Phòng Bệnh Lở Loét Trên Cá - Tạp Chí Thủy Sản

Nguyên nhân

Bệnh xuất hiện do nhiều tác nhân gây nên và cho đến nay vẫn chưa có khẳng định tác nhân cơ bản gây nên dịch lở loét này. Tuy nhiên, theo một số tài liệu thì virus được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh lở loét ở cá. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại virus có tên là Rhabdovirus trên cá bị nhiễm bệnh. Loại virus này chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh và ức chế hệ thống miễn dịch. Điều này khiến cá dễ bị tác động bởi các mầm bệnh khác. Sau đó loại bỏ virus trước khi các triệu chứng loét xuất hiện. Bên cạnh đó một số nghiên cứu cũng phân lập được nhóm Binavirus ở gan cá.

Nấm: Nấm Aphanomyces invadans được xem là tác nhân bắt buộc gây ra lở loét và là yếu tố chính tấn công vào các cơ quan nội tạng làm xuất huyết, hoại tử và dẫn đến cái chết của cá khi mắc bệnh. Ngoài ra một số nghiên cứu còn phân lập phát hiện nấm Saprolegnia spp. trong mẫu nội tạng cá.

Vi khuẩn: Một số loài vi khuẩn được phân lập từ các vết loét của cá: Aeromonas hydrophila, Pseudomonas sp… Trong đó vi khuẩn Aeromoas spp. được xem là nhóm vi khuẩn bản địa luôn hiện diện trong môi trường nước ngọt, chúng là những tác nhân cơ hội, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể cá và gây hại.

Snakehead Rhadovirus (SHRV) được phân lập từ cá lóc nhiễm bệnh lở loét. Ảnh: Sưu tầm

Ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng đơn bào cũng được phát hiện khi cá mắc bệnh như trùng quả dưa, trùng loa kèn, trùng bánh xe, sán lá đơn chủ… Chúng có thể làm cá bị tổn thương vào tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.

Đặc biệt, các yếu tố môi trường: nhiệt độ, chất lượng nước, môi trường dinh dưỡng, các sản phẩm trao đổi chất của các cũng như sự ô nhiễm công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong môi trường nước cũng góp phần làm giảm sức đề kháng của cá, từ đó làm cá dễ bị nhiễm bệnh.

Đặc điểm dịch tễ

Bệnh lở loét ở cá có thể lây lan nhanh chóng. Hiện có hơn 100 loài cá dễ mắc bệnh, bao gồm cá tự nhiên, cá nước ngọt và cá nước lợ. Một số loại cá nhạy cảm cao với dịch bệnh như cá lóc, cá trôi, cá trê hay cá chép… Do khả năng lây lan qua dòng nước nên cá mang mầm bệnh sẽ di chuyển khắp các ao nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời.

Thời gian nhiễm bệnh phụ thuộc vào loại cá, khí hậu và chất lượng nước. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước thấp.

Dấu hiệu

Dấu hiệu đầu tiên là cá bỏ ăn, hoạt động chậm chạp, khi bơi thường ngoi đầu hoại tử lên trên mặt nước. Da cá chuyển sang màu đen, xám, các đốm trắng hoặc đỏ xuất hiện trên thân, đầu, vây và đuôi. Sau đó xuất hiện các vết loét trên những bộ phận đó, các vết này lan rộng ra và sâu hơn, tạo thành những vết loét lớn và xuất huyết. Trong trường hợp cá bệnh nặng, các vết loét lõm sâu tới xương và gây hoại tử cơ.  Xuất huyết vùng hậu môn.

Phòng bệnh

Bệnh do nhiều tác nhân gây ra cùng với mức độ lan truyền nhanh chóng, nên công tác phòng trừ bệnh gặp rất nhiều khó khăn, vì thế chúng được xem là một trong bệnh nguy hiểm nhất trên cá nuôi tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng (Bùi Quang Tề, 2006). Do đó, đối với bệnh lở loét thì cần có biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Điển hình đó là lựa chọn cá loài cá có khả năng kháng bệnh cao. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần có các biện pháp ngăn chặn nấm vào trong ao như:

Tẩy dọn ao nuôi trước mỗi vụ, để ao nuôi luôn sạch sẽ;

Trong quá trình nuôi, nên định kỳ 2 tuần/lần hòa vôi (CaO) toé đều khắp ao. Liều lượng tốt nhất để sử dụng đó là 2 kg/100 m3 nước. Vôi sẽ có tác dụng rất tốt trong khử trùng ao nuôi. Đồng thời cung cấp nguồn canxi và có thể khử chua đất phèn hiệu quả. Người nuôi cũng có thể thay thế vôi bằng Chlorine 1 ppm;

Đàn cá giống trước khi thả cần được tắm NaCl 2 – 3% trong 5 – 15 phút để khử trùng tác nhân bên ngoài;

Trong quá trình nuôi, tránh những tác động cơ học làm tổn thương đến cơ thể của cá;

Vào thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh, nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

Thái Thuận

Từ khóa » Cá Bị Loét Thân