Phó Giám đốc Bỏ Việc để Học Nghề Của 'vua Dép Lốp' - VietNamNet

2 lần tái tạo đôi dép Bác Hồ

Trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội, ông Phạm Quang Xuân (79 tuổi) vẫn hàng ngày cặm cụi chế tác những đôi dép cao su từ đống lốp xe thải loại. Mặc dòng người xe tấp nập ngoài kia, ông cần mẫn khom lưng, ghì chân, tay đưa dụng cụ cắt gọt miếng cao su rất điệu nghệ.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 1

Mặc dù đã gần 80 tuổi, trải qua 2 lần tai biến, ông Xuân vẫn tiếp tục công việc làm dép lốp

Bộ dụng cụ làm nghề có hơn chục món với đủ kiểu dáng được ông gìn giữ như báu vật vì là "hàng hiếm có khó tìm". Những miếng cao su làm dép đều được lấy lại từ phần ngoài của lốp xe tải hạng nặng, chuyên chở than ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Nhìn cách ông Xuân đưa từng đường dao, mũi đục, rồi ngắm nghía lại từng chi tiết trên dép là biết ông công phu, chỉn chu đến nhường nào. Là nghệ nhân làm dép cao su thủ công nổi tiếng đất Hà thành, lâu nay, ông được nhiều người gọi là "vua dép lốp".

This video

"Vua dép lốp", 50 năm giữ nghề và những lần tái tạo đôi dép Bác Hồ

Vừa làm, ông vừa kể lại lần đầu tiên chạm tay vào miếng cao su từ thập niên 50 của thế kỷ trước, khi theo bố mẹ tản cư về quê ngoại ở Thanh Hóa. Hồi đó, cậu bé Xuân hay giúp bố bê lốp xe cho bố cắt gọt, tạo hình, đục lỗ, rút quai... Cậu bé Xuân được bố dạy nghề và truyền cho cái "nghiệp dép lốp" như thế.

Năm 20 tuổi, ông Xuân là công nhân làm dép ở xí nghiệp Bách Hóa cấp 2 ở phố Hàng Bồ. Khéo tay, hoạt bát, không ngừng học hỏi nên ông dần trở thành một trong những thợ giỏi của xí nghiệp. Ông cùng đồng nghiệp được giao nhiệm vụ làm dép cao su cho bộ đội vào chiến trường miền Nam.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 2

Từng chiếc dép lốp được ông Xuân làm rất cẩn thận, chỉn chu tới chi tiết nhỏ nhất

Đôi dép làm từ lốp cao su bền chắc, có thể đi mưa, lội nước, leo trèo trên mọi địa hình mà không sợ trơn trượt nên được bộ đội và người dân ưa chuộng. Mỗi ngày, xí nghiệp nơi ông Xuân làm việc sản xuất được khoảng 400 đôi dép lốp. Từng lô hàng đóng gói gửi ra tiền tuyến phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong đi mở đường, mang theo niềm tin chiến thắng.

"Mỗi đôi dép lốp chúng tôi làm ra không chỉ là vật dụng để đi lại mà còn là chứng nhân cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, những công nhân làm dép lốp chúng tôi gửi gắm hết tình yêu nước vào từng chiếc dép cao su Bác Hồ", ông Xuân chia sẻ.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 3

"Xưởng" làm việc của ông Xuân là một khoảng sân trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu

Dép lốp cao su đã trở thành một phần trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt. Không chỉ trong cuộc chiến tranh vệ quốc mà ngay cả trong thời bình, đôi dép lốp bình dị kia đã theo muôn vàn bước chân người Việt trên khắp nẻo đường từ miền núi tới hải đảo xa xôi đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Đôi dép lốp gắn với phong cách sống giản dị của Bác Hồ, là biểu tượng cho những bước chân bền bỉ, vững vàng trước khó khăn của người dân Việt Nam.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ với ông Xuân, ông chính là người thợ 2 lần được chọn để tái tạo đôi dép cao su huyền thoại của Bác Hồ để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lần đầu vào năm 1980 và lần 2 cách đây hơn một năm. Mỗi lần, đơn vị đặt hàng đều đặt ông làm 10 đôi.

Ngắm đôi dép cao su đã mòn vẹt của Bác Hồ, ông Xuân cho biết vô cùng xúc động. Ông đã cố gắng ghi lại từng chi tiết của đôi dép để làm sao chế tác những sản phẩm giống nguyên bản nhất. Sau gần một tháng, ông mới làm xong và đôi dép đặt hàng được đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá "giống đến 95% so với nguyên mẫu".

"Đó là niềm vinh dự trong quãng đời làm nghề của tôi. Tôi luôn tự hào khi những đôi dép lốp mà mình làm ra có mặt trong một phần lịch sử của dân tộc", ông Xuân bày tỏ và cho biết, đây là động lực tinh thần rất lớn để ông theo đuổi nghề trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 4

Ông Xuân dành trọn cả một đời gắn bó với nghề làm dép lốp cao su

Phó Giám đốc bỏ việc để học làm dép lốp

Ông Xuân dành trọn cả một đời gắn bó với nghề làm dép cao su. Nhưng dù niềm đam mê mấy cũng không thể quên được kế sinh nhai của cả gia đình. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những đôi dép nhựa sản xuất công nghiệp có giá thành rẻ đã lấn át dép lốp làm thủ công thịnh hành một thời.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 5

Ông Xuân đã hơn 50 năm gắn bó với nghề làm dép cao su.

Dù là thợ giỏi, nhiều thời điểm vẫn không sống được bằng nghề, ông Xuân từng phải làm thêm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Trong khi những người bạn cùng làm dép cao su đã bỏ hẳn nghề, ông Xuân vẫn duy trì công việc. Khách đặt dù chỉ một đôi, ông vẫn túc tắc làm.

Nhiều người đến học ông nghề làm dép lốp nhưng rồi cũng bỏ vì việc mất nhiều công sức mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Ngỡ tưởng, ông Xuân sẽ là người thợ làm dép lốp thủ công lành nghề cuối cùng ở đất Bắc thì bất ngờ thay, cách đây hơn 7 năm, con rể ông Xuân là anh Nguyễn Tiến Cường, lúc ấy đang làm Phó Giám đốc một công ty về công nghệ, ngỏ ý muốn học nghề.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 6

Ông Xuân đã tìm được truyền nhân nối nghiệp làm dép lốp là con rể Nguyễn Tiến Cường

Lúc đầu ông không đồng ý vì thấy nghề dép lốp nặng nhọc, vất vả mà thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, anh Cường vẫn kiên trì học từng kỹ thuật, giúp bố vợ tiếp khách, bán hàng. Sau đó, anh thấy yêu thích nghề thủ công này nên quyết định bỏ việc, lặn lội đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, tìm những người biết làm dép lốp, mời về Hà Nội vừa làm vừa học nghề của ông Xuân.

Hơn chục năm trở lại đây, xu hướng tìm lại những món đồ xưa cũ, trong đó có dép lốp cao su ngày càng phổ biến, đã đưa nhiều khách hàng tìm đến với ông Xuân. Không chỉ có các cựu chiến binh, thanh niên mà có cả người nước ngoài đặt mua dép lốp của ông Xuân về dùng.

"Có những người Đức, người Nhật đã đến gặp tôi vì quá tò mò về cách tôi biến thứ bỏ đi như lốp xe thành một mặt hàng thủ công hữu ích. Họ viết báo, quay cả chương trình để phát trên truyền hình nước ngoài. Tôi rất vui vì đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước mình ra thế giới", ông Xuân kể lại.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 7

Hồi sinh lại đôi dép lốp cao su, con rể ông Xuân muốn gìn giữ câu chuyện lịch sử của dân tộc

Là truyền nhân của ông Xuân, anh Cường đã phát triển nghề thủ công này lên theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn khi cải tiến chất lượng, mẫu mã những đôi dép cho thời trang hơn, hợp với thị hiếu người dùng. Sản phẩm dép lốp phân chia thành loại cổ điển, hiện đại, mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Các loại dép cổ điển được đặt tên thành: Dép Bác Hồ, Điện Biên Phủ, Khe Sanh, chiến binh, Giải phóng quân… khá độc đáo.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 8

Nhóm anh Cường cải tiến dép lốp theo hướng thời trang, đẹp mắt hơn, hợp với nhu cầu của người dùng

Bên cạnh việc mở cửa hàng ngay trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Cường còn quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước. Anh dự định sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, anh sẽ tổ chức lại những buổi trình diễn làm dép cao su phục vụ khách du lịch.

"Mong muốn của chúng tôi là đưa dép lốp trở thành sản phẩm đặc trưng của Việt Nam được cả thế giới công nhận", anh Cường bày tỏ.

Phó Giám đốc công ty công nghệ bỏ việc để học nghề của vua dép lốp - 9

Một buổi trình diễn làm dép lốp của nhóm anh Cường tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

(Theo Dân Trí) 

Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su

Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su

Đôi dép cao su (dép lốp) đã gắn bó với những người lính trong suốt hai cuộc kháng chiến, đi cả vào những tác phẩm thi ca...

Từ khóa » Dép Lốp Bác Hồ