Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh: Cha “giải ...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Nhà ngoại giao chuyên nghiệp

Tại Đại hội Đảng XII ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được bầu vào Bộ Chính trị. Như vậy ông đã đảm nhiệm trọng trách (cả về Đảng và Nhà nước) mà 33 năm trước đây cha ông là Nguyễn Cơ Thạch từng đảm nhiệm.

Trong nền chính trị Việt Nam không phải là không có những “cặp đôi” trùng hợp lý thú như vậy. Hai bố con ông Đoàn Trọng Truyến (nhiệm kỳ 1984-1987)- Đoàn Mạnh Giao (1999-2007) đều từng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Nguyễn Cơ Thạch tiếp I.A. Rogachoc - Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô ngày 27/11/1988

Nguyễn Cơ Thạch tiếp ông I.A. Rogachoc - Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô ngày 27/11/1988

Bố con ông Đoàn Trọng Truyến- Đoàn Mạnh Giao, tuy đều đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhưng con đường đi lại hoàn toàn khác nhau. Trước khi trở thành Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Đoàn Trọng Truyến từng là Đổng lý sự vụ Bộ Kinh tế, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Tài chính (nay là Đại học kinh tế quốc dân), Phó Trưởng ban Tài chính Thương nghiệp Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch- Ngân sách Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước.

Còn ông Đoàn Mạnh Giao xuất thân là nhà giáo, Phó chủ nhiệm khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó ông chuyển sang công tác tại Văn phòng Chính phủ.

Trong khi đó hai cha con ông Nguyễn Cơ Thạch- Phạm Bình Minh đều là nhà hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Cơ Thạch đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Rolang Duyma

Ông Nguyễn Cơ Thạch (phải) đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Rolang Duyma

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao) ông Phạm Bình Minh được điều về Vụ Đào tạo, Bộ Ngoại giao. Con đường ngoại giao chuyên nghiệp của ông bắt đầu từ đây. Ông trưởng thành từ Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh; cán bộ tập sự cấp vụ; Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế; Đại sứ, Phó Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế; Trưởng đoàn đối thoại về nhân quyền với các nước; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng. Từ tháng 8/2007 đến tháng 1/2009 ông là Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ Nhất BCH TƯ Đảng khóa XII. Ông Phạm Bình Minh từng học thạc sỹ Luật và Ngoại giao tại Trường Fletcher Tuft, Hoa Kỳ.

“Con dòng, cháu giống”

Phạm Bình Minh là con út của ông Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương) và bà Phan Thị Phúc. Hai ông bà có 4 người con. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người cha hết sức nghiêm khắc. Ông luôn đòi hỏi các con mình phải tự rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành.

Ông Phạm Tuấn Phan, con trai cả của ông Thạch- bà Phúc, từng kể: “Năm 1971- 1972 có lệnh Tổng động viên, tôi được gọi nhập ngũ khi đang học lớp 10, ở tuổi 17. Dù biết tôi sẽ phải vào chiến trường “đỏ lửa” Quảng Trị, nhưng cha tôi không hề can thiệp. Ông cho rằng dù ông có ở cương vị gì đi chăng nữa thì chúng tôi- các con ông cũng phải có nghĩa vụ phụng sự đất nước như bao người khác. Sau ngày 30/4/1975, khi tôi đang học ở Liên Xô, cha tôi có gọi điện sang một lần và hỏi: “Con có muốn chuyển sang học Ngoại giao không?”. Tôi luôn ngưỡng mộ cha mình và công việc ông làm. Tôi cũng muốn được tiếp tục công việc mà ông theo đuổi. Nhưng lúc đó tôi là người của quân đội cử đi học, nghĩ rằng việc mình chuyển ngành có thể làm mất uy tín của cha, cuối cùng tôi vẫn quyết định ở lại trường Đại học Tổng hợp, dù tôi hiểu cha tôi hằng mong có một người con tiếp nối sự nghiệp của ông. Hai năm sau, em trai tôi, Phạm Bình Minh đã thực hiện được nguyện vọng ấy của cha”.

Còn bà Phan Thị Phúc thì kể: “Năm 1977, khi biết con trai út của chúng tôi thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm rất cao, anh Thạch đã tâm sự với con trai: “Bố rất tâm huyết với công tác ngoại giao và thực lòng mong muốn trong 4 đứa có một người sẽ kế nghiệp”.

Đại gia đình ông Phạm Bình Minh

Đại gia đình ông Phạm Bình Minh

Thế là Phạm Bình Minh trở thành sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế. Câu chuyện này cũng từng được chính Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại. Ông bảo: “Tôi luôn biết ơn bố tôi. Mong muốn của ông đã thôi thúc tôi phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để làm một công việc đầy ý nghĩa”.

Cũng giống như với người con trai cả, ngoài việc chia sẻ với con những kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn khuyến khích Phạm Bình Minh tinh thần tự lập. Bà Phúc kể: “Khi Minh tốt nghiệp, lời khuyên đầu tiên của nhà tôi cho con là “Nếu cơ quan phân công cho con một công việc khó khăn, phức tạp thì không nên từ chối. Những việc khó sẽ giúp con người ta nhanh trưởng thành hơn”. Việc đầu tiên mà con tôi nhận khi trở thành nhân viên Bộ Ngoại giao là công tác ở tổ nhân quyền”.

Cũng theo bà Phúc thì thuở sinh thời ông Nguyễn Cơ Thạch, mặc dù công việc có lúc hết sức căng thẳng, nhưng ông vẫn luôn cố gắng dành mọi thời gian rảnh đề truyền dạy cho con trai mình những kinh nghiệm nghề nghiệp mà ông có, từ những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, kinh nghiệm đàm phán, đến nghệ thuật giao tiếp. “Chồng tôi luôn nói với con trai: “Làm ngoại giao, cái gì không nói được thì không nói, cái gì nói được thì phải nói thẳng, nói đến cùng”- Bà Phúc nhớ lại.

Sẽ là không đúng nếu nói ông Phạm Bình Minh chỉ chịu ảnh hưởng từ cha mình, mà trên thực tế, mẹ ông, mới là người “hun đúc” nên tính cách của ông. Chúng ta hãy nghe bà Phúc kể: “Chồng tôi thường phải đi công tác, có những chuyến công tác kéo dài cả năm trời, nên việc chăm sóc, dạy dỗ các con ngày nhỏ hầu như do tôi đảm nhiệm. Tôi vẫn dạy con, học để phụng sự đất nước, chứ không chỉ biết đến bản thân mình. Tôi yêu cầu các con đọc “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Oxtrốpxki, tôi thường kể cho các con nghe về tấm gương của những người anh hùng dân tộc”.

Mà chả riêng gì ông Minh. Ông Thạch cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bà. Bà Phúc từng tháp tùng ông Thạch chu du khắp thế giới, giúp ông tổng hợp và phân tích những thông tin đáng chú ý, mà vì công việc quá bận rộn không phải lúc nào ông cũng nắm hết được. Theo ông Phan Doãn Nam, trợ lý gần như trọn đời của ông Thạch kể lại rằng, ở năm cuối đời mình, có lần ông Nguyễn Cơ Thạch đã trìu mến nắm chặt tay và nói với vợ: “Sự nghiệp của anh có một nửa là của em”.

Cha “giải vây”- con “hội nhập”

Có thể nói giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta thời hiện đại.Với cương vị Bộ trưởng, ông Thạch cũng là nhà ngoại giao chịu nhiều áp lực nhất của Việt Nam. Giai đoạn ấy Việt Nam vừa phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Nam, vừa phải chống chọi với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cấm vận của Mỹ và bị hầu hết các nước trên thế giới cô lập.

Đó cũng là thời kỳ sự bế tắc trong quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác đối ngoại, đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, mọi quyết sách ngoại giao, mọi gánh nặng trong lĩnh vực đối ngoại đều do ông đảm nhiệm.

Ông Phạm Bình Minh (phải) và Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier (CHLB Đức)

Ông Phạm Bình Minh (phải) và Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier (CHLB Đức)

Những chiến dịch chủ động, mạnh mẽ, đấu tranh dồn dập của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông đã góp phần rất quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia (1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (1995), Mỹ bỏ cấm vận (1994) và thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam (1995).

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Sullivan đã từng nói: “Tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch”. Còn nhà ngoại giao Phan Doãn Nam thì viết: “Trong 11 năm làm Bộ trưởng, chính ông đã là người khởi động, đặt nền móng cho những kết quả ngoại giao vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ông được coi là “Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam”.

Không ở vào giai đoạn bị “bế quan tỏa cảng” như cha mình, nhưng ông Phạm Bình Minh trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao ở thời điểm Việt Nam vươn mạnh mẽ ra “biển lớn”. Có thể nói chưa bao giờ ngoại giao và hợp tác quốc tế của Việt Nam lại đạt được những thành tựu lớn lao như vậy.

Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Việt Nam đã triển khai hiệu quả quan hệ với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để phát triển nội lực hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thành công này có phần đóng góp rất quan trọng của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Bà Đại sứ trong cuộc đời ông Minh

Có một sự trùng hợp khá lý thú nữa là, trong sự thành công của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung và sư nghiệp của ông Phạm Bình Minh nói riêng luôn có bóng dáng của một nhà ngoại giao nữ- bà Nguyễn Nguyệt Nga- vợ ông. Bà học cùng trường với ông Phạm Bình Minh, cũng có hơn 30 năm làm trong ngành ngoại giao, là nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế (Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) ở Bộ Ngoại giao, được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ, là quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM), Phó trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế- thương mại, từng là Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.

Bà Nguyễn Nguyệt Nga - Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Công việc của bà và các đồng nghiệp Vụ Hợp tác kinh tế đa phương là tiên phong trong công cuộc hội nhập về chính sách, đem những ASEAN, ASEM, APEC, WTO, TPP và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) về Việt Nam.

Theo bà Nga thì bà cũng chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ ông Nguyễn Cơ Thạch. Bà nói về người thủ trưởng, đồng thời cũng là bố chồng mình: “Ông là người có phong cách làm việc gần gũi và thiết thực, có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ làm ngoại giao kế cận. Tôi đã học hỏi từ ông nhiều điều. Ông thường căn dặn chúng tôi: “Trung thực và chân thành là điều quyết định tạo nên uy tín của một nhà ngoại giao”.

Mặc dù công việc vô cùng bận rộn, nhưng mỗi khi có mặt ở nhà bà Nga tự tay chăm sóc gia đình. Bà bảo, bà thích nấu ăn, trong nhà bà không có người giúp việc. “Giữa gia đình và công việc, tôi xử lý việc gia đình trước. Gia đình chính là nơi tạo nguồn vui để tôi hoàn thành tốt công việc”- Bà Nga từng kể.

Với việc lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga năm 2001, Việt Nam là một trong 5 nước tiên phong đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Cho tới nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 2 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác. Năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cùng với các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với các nước bạn láng giềng Lào, Campuchia, các nước trong Cộng đồng ASEAN, các khuôn khổ quan hệ này đã góp phần tích cực triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác mọi mặt của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Tổng hợp và biên tập

Từ khóa » Cha Của Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh