trái tim khi đứng trước những ngã rẽ lớn của cuộc đời, luôn cần mẫn làm việc để một ngày eSports được công nhận.
Còn nữa, anh là người đơn giản, đến mức thoải mái mặc chiếc áo hoodie của đội tuyển Natus Vincere đến tham dự buổi phỏng vấn của Sport5.
"Ai cũng biết tôi là fan Na`Vi mà, mặc áo này cho gần gũi với mấy bạn trẻ. Làm eSports phải thế chứ", anh Khoa cười. "Mặc vest lên trả lời phỏng vấn các bạn thấy trịnh trọng quá rồi không đọc bài thì sao?".
Trùng hợp thay tôi cũng là fan Na`Vi. Thật tuyệt khi nhân vật mình phỏng vấn có cùng một niềm yêu thích.
- Anh đang mặc trên mình chiếc áo có logo của Natus Vincere. Vậy anh là fan của đội Dota 2 trong quá khứ hay CS:GO hiện tại?
- Tôi là fan của đội Na`Vi Dota 2. Một phần là vì tôi cũng biết đến Dota cũng từ lâu rồi. Trước đó tôi đã từng dẫn đoàn eSports Việt Nam có đội StarsBoba sang Singapore thi đấu ở Asia World Cyber Games nhiều lần.
Tôi bắt đầu thích xem chuyên nghiệp Dota 2 từ thời The International 2. Hồi đó ngồi xem Natus Vincere đánh thấy mê lắm. Tôi thấy thích nhất là Dendi vì phong cách thi đấu bùng nổ và nhìn mặt lại khá là hài hước. Sau này khi cậu ấy rời khỏi Na`Vi thì tôi không theo dõi nhiều nữa.
- Từ thời StarsBoba? Vậy có thể thấy anh là người gạo cội trong làng eSports. Cơ duyên nào đưa anh đến với bộ môn thể thao điện tử này vậy?
- Đúng hơn thì tôi là người thuộc thế hệ đầu tiên của eSports Việt Nam. Ban đầu chơi game bắn súng, sau đó chuyển sang chơi nhiều tựa game khác nhau. Hồi ấy tôi và vài người bạn chơi Counter Strike (CS) theo kiểu mạng LAN. Các map phổ biến là Mansion, Dust, Assault,... Sau một thời gian thì bọn tôi bắt đầu tìm cách mày mò để chơi online trên các server của HongKong qua đường dial-up. Tuy ping cao và giật lag nhiều nhưng vẫn cố chơi vì nó vui.
Mọi thứ chuyển từ "chơi cho vui" sang "thi đấu" một cách rất tự nhiên. Hồi đó Lara (Nguyễn Quốc Bảo) có ghé phòng net do tôi mở ra (Thế Giới Ảo ở Q.5) và rủ nhóm tôi chơi chung CS. Sau đó thì cả đám bắt đầu chơi theo kiểu match 5vs5 với các map đặt bom (de_dust2, de_nuke, de_inferno, de_train) và dần dần hình thành 1 kiểu chơi mới.
- Trong những năm tháng sơ khai đó anh đã trải qua những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm. Từ cái thời Counter-Strike chưa được cho vào làm bộ môn thi đấu ở World Cyber Games thì tôi đã máu me lập đội. Sau một hồi cân nhắc thì tôi và các bạn lựa chọn 1st.VN.
Cái tên này làm nhiều người hay nhầm lẫn. "1st" ở đây không phải số một, mà là clan Counter-Strike đầu tiên của Việt Nam. Sau này nổi, nhiều người cứ tưởng nhầm là bọn tôi tự nói bản thân là số một. Nhưng lúc đấy eSports Việt Nam làm gì đã có gì đâu mà số một với số hai. Đơn thuần cả đám chỉ muốn là clan CS đầu tiên ở Việt Nam.
Mọi hoạt động khi ấy của clan đều là tự túc. Trong suốt 10 năm thì đội 1st.VN đã tham dự mấy chục giải đấu. Đấy là chỉ tính những giải chính thức, còn mấy dạng "giải phòng nét" thì không tính. Đội 1st.VN cũng từng đi ra nước ngoài thi đấu, tầm cỡ Đông Nam Á, ở Singapore hay Malaysia. Tuy nhiên thành tích không bằng nước khác vì trình độ còn chênh lệch khá nhiều khi mà eSports còn chưa định hình gì tại Việt Nam.
Có thể nói là những giải đấu Counter-Strike ở Việt Nam thời đấy toàn bộ là tôi đứng ra tự tổ chức, tạo ra sân chơi, dành thời gian xây dựng diễn đàn Counter-Strike để được thỏa mãn một phần đam mê.
Tôi phải đi ra ngoài tìm tài trợ rất nhiều để tổ chức giải đấu. Hồi đó tôi cũng là admin của diễn đàn tin học (DDTH.com) nên có quan hệ với nhiều công ty công nghệ lớn và cũng có uy tín trong giới CNTT. Ngoài ra, nhiều người nhờ tôi tư vấn lắp phòng net, sau đó thì tổ chức giải đấu là cách hiệu quả để kéo khách đến nên làm được nhiều giải đấu nhỏ cho anh em có sân chơi.
Dần dần rồi các giải đấu cũng hình thành, các team CS được thành lập đến mấy chục team, cả chơi online lẫn đấu giải LAN (offline). Sau đó thì tôi tổ chức thêm các giải eSports có nhiều game khác nữa chứ không chỉ là Counter-Strike.
- Hầu hết là các giải đấu tự phát, tự đi kiếm tài trợ. Vậy làm sao để anh thuyết phục được các thành viên trong đội tiếp tục gắn bó, đi trên con đường gồ ghề như thế?
- Tôi và anh em trong team có chung đam mê. Nó là thứ giúp bọn tôi gắn bó với nhau và thi đấu hết mình. Nhiều khi tôi phải tự bỏ tiền túi để tổ chức giải hoặc chi phí di chuyển, ăn ở cho mọi người trong team. Có những lúc giải tổ chức ở Hà Nội trong khi cả team ở Sài Gòn, toàn bộ chi phí ăn ở đi lại còn nhiều hơn cả tiền thắng giải.
- Vượt cả ngàn cây số từ Nam ra Bắc để thi đấu, vậy liệu trong đội tuyển của anh có ai hình thành mong muốn được chơi chuyên nghiệp? Và có thể kiếm tiền từ chơi chuyên nghiệp?
- Con đường chuyên nghiệp khi đó chưa hình thành. Chúng tôi chưa ai biết, hay đặt nặng chuyện ấy. Thực ra cái hay nhất vẫn là cảm giác hưng phấn và hồi hộp khi thi đấu giải. Nếu ai từng trải qua cảm giác ấy một lần rồi thì chắc chắn sẽ không thể nào quên được.
Thắng hay thua thì đều có những cái hay, thậm chí từng pha thi đấu cũng khiến người chơi cảm thấy dâng trào cảm xúc. Cảm giác bị nát cả 3 đường nhưng vẫn lật kèo thành công trong các game MOBA. Cảm giác trở thành tay súng cuối cùng của đội nhưng vẫn hạ gục toàn bộ đội hình đối phương trong CS, hay những pha headshot liên tiếp, kill 4 kill 5,... Sự bùng nổ đó thật sự tuyệt vời. Mọi người vì thế muốn đều muốn tham gia thi đấu và giữ nó như một kỷ niệm đẹp.
Tuổi trẻ các bạn nên trải qua ít nhất một lần cho biết. Không nhất thiết phải là thể thao điện tử mà chơi môn thể thao gì cũng được.
Những trải nghiệm ấy thật khó có gì sánh bằng, nhiều khi bọn tôi ngồi lại nói chuyện có nói đùa với nhau rằng: Đúng là có tiền cũng chẳng mua được!
- Đó thật sự là những kỷ niệm đẹp. Nhưng đồng đội của anh sau từng ấy năm liệu có còn ai cũng đang theo đuổi eSports, giống như anh?
- Hầu hết mọi người trong team đều từ bỏ eSports rồi. Chỉ còn Bảo Lara đang làm trong 1 công ty công nghệ thì vẫn có sự hỗ trợ và liên kết với eSports. Còn đa phần thì đều đã có những con đường riêng của mình.
- Ai cũng vậy, khi theo đuổi đam mê thì đều phải đối mặt với sự lựa chọn. Bạn của anh đã lựa chọn những con đường an toàn, ít gồ ghề hơn. Vậy tại sao anh vẫn quyết tâm theo đuổi trái tim mình?
- Tôi là người may mắn. Thứ nhất, tôi may mắn là những kiến thức về công nghệ thông tin có được trong những năm làm DDTH đem lại cho tôi nhiều thuận lợi, với cả những mối quan hệ trong giới công nghệ nên hành trình của tôi cũng không quá khó khăn. Thứ hai là tôi muốn được làm những gì mình thích.
Tôi được bố mẹ ủng hộ. Cá nhân tôi thích máy tính nên lựa chọn theo ngành công nghệ thông tin, thật ra tự học thì đúng hơn. Vào năm lớp 6 tôi đã được tiếp xúc với máy tính, đi thi học sinh giỏi cấp quận môn Tin học được giải nhất. Bố mẹ tôi nhìn thấy tôi có năng khiếu nên cũng không ngăn cản.
Năm 19 tuổi tôi thi được bằng kỹ sư hệ thống của Microsoft – MCSE. Thời ấy tấm bằng đó rất giá trị, cả Việt Nam lúc đó không quá 10 người có được. Cầm nó trong tay thì tôi có thể vào làm việc trong nhiều công ty cần đến kỹ sư hệ thống hay quản trị mạng.
Rồi khi tôi có nói là muốn cùng một số bạn bè gom tiền lại mở một phòng game cũng không bị ngăn cản. "Mở phòng game" nghe tầm thường vậy thôi chứ vào thời điểm ấy, nó là một hướng đi mới. Mấy phòng cyber khủng hiện tại ở Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện tại đều xuất phát từ tiền đề ấy mà ra.
- Anh nói anh từng có bằng kỹ sư của Microsoft. Vậy anh có bao giờ tiếc nuối khi bỏ qua những công ty nước ngoài thời ấy không? Đặc biệt là khi phúc lợi những công việc ấy mang lại chắc chắn sẽ hơn hẳn số tiền anh có thể kiếm được từ việc thi đấu, ít nhất vào thời điểm đó.
- Chúng tôi không kiếm được nhiều tiền từ thi đấu chuyên nghiệp và những giải đấu tự phát, không muốn nói là rất ít. Điều này chính xác. Thậm chí đến thời điểm hiện tại số tiền tôi thu được từ eSports cũng không nhiều. Nhưng trong thâm tâm tôi luôn nung nấu một mục tiêu, đó là làm cách nào đưa eSports Việt Nam phát triển lên tầm cỡ thế giới.
Con người tôi có tính như vậy. Khi yêu thứ gì thì theo đuổi nó đến cùng. Đó là lý do vì sao trong lúc đội đạt phong độ cao tôi đã chủ động tách ra làm quản lý, tổ chức giải.
Mình tập trung làm những việc đó thì anh em mới có giải để tham dự, tôi tự nhủ mình như thế. Mình quản lý đội thì anh em cũng tập trung thi đấu hơn. Kiêm cả 2 việc, vừa thi đấu vừa quản lý thì thật sự không thể làm tốt cả 2 được.
Nếu mình không làm thì nhiều khả năng sẽ không ai làm cả. Anh em trong đội lúc ấy vẫn ham chơi, non nớt kinh nghiệm lắm. Họ cũng không có nhiều mối quan hệ nữa.
- Có thể thấy rằng anh đã lựa chọn trái tim, thay vì lý trí. Vậy việc lắng nghe con tim, theo đuổi đam mê đã đem lại cho anh những thành công gì từ đó đến nay?
- Đam mê ấy được đền đáp lần đầu khi Counter-Strike được đưa vào World Cyber Games năm 2008. Một năm sau thì Hiệp hội TTĐT và Giải trí Việt Nam được bác của tôi, ông Dương Nghiệp Chí thành lập.
Đó có thể coi là một trang sử mới, một bước tiến mới cho nền eSports nước nhà. Bác Chí là một người có tầm nhìn xa, suy nghĩ rất thoáng. Dù đã lớn tuổi nhưng bác nhận ra eSports rất có tiềm năng phát triển trong tương lai nên đã vận động, thành lập hội để tạo tiền đề cho sự công nhận eSports ở Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng nếu không có nền tảng đấy cách đây 12 năm thì giờ eSports vẫn chỉ là trò chơi điện tử mà thôi. Các bộ môn sẽ không được công nhận là thể thao, xã hội vẫn sẽ có cái nhìn rất tiêu cực với game nói chung. Và khi không được công nhận thì quá khó để làm nên chuyện lớn.
Bác Chí và tôi đã làm rất nhiều thứ để góp phần thúc đẩy thành công chuyện đưa eSports vào thi đấu Asian Indoor Games năm 2009. Khi ấy Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai. Các cơ quan quản lý từ đó bắt đầu nhìn nhận games là một môn thể thao.
- Đã 12 năm kể từ khi Hiệp hội thể thao điện tử được thành lập. Theo anh, eSports Việt đã thay đổi như thế nào thời điểm ấy?
- Tất nhiên là đã khác rất nhiều rồi. Hơn chục năm qua đã có rất nhiều sự thay đổi, từ cái nhìn của xã hội đến sự chuyên nghiệp hơn của các giải đấu. Sau này còn có livestream với hàng trăm ngàn, hàng triệu người xem 1 trận đấu. eSports cũng đã được đưa lên truyền hình như 1 môn thể thao truyền thống. Đỉnh điểm là eSports đã được đưa vào thi đấu tại ASIAD và vào SEA Games.
Chỉ có điều tôi thấy ở Việt Nam thì eSports vẫn chưa trở thành thể thao chuyên nghiệp được.
- Tại sao lại vậy hả anh Khoa?
- Trong thế giới thể thao chuyên nghiệp đa phần các đội, cá nhân phải sống được bằng nghề. Nghề ở đây là thi đấu, là nghề huấn luyện viên và vô vàn nghề khác trong eSports. Nhưng có một hiện thực rằng các vị trí trong một đội tuyển chuyên nghiệp eSports bây giờ hầu hết vẫn là tự phát.
Hiện giờ chúng ta chưa có hệ thống đào tạo nền cho eSports. Giống thể thao truyền thống, eSports cần đi từ phong trào lên chuyên nghiệp. Rồi cần có các đơn vị đầu tư vào các CLB làm sao để đảm bảo đời sống của tuyển thủ và tất cả các người làm trong ngành. Đó mới là chuyên nghiệp. Còn bây giờ theo tôi, chỉ có một vài đội tuyển eSports top đầu mới đạt được điều đó.
Hiện tại có khoảng 20, 30 triệu người Việt Nam chơi game phong trào. VĐV thi đấu chuyên nghiệp và các bạn mong muốn được thi đấu chuyên nghiệp cũng vài chục ngàn. Nhưng tôi ước tính rằng có chưa đến 500 bạn sống tốt được bằng nghề eSports đâu.
Đúng là đã có một số bạn VĐV eSports đã vươn lên tầm siêu sao với mức thu nhập còn cao hơn cả cầu thủ bóng đá đắt giá nhất Việt Nam. Mức thu nhập hiện tại của nhóm tuyển thủ bình thường cũng giúp cho họ vừa đủ sống. Nhưng so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn quá khập khiễng.
Rồi cơ chế chuyển nhượng VĐV giữa các CLB vẫn chưa được hình thành 1 cách hợp pháp hoá, cũng chỉ là tự phát. Quy chế của các giải đấu vẫn còn mơ hồ và có nhiều chỗ chưa hợp lý. Như thế sao gọi là chuyên nghiệp được?
- Chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng thông qua tìm hiểu, em biết eSports đã giúp rất nhiều mảnh đời khó khăn vươn lên nhờ một mức thu nhập trung bình khá. Vậy theo anh tại sao hiện tại một số phụ huynh vẫn ngăn cản con cái của họ theo đổi eSports?
- Theo tôi là vì họ chưa hiểu, đơn giản vậy thôi. Điều thứ hai tôi muốn nhắc đến là những gì nhiều người đang thấy chỉ là bề nổi. Muốn được tất cả công nhận thì phải chuyên nghiệp, và muốn chuyên nghiệp hơn thì càng cần càng nhiều doanh nghiệp đầu tư càng tốt.
Những đội tuyển đang dẫn đầu thì không nói. Họ thành công thì họ có tiền. Vậy các đội bên dưới không thành công bằng thì sao? Như mọi người thấy, có rất nhiều đội tuyển thay đổi chủ liên tục. Vì sao lại như vậy? Vì nhà đầu tư trước họ chịu không nổi nữa. Họ không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư dài hạn 5-10 năm.
eSports là thể thao và cũng là 1 ngành giải trí. Như trong bóng đá, đằng sau các đội tuyển lớn phải là những tập đoàn có tiềm lực tài chính rất mạnh. Thậm chí nhiều trong số đó không nhất thiết là phải kiếm tiền từ những gì họ đầu tư vào eSports mà từ những nguồn khác.
Hiện tại thì chỉ có một số ít đội tuyển eSports có được những hợp đồng quảng cáo mà thôi. Tiền giải đơn thuần sao giúp họ trả lương cho các VĐV được? Ngay cả Team Flash, tổ chức eSports hàng đầu ở Việt Nam lúc này cũng chẳng thể trả hết lương cho các tuyển thủ bằng tiền giải nữa là.
Thế nên quanh đi quẩn lại, chỉ vài trăm bạn trong số hàng chục nghìn bạn sống khỏe nhờ eSports mà thôi. Và nếu chỉ có thế thì làm sao các bậc phụ huynh yên tâm cho con mình theo nghiệp eSports được?
- Theo anh còn lý do nào khác ngoài câu chuyện xung quanh các nhà tài trợ và tổ chức eSports không?
- Thực ra còn nữa, nó đến từ chính đặc thù của eSports. Nói là một môn thể thao điện tử, nhưng thực chất có rất nhiều tựa game. Và không phải game nào cũng có khả năng phát triển được thị trường và giải đấu tại Việt Nam.
Lấy ví dụ, là Starcraft II. Đó là môn Việt Nam có thành tích tốt trong khu vực, gần nhất là SEA Games năm 2019 vừa rồi. Nhưng nó không được quan tâm ở Việt Nam. Thế nên Việt Nam có được khoảng 4, 5 bạn chơi tốt, thì trong đấy chắc mỗi Meomaika là có lương tập luyện và thi đấu. Hoặc như là PES, các VĐV Việt Nam thi đấu môn này rất tốt nhưng cũng không được phát triển mạnh vì không có nhà phát hành tại Việt Nam.
eSports đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam cũng chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mực. Họ mới chỉ đầu tư theo dạng nhỏ giọt, thăm dò. Ở Hàn Quốc, tại sao eSports của họ lại phát triển? Vì ngay từ đầu Chính phủ của họ đã có những chính sách riêng để thúc đẩy nền eSport, rồi các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai, SK Telecom, T1 tham gia vào đầu tư và phát triển. Ở các nước Đông Nam Á cũng thế, đã và đang có rất nhiều tập đoàn đang đầu tư vào eSports.
Thế nên mình mất hơn chục năm để thay đổi cái nhìn của xã hội. Nhưng để được 1 phần nào như Trung Quốc, Hàn Quốc thì tôi nghĩ mình cần thêm khoảng 3 đến 5 năm nữa.
- Sự khác biệt lớn nhất giữa eSports và thể thao truyền thống thời điểm hiện tại là nội dung (content) thường miễn phí. Vậy theo anh trong tương lai, eSports có nên thu phí xem các giải đấu để có thêm nguồn thu hay cứ tiếp tục như hiện tại thì hơn?
- Tôi thấy họ đưa ra những content miễn phí để nhắm tới số đông là chính. Nhưng đến một lúc nào đấy, trong tương lai sẽ có content phải trả phí.
Phí ở đây có thể không phải do người dùng trả. Có thể là do các bên phát sóng (các kênh) trả, kiểu như vậy. Còn hiện tại, một số giải đấu lớn thì đơn vị tổ chức là đơn vị phát hành luôn nên quyền đó nằm trong tay họ luôn.
Ví dụ như Giải vô địch thế giới LMHT nếu có bên mua quyền broadcast thì họ sẽ phải trả phí. Vấn đề là nếu một đơn vị nào mua quyền phát sóng thì họ tính lại tiền với người dùng thế nào là chuyện của họ. Họ bán quảng cáo hoặc bán bằng trả phí để xem như K+. Rồi tiền bản quyền sẽ được chia lại một phần cho các đội tham dự thi đấu. Như vậy thì các đội mới có đủ tiền để phát triển tiếp được.
Tại sao bóng đá trở thành môn thể thao vua? Vì nó thu được rất nhiều tiền từ chính việc bán bản quyền. eSports cũng sẽ phải tạo ra nhiều nguồn thu như vậy thì mới phát triển được.
- Có phải ý anh là thể thao truyền thống đang ở đỉnh cao và eSports đang cố gắng vươn lên đỉnh cao đấy?
- Chính xác, như tôi nói nó là thể thao thì nó bắt buộc phải đi theo con đường đấy.
Ví dụ như Liên Quân Mobile, người xem miễn phí nhưng đổi lại thì người chơi đang trả tiền cho NPH bằng cách mua vật phẩm trong game. Nếu tất cả mọi người không mua nữa thì NPH lấy đâu tiền làm giải đấu cho mọi người xem.
- Như anh chia sẻ phía trên thì eSports Việt cần thêm những sự đầu tư lớn, những khoản tiền khổng lồ để đi lên. Vậy theo anh Khoa, bên cạnh kinh tế, bản thân các tuyển thủ cũng cần phải thay đổi ra sao để góp phần đưa eSports trở nên chuyên nghiệp?
- Tôi không muốn nói tất cả, nhưng sự thật là ở Việt Nam hiện giờ có nhiều bạn VĐV chưa thật có sự chuyên tâm khi luyện tập và thái độ chuyên nghiệp khi thi đấu. Tôi không biết lý do tại sao. Có thể là do họ bước chân vào con đường này dễ dàng quá, khi chưa có sự cạnh tranh thật sự chăng?
Tôi thấy nhiều team thành lập xong vài tháng sau lại xáo trộn ngay do vấn đề nội bộ. Đa phần các bạn còn trẻ nên không tránh được những va chạm trong quá trình tập luyện và thi đấu. Vì vậy tôi nghĩ các bạn cần phải được hướng dẫn, đào tạo tốt hơn ngay từ đầu bởi những HLV và quản lý đội chuyên nghiệp, như vậy thì mới đạt phong độ đỉnh cao được.
- Độ tuổi của các tuyển thủ eSports ở Việt Nam và trên toàn thế giới rất thấp. Theo anh đó có phải là một lý do?
- Có thể, nhưng trách nghiệm ở đây thuộc về các CLB, đội tuyển nhiều hơn. Họ tuyển VĐV về, ngoài việc trả lương ra còn phải đào tạo, rèn luyện cho họ cách sống với nhiều kiến thức, kỹ năng khác chứ không chỉ đơn thuần nâng cao chuyên môn.
Như vấn đề tâm lý chẳng hạn. Team Flash LQMB (AOV) thi đấu ở ASIAD 2018 khá là mờ nhạt và có nhiều vấn đề nội bộ, như VĐV ProE thậm chí từng muốn bỏ thi đấu. Sau đấy họ tuyển về một HLV có kiến thức về tâm lý để giúp đỡ và hướng dẫn cho các tuyển thủ, từ ấy các chức vô địch mới đến liên tiếp. ProE thậm chí đã trở thành VĐV thuộc hàng xuất sắc nhất thế giới trong bộ môn LQMB.
Kỹ năng mềm, kiến thức xã hội cũng cần phải được trau dồi. Một phần nữa cần phải nhắc đến là sức khỏe. Không phải cứ ngồi chơi, ngồi tập luyện chuyên môn là đủ. Cá nhân tôi thấy sức khỏe vô cùng quan trọng, các bạn VĐV nên chú ý đến nó.
- eSports thi đấu trên máy tính, điện thoại nhưng sức khỏe vẫn quan trọng, tại sao lại vậy?
- Bạn làm gì cũng vậy, phải có sức khỏe mới làm được. eSports không phải ngoại lệ. Ngay cả là cờ vua hay cờ tướng, nếu 2 người ngang tài với nhau mà ngồi cả mấy tiếng đấu trí thì ai là người thể lực tốt hơn sẽ dễ thắng hơn.
Cá nhân tôi từng thi đấu eSports nên tôi hiểu được. Thường thì vòng loại sẽ phải thi đấu nhiều trận liên tục trong một ngày, những trận đấu ấy còn chia lẻ ra các ván nhỏ nữa. Ở Dota 2, có những trận BO5 đánh tới 7-8 tiếng đồng hồ. Não, mắt, tay và cả miệng đều hoạt động vô cùng căng thẳng.
Bạn vừa phải tính toán chiến thuật, kỹ năng, vừa phải quan sát và thao tác cho đúng, lại còn phải trao đổi liên tục với đồng đội. Hãy thử hình dung bạn phải làm tất cả những thứ đó trong vài tiếng đồng hồ.
Thế mới thấy eSports cần sự bền bỉ và đòi hỏi khủng khiếp từ VĐV như thế như nào. Để đạt được đỉnh cao thì cần cả sức khỏe và yếu tố tâm lý. Chứ còn chỉ giỏi chuyên môn thôi là không đủ.
Ví dụ điển hình là hình ảnh SofM trước và sau khi sang Trung Quốc. So với thời điểm còn ở Việt Nam, SofM hiện tại nhìn khỏe mạnh hơn rất nhiều vì chế độ ăn uống chuyên nghiệp của đội tuyển bên đó. Đó là những cái Việt Nam cần học hỏi, áp dụng luôn và ngay cho tất cả các đội chuyên nghiệp. Thông điệp này tôi muốn gửi tới tất cả những bạn đang và sẽ theo đuổi eSports.
- Hiện tại có đội tuyển nào ở Việt Nam lên kế hoạch giúp tuyển thủ cải thiện sức khỏe như anh nói chưa?
- Thật ra thì cũng có một số đội, nhưng tôi nghĩ là chưa đủ. Nhìn sang những gaming house của Trung Quốc và Hàn Quốc thì sẽ thấy họ đào tạo chuyên nghiệp như thế nào. Từ lâu lắm rồi họ đã chú ý đến điều đó.
Tôi có nhớ cách đây hơn 10 năm có xem một đoạn video bên Hàn. Họ ghi lại quá trình tuyển thủ tập chạy vào buổi sáng, tập thể lực, ăn uống và hoạt động một cách đầy quy củ. Nó khác hoàn toàn với đại đa số hiện tại, rất nhiều VĐV thức khuya chơi game rồi ngủ đến trận trưa. Nó không ổn chút nào.
Tất nhiên là tùy từng thời điểm, lịch thi đấu mà các bạn cần phải thức khuya. Nhưng vì tương lai lâu dài, các tuyển thủ eSports cần phải điều chỉnh lại thời gian biểu cá nhân.
Một điều nữa, là nếu tuyển thủ thức khuya chơi, live stream sẽ kéo theo hàng trăm ngàn người khác như vậy. Thành ra cả một thế hệ trẻ sinh hoạt không đúng giờ tiêu chuẩn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Nhân nhắc đến chuyện sức khỏe thì tôi cũng có một câu chuyện buồn muốn được chia sẻ. Cũng mới đây thôi, một VĐV Dota 2, người em rất là thân, là đội trưởng trong đội Dota 2 cũ của tôi mới mất khi còn rất trẻ. Nghe người nhà nói là vì bệnh viêm phổi. Mọi người nghe qua thì nghĩ cậu ấy hút thuốc lá nhiều nhưng cậu ấy đâu có hút thuốc. Theo tôi nghĩ thì lý do là lao lực, hay thức khuya, tắm đêm, không tập luyện và giữ gìn sức khỏe.
Những gì tôi vừa kể là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bạn, những streamer hay VĐV eSports đều có thể nhìn vào đấy và rút ra bài học. Chắc các bạn chủ quan, nghĩ rằng sẽ không đến lượt mình đâu, nhưng rõ ràng đó là một tấm gương cần phải nhìn vào.
Mọi người cần điều chỉnh về thời gian biểu của mình. Vì những bạn streamers như tôi nói ấy, không chỉ ảnh hưởng tới các bạn mà còn ảnh hưởng tới cả giới trẻ, người xem của các bạn. Đó là những gì tôi thấy trong tương lai cần phải điều chỉnh. Bởi tôi nhìn cái gì cũng ở góc độ vĩ mô một tí vì nó ảnh hưởng tới nhiều người. Đến giờ, tôi chỉ muốn làm những cái gì tốt cho đại đa số chứ không phải chỉ cho lợi ích của số ít.
- Số đông các bạn đang muốn theo đuổi eSports không nghĩ được như anh. Họ đa phần chỉ nhìn vào tiền thưởng hào nhoáng và nghĩ rằng chỉ cần luyện tập hàng ngày là đủ. Theo anh, đó có phải suy nghĩ sai lầm không?
- Nếu chỉ có cố gắng tập luyện hàng ngày là không đủ. Phải là luyện tập với ai và như thế nào nữa. Nếu không đúng cách thì tập cả 100 giờ cũng không bằng vài giờ của người có chế độ khoa học và được hướng dẫn đầy đủ từ những người có kinh nghiệm đi trước.
Bây giờ chúng ta phải xây dựng hệ thống thể thao điện tử chuyên nghiệp một cách rõ ràng. Ví dụ đi từ phong trào đi lên chẳng hạn. Các bạn tập luyện, rồi tham gia giải phong trào. Từ đó, nếu xuất sắc, các bạn sẽ được tuyển chọn. Các bạn được đầu tư, được học, được luyện tập. Nếu trong quá trình ấy các bạn thể hiện được tài năng của mình thì cơ hội lên đội hình chính sẽ có.
Đó là những bước cơ bản để theo đuổi eSports. Nhưng để làm được điều đó thì phải cần một hệ thống. Tôi đang có kế hoạch đầu tư, xây dựng lên những học viện eSports tại Việt Nam. Ở đó, không chỉ những tuyển thủ, mà còn nhiều vị trí khác trong ngành cũng được đào tạo nữa.
Ví dụ như những bạn sản xuất chương trình thể thao điện tử, HLV, bình luận viên chẳng hạn. Ngoài ra có rất nhiều vị trí cho 1 đội chuyên nghiệp cần được đào tạo như quản lý đội, trợ lý, phân tích viên, HLV thể lực, HLV tâm lý,...
Như mọi người thấy, chưa chắc người chơi game giỏi thì sẽ là HLV giỏi. Chưa chắc người làm việc lâu năm trong eSports thì có thể quản lý một đội tuyển. Những người nắm vị trí cấp cao cần được đào tạo bài bản, vậy mới chuẩn.
Tôi hy vọng trong năm nay và năm sau có thể thành lập học viện. Các bạn muốn tham gia vào ngành này thì các bạn nên đi học, vì theo tôi đây là con đường nhanh nhất, tốt nhất và đúng dắng nhất.
- Theo anh, liệu mình nên giới thiệu eSports vào hệ thống giáo dục cơ bản trước hay không? Bằng cách đó, các phụ huynh sẽ nhìn vào và công nhận đó là môn thể thao chuyên nghiệp trước khi cho con em nộp hồ sơ vào học viện?
- Tôi nghĩ là có thể. Học sinh cấp 3 đổ lên là đối tượng phù hợp. Cũng vì vậy mà VIRESA hiện đang tổ chức giải đấu eSports cấp độ sinh viên. Còn trong tương lai, có thể cân nhắc đưa eSports trở thành một môn tự chọn cho các bạn. Thay vì học nhạc, học đàn thì các bạn có thể học về thể thao điện tử.
Cá nhân tôi muốn đưa luôn và ngay, nhưng về cơ bản điều đó là không thể. Làm sao có đủ giáo viên để dạy các môn eSports bây giờ? Nếu không có sự chuẩn bị có hệ thống thì những cái mình mong muốn không bao giờ xảy ra được.
Đó là lý do mình cần phải chuẩn bị nền tảng. Phải mất vài năm chúng ta mới có thể đào tạo ra một đội ngũ có khả năng đứng lớp, đi dạy người khác về eSports. Như vậy chuyện đưa eSports vào trường lớp phải cũng phải đợi từng ấy thời gian, nếu không muốn nói là lâu hơn.
- Chưa có trường lớp, chương trình học cụ thể nên hiện tại nhiều khái niệm của eSports đang bị cộng đồng hiểu sai. Trong đó, nhiều người đánh đồng các streamers với eSports. Theo anh điều đó có thể gây ra những ảnh hưởng nào, khi nhiều content của giới streamers đang tỏ ra không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam?
- Tất nhiên, họ nhầm về khái niệm hoặc đánh đồng vì rất nhiều streamer từng là VĐV eSports. Nhưng theo tôi, đến khi số lượng streamers không phải VĐV eSports tăng lên nhiều thì dần dần người ta sẽ thay đổi quan điểm đó thôi. Tôi nghĩ cái đó mình không cần đi giải thích hay làm gì vì nó không ảnh hưởng lớn tới ai cả.
Những content không phù hợp do streamers tạo ra mới đáng quan ngại. Bởi tôi thấy hiện có quá nhiều nội dung không tốt trên các kênh stream hoặc Youtube. Chúng sẽ gây ảnh hưởng đến giới trẻ, nhất là với lứa học sinh cấp một hiện giờ. Nguyên nhân dẫn đến việc này là bởi chúng ta chưa làm chặt chẽ về độ tuổi xem nội dung stream.
Streamer đăng tải nội dung nhảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tự khắc họ sẽ bị đào thải, tẩy chay. Điều này xảy ra rất nhiều ở trên thế giới nên tôi thấy Việt Nam cũng tương tự thôi.
Còn về phía người xem, nếu trên 18 tuổi thì mọi người có thể xem thoải mái. Nhưng với những em nhỏ cấp 1, 2 đang dần hình thành tính cách thì xem cái đấy lại không tốt. Trong tương lai chúng ta phải làm chặt điều này.
Vừa rồi tôi thấy VTV làm rất nhiều phóng sự về nội dung của streamer. Tôi thấy các cơ quan quản lý cần phải siết chặt hơn nữa.
- Ngoài thực trạng nội dung phù hợp của một số streamer, cộng đồng hiện còn quan tâm đến một chuyện nhức nhối nữa, đó là cá độ trong eSports. Theo anh điều này có đáng quan ngại khi sự đam mê đang đi theo chiều hướng tiêu cực?
- Bất kì môn thể thao nào nhiều người quan tâm thì đều có cá độ. Ngay cả sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, vốn không phải thể thao cũng được đem ra để cá độ. Thực ra sự kiện chỉ cần nhiều người quan tâm là có cá độ rồi, thế nên eSports xuất hiện cái đó là điều hiển nhiên.
Tôi nghĩ cái đó là điều không thể tránh. Quan trọng là chúng ta phải biết cách quản lý cho đúng và phải xử lý khi phát hiện ra các trường hợp tiêu cực.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đang có lộ trình dần dần cho phép hợp thức hóa cá cược thể thao ở Việt Nam trong tương lai.
- Vậy còn vấn đề tiêu cực, liên quan đến bán độ?
- Tiêu cực như thế nào là do chế tài xử lý và các cơ quan quản lý. Ví dụ như khi phát hiện VĐV cá độ, bán độ hay tương tự thì xử phạt như thế nào cho chuẩn.
Bóng đá Việt Nam cũng vậy thôi, cũng đã có nhiều cầu thủ bị xử lý vì bán độ. Và khi bạn bị xử nặng như vậy thì sẽ có nhiều người sợ và phải cân nhắc rằng bán độ có đáng hay không? Bạn có thể mất tất cả, mất 5-10 năm tương lai của mình chỉ vì một số tiền. Đã thế cả quãng đời còn lại phải mang tiếng xấu nữa. Các bạn sẽ phải cân nhắc đến điều ấy.
Vấn đề ở đây là mình chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, chưa có biện pháp xử lý cụ thể. Nhưng tôi nghĩ khi đã xử lý 1 số trường hợp thì các bạn sẽ hiểu ra vấn đề. Như tôi nói, chế tài phạt nặng là cách hạn chế tốt nhất để ngăn những cái tiêu cực xảy ra. Nếu có VĐV eSports bị đi tù vì bán độ thì tôi nghĩ tệ nạn này sẽ giảm nhiều.
- Tiện nói về những sai lầm của tuyển thủ, dạo gần đây rất nhiều bạn đang hơi thiếu chín chắn trong việc lên tiếng trên MXH. Nhiều người lựa chọn việc giải quyết bức xúc bằng những bình luận tục tĩu. Theo anh, vấn đề đó nên được giải quyết như thế nào?
- Tôi thấy đó cũng là lý do mà các đội cần chuyên nghiệp hơn trong việc quản lý, đào tạo tuyển thủ
Bản thân các bạn phải có ý thức ngay từ ban đầu. Muốn theo con đường chuyên nghiệp thì các bạn phải như thế nào, cần có sự hướng dẫn. Các bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm, những người gần mình nhất như người quản lý CLB nếu cần xử lý một việc gì đó hệ trọng.
Trên MXH có rất nhiều người nhìn góc độ bên ngoài, không nhìn toàn bộ sự việc. Nếu đem chuyện lên MXH để nói nhiều khi sự việc sẽ trở nên tệ hơn là tự xử lý với nhau.
Nếu tuyển thủ chưa tự ý thức được những điều đó, đội tuyển cần phải đào tạo và hướng dẫn đầy đủ. Vì thực chất, tuyển thủ thể hiện như thế nào trên MXH là do đội tuyển chủ quản. Từng hành động của họ trước công chúng đều đi kèm với hình ảnh của tổ chức.
- Chân thành cảm ơn anh Khoa vì buổi nói chuyện đầy bổ ích này!
- Cảm ơn Sport5.vn đã tạo cơ hội cho tôi được nói lên tiếng lòng. Chúc Sport5 và độc giả năm mới 2021 an khang, hạnh phúc.
Chúc cho eSports Việt Nam một năm mới thuận lợi hơn với nhiều giải đấu hấp dẫn. Chúc cho các bạn đang chơi eSports sẽ có được môi trường chuyên nghiệp thật sự trong tương lai. Cuối cùng, chúc cho đội tuyển eSports đạt thành tích tốt nhất trong kỳ SEA Games cuối năm nay!
Từ khóa » Dương Vi Khoa Lừa đảo
-
Dương Vi Khoa Là Ai? - Báo Cộng đồng
-
Dương Vi Khoa – Chàng “Colombo ” Của Việt Nam - VTC News
-
Quỹ đầu Tư Tiền ảo Bất Ngờ Công Bố "gạch Tên" ViruSs Giữa Lùm Xùm ...
-
HLV Dương Vi Khoa: 'Đoàn ESports Không Có Gì Bỡ Ngỡ...'
-
Duong Vi Khoa | Facebook
-
Dương Vi Khoa - Game Cuối
-
Dự án Vconomics Bị Tố Lừa đảo Nhà đầu Tư - Game Cuối
-
Lừa Bán Cua Qua Mạng - BaoHaiDuong - Báo Hải Dương
-
Đánh Sập đường Dây Lừa đảo đa Cấp Do Các đối Tượng Trung Quốc ...
-
Hàng Loạt ứng Dụng Lừa đảo Vẫn Tồn Tại Trên App Store - BaoHaiDuong
-
Nhiều Doanh Nghiệp Game Việt Nam Phải Thành Lập Và đóng Thuế ở ...
-
Hoạt động Bệnh Viện