Phố Phường Hà Nội Xưa Qua Các Nguồn Tư Liệu Phương Tây | 36hn

36hn RSS

Phố phường Hà Nội xưa qua các nguồn tư liệu phương Tây

Posted by 36hn on Tháng Bảy 18, 2015 · Gửi bình luận

Những tư liệu phương Tây xuất hiện sớm nhất (khoảng thế kỷ thứ XVII) thường dùng từ “Ca Chơ” hay “Ke Chơ” (Kẻ Chợ, tên gọi của kinh thành Thăng Long xưa) còn những tư liệu xuất hiện muộn hơn (khoảng thế kỷ thứ XIX) thì thường dùng từ “La Ville Marchande” (Khu phố Buôn bán) để mô tả khu phố cổ của Hà Nội.

Bản đồ tành Đông Kinh vẽ năm 1940

Bản đồ tành Đông Kinh vẽ năm 1940

Tuy nhiên, dù từ ngữ có được dùng khác nhau nhưng những tư liệu này đều có chung sự mô tả về phố phường Hà Nội xưa.

Kẻ Chợ thế kỷ 17, có hai thương cảng Hà Lan và Anh (S.Baron)

Kẻ Chợ thế kỷ 17, có hai thương cảng Hà Lan và Anh (S.Baron)

Theo mô tả của các du khách đến Hà Nội từ những năm đầu của thế kỷ XVII, khu phố cổ của Hà Nội “có hình tam giác, cạnh đáy dựa vào Hồ Nhỏ (Hồ Gươm) và hai cạnh bên thì giáp với sông Hồng và thành Hà Nội”(1).

Theo quan sát của các du khách thì khu phố cổ có rất nhiều cổng để bảo vệ, giống như bức tường bao quanh thành Hà Nội. Những cổng này chủ yếu ở “cạnh bên” của khu phố, phía giáp với sông Hồng.

BẢN ĐỒ HANOI 1873 do Phạm Đình Bách vẽ năm 1902 (không phải vẽ năm 1902

BẢN ĐỒ HANOI 1873 do Phạm Đình Bách vẽ năm 1902 (không phải vẽ năm 1902

Thành Hà nội. Phỏng theo bản đồ vẽ năm 1866 và 1873 đời Tự Đức

Thành Hà nội. Phỏng theo bản đồ vẽ năm 1866 và 1873 đời Tự Đức

Hà Nội 1866-1873

Hà Nội 1866-1873

Lược đồ vị trí các cửa ô ở Hà Nội.

Lược đồ vị trí các cửa ô ở Hà Nội.

Căn cứ vào một tấm bản đồ do một người Việt Nam có tên là Phạm Đình Bạch vẽ trong đó có chỉ rõ một cách chính xác vị trí của các cổng phía giáp với sông Hồng, André Masson(2) đã tiến hành một cuộc kiểm tra, so sánh với nhiều bản đồ cổ của Hà Nội, kết quả cho thấy kinh thành Thăng Long xưa có 15 cổng, trong đó có cổng phố Jean Dupuis (Ô Quan Chưởng); cổng phố Graines (phố Hàng Đậu) ở chỗ giao nhau với phố Duranton (phố Nguyễn Thiệp); cổng phố Vases (phố Hàng Chĩnh), giữa phố Pavillons Noires (phố Mã Mây) và kè sông Hồng (nay thuộc phố Trần Quang Khải); cổng phố Saumure (phố Hàng Mắm) chỗ giao nhau với phố Maréchal Pétain (phố Nguyễn Hữu Huân); cổng phố Fellonneau (phố Lò Sũ) nơi giao nhau với đại lộ Amiral Courbet (phố Lý Thái Tổ), cổng phố Incrusteurs (đoạn đầu phố, nay là phố Tràng Tiền)… Trong số các các cổng này, chỉ có cổng phố Jean Dupuis là còn tồn tại đến ngày nay(3).

Cổng phố Cantonnais (phố Hàng Ngang).

Cổng phố Cantonnais (phố Hàng Ngang).

Bên trong khu phố cổ còn có các cổng ngăn cách giữa các phố với nhau, được bác sĩ Hocquard mô tả chi tiết: “Các khu phố khác nhau của Hà Nội hoàn toàn được tách rời bởi những cánh cổng lớn. Những cổng này rộng bằng cả bề ngang của phố và người ta đóng lại vào ban đêm. Trên mỗi cánh cổng có dán những quy định về an ninh của thành phố và những tờ sức của Tổng đốc”(4).

Phố Hàng Đào xưa.

Phố Hàng Đào xưa.

Hầu hết các cánh cổng của khu phố cổ ở Hà Nội đều “có một kiểu đóng rất độc đáo”, như theo mô tả của bác sĩ Hocquard: một bức tường bằng đá được xây ngang từ bên này sang bên kia của con phố, bức tường đó được đục thủng một cánh cửa lớn hình chữ nhật được giới hạn bởi một cái khung chắc chắn bằng gỗ, tạo nên bởi 4 cây gỗ đẽo nhẵn. Hai cây gỗ phía trên và phía dưới được khoan những lỗ cách nhau đều đặn, chúng được lắp vào ở hai đầu một loạt các cây gỗ lớn tròn đặt song song với nhau. Các lỗ ở bên trên rất sâu, đến mức người ta có thể mỗi lần nâng cao lên đủ vừa cho người ta tháo cây gỗ ra khỏi lỗ phía dưới để cho việc đi lại qua cửa được dễ dàng. Hệ thống này cho phép lúc thì mở rộng cánh cửa bằng cách tháo tất cả các cây gỗ, hoặc chỉ để vừa một chỗ qua lại hẹp, đơn giản bằng cách tháo ra một hoặc hai cây gỗ.

Trong số các cổng phố ở Hà Nội xưa, một số cổng được xây dựng bằng các loại vật liệu vững chắc mà trước tiên phải kể đến cổng vào khu phố người Hoa “lởm chởm lỗ châu mai giống như bức tường thành” và cực kỳ kiên cố, bên trong có một loại hành lang nhỏ trên đó có chỗ cho người gác và các phu canh ban đêm, nếu đã đóng thì không thể vào được. Sau đó là cổng vào phố Chanvre (phố Hàng Gai) “được xây với lỗ cổng đơn giản hình chữ nhật trong một bức tường có nhiều lỗ châu mai” và cổng vào phố Cantonnais (phố Hàng Ngang) thì “mang dáng dấp của một công trình kiến trúc nhờ một ban-công có trang trí được chống đỡ bởi hai cái cột”. Cổng phố Incrusteurs (đoạn đầu phố, nay là phố Tràng Tiền) được mô tả được xây bằng gạch “với kiến trúc đơn giản nhưng có vẻ oai nghiêm cân xứng”, “lộ ra trong một bức tường dày được bao quanh một cái lan can mở ra giữa hai trụ vòm phía trên mỗi trụ có một con sư tử”(5). Cuối cùng là cổng phố Jean Dupuis (cổng Ô Quan Chưởng) mà hình dáng còn hiện diện tới ngày nay. Ngoài ra, đa số các cổng còn lại đều đơn giản, chỉ là những hàng rào tre bên trên có chòi canh cho những phu canh tuần.

Theo mô tả của phần lớn các tư liệu, đường phố ở Hà Nội (thế kỷ XVII – XIX) có sự khác biệt giữa các khu phố người Hoa và các khu phố người Việt. Ở các khu phố của người Hoa, lòng đường đều được lát đá hoa lớn. Còn các con phố trong khu người Việt thì không được lát đá, không có vỉa hè và đầy bùn mỗi khi có mưa xuống, rất khó khăn trong việc đi lại.

Khu Cửa Đông thành nhìn về phía Bắc, phía xa bên tay trái là Cột Cờ Hà Nội

Khu Cửa Đông thành nhìn về phía Bắc, phía xa bên tay trái là Cột Cờ Hà Nội

015.Một cửa nhỏ dẫn vào thành Hà Nội.

Một cửa nhỏ dẫn vào thành Hà Nội.

008c.Bản đồ Hà Nội năm 1890. Cấu trúc Hoàng Thành vẫn được giữ  nguyên vẹn

Bản đồ Hà Nội năm 1890. Cấu trúc Hoàng Thành vẫn được giữ nguyên vẹn

Bản đồ Hà Nội năm 1936. Cấu trúc hình vuông của Hoàng Thành bị phá vỡ bởi  đại lộ Puginier (tuyến đường Điện Biên Phủ hiện nay)

Bản đồ Hà Nội năm 1936. Cấu trúc hình vuông của Hoàng Thành bị phá vỡ bởi đại lộ Puginier (tuyến đường Điện Biên Phủ hiện nay)

Thực dân Pháp phá hủy thô bạo các di tích Văn hóa và các kiến trúc truyền thống của Hà Nội để xây dựng các khu phố Tây, bức ảnh trên cho thấy thành Hà Nội đã bị phá hủy và con đường mới được hình thành( điện Biên Phủ ngày nay).

Thực dân Pháp phá hủy thô bạo các di tích Văn hóa và các kiến trúc truyền thống của Hà Nội để xây dựng các khu phố Tây, bức ảnh trên cho thấy thành Hà Nội đã bị phá hủy và con đường mới được hình thành( điện Biên Phủ ngày nay).

Nhà cửa ở Hà Nội xưa đều lợp bằng gianh, thấp, gian trước thường để bán hàng, có tấm phên cột chặt ở bên trên ban ngày thì chống lên bằng hai cây sào, ban đêm lại chụp xuống. Chính vì nhà toàn lợp gianh, lại chưa có điện, toàn dùng dầu để thắp sáng nên thường xuyên xẩy ra hoả hoạn. Trong cuốn “Le Vieux Tonkin”(6), Claude Bourrin kể lại một số trận hoả hoạn ở Hà Nội, mà lớn nhất là trận hỏa hoạn ngày 22-1-1891 ở phố Cercueils (phố Hàng Hòm). Trận hoả hoạn này đã thiêu cháy các phố Bambous (phố Hàng Tre), phố Radeaux (phố Hàng Mành), phố Seaux (phố Hàng Thùng), phố Saumure (phố Hàng Mắm), phố Changeurs (phố Hàng Bạc), phố Pont en Bois (phố Cầu Gỗ), phố Chaux (phố Hàng Vôi) và phố Digue (phố Bờ Sông). Có 208 nhà bị triệt hạ trong đó có 4 ngôi chùa, một chủ cho thuê xe kéo là người Hoa Kiều bị mất 60 xe ở nơi bị nạn này. Ngày 7-2-1891 chính quyền thành phố đã tổ chức một buổi hoà nhạc ở khách sạn Voisin để tưởng nhớ đến những nạn nhân của trận hoả hoạn này, số tiền thu được là 450 đồng Đông Dương.

Hiện trạng HÀ NỘI tháng 11 năm 1890 chủ yếu là nhà tranh (màu hồng nhạt)

Hiện trạng HÀ NỘI tháng 11 năm 1890 chủ yếu là nhà tranh (màu hồng nhạt)

KẾ HOẠCH TẠI HÀ NỘI tháng 11 năm 1890 cho việc xây dựng đô thị bởi nhũng nôi nhà kiên cố (màu đỏ sẫm).

KẾ HOẠCH TẠI HÀ NỘI tháng 11 năm 1890 cho việc xây dựng đô thị bởi nhũng nôi nhà kiên cố (màu đỏ sẫm).

Một đám cháy khác xảy ra vào ngày 22-12-1894 đã thiêu huỷ 50 nóc nhà lợp gianh ở ngã ba các phố Teinturiers (phố Thợ Nhuộm), Coton (phố Hàng Bông)và Camps de Lettrés (phố Tràng Thi). Đây là những ngôi nhà của những người chuyên làm đồ hàng mã để thờ cúng. Chính quyền thành phố đã cấm làm lại nhà ở ngã ba này và sau đó cho xây dựng quảng trường Neyret (vuờn hoa Cửa Nam ngày nay).

Trong các phố phường của Hà Nội xưa, “tất cả các loại hàng khác nhau đều được bán” và “mỗi phố bán một loại hàng riêng, hoàn toàn theo cách các công ty hoặc các phường hội trong các thành phố châu Âu”(7). Theo Paul Bourde, phóng viên của tờ Thời báo thì vào khoảng năm 1883, cả thành phố biến thành một cái chợ lớn ngoài trời mỗi khi có chợ phiên, và chợ phiên đó cứ 6 ngày lại họp một lần. Theo mô tả của Paul Bourde thì trong những phiên chợ đó, những người buôn bán và thợ thủ công đủ loại từ các làng lân cận kéo vào thành phố. Những người bán lụa thì tập trung ở phố Hàng Đào, những người thợ kim hoàn thì tập trung ở phố Hàng Đồng, những người thợ làm nón thì tập trung ở phố Hàng Nón… Người dân quê ngồi ngay ngoài phố, hàng hoá đặt trong một miếng vải hay trong một cái giỏ, nào hoa quả, thịt thà, hàng xén, thuốc men, hàng gốm, hàng cá…

Chợ Đồng Xuân.

Chợ Đồng Xuân.

Người bán bỏng trong chợ Đồng Xuân.

Người bán bỏng trong chợ Đồng Xuân.

Một du khách nước Anh là Baron đến Hà Nội hồi thế kỷ XVII kể lại: Ca Chơ, trung tâm xứ Bắc Kỳ vượt hơn phần lớn các thành phố khác bởi số dân, đặc biệt vào những ngày mồng 1 và 15 âm lịch là những ngày phiên chợ lớn. Trong những ngày này, rất đông dân cư ở các làng lân cận kéo vào thành phố với nhiều mặt hàng hoá. Họ họp chợ ở ngoài trời, trong những đường phố chính của thành phố, với một chiều dài hơn hai cây số. Vào những ngày chợ phiên, việc đi lại hầu như không thể được từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Việc họp chợ ở Hà Nội dần dần được cải thiện và đến năm 1890, ở Hà Nội đã có 4 chợ lớn họp hàng ngày, đó là các chợ ở phố Bambous (phố Hàng Tre), phố Citadelle (phố Đường Thành), đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài) và chợ chính ở phố Riz (chợ Đồng Xuân).

Cổng Pháp quốc, phía trước là phố Incrusteurs (phố Tràng Tiền), phía sau là khu Nhượng địa (phố Phạm Ngũ Lão ngày nay nằm trong khu Nhượng địa.

Cổng Pháp quốc, phía trước là phố Incrusteurs (phố Tràng Tiền), phía sau là khu Nhượng địa (phố Phạm Ngũ Lão ngày nay nằm trong khu Nhượng địa.

Phố Ngô Quyền ngày nay - Cột ống khói phía xa là Nhà đèn Bờ Hồ

Phố Ngô Quyền ngày nay – Cột ống khói phía xa là Nhà đèn Bờ Hồ

Phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay - Phía ngọn cây bên trái là đỉnh Tháp Bút.

Phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay – Phía ngọn cây bên trái là đỉnh Tháp Bút.

Quán Cà phê mang tên kinh đô nước Pháp, nhìn sang bên kia hồ Gươm ta thấy Nhà Thờ Lớn Hà Nội cao nổi bật

Quán Cà phê mang tên kinh đô nước Pháp, nhìn sang bên kia hồ Gươm ta thấy Nhà Thờ Lớn Hà Nội cao nổi bật

(Xem thêm: Chuyện cũ về hai con phố bên hồ Hoàn Kiếm;  Xem và bình ảnh “Đại lộ Đồng Khánh” cùng Dương Trung Quốc )

Đường phố Hà Nội dần dần được Âu hoá. Theo ghi chép của Claude Bourrin thì phố Brodeurs (phố Hàng Trống) là phố kiểu Pháp đầu tiên ở Hà Nội, và cho dù “được mở rộng và làm đẹp lên rất nhiều” nhưng nó “chỉ thực sự sạch sẽ vào năm 1884”. Còn theo các nguồn tài liệu lưu trữ, quá trình đô thị hoá của Hà Nội thể hiện qua những mốc lớn:

– Năm 1886: một con đường rộng 10 mét xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã được xây dựng, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này, dù chỉ là nhà bằng tranh.

– Tháng 1-1888: những túp lều lợp gianh cuối cùng đã bị phá huỷ ở phố Paul Bert (phố Tràng Tiền).

– Năm 1891-1892: các nhà vách đất, lợp bằng tranh, nứa, lá trong Thành phố bao gồm từ đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo), sông Hồng, đường Mandarine (sau gộp vào đường Mandarine prolongée thành phố Hàng Lọng, tiếp đó đổi thành phố Nam Bộ và nay là phố Lê Duẩn) cho tới tận khu vực Thành đã bị cấm xây dựng và phải dỡ bỏ trong vòng 6 tháng.

– Năm 1891: Hà Nội có nhà máy sản xuất nước đá.

– Năm 1892: hệ thống cống rãnh đã được xây dựng trên phố Paul Bert. Hệ thống cống ngầm đã được xây dựng để dẫn nước Hồ Gươm chảy qua Sapèquerie (Xưởng đúc tiền nay thuộc phố Phạm Sư Mạnh), chảy dưới vỉa hè phố Paul Bert, phía bên Grands magasins (Tràng Tiền Plaza) và từ đó qua cống thu nước lớn chảy về hướng Abattoir (Lò mổ lợn của thành phố nay thuộc phố Lương Yên).

– Từ năm 1897, Hà Nội đã được tiến hành rải đá mặt đường, làm vỉa hè, xây cống ngầm và hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước…

– Từ năm 1899 đến 1920: Hà Nội được đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất như nhà máy điện Bờ Hồ (1899-1902), nhà máy tầu điện Hà Nội (1900), nhà máy nước Yên Phụ (1904-1906), nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê (1912), xây dựng và mở rộng một số chợ, nhà ga, vườn hoa, quảng trường, tượng đài kỷ niệm, rạp chiếu phim… Có khoảng 49 công trình lớn nhỏ, là trụ sở của các cơ quan đại diện cho bộ máy chính trị các cấp, từ cấp Liên bang (Đông Dương), cấp Kỳ (Bắc Kỳ) đến cấp Thành phố (Hà Nội); trụ sở của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, hành chính; trụ sở của các công sở thuộc các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế… đã được xây dựng tại Hà Nội.

001.Trung tâm Hà Nội với Hoàn Kiếm nằm bên trái.

Trung tâm Hà Nội với Hoàn Kiếm nằm bên trái.

– Từ năm 1920 đến 1945, Hà Nội được mở rộng về phía nam (khu vực hồ Bảy Mẫu), nhiều khu phố mới đã được mở như các phố ở khu phía bắc Hoàng Thành cũ. Hầu hết các phố ở Hà Nội đã được rải đá, rải nhựa dưới lòng đường, vỉa hè đã được lát và có hệ thống cống rãnh. Có khoảng 22 công trình lớn nhỏ được xây dựng tại Hà Nội để làm trụ sở của các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế… như Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử), Sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại giao), Viện Pasteur (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ), Nhà Thương René Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai), Trường Trung học Albert Sarraut (nay là Văn phòng Trung ương Đảng)…

001.Hanoi 1940 - Rue Paul Bert - Ngã tư Tràng Tiền-Ngô Quyền

Hanoi 1940 – Rue Paul Bert – Ngã tư Tràng Tiền-Ngô Quyền

Với quá trình đô thị hoá như trên, diện mạo của Hà Nội đã biến đổi thực sự sâu sắc, từ một thành phố còn mang dáng dấp nông thôn cuối thế kỷ XVII đã trở thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương” trong thời kỳ Pháp thuộc./.

TS. Đào Thị Diến

Chú thích

1. André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris,1929, tr. 131.

2. Lưu trữ viên Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương những năm 20 của thế kỷ XX.

3. Có tài liệu viết rằng Ô Quan Chưởng được xây dựng năm 1749 để bảo vệ Hà Nội từ phía sông Hồng chống lại những cuộc tấn công của Nguyễn Hữu Cầu. Năm 1902, Ô Quan Chưởng có nguy cơ bị phá huỷ do bị hư hỏng nặng. Sau đó Hội đồng Thành phố Hà Nội đã cho trùng tu lại.

4. Dẫn theo André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris,1929, tr. 133.

5. Phố Incrusteurs sau đổi tên thành phố Pháp Quốc, cổng phố Incrusteurs cũng đổi tên thành cổng Pháp quốc (La Porte de France). Cổng này bị dỡ bỏ năm 1886.

6. Claude Bourrin: Le vieux Tonkin, H, d’Imprimerie d’Extrême-Orient, 1941.

7. Revue Indochinoise, 1914, 2è semestre, tr. 70.

Biên tập lại hình ảnh, bản đồ minh họa cho bài viết này: 36phophuong.vn

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Tập tin được lưu ở: Hà Nội xưa

Tượng Thần Tự Do Tại Hà Nội, Việt Nam Quy hoạch hồ Văn trong quần thể Văn Miếu

Bình luận về bài viết này Hủy trả lời

Δ

  • Tìm kiếm cho:
  • Tháng Bảy 2015
    H B T N S B C
    12345
    6789101112
    13141516171819
    20212223242526
    2728293031
    « Th6 Th8 »
  • BÀI VIẾT MỚI: 36hn.

    • Hà Nội xưa và nay – Đền vua Lê
    • Hà Nội xưa-Phố Chả Cá
    • Khu nhượng địa ở Hà Nội thời Pháp thuộc
    • HÀ NỘI XƯA-Phố Cửa Đông
    • Hà Nội năm 1946 (2)
  • Bình luận mới nhất

    Mr WordPress trong Hello world!
  • Bài & Trang được đáng chú ý

    • Chùm ảnh Show khiêu dâm phục vụ lính Mỹ ở Đà Nẵng năm 1967
    • Ảnh hiếm về Giáng sinh ở Sài Gòn trước 1975
    • Chùm ảnh Cuộc tháo chạy của binh lính VNCH ở miền Nam năm 1975
    • Toàn cảnh Hoàng thành Thăng Long 
    • Chùm ảnh Gái điếm ở miền Nam Việt Nam trước 1975 qua ống kính quốc tế
    • 40 bức ảnh màu vô giá về miền Bắc Việt Nam thời chiến
    • Hà Nội Xưa - Phố Hàng Bạc
    • Những hình ảnh quý giá về Hải Phòng thời thuộc địa.
    • Những hình ảnh đau đớn về nạn đói năm 1945
    • HÀ NỘI XƯA - PHỐ LƯƠNG VĂN CAN
  • Bình luận rác đã bị chặn

    3 120 bình luận rác đã bị loại bỏ bởi Akismet
  • Mây chuyên mục

    Bài học di sản và đô thị Bưu ảnh tô màu Bản đồ Thăng Long-Hà Nội xưa Bộ sưu tập ảnh Hà Nội xưa của cha con ông giáo sử Chuyện kể qua ảnh Cuộc sống Di tích, danh lam thắng cảnh Hà Nội xưa Hà Nội xưa và nay Khu phố cổ-Khu phố đông thành Thăng Long-Hà Nội Phố Tây Thăng Long-Hà Nội Tour Uncategorized Việt Nam xưa Đường phố Hà Nội Đọc ảnh cùng Dương Trung Quốc Ấn phẩm, tác phẩm
  • Thẻ

36hn · Just another WordPress.com site

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

Trang này sử dụng cookie. Tìm hiểu cách kiểm soát ở trong: Chính Sách Cookie
  • Bình luận
  • Đăng lại
  • Theo dõi Đã theo dõi
    • 36hn
    • Đã có 33 người theo dõi Theo dõi ngay
    • Đã có tài khoản WordPress.com? Đăng nhập.
    • 36hn
    • Tùy biến
    • Theo dõi Đã theo dõi
    • Đăng ký
    • Đăng nhập
    • URL rút gọn
    • Báo cáo nội dung
    • Xem toàn bộ bài viết
    • Quản lý theo dõi
    • Ẩn menu
Đang tải Bình luận... Viết bình luận ... Thư điện tử (Bắt buộc) Tên (Bắt buộc) Trang web %d Tạo trang giống vầy với WordPress.comHãy bắt đầu

Từ khóa » Bản đồ Hà Nội Cổ Xưa