Phòng Ngừa đột Quỵ Theo Bài Thuốc Dân Gian Có Hiệu Quả Không?

Người Việt thường truyền tai nhau những bài thuốc dân gian để chữa một số bệnh, trong đó có ngừa đột quỵ. Vậy liệu những bài thuốc đó có ngăn ngừa đột hiệu quả như lời đồn? TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM sẽ giải đáp câu hỏi này.

Phòng ngừa đột quỵ theo bài thuốc dân gian có hiệu quả không?
1. Những bài thuốc dân gian có giúp ngừa đột quỵ?

Đại dịch COVID-19 xảy ra, các vấn đề sức khỏe càng được quan tâm nhiều hơn. Thời gian giãn cách mọi người càng có thời gian học hỏi theo hướng dẫn trên mạng các phương pháp để bảo vệ sức khỏe hay làm đẹp.

Trong đó, có một số phương thuốc được cho là giúp phòng ngừa đột quỵ rất dễ làm, chẳng hạn như ngâm chuối xiêm (chuối sứ) với chanh và đường phèn; tỏi, gừng, chanh xay nhuyễn nấu với giấm táo, mật ong để uống mỗi ngày. BS có ý kiến thế nào về bài thuốc này?

TS.BS Trần Chí Cường:

Bài thuốc ngâm chuối xiêm (chuối sứ) với chanh và đường phèn hay tỏi, gừng, chanh xay nhuyễn nấu với giấm táo, mật ong là những thực phẩm được sử dụng hàng ngày.

Theo Tây y, bài thuốc này có ý nghĩa bồi bổ cơ thể là chính, giúp người bệnh thay đổi khẩu vị ăn chứ không có nghiên cứu nào chứng minh rằng nó giảm nguy cơ mắc đột quỵ và COVID-19.

Do đó, chúng tôi chỉ coi đó là thực phẩm chức năng mà người bệnh có thể sử dụng được.

2. Uống thuốc aspirin mỗi ngày có ngăn ngừa đột quỵ được không?

Cũng khá nhiều người truyền tai nhau là mỗi ngày uống 1 viên aspirin để ngừa đột quỵ, quan điểm của BS về phương pháp này như thế nào ạ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Đột quỵ bao gồm xuất huyết não (20%) và nhồi máu não (80%).

Vì việc uống thuốc aspirin chỉ ngăn sự hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu. Nên thuốc aspirin chỉ có tác dụng điều trị cục máu đông chứ không có vai trò phòng ngừa xuất huyết não và dị dạng mạch máu não.

Đây là loại thuốc khá phổ biến, có hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim.

Nếu bệnh nhân muốn sử dụng thuốc aspirin lâu dài thì phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đánh giá mức độ lợi, hại trên từng người bệnh.

Ví dụ, bệnh nhân đang bị bệnh có liên quan đến gia tăng nguy cơ xuất huyết như phình mạch máu não, dị tật mạch máu não. Nếu sử dụng aspirin lâu dài, chẳng may vỡ túi phình, vỡ dị dạng mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ nặng sẽ gia tăng.

Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc aspirin, không phải tất cả mọi người đều có thể sử dụng.

Trước khi sử dụng aspirin chúng ta nên loại trừ những bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, bệnh trĩ xuất huyết, bệnh nhân nhạy cảm với aspirin; vì có thể gây gia tăng xuất huyết trên bệnh lý nền.

3. Phòng ngừa đột quỵ trong đại dịch COVID-19 sao cho đúng nhất?

Nhờ BS đưa ra chỉ dẫn về phòng ngừa đột quỵ trong đại dịch COVID-19 sao cho đúng nhất?

TS.BS Trần Chí Cường:

Cách dự phòng đột quỵ hiệu quả nhất là phòng ngừa từ xa, nhận biết sớm và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa từ xa, chúng ta cần kiểm soát tất cả nguy cơ do thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn nhiều chất béo, ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Những thói quen này có thể dẫn đến tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao. Đây chính là những bệnh lý nền gây đột quỵ.

Bệnh nhân cần tích cực vận động, tránh thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng, stress.

Khi chúng ta đã có bệnh lý nền thì phải kiểm soát tốt bệnh. Khi có dấu hiệu bất thường như tê yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng, nói khó, ngất xỉu thoáng qua, chúng ta cần đi tầm soát đột quỵ để điều trị kịp thời, tránh trường hợp xảy ra đột quỵ rồi mới chữa.

Hiện nay, mặc dù truyền thông mạnh mẽ nhưng bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng rất thấp. Khi có dấu hiệu đột quỵ như mặt méo, yếu liệt tay chân một bên, nói đớ, nói ngọng hoặc không nói được, chúng ta cần gọi ngay cấp cứu để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Trong đại dịch COVID-19, chúng ta cần tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế về phòng chống dịch như khẩu hiệu 5K.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cần tránh những thói quen khiến hệ miễn dịch suy yếu như hút thuốc, uống rượu bia, căng thẳng quá mức. Bởi nếu chẳng may mắc COVID-19, bệnh sẽ tiến triển nặng nề.

Từ khóa » Chuối đường Phèn Và Chanh