Phối Hợp Quản Lý Và điều Hành Kinh Tế Vĩ Mô - Bộ Công Thương

Trước đó, thực hiện Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, ngày 14/12/2014, bốn Bộ bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Công Thương đã ký “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”.

Tại phiên họp, các Bộ đã thống nhất phối hợp thực hiện Bản Quy chế đã ký kết giữa 4 Bộ hướng đến 2 mục tiêu: : Một là góp phần thực hiện tốt Quy chế làm việc của Chính phủ; tăng cường thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước trong từng thời kỳ; Hai là tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng khả năng dự đoán được để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Bản Quy chế cũng đề ra nguyên tắc phối hợp bao gồm: Phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo mục tiêu nhằm đạt được các cân đối kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cân đối thu chi ngân sách, cán cân thương mại và tiêu dùng; Phối hợp chủ động, kịp thời, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa bốn cơ quan trong toàn bộ quy trình nghiện cứu đề xuất, triển khai, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách: tài khóa tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả; Đối với mỗi chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, có một cơ quan trong phạm vi chức năng, thẩm quyền hiện có chủ trì phối hợp với các cơ quan khác để đạt được mục tiêu điều hành. Đảm bảo sự cân đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác; Bảo đảm sự thống nhất với các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến điều hành các chính sách: tài khó, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.

Về phối hợp xây dựng, đề xuất định hướng các mục tiêu kinh tế vĩ mô hàng năm, trung-dài hạn và điều hành thực hiện các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thu chi ngân sách Nhà nước, cán cân thương mại và tiêu dùng; Phối hợp, tham vấn lấy ý kiến, chia sẻ thông tin soạn thảo, thực hiện, theo dõi, đánh giá, giải trình kết quả thực hiện chính sách đầu tư và phân bổ nguồn lực, tiền tệ và tín dụng, tài khóa, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và tiêu dùng; Phối hợp trong việc nâng cao năng lục phân tích, đánh giá, dự báo tác động của các chính sách: đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khóa, thương mại và giá cả đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Bốn Bộ cũng thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tập trung vào tốc độ tăng trưởng GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bao gồm: đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước; vốn tín dụng Nhà nước, đầu tư của các loại hình doanh nghiệp, đối tác công – tư; và tiêu dùng xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, lãi suất ưu đãi tín dụng cho các ngành, lĩnh vực và các vấn đề cần thiết khác; có ý kiến về mục tiêu tăng trưởng GDP, tốc độ tăng tín dụng phát triển, quy mô phát hành vốn trái phiếu Chính phủ, v.v…

Bộ Tài chính cung cấp thông tin về dự toán và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, công tác huy động vốn qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và các kênh huy động khác, kế hoạch và tình hình thực hiện vốn tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng ưu đãi khác của Nhà nước; diễn biến huy động và kết quả huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; dự kiến thay đổi các chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách hàng năm.

Bộ Công Thương cung cấp thông tin về định hướng điều hành xuất nhập khẩu, điều hành thương mại, quản lý thị trường trong nước và các vấn đề cần thiết khác, sản xuất trong nước, trong đó lưu ý đến sản lượng khai thác dầu thô, than…, có ý kiến về tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, tiêu dùng xã hội, v.v… Định kỳ hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Về phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát, trong đó tập trung vào: tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, tổng phương tiện thanh toán, lãi suất, cán cân thanh toán, tỷ giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nhu cầu vốn đầu tư, khả năng huy động và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng nhà nước; có ý kiến về điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng, lãi suất, tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán, cán cân thanh toán và các vấn đề cần thiết khác.

Bộ Tài chính chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin về điều hành giá; cung cấp thông tin về thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá, vốn huy động qua thị trường chứng khoán, quản lý nợ nước ngoài; có ý kiến về điều hành tỷ giá, lãi suất, tổng phương tiện thanh toán và các vấn đề cần thiết khác.

Bộ Công Thương cung cấp thông tin về điều hành xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, điều hành thị trường trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa; có ý kiến về điều hành tỷ giá, cán cân thanh toán và các vấn đề cần thiết khác. Định kỳ hàng quý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát.

Về phối hợp điều hành cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách tài khóa, bao gồm cân đối thu, chi, bội chi Ngân sách Nhà nước; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, tình hình phát triển của các thành phần kinh tế, tổng chi đầu tư toàn xã hội, các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm: cân đối tích lũy - tiêu dùng, cân đối đầu tư - tiết kiệm; có ý kiến về cơ cấu chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, cân đối thu chi ngân sách, nợ công, chính sách thuế, phí. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, cán cân thanh toán...; có ý kiến về xác định lãi suất trái phiếu chính phủ, bố trí ngoại tệ cho chi trả nợ nước ngoài và viện trợ, kết nối hệ thống thanh toán phục vụ hoạt động thu thuế, phí.

Bộ Công Thương cung cấp thông tin về điều hành xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, điều hành thị trường trong nước, lộ trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế...; có ý kiến về điều hành chính sách thuế. Định kỳ hàng quý, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước.

Về phối hợp xây dựng và điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại, Bộ Công Thương chủ trì điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại, trong đó tập trung vào: phát triển thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, cán cân thương mại.

Bộ Tài chính cung cấp thông tin về chính sách thuế xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với các ngành sản xuất gắn với hoạt động xuất nhập khẩu; có ý kiến về điều hành xuất nhập khẩu, điều hành sản xuất và thương mại trong nước và các vấn đề cần thiết khác; cung cấp thông tin tổng hợp, dự báo về thị trường chứng khoán trong nước và một số nước, khu vực chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin tổng hợp, dự báo về kinh tế thế giới, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của một số nước và khu vực chính; cung cấp thông tin trong nước về tăng trưởng kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng...; có ý kiến về điều hành xuất nhập khẩu và thị trường trong nước, v.v...  Mỗi cơ quan thành lập Tổ điều phối với thành phần là đại diện các đơn vị trực thuộc có liên quan, là đầu mối thực hiện.

 

Từ khóa » Mục Tiêu Quản Lý Kinh Tế Vĩ Mô