Phòng Mạch Cho Thú Cưng - Sở Nông Nghiệp Và PTTT Hà Nội

Phòng khám cho “khách hàng bốn chân”

Là một bác sĩ thú y, với hơn 12 năm kinh nghiệm công tác trong ngành chăn nuôi và thú y của Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương Thúy hiện công tác tại Trạm chăn nuôi và thú y huyện Hoài Đức cho biết: Tại Hoài Đức cũng như nhiều huyện ngoại thành như Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh,...., chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó, khi đời sống của người dân ngày càng nâng cao nên nhu cầu nuôi thú cưng tăng lên. Các phòng khám thú cưng, cửa hàng kinh doanh thức ăn, phụ kiện chó mèo, dịch vụ spa cho chó mèo ngày một nhiều. Đã có khá nhiều thú y cơ sở tự học hỏi nâng cao tay nghề trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị thú cưng để tăng thu nhập.

Anh Đinh Ngọc Dũng làm chủ phòng mạch và đồng thời là Giám đốc Bệnh xá thú y D – H có trụ sở tại số 24 Bùi Bằng Đoàn, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết thêm: “Các phòng khám nhỏ thường có khoảng từ 3 - 4 nhân viên, trong khi phòng khám lớn, phải cần đến hàng chục người mới có thể làm hết việc”. “Khách hàng” hầu hết là chó, mèo, các vật nuôi khác thì rất ít. Phòng khám lớn, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt, còn phòng nhỏ thường có khoảng một vài chục lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày”.

Qua khảo sát, một số phòng khám thú y, các bệnh của chó, mèo rất đa dạng: bệnh về đường ruột, hô hấp, sản khoa, care, parvo, bị tai nạn, gãy chân, chấn thương,… Giá dịch vụ cho mỗi lượt khám chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Tuy nhiên, kinh phí điều trị mới là những khoản đáng kể, với những bệnh phải điều trị lâu, tiền mua thuốc, tiêm, truyền,... lên tới vài triệu đồng.

Các phòng khám thú y cũng nhận điều trị nội trú “khách hàng bốn chân” để theo dõi hàng ngày, “viện phí” phải trả từ 200.000 đồng/ngày hoặc lên tới tiền triệu đồng/ngày tùy thuộc từng loại bệnh. Khác với suy nghĩ của nhiều người, việc khám chữa bệnh cho chó, mèo khá nguy hiểm. Theo chị Thúy và anh Dũng, số đông các “khách hàng bốn chân” đến “bệnh viện” đều tỏ ra khá hiền lành, thân thiện và hợp tác trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị thú y rất vất vả, các bác sỹ thú y cần có lòng yêu nghề, yêu chó mèo, tân huyết , tận tụy với công việc mới có thể gặt hái thành công.

Cơ hội việc làm và khởi nghiệp

Nhu cầu tạo ra thị trường, nhiều cơ sở chăn nuôi, nhân giống để cung cấp các loại chó cảnh cho người có nhu cầu cũng ngày một ra tăng. Với những người “mát tay”, chó cảnh dù nuôi chơi, nhưng cũng có khả năng sinh sản khá cao đem lại nguồn thu nhập. Chính vì vậy, công việc của các bác sĩ, hộ lý tại các phòng khám thú y là khá bận rộn. Ngoài khám chữa bệnh tại phòng khám, họ còn đến tận nhà để theo dõi, hỗ trợ quá trình phối giống, sinh sản, tiêm phòng, cắt tỉa lông, móng và những công việc đặc thù khác. Bên cạnh đó, nhiều phòng khám còn có dịch vụ đi kèm để trông giữ chó mèo cho chủ nhà vào những dịp như: tết đến xuân về, nghỉ lễ, công tác hay đi du lịch.

Nghề thú y trình độ trung cấp đã có thể tham gia vào khám chữa bệnh cho chó, mèo. Thu nhập của người mới vào nghề dao động khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, bởi công việc chỉ đơn giản như tiêm, truyền, cho chó, mèo uống thuốc,... Theo thời gian và kinh nghiệm làm việc thực tế, mức thu nhập cũng sẽ tăng thêm. Đối với bác sĩ, công việc có tính chất chuyên môn cao hơn, nên mức thu nhập đương nhiên sẽ khác hẳn. Trình độ cao đẳng trở lên là được phép mở phòng khám, khi đó người làm nghề sẽ đứng ra kinh doanh, tự quyết định mức thu nhập của mình.

Điều trị bệnh cho chó, mèo chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ chương trình đào tạo ngành thú y. Tại nông thôn, công việc của bác sĩ thú y chủ yếu trong trang trại, chăn nuôi lợn, gà, vịt, trâu, bò, nuôi cá, tôm,… Tuy nhiên, ở Hà Nội cũng như các thành phố có nhịp sống đô thị sôi động, nơi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các thú cưng ngày càng hiện hữu, thì phòng mạch thú cưng từ lúc nào đã trở thành các cơ hội việc làm hấp dẫn trong ngành chăn nuôi thú y./.

Từ khóa » Hội Yêu Chó Mèo Hà Nội